Thứ Hai, 17 tháng 6, 2013

(2) Doanh nghiệp Việt Nam tại Lào có phá rừng, cướp đất...?

Doanh nghiệp Việt Nam tại Lào có phá rừng, cướp đất...?
Lào là quốc gia duy nhất ở Đông Nam Á không tiếp giáp với biển. Nhưng với hàng loạt cửa khẩu dọc biên giới với Việt Nam, sẽ là những cửa ngõ thuận lợi nhất để Lào hướng ra biển, hoà nhập với thế giới.
 
Rừng nghèo kiệt ở huyện Bachiang, Champasak (Lào)
giờ đã được phủ xanh bởi những cánh rừng caosu.
Khi “hành lang kinh tế” Đông - Tây chưa thật sự tận dụng hết các lợi thế về địa lý, thì Việt Nam và Lào kết thành “hành lang” thuận lợi nhất cho sự phát triển kinh tế của cả khu vực...
Bài 2: Việt Nam - cửa ngõ ra biển của Lào
Từ thủ đô Vientiane xuôi về miền nam, chúng tôi chứng kiến sự phát triển sôi động của các đô thị Savanakhet, Pakse, Attapeu do nhiều doanh nghiệp Việt Nam, và Việt kiều xây dựng. Các miền quê của xứ sở khô cằn phía nam cao nguyên Boloven, giờ đã được phủ màu xanh no ấm. Nhưng hình ảnh để lại ấn tượng và xúc động nhất vẫn là những cánh rừng sườn tây dãy Trường Sơn - bức tường thành, phên giậu của tổ quốc Việt Nam. 

Nếu trong cuộc chiến tranh Việt Nam, suốt dọc dải rừng biên giới của 4 tỉnh nam Lào, đã giúp quân dân VN mở đường mòn Hồ Chí Minh, tiếp viện kháng chiến, giải phóng miền Nam, thì nay - trên địa bàn 4 tỉnh nam Lào này, có ít nhất 4 cửa khẩu quốc tế, để Lào nối với thế giới qua các cảng biển của Việt Nam. Liền kề dãy Trường Sơn là những vùng nguyên liệu mía đường, caosu mà các doanh nghiệp Việt Nam đã phủ xanh. Lào đang xem Việt Nam là cửa ngõ để bước ra biển, hoà nhập với thế giới, khi quốc gia này vừa gia nhập WTO vào tháng 10.2012.

Theo Tham tán thương mại Việt Nam tại Lào, Chính phủ Lào đang nỗ lực phát triển kinh tế trong nước, chuyển biến hình thức tự cung tự cấp sang nền kinh tế sản xuất hàng hoá... Song điều ấy đang khó đối với Lào - một đất nước còn yếu về nhân lực, trình độ công nghiệp. Chính vì thế, làn sóng đầu tư nước ngoài vào Lào thời gian gần đây đã góp phần quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở các địa phương. Riêng các tỉnh miền Trung và Nam Lào, đã và đang thu hút rất nhiều các nhà đầu tư đến từ Việt Nam.

Hiện Việt Nam đứng thứ 3 trong số 52 quốc gia đầu tư vào Lào, với kim ngạch thương mại song phương đạt gần 1 tỉ USD. Xu hướng này đang phát triển nhanh, được Chính phủ Lào khuyến khích, bởi phần lớn các dự án đầu tư của Việt Nam đều thực hiện đúng tiến độ, hiệu quả, góp phần tăng trưởng kinh tế, giải quyết nhiều việc làm cho người dân địa phương...

Trên đường đến thăm các nông trường caosu ở huyện Ba Chiang (tỉnh Champasak), Phó Giám đốc Cty cao su Việt Lào - ông Nguyễn Phương Nam - kể với chúng tôi: “Trước đây, vùng đất này người dân trồng lúa là chính, canh tác theo du canh đốt rẫy, năng suất rất thấp. Cây lâu năm có cà phê, cây ăn quả, trồng rải rác nhưng hiệu quả cũng chẳng cao, vì thế chăn nuôi là thu nhập chính của hộ gia đình, nhưng quy mô nhỏ lẻ nên thu nhập thấp. Rừng nguyên sinh của khu vực đã biến mất từ lâu.

Chính phủ Lào vào những năm 1980, đã có phát động chiến dịch quốc gia trồng cây. Tại vùng này nhân dân và các nhà đầu tư trồng cây ăn quả, cây mảy sắc và cây bạch đàn, nhưng đã thất bại. Chính vì thế, chính quyền hài lòng với sự đầu tư hiệu quả từ các doanh nghiệp Việt Nam, khiến đời sống người dân được nâng cao. Từ 2012, các dự án caosu bắt đầu thu hoạch, diện mạo kinh tế các tỉnh nam Lào thay đổi hẳn vì đã có sản xuất công nghiệp, chế biến, xuất khẩu hàng hóa...

Khác với Attapeu, người dân ở Champasak có cuộc sống định cư, thu nhập và nhà ở ổn định. Chính vì thế, Cty caosu Việt Lào không phải xây hàng loạt 2.000 nhà để cấp miễn phí cho công nhân như cách làm của HAGL, mà xây từng cụm, mỗi nơi chừng 50 nhà theo các nông trường, và chỉ cấp cho những gia đình CN tiêu biểu. Đấy cũng là cách phát động thi đua hiệu quả nhất.

Cty cao su Việt Lào xây dựng nhà mới, cấp 
miễn phí cho những hộ công nhân sản xuất giỏi

Anh Páo - công nhân cạo mủ ở Nông trường 2, Cty caosu Việt Lào - cho biết: “Trước gia đình em ở trong bản xa, không có điện, không có nước, đường thì có nhưng chỉ đi bộ thôi. Ở đó mọi người đều giống nhau là gạo ở dưới ruộng, thức ăn dưới suối và trong rừng. Giờ bố em làm công nhân, 3 anh em cũng làm công nhân, cuộc sống đã tốt hơn nhiều rồi, cả nhà ra ở làng công nhân, có đường lớn, có điện, có nước máy, cây xanh, mát mẻ. Nhờ tiền lương, nhà em đã sắm tivi, tủ lạnh, 3 chiếc xe máy, điện thoại mỗi người một chiếc...”.

Bộ trưởng Nông - Lâm nghiệp Lào Vylayvanh cho rằng, với các dự án của HAGL, Tập đoàn Caosu Việt Nam, không chỉ giúp các tỉnh nam Lào tăng mạnh GDP, đột phá về kim ngạch xuất khẩu, mà quan trọng hơn là xuất khẩu hàng hóa mang thương hiệu Lào.

“Các nước khác cũng đầu tư rất nhiều dự án nông nghiệp tại Lào, nhưng hàng hóa xuất khẩu lại mang thương hiệu của nước họ. Hiện Bộ Nông - Lâm Lào đàm phán với các quốc gia này để xuất khẩu mặt hàng ngô mang thương hiệu, xuất xứ từ Lào. Về trình độ canh tác và tiềm lực tài chính, các dự án của HAGL hơn hẳn các nước khác. Nhờ vậy, dù trồng trên đất rừng khộp khô cằn, tầng canh tác mỏng nhưng 30.000ha caosu của HAGL đúng 5 năm là cho khai thác mủ.

Nam Lào cất cánh

Đại sứ Việt Nam tại Lào - ông Nguyễn Mạnh Hùng - cho biết: “Đại sứ quán Việt Nam đánh giá các dự án của những nhà đầu tư Việt Nam có hiệu quả rất cao cả về kinh tế, xã hội, chính trị. Tháng 2.2013, khi HAGL khánh thành nhà máy chế biến mủ caosu và nhà máy đường tại Attapeu, phó thủ tướng của hai nước đến dự. Tại đây, Bí thư -Tỉnh trưởng Attapeu Khămphăn đã có bài phát biểu mà tôi cho là đã khái quát được ý nghĩa to lớn của các dự án này.

Ông Khămphăn nói rằng, đến nay, ước mơ ngàn đời của người dân Attapeu đã thành hiện thực. Đó là chuyển đổi lối sống du canh du cư, săn bắt hái lượm sang phương thức sản xuất công nghiệp, hiện đại. Đó là cảnh quan, môi trường mà HAGL đã phủ xanh cao su bạt ngàn lên những cánh rừng từng bị tàn phá bởi bom đạn, chất độc hóa học của Mỹ rải xuống. Dự án của HAGL còn giúp bạn làm sạch bom mìn. Với các dự án này, HAGL đã tạo điều kiện giúp người dân hiện thực ước mơ về sự phát triển. Chỉ riêng năm 2012, GDP của tỉnh đã tăng 38% - một tốc độ chưa từng có trong lịch sử tỉnh này.

Hơn 10.000ha caosu của HAGL ở Attapeu đã bắt đầu khai thác mủ. ảnh: Thanh Hải

Một ước mơ nữa đã thành hiện thực là, cơ sở hạ tầng với hệ thống đường sá, bệnh viện, trường học mọc lên khắp nơi. Trước đó, tỉnh Attapeu chỉ toàn đường đất, cả tỉnh lỵ không có lấy một nhà hàng, khách sạn cho ra hồn. Nay đường tốt tới đâu, nhà cửa mọc theo đến đó. Tại lễ khánh thành các nhà máy, Tỉnh trưởng Khămphăn đã cảm ơn hai đảng, hai chính phủ và các nhà đầu tư Việt Nam”. Đại sứ Nguyễn Mạnh Hùng kể, Phó Thủ tướng Lào Somsavad Lensavad cũng nói rằng, HAGL (viết tắt) theo cách hiểu của người Lào, giờ chính là “Hoàng Anh giúp Lào”.

Chúng tôi băn khoăn rằng, chỉ cần kể lại trung thực chuyện các nhà đầu tư Việt Nam đã giúp nước bạn Lào như thế nào, đã là bài toán khó. Đại sứ Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ: “Vì nếu không có một mối quan hệ hữu nghị đặc biệt, một tình cảm đặc biệt và lâu bền giữa hai dân tộc Việt - Lào, thì rất khó có những sự giúp đỡ vô tư, không toan tính lợi nhuận của các doanh nghiệp Việt Nam tại Lào lâu nay”.

Tham tán thương mại Việt Nam tại Lào - ông Trần Bảo Giám - cho rằng, muốn kêu gọi đầu tư thì Chính phủ phải hoàn thiện hạ tầng. Nhưng với hệ thống hạ tầng trị giá hàng chục triệu USD, thì HAGL đã thay Chính phủ Lào, giúp Attapeu kêu gọi đầu tư. Chỉ trong vài năm gần đây, thu nhập bình quân của người dân Attapeu từ cuối hàng đã vươn lên bằng mức bình quân cả nước, tăng đến 195% so với trước.

Trong một vài năm tới, khi toàn bộ diện tích caosu của HAGL đưa vào khai thác, số lao động địa phương được giải quyết việc làm sẽ lên tới 20.000 người. Lúc đó kim ngạch xuất khẩu của địa phương sẽ lên tới 400 triệu USD/năm, đóng góp rất lớn cho ngân sách, thúc đẩy sự phát triển của địa phương. Giá trị sản xuất vài trăm USD/ha/năm của người dân Attapeu chỉ là chuyện dĩ vãng để người già kể lại cho con cháu nghe thôi. Tỉnh trưởng Attapeu Khămphăn khẳng định: Cái được của người dân và chính quyền từ các dự án đầu tư của Việt Nam là rất lớn. Attapeu đang thay đổi từng ngày. Attapeu đang cất cánh.

Nguồn: Báo Lao động Online

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét