Thứ Hai, 17 tháng 6, 2013

Chuột ngoại và Chuột nội

Chó cũng như người, qua biên giới là ngôn ngữ bất đồng. Một con kêu "chít... chít", con kia thì kêu "chét... chét". Biết chúng là chuột nội và chuột ngoại nhưng ngặt nỗi là không biết con nào là ngoại, con nào là nội ! Đọc bài này mới biết con kêu "chít... chít" là chuột ngoại; chẳng trách thấy nó được vợ quý hơn so với con nội.

Chuột “ngoại” và xóm chuột nội địa
Được sự giới thiệu từ một người bạn, chúng tôi theo chân anh Trương Tấn Khang (37 tuổi, ngụ tổ 25, ấp Bình Chánh, xã Bình Long, Châu Phú, An Giang) đi mua chuột. Để có món thịt chuột khoái khẩu đáp ứng nhu cầu thị trường, nhiều bạn hàng đã chạy đôn chạy đáo tìm mua. Chuột nội địa không đủ cung cấp, thương lái tìm đến chuột “ngoại”…
14 giờ chiều, chúng tôi xuất phát lên xã Khánh Bình (An Phú). Anh Khang chạy chiếc xe Honđa cà tàng, phía sau ràng 4 chiếc lồng chuột loại lớn. Anh cho biết, mỗi chiếc lồng có thể chứa 20kg chuột. Bình thường anh chở từ 6-8 chiếc, nhưng hôm nay có chuột sớm, anh tranh thủ chở một ít về nhà trước để kịp làm thịt. Phía sau, chiếc xe tải nhỏ của gia đình anh cũng thẳng đường sang biên giới.
Anh Khang chuẩn bị chở chuột về.


Địa điểm dừng chân của anh là khu vực xã Chray Thom, huyện Co Thum, tỉnh Kandal (Campuchia). Nhiều chiếc xe Honda chở đầy chuột chạy ngược chiều, báo hiệu cho anh Khang biết hôm nay “hàng” có sớm. “Bình thường 6-7 giờ tối chuột mới được chở về. Mình qua lấy hàng phải đợi khá lâu, nhất là mấy chiếc xe tải” – anh Khang cho biết.

Sau vài lời trao đổi ngắn gọn, anh Khang loay hoay tháo dỡ các lồng chuột trống xuống xe, rồi lần lượt mở cửa lồng để đám chuột từ những chiếc lồng của bạn hàng chạy qua. Để chúng “di chuyển” nhanh chóng hơn, nhiều người dùng những vỏ chai nhựa cắt đôi chà xát phía trên lồng, tạo ra tiếng động “rột rạt” khiến lũ chuột sợ mà bỏ chạy theo quán tính.

Khi những chú chuột to khỏe, còn sức đã chạy sang lồng mới, trong chiếc lồng cũ còn lại một ít xác chuột. Các bạn hàng giải thích, chắc do trời nóng, lại nhiều chuột chen chúc nên con nào yếu sẽ dễ bị “ngộp”. Số phận chúng sẽ vẫn bị bán, bị xẻ thịt cho trăn, cá ăn, nhưng với giá “mềm” hơn (từ 8.000 - 10.000 đồng/kg).

Chú Đoàn Văn Vùng, 62 tuổi, người Việt định cư ở khu vực trên cho biết: “Tôi theo nghề đã mấy chục năm nay. Trung bình mỗi ngày, tôi thu mua và bán lại cho bạn hàng khoảng 5 tấn chuột cơm và cống nhum. Thời gian gần đây, có tin đồn chuột cắn chết người nên giá mua bán cũng bị giảm theo, từ 33.000 chỉ còn trên 20.000 đồng/kg, mà vẫn còn khả năng giảm nữa. Việc mua bán chuột cực lắm, mà lợi nhuận cũng không ổn định.

Tôi có một số đầu mối bắt chuột bằng đặt rập ngoài đồng, chủ yếu là người dân Campuchia. Mỗi đêm, họ đặt bẫy ở những khu vực đồng vắng, rồi dựng lều trại ngủ. Khoảng 9 giờ đêm, 3 giờ sáng, họ thức dậy thăm bẫy. Nói thì nghe nhẹ nhàng vậy, chứ họ thường xuyên phải đối mặt với việc bị rắn cắn, thậm chí phải bỏ mạng, vì đồng ruộng của Campuchia nằm cạnh rừng núi hoang sơ. Đến 5-6 giờ chiều, họ tranh thủ về đến biên giới để cân lại cho bạn hàng.

Đám chuột này cũng khó chăm sóc lắm. Chỉ cần 1-2 ngày không có thức ăn hay nước uống là chúng bị ngộp rồi. Sở dĩ hôm nay có chuột sớm là do hôm qua không có hàng, họ đợi đến hôm nay được kha khá mới chở về. Thành ra chuột bị ngợp nhiều hơn… Trừ mọi chi phí, mỗi ký chuột, tôi chỉ còn lời 500 đồng. Là đầu mối trung gian nên phần lợi nhuận của tôi không cao. Theo nghề lâu nhưng cũng không dư dả gì. Tôi chỉ làm nghề này phụ thêm thu nhập, còn nghề chính vẫn là làm rẫy”.

Cuộc trò chuyện giữa chúng tôi bị gián đoạn bởi tiếng reo hò của lũ trẻ. Vài con chuột “đào tẩu” khỏi lồng, bị đám trẻ ùa theo bắt lại. Những con chuột ấy sẽ được coi là “chiến lợi phẩm”, đám trẻ đem về nhà chuẩn bị cơm chiều. Đến lúc cao điểm “hàng” về, khu vực biên giới trở nên nhộn nhịp, như một phiên chợ thực sự.

Trên đường về, đám chuột trong lồng cứ kêu “chít chít”, ngọ nguậy suốt. Anh Khang dẫn đường đưa chúng tôi trở về xóm chuột nổi tiếng ở xã Bình Long (Châu Phú). Đây là nơi anh và hàng chục hộ dân sinh sống bằng nghề chuột. Gọi là nghề chuột chỉ mang tính khái quát, bởi hộ dân của 3 ấp lân cận trong xã (Bình Chiến, Bình Chánh, Bình Thuận) có cách thức kiếm sống từ chuột khác nhau: Khoảng 70 hộ trực tiếp đi bắt, đặt rập chuột (trong nội địa); hơn 150 nhân khẩu làm thịt chuột; hàng chục bạn hàng trung gian mua bán thịt chuột; một số khác lại làm rập chuột… Chuột trở thành con vật nuôi sống họ, mang lại thu nhập ổn định và công việc cho lao động nhàn rỗi địa phương.

Chỉ ít phút sau khi anh Khang đem chuột về, hàng chục nhân công đã có mặt, chuẩn bị sẵn sàng cho công việc quen thuộc. Như một dây chuyền công nghiệp, họ chia nhỏ công việc theo từng công đoạn: Đập đầu, lột da, móc ruột, chặt đuôi, ướp nước đá… Anh Khang cho biết, tùy theo số lượng chuột hàng ngày mà gia đình anh trả công cho nhân công từ 20.000 – 50.000 đồng. Cộng tất cả chi phí lại, anh bán chuột thành phẩm với giá từ 30.000 – 50.000 đồng/kg. Vợ anh cũng tham gia vào quá trình làm thịt chuột. Chị bẻ cong từng con chuột lại, tròn như hòn bi ve rồi đặt cẩn thận, ngay ngắn vào thùng nước đá để ướp.

Dường như anh Khang và những người kinh doanh chuột ở khu vực rất ngại nói về lợi nhuận của mình. Họ chỉ nói chung chung: “Lời đủ ăn, vài chục đến vài trăm nghìn mỗi ngày”.

Một công đoạn làm thịt chuột.

Ông Hà Liêm, cán bộ Tư pháp xã Bình Long cho biết, xóm chuột đã hình thành khá lâu đời, từ lúc một vài hộ vừa bắt chuột để ăn vừa bán lại, đến kinh doanh theo quy mô lớn. “Phải nói rằng, nghề chuột này vô duyên lắm. Có người thu nhập vài trăm triệu/năm, phất lên thấy rõ. Có người lại thua lỗ dần, phải nợ nần chồng chất. Việc mua bán dựa vào sự chênh lệch giá cả chuột nội địa và chuột ngoại nhập về. Nếu may mắn đưa về, bạn hàng đồng ý mua liền thì cầm chắc thắng. Nhưng chỉ cần chậm chân một chút, bạn hàng mua chuột của người khác thì mình phải rọng chuột lại 1 đêm. Chuột chết nhiều thì càng lỗ. Những mối mua bán lớn dễ ép giá các bạn hàng nhỏ lẻ… Thành ra, cùng làm một nghề, nhưng mức thu nhập của họ lại khác nhau”.

Phó Chủ tịch UBND xã Bình Long Nguyễn Hoàng Khanh chia sẻ thêm: “Địa phương đang có hướng vận động người dân thành lập làng nghề để hưởng chế độ ưu đãi theo quy định. Đồng thời, vận động họ thực hiện giết mổ chuột phải đảm bảo vệ sinh môi trường như xử lý chất thải, chất phụ phẩm…”.

Tuy nhiên, khi chúng tôi hỏi về mối lo chuột ngoại có đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, UBND xã Bình Long cho rằng, chuột không nằm trong danh mục kiểm dịch, không cấm nhập và cũng không nghe nói có bệnh dịch gì. Chính từ sự bỏ ngõ của các cơ quan chức năng, hàng tấn chuột ngoại “du ký” về An Giang mỗi ngày, mang theo hương vị đặc sắc lẫn sự bất an mơ hồ cho người tiêu dùng…

Theo VẠN LỘC (An Giang Online)
http://nld.com.vn/20130615114313626p0c1201/chuot-ngoai-va-xom-chuot-noi-dia.htm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét