Thứ Hai, 6 tháng 5, 2013

Tỷ lệ thất nghiệp: “Thêm một số 0 vẫn đúng”

Tỷ lệ thất nghiệp: “Thêm một số 0 vẫn đúng”
Vẫn là những con số thống kê khá cũ, song lo ngại đã được đẩy lên một cấp độ mới... “72 nghìn doanh nghiệp đang ốm yếu” / Con số thất nghiệp chắc chắn “có vấn đề” / Con số thất nghiệp “ngoài dự đoán”
Con số thất nghiệp thực sự tại Việt Nam hiện nay vẫn đang là vấn đề gây tranh cãi.
NGUYỄN LÊ Phó chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, đại biểu Bùi Sỹ Lợi khi tham gia phiên họp thẩm tra báo cáo kinh tế xã hội của Chính phủ do Ủy ban Kinh tế tổ chức mới đây, đã nhấn mạnh rằng ông rất băn khoăn về số liệu khi nhìn vào hệ thống chỉ tiêu được nêu tại báo cáo này.
Và con số được ông chọn để phân tích cũng nằm trong quan ngại của không ít đại biểu, ở các cơ quan khác nhau của Quốc hội. Đó là số lao động được tạo việc làm và tỷ lệ thất nghiệp của lực lượng lao động ở thành thị.

Theo báo cáo của Chính phủ, các con số về GDP, tổng số vốn đầu tư phát triển toàn xã hội thực hiện năm 2012 đều giảm so với số đã báo cáo Quốc hội tại kỳ họp cuối năm ngoái. Riêng số lao động được tạo việc làm lại tăng (1,52 triệu/1,515 triệu) và tỷ lệ thất nghiệp giảm khá nhiều (từ 3,63 xuống 3,25%).

Liên quan đến các con số này, ngay từ đầu năm 2009, Phó chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội khóa 12, ông Đặng Như Lợi khi trao đổi với VnEconomy đã quả quyết con số tạo việc làm mới không có cơ sở cả về lý thuyết và thực tiễn, khi tăng trưởng kinh tế giảm, sản xuất kinh doanh kém hiệu quả nhưng việc làm vẫn cứ tăng.

Tròn một năm trước, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Tp.HCM, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, đại biểu Trần Du Lịch cũng nói với Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Cao Viết Sinh là “không bao giờ tin con số giải quyết việc làm năm nào cũng 1,5 - 1,6 triệu”.
Bởi, vấn đề này đã được đại biểu Lịch nêu tại Quốc hội nhiệm kỳ trước, và câu trả lời của nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc khi đó là: “Việt Nam không tính được bao nhiêu việc làm mới tạo ra trong một năm”.

Ông Lịch đã kiến nghị Chính phủ bằng các công cụ kỹ thuật phải tính chính xác được số lao động được tạo việc làm mới, còn nếu kinh tế cỡ nào cũng giải quyết việc làm cỡ 1,5 - 1,6 triệu thì Quốc hội quyết làm gì chỉ tiêu này.

Tại bản tin kinh tế vĩ mô do Ủy ban Kinh tế phát hành trung tuần tháng 3 năm nay, sự vận động trái chiều khi nền kinh tế được đánh giá là suy giảm, song số liệu điều tra của Tổng cục Thống kê qua ba chỉ số chính: tỷ lệ thất nghiệp; tỷ lệ thiếu việc làm và thu nhập, tiền lương vẫn được “cải thiện nhẹ” được nhấn mạnh là “nằm ngoài dự đoán của các chuyên gia phân tích” và “khó lý giải trong bối cảnh khu vực doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn”.

Trao đổi với VnEconomy tại thời điểm đó, Phó chủ nhiệm Bùi Sỹ Lợi cũng cho rằng các con số về tiền lương, thất nghiệp đều có vấn đề. Và số lao động được tạo việc làm mới hoàn toàn chỉ khoảng 1,2 triệu chứ không thể là 1,6 triệu.

Với cả quá trình theo dõi liên tục, ở phiên thẩm tra nói trên, đại biểu Bùi Sỹ Lợi nêu ra hàng loạt con số: GDP tăng trưởng cao nhất vào 2006 là 8,23%, thấp nhất là 2012 là 5,03%; tỷ lệ vốn đầu tư toàn xã hội đỉnh cao là 2007 với 46,5% , 2012 còn 28,5%; doanh nghiệp liên tục khó khăn giảm sút giải thể, đỉnh cao cũng rơi vào 2012, nhưng giải quyết việc làm giảm không đáng kể, vẫn là 1,52 triệu người.

Quả quyết “đây là vấn đề”, ông Lợi tiếp tục bày tỏ sự rất băn khoăn khi con số thất nghiệp cũng giảm đi, còn có 3,25% (chỉ tiêu Quốc hội quyết là 4%).

“Rất đáng lưu ý là tỷ lệ của lao động khu vực phi chính thức liên tục tăng lên so các năm, 2010 có 34,6% đến 2012 là 36,6% , điều này nói lên là lao động khu vực chính thức mất việc làm chuyển dần qua khu vực phi chính thức, nhưng giải quyết việc làm vẫn đảm bảo”, ông Lợi phát biểu.

Đồng ý với đại biểu Bùi Sỹ Lợi, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách Bùi Đức Thụ cho rằng làm sao có thể đạt được chỉ tieu giải quyết việc làm khi tỷ lệ vốn đầu tư toàn xã hội chỉ còn 28,5 %, thấp nhất nhiều năm gần đây. Rồi tăng trưởng cũng giảm, một loạt các chỉ tiêu khác không đạt. “Cần làm rõ để có cơ sở hoạch định chính sách cho phù hợp”, ông Thụ đề nghị.

Cộng thêm thực tế từ chính doanh nghiệp mình, Ủy viên Ủy ban Kinh tế, Chủ tịch Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) Trần Xuân Hòa quả quyết, con số thất nghiệp “hoàn toàn không chính xác, nếu thêm một số 0 vào vẫn được như thường”.

Ông Hòa nói, nếu tiến hành tái cơ cấu thì chỉ riêng TKV đã dôi dư 40 - 50 nghìn người, và nguồn lực để chuyển công việc cho họ là vấn đề xã hội phải lo, chứ một mình tập đoàn không lo được.

Bàn thì cứ bàn nhưng số liệu không đủ niềm tin thì chính sách sẽ chệch hướng hết. Nhấn mạnh điều này, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Phúc nhắc lại đề nghị Chính phủ rà soát lại số liệu và tiêu chí đánh giá các chỉ tiêu của nhiều chuyên gia kinh tế.
"Một cán bộ cục thống kê địa phương gặp tôi ở nước ngoài thì thầm là địa phương cũng chỉ đạo sửa số liệu được", ông Phúc kể.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu nói, chỉ riêng huyện của một tỉnh miền Tây mà ông ứng cử đại biểu Quốc hội năm 2012 có 1.500 lao động đi lao động ở Tp.HCM về quê vì không có việc làm, quý 1/2013 thêm 1.000 người mất việc nữa, và mất việc nhiều thì sẽ sinh ra tệ nạn xã hội.

“Đích thân tôi đi rất nhiều tỉnh miền Tây, không đồng chí nào kêu với tôi là thất nghiệp gây xáo trộn ảnh hưởng gì đến nông thôn miền Tây, vì lao động cho nhu cầu của địa phương còn thiếu”, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Thanh Hòa hồi âm ngay.

Ông Hòa cũng khẳng định 1,52 triệu lao động được tạo việc làm của 2012 tại báo cáo Chính phủ là con số hợp lý, thấp hơn số của các địa phương thống kê lên. "Cũng có tình trạng mất việc chỗ này đi làm ở chỗ khác, mấy chục nghìn các doanh nghiệp ngừng hoạt động, giải thể là siêu nhỏ thôi, số lượng lao động không lớn, trong khi các doanh nghiệp đăng ký tuyển mới rất nhiều", ông Hòa lý giải.

Tỷ lệ thất nghiệp 3,25% cũng được ông Hòa khẳng định là “đáng tin cậy”.

Đồng tình với Thứ trưởng Hoà, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn nhận định nhìn chung nhu cầu việc làm vẫn cao, các khu vực hút lao động khá lớn là xuất khẩu, chế biến nông sản, và khối FDI.

Quý 1/2013, thu ngân sách chung từ nền kinh tế tăng 4,8% so với cùng kỳ năm ngoái thì riêng FDI tăng 28%, vẫn duy trì tăng việc làm, ông Tuấn thông tin thêm.


http://vneconomy.vn/20130503101553663P0C9920/ty-le-that-nghiep-them-mot-so-0-van-dung.htm

 Bình luận (8)
Các ý kiến bạn đọc được đăng tải không nhất thiết phản ánh quan điểm của Tòa soạn. VnEconomy có thể biên tập lại ý kiến của bạn nếu cần thiết. Đang hiển thị 8/8 bình luận.

  • Tôi là người tham gia trực tiếp vào tính con số đó ở địa phương, tỉ lệ thất nghiệp phải được hiểu là người có nhu cầu việc làm nhưng thể nào tìm được việc làm, khác với khái niệm người tìm được việc làm không phù hợp với trình độ chuyên môn của mình,khái niệm có việc làm hiện nay đã làm theo khái niêmk quốc tế đó là chỉ cần trong 7 ngày có 1h làm ra thu nhập là tính có việc làm. 

    Điều tranh cãi hiện đó là thiếu việc làm (có thu nhập nhưng chưa đủ cho cuộc sống) và thất nghiệp (ko có việc làm và không có thu nhập),do vậy đã nói ở trên, tỉ lệ thất nghiệp giảm,nhưng chuyển từ khu vực chính thức sang phi chính thức, có nghĩa là người lao động trong các DN bị thôi việc phải chuyển sang làm nông nghiệp, xe ôm, bán báo, thu nhặt phế liệu tăng lên. 

    Khi sử dụng con số phải rất cận trọng về phạm vi, cách tính, tránh việc không ko nắm rõ khái niệm mà đưa ra ý kiến theo cách nghĩ của mình, vì hiện nay qui định về khái niệm và phạm vi theo đúng qui định của tổ chức ILO thế giới.
    15:18 (GMT+7) - Thứ Bảy, 4/5/2013Trả lờiThích
  • Thực ra không cần phải là cán bộ trực tiếp thống kê,mà chỉ cần theo cảm nhận của tất cả chúng ta thấy con số thất nghiệp 3,25% là hết sức vô lí,nó quá nhỏ so với thực tế. 

    Có lẽ bây giờ nếu đồng chí nào cho rằng con số đó đúng thì phải nêu căn cứ, và phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về tính xác thực của con số. 

    Ngay một sự sai lầm quá lớn của các con số thì không có gì ngạc nhiên khi các chính sách của chúng ta luôn "lạc quan" so với tình hình thực tế!
    20:19 (GMT+7) - Thứ Sáu, 3/5/2013Trả lờiThích4 người thích bình luận này
  • Một thứ hiện diện bất động như số nhà mà cũng loạn thì đừng có mơ đến số việc làm tạo ra, tỷ lệ thất nghiệp,...
    16:23 (GMT+7) - Thứ Sáu, 3/5/2013Trả lờiThích5 người thích bình luận này
  • Tôi thấy tiêu đề bài này rất đúng. Con số thống kê công bố tại VN cần phải xem xét lại mới phục vụ cho công tác hoạch định chính sách sát thực được chứ cứ như hiện nay thì thật khó biết đâu mà lường.
    Đơn cử như gia đình tôi có 3 người trong độ tuổi lao động (mà là lao động có đào tạo qua đại học hẳn hoi) mà có tới 2 người thất nghiệp rồi. Nếu suy rộng ra, thấy xung quanh cũng nhiều người thất nghiệp thì thấy con số thông kê trên là sai bét !!!,
    15:20 (GMT+7) - Thứ Sáu, 3/5/2013Trả lờiThích14 người thích bình luận này
  • Chào mọi người, 

    Mình là một sinh viên mới ra trường, mình đi phỏng vấn 10 công ty thì được 9 công ty nhận, 3 công ty nhận tại chỗ. Vậy tại sao điều này xảy ra, mình suy nghĩ thì thấy một điều là bạn đã học được gì khi đang ngồi trên ghế đại học, mọi người sẽ giải quyết được vấn đề việc làm nếu đổi mới phương pháp và nội dung học, tới lúc đi làm bây giờ mình chưa thể áp dụng một kiến thức của nhà trường vào công việc, chủ yếu là phải do bản thân học thêm, đi làm thêm nhiều...đó là một phần, một phần khác là tiếng anh, tiếng anh bạn phải đủ khả năng giao tiếp đọc "hiểu" tài liệu nước ngoài bấy nhiêu đó thôi là bạn sẽ kiếm được một công việc tốt, doanh nghiệp bên ngoài đòi hỏi một người ra trường có trình độ có khả năng, chứ không phải tới công ty rồi mới học mới tìm hiểu.
    12:24 (GMT+7) - Thứ Sáu, 3/5/2013Trả lờiThích3 người thích bình luận này
  • Với mỗi vấn đề, đứng ở góc nhìn khác nhau có thể giải thích nhiều cái "tại sao?" một cách khá bất ngờ.
    - Tại sao người Việt "sính" hàng ngoại? Vì họ chưa đánh giá cao hệ thống đánh giá và quản lý tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa VN!
    - Tại sao các thông tin chính thống được công bố nhiều khi không được đánh giá cao; Trong khi nhiều tin "vỉa hè" lại ảnh hưởng đến TTCK như vậy? Bởi vì thói quen thành tích "năm sau cao hơn năm trước" trong các báo cáo thống kê của ban ngành các cấp của ta vẫn còn ngầm được coi trọng.
    - Tại sao nhiều nhiều "giải pháp" kinh tế đã được đề cập nhưng mãi chưa được thể chế thành "biện pháp" cụ thể? Vì nhiều "giải pháp" chỉ có thể dựa vào lượng các thông tin đầu vào "tương đối đáng tin cậy" nên khi "biện pháp" chấp chới ra là "bất cập" đã xuất hiện liền rồi.
    ...và còn nhiều nữa!
    11:58 (GMT+7) - Thứ Sáu, 3/5/2013Trả lờiThích3 người thích bình luận này
  • Việt Nam ta con số thất nghiệp ra truờng đến 50% cũng không phải lo đơn giản là vì tính tự lập rất và thích ứng vươn lên trong nghề nghiệp rất cao. Không làm việc này thì việc khác và cuối cùng chưa thấy ai trong số những người năm trước bỏ việc năm sau vẫn thất nghiệp cả, không làm được ở thành phố thì rời sang ở ngoại thành, không ở được ngoại thành thì chuyển về vùng quê, miền núi và vẫn tiếp tục vươn lên. Học hành và đại học ở ta chỉ là khái niệm tương đối phần lớn học chỉ là vì sĩ diện bằng bạn bằng bè chứ không phải vì công việc, cho nên khi ra trường một thời gian không xin được việc phù hợp là phải làm việc theo đúng sở trường ban đầu của mình.
    11:52 (GMT+7) - Thứ Sáu, 3/5/2013Trả lờiThích3 người thích bình luận này
  • thất nghiệp cao là chuyện bình thường ở VN bởi vì người VN sống theo gia đình, cùng kinh doanh tiểu thương chứ không theo văn hóa phương Tây là mỗi cá nhân sống độc lập, làm việc kiếm sống tự chủ chi tiêu.
    Do đó, thất nghiệp cao không phải là dấu hiệu xấu ở VN ! Ko có gì phải lo
    !
    11:17 (GMT+7) - Thứ Sáu, 3/5/2013Trả

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét