"Gia vị" tẩm ướp của Trung Quốc
Một cán bộ thú y công tác trong lĩnh vực vệ sinh an toàn thực phẩm cho biết: Chế biến thịt bò khô từ khâu đầu đến khâu cuối đều sử dụng… hóa chất để tẩy rửa, tẩm ướp. Như khâu làm sạch, người ta ngâm nguyên liệu “thịt bò” vào thùng hóa chất có thuốc tẩy trắng, sau đó đem ra tẩm ướp các loại “gia vị” công nghiệp gồm hương liệu, màu sắc… rồi sấy khô trước khi mang bán. Nhưng điều đáng nói là “gia vị” tẩm ướp đó không có nguồn gốc xuất xứ, không có thành phần cụ thể, chỉ biết chung chung là của Trung Quốc, được bán với giá rất… bèo ở nhiều chợ lớn.
Như vậy dễ thấy phần lớn thịt bò khô bán trên thị trường hiện nay chắc chắn đều là bò khô… “lởm”.
“Tẩm” cả thuốc sâu
Như bò khô, nhiều loại ẩm thực khô khác như nai khô, cá chỉ vàng khô, đà điểu khô cũng chế biến tương tự. Kể cả mực khô, đặc sản truyền thống của miền biển. Nhiều người tưởng rằng, mực khô chỉ là mực tươi ướp muối rồi phơi nắng là xong. Thế nhưng không phải vậy, bây giờ lại càng không phải vậy. Theo quy trình mà một kỹ sư trong ngành chế biến thủy sản chia sẻ: Khi chế biến thủy sản bao giờ cũng sử dụng clorin, một hóa chất rất mạnh để tẩy rửa nguyên liệu. Mạnh đến nỗi chỉ cần rớt vào quần áo, hóa chất này có thể làm quần áo rách luôn. Tuy nhiên, ở những cơ sở chế biến có quy mô lớn, clorin được kiểm soát rất chặt chẽ. Còn ở những cơ sở nhỏ lẻ thì người ta cho vô tội vạ, không theo quy tắc nào, cứ thích trắng bao nhiêu là cho bấy nhiêu. Vậy mà những cơ sở nhỏ lẻ ấy đến nay phát triển ngày càng nhiều dẫn đến không thể kiểm soát lượng clorin trong chế biến thủy sản, nhất là ở những “vựa” hải sản như Vũng Tàu, Thanh Hóa, Hà Tĩnh…
Sau khi “tẩy” xong, mực còn được “tắm” lưu huỳnh hay còn gọi là diêm sinh để cho có màu vàng óng trông bắt mắt. Để “ngon” nữa thì người ta “tẩm ướp” chất sorbitol để tạo độ ngọt, bóng. Bác sĩ Nguyễn Xuân Mai, Phó viện trưởng Viện Vệ sinh y tế công cộng TP Hồ Chí Minh còn phát biểu với báo giới: Vào mùa mưa, chính mắt ông thực mục sở thị người ta dùng nước tẩy nền nhà có tên là P3 để tẩy cá khô bị nấm, mốc hoặc một loại nước pha hóa chất nổi bong bong như nước xà phòng. Thậm chí cả thuốc trừ sâu bifenthrin (nhóm hoa cúc) cũng được sử dụng trong bảo quản các loại cá khô, mực khô… Chưa kể đến thuốc diệt kiến, côn trùng cũng được phun, xịt liên tục (sau khi đã sấy khô thành thành phẩm) để chống dán, kiến… Riêng tôm khô, để có màu đỏ au trông hấp dẫn, người ta còn “nhuộm” hóa chất công nghiệp không rõ nguồn gốc có màu đỏ. Và tôm càng rẻ tiền do bị vụn, nát… thì càng được “chăm sóc” kỹ càng...
Nguy hại khôn lường
Theo ông Vương Trường Giang, Trưởng phòng Quản lý thuốc bảo vệ thực vật, Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, những hóa chất sử dụng trong chế biến thủy sản đều rất độc hại. Chất bifenthrin chẳng hạn, là hóa chất có tác dụng trị sâu khoang trên cây lạc, diệt muỗi, thuộc nhóm độc 2. Nó có độc tính cao với các loại cá, do chất này khó tan trong nước nên đọng lại trong lớp bùn và ảnh hưởng đến các loài cá tầng đáy. Cơ chế độc của bifenthrin là vì sự ức chế một loại men cho nên loại men này không cân bằng được lượng ôxy dẫn đến cá sẽ chết. Nói vậy để thấy đây là chất cực độc, nếu vào cơ thể con người với hàm lượng vượt quá mức cho phép thì không những gây ngộ độc mà còn làm cho con người tăng mẫn cảm với âm thanh và rung động, ảnh hưởng đến AND và gene, thậm chí gây ung thư…
Cá khô hiện nay đều được "tẩm" hóa chất để bảo quản
Cơ quan Bảo vệ Môi sinh (EPA) của Mỹ từng cảnh báo: “Bifenthrin thuộc nhóm C trong phân loại các chất gây ung thư. Với chức năng gây ức chế tế bào T, bifenthrin có thể làm viêm và gây các bệnh tự miễn như hen suyễn, viêm khớp…”. Liều độc cấp tính của hóa chất này là: 0,328mg/kg thể trọng/ngày, còn độc mãn tính là 0,013mg/kg thể trọng/ngày. Trong khi theo kết quả phân tích của Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia, Bộ Y tế, đối với mẫu mực khô, cá khô, cá nục hấp bán ở Hà Nội và nhiều tỉnh miền Bắc khác có nguồn gốc từ Tĩnh Gia, Thanh Hóa, bifenthrin đều vượt ngưỡng cho phép khi hàm lượng là 1,04mg/kg đối với cá mực khô và 0,054mg/kg đối với cá nục hấp sấy (cá đồ).
Hay như chất sorbitol để “tẩm ướp” mực khô, cá chỉ vàng… cũng là hóa chất độc hại có thể gây nguy hiểm đến tính mạng con người, nhất là trong trường hợp nồng độ vượt quá 3,5g/kg cá khô. Tuy nhiên, hiện nay các mẫu mực khô, cá khô, các chuyên gia về an toàn vệ sinh thực phẩm không dám bảo đảm chỉ số này mà theo dự báo vượt hơn ngưỡng cho phép đó.
Bác sĩ Nguyễn Xuân Mai nhận định: “Bản thân các loại thủy sản sau khi chết khoảng vài giờ là bị phân hủy lập tức. Trong quá trình phân hủy đó, đạm của cá, tôm… sẽ tạo ra histamine, là chất chuyển hóa dở dang của đạm (trong thủy sản). Nếu bảo quản không tốt, không đúng phương pháp trên cơ sở khoa học vừa an toàn cho người sử dụng vừa bảo đảm cho thủy sản thì lượng histamine này càng tăng càng tạo thêm độc tố cho cá. Trong trường hợp tẩm ướp thêm cả “gia vị” hóa chất hay phun thuốc diệt kiến, muỗi… nhằm bảo quản thì trong sản phẩm lúc nào cũng sẵn có cả “gói độc chất” ẩn chứa, gây nguy hiểm tiềm tàng cho sức khỏe của con người về lâu dài, đặc biệt là đối với các cơ quan nội tạng”.
Xuân Bách
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét