Chủ Nhật, 2 tháng 6, 2013

Suy thoái kinh tế - buồn vui lẫn lộn

Suy thoái kinh tế - buồn vui lẫn lộn
Kinh tế suy thoái ảnh hưởng đến mọi tầng lớp dân cư. Không chỉ các sinh viên mới ra trường mà ngay cả những người từng có việc làm, có kinh nghiệm cũng bị mất việc hoặc công việc trở nên bấp bênh. Giữa thời buổi khó khăn, người lớn tất bật, lo toan kiếm việc làm để có thêm thu nhập, thì không ít đứa trẻ lại lộ rõ vẻ vui mừng vì được ở bên bố mẹ nhiều hơn. Những bữa cơm gia đình cũng vì thế mà đông đủ hơn.
Thời điểm kinh tế đang thịnh, tại các thành phố lớn, gia đình nào cũng mải miết đi làm. Hầu hết công việc gia đình đều giao cho người giúp việc, từ chăm sóc con cái đến chợ búa, cơm nước thường ngày. Nhưng khi nền kinh tế lâm vào cảnh khó khăn. Hàng nghìn doanh nghiệp phá sản. Nhiều cơ quan cắt giảm biên chế. Người có việc thì cũng không nhiều và bận rộn như trước. Vì thế, họ có nhiều thời gian ở nhà hơn. Không ít đứa nhỏ lấy làm vui mừng lắm bởi chúng nhận được sự chăm sóc từ bố mẹ.

Chị Lan (Mễ Trì, Từ Liêm, Hà Nội), nhân viên một công ty truyền thông lớn chia sẻ. Trước đây, công việc của chị rất bận rộn. Chị phải thường xuyên vắng nhà nên công việc gia đình và chăm sóc đứa con nhỏ 5 tuổi đều giao hết cho chị giúp việc. Chồng chị cũng đi công tác liên miên. Cả tháng cũng chỉ ở nhà được vài bữa. Lúc đi làm thì con chưa dậy. Lúc về đến nhà thì cháu đã ngủ. Lâu dần, cháu cũng chẳng còn nhớ mẹ nữa mà lúc nào cũng chỉ quấn quýt chị giúp việc.

Nhưng từ đầu năm đến nay, tình hình kinh tế khó khăn, công ty chị ít việc hơn. Những buổi tiệc tùng, sự kiện không nhiều như trước nữa. Nguồn thu nhập giảm nhiều, chị quyết định sẽ dành nhiều thời gian chăm sóc con và tạm thời để chị giúp việc về quê. Lúc đầu, cháu còn lạ vì đã quen với chị giúp việc. Nhưng sau một thời gian, con chị vui lắm, lúc nào cũng quấn quýt bên mẹ và đòi mẹ cho đi chơi.

Tuy nhiên, chị Lan buồn rầu “nếu cứ ở nhà mãi thế này cũng không được. Vì ở Hà Nội, hễ bước chân ra khỏi cửa là mất tiền. Với thu nhập của chồng cùng đồng lương cầm chừng của tôi, cuộc sống gia đình cũng hơi chật vật”. Hiện nay, chị Lan vẫn đang cố gắng kiếm thêm những việc tay trái để cầm cự trong thời buổi kinh tế khó khăn.

Anh Luyện (Thanh Oai, Hà Nội), kỹ sư xây dựng, cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Công việc đòi hỏi anh phải thường xuyên đi theo công trình. Vì thế, số ngày anh ở nhà với gia đình chỉ đếm trên đầu ngón tay. Vì vậy, mỗi lần về thăm con, chúng nó cứ bám riết chẳng muốn cho bố đi.

Tuy nhiên, gần nửa năm nay, do bất động sản đóng băng, căn hộ không bán được khiến các dự án của công ty bị đình trệ. Công việc của anh thất thường hơn. Các dự án, công trình đều dang dở do không được rót thêm vốn. Không còn phải chạy theo công trình nhiều như trước, anh có nhiều thời gian ở nhà. Trong khi vợ chồng anh buồn rầu, lo lắng, thì bọn trẻ lại vui mừng. Chúng không hiểu được nỗi lo cơm áo, gạo tiền mà bố mẹ chúng đang phải trải qua. Sự hưng phấn của chúng lên đến tột độ. Lúc nào cũng đòi bố đưa đi chơi chỗ này, chỗ kia. Đi đâu chúng cũng đòi bố đi cùng. Mỗi bữa cơm có đủ cả bố và mẹ khiến chúng ăn ngon và vui vẻ hơn trước. Anh Luyện chia sẻ: “Chúng còn quá nhỏ để hiểu được áp lực của người lớn trong giai đoạn này”.

Không chỉ lao động trí thức, những gia đình lao động bình thường ở vùng thôn quê cũng bị ảnh hưởng nặng nề từ suy thoái kinh tế. Người lớn lo, trẻ con đứa biết thì cũng chẳng vui, còn đứa nhỏ lại không giấu được nỗi vui mừng.

Cô Tâm (Mỹ Hào, Hưng Yên), công nhân may đang làm việc trong Khu công nghiệp Phố Nối đã bị công ty tạm cho nghỉ việc mấy tháng nay do hoạt động sản xuất gặp nhiều khó khăn. Người vui mừng nhất khi biết tin này chính là đứa con trai đang học lớp 7 của cô. Bởi từ nay, thằng bé không phải nấu cơm, rửa bát thay mẹ nữa cũng không phải chịu cảnh mấy bố con ngồi bên mâm cơm đợi mẹ đến tối muộn mới về. Từ giờ, nó sẽ được chạy chơi thỏa thích cùng đám bạn mà ko phải lo bữa cơm trưa, cơm tối.

Kinh tế khó khăn cũng ảnh hưởng không nhỏ đến gia đình vợ chồng chị Hoa (Bình Giang, Hải Dương) và nhiều gia đình khác ở quê chị. Ngoài vụ cấy, vụ gặt với vài sào ruộng, phần lớn người dân ở đây đều đi làm thợ xây và phu hồ. Sáng sáng, vợ chồng nhà nào nhà nấy chở nhau đi làm đến tận tối mới về. Mọi việc nhà đều do con cái tự chăm lo.

Để con cái có được cuộc sống đầy đủ, sung túc hơn, chị Hoa theo chồng làm thợ phụ. Mỗi ngày, hai vợ chồng đi làm từ 6h sáng đến 6h tối mới về. Toàn bộ việc gia đình, cơm nước và lo cho hai đứa nhỏ đều giao phó cho đứa con gái lớn đang học lớp 10. Ngoài việc phải chăm lo cơm nước cho hai em nhỏ, con gái lớn còn phải chăm thêm đàn lợn 10 con của gia đình. Thấy con vất vả, nhưng chị cũng chẳng biết làm sao. Tất cả cũng chỉ vì muốn cho con cái được ăn học đầy đủ, được bằng bạn bằng bè. Chị Hoa cho biết: “Mỗi tối đi làm về, nhìn hai thằng nhỏ mặt mày lem luốc thấy cũng tội, song cũng vì con cái nên mới phải vậy”.

Nhưng từ hơn một năm nay, công việc không nhiều như trước. Chị đành ở nhà. Ban đầu, con gái lớn của chị vui lắm. Nó không còn phải vất vả như trước nữa mà chỉ tập trung vào việc học. Hai đứa bé được ăn uống đầy đủ hơn, nên béo tốt và vui vẻ hơn. Tuy thu nhập có sụt giảm nhiều, nhưng bù lại con cái đỡ nhem nhuốc hơn. Bữa cơm gia đình tuy không sung túc, nhưng lại đầm ấm.

Cháu Linh (con gái lớn chị Hoa) kể với giọng buồn buồn: “Ngày trước, cháu chỉ thích trời mưa, vì hôm nào trời mưa thì bố mẹ mới nghỉ làm ở nhà. Chỉ những lúc như thế cả nhà cháu mới được đông đủ. Nhưng mấy tháng nay, mẹ nghỉ làm ở nhà, bố thì hôm làm hôm nghỉ. Lúc đầu, cháu cũng thấy vui vì không phải làm nhiều việc nhà như trước nữa. Nhưng thấy bố mẹ lúc nào cũng lo lắng vì không có tiền, cháu cũng thấy nản. Giờ cháu lại mong bố mẹ lại có việc làm như trước. Cháu có vất vả thêm chút cũng không sao”.

Tuy nhiên, chẳng ai trách bọn trẻ. Chúng chỉ là những đứa bé hồn nhiên và trong sáng. Trong đầu chúng chẳng có chút khái niệm về tiền bạc. Cái mà chúng cần là tình yêu thương, sự chăm sóc của cha mẹ, một mái ấm gia đình đúng nghĩa. Đó mới là những thứ quan trọng giúp bồi đắp và nuôi lớn tâm hồn trẻ thơ.

Trần Yến

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét