Thứ Ba, 21 tháng 5, 2013

Lạm phát mục tiêu có áp dụng được ở Việt Nam?

Lạm phát mục tiêu có áp dụng được ở Việt Nam?
Phan Minh Ngọc: Hôm trước, ở trong entry về Vinacomin, có đồng chí bạn đọc hỏi tớ về lạm phát mục tiêu (theo tớ thì dùng mục tiêu lạm phát là chuẩn hơn khi dịch từ tiếng Anh cụm từ "inflation target"). Tớ đã trả lời, và nhớ lại mình cũng đã viết về vấn đề này từ năm 2006 đăng trên tạp chí Tia sáng, với câu trả lời là: (i) chưa nên áp dụng mục tiêu lạm phát ở Việt Nam hiện nay, nếu chỉ vì lo ngại rằng lạm phát sẽ tác động tiêu cực đến tốc độ tăng trưởng (vì lý thuyết và thực tế chưa có bằng chứng rõ ràng), (ii) dù muốn cũng chưa thể áp dụng được mục tiêu lạm phát ở VN trong hoàn cảnh hiện nay vì một số điều kiện tiên quyết để áp dung nó chưa được thỏa mãn (tính độc lập của NHNN, tỷ giá linh hoạt, chưa tự do hóa thị trường tài chính). Để tiện bạn đọc theo dõi, tớ post lại tất cả lên đây. Mời các đồng chí xem và comment.
I. Câu hỏi của bạn đọc
Anonymous19 May 2013 06:41
.... Bữa nay, mấy bác ở VN tổ chức cái hội thảo về lạm phát mục tiêu, em cũng quan tâm vụ này, nhưng thật lòng ko biết NHTW các nước xác định mức lạm phát mục tiêu này như thế nào. Họ chỉ ước lượng định tính rồi công bố và thực hiện này có phương pháp kinh tế lượng thế nào. Còn ở VN, chưa có con số này, giờ muốn tính lạm phát kỳ vọng dựa trên lạm phát thực tế hay dựa trên con số quốc hội duyệt hàng năm ko bác nhỉ, cách tính thế nào. Bác giúp em cũng là giúp nhiều người quan tâm nhưng bí rị đấy bác ạ.

II. Trả lời của tớ

Tớ nghĩ cách làm của VN rất đơn giản, xác định áng chừng theo thời thế, xu thế, áp lực của dư luận/Quốc hội theo thời điểm, hoặc đơn giản hơn, nhiều khi là do cách hiểu sai/ngớ ngẩn của NHNN hay của Quốc hội, Chính phủ v.v...

Chẳng hạn trước đây GDP vẫn còn khả năng tăng trưởng trên 7%/năm thì, do hiểu sai, người ta nghĩ lạm phát phải không cao quá 7%/năm, vì cho rằng nếu cao hơn thì có nghĩa tăng trưởng GDP "không còn ý nghĩa". Họ không nói thẳng thế nào là "không có ý nghĩa", nhưng tớ hiểu ý của họ cho rằng như vậy có nghĩa là tăng trưởng như thế là tăng trưởng thực tế ÂM. Các đồng chí chắc biết họ sai ở chỗ nào chứ?

Nay thì tăng trưởng GDP khó mà vọt lên được mức như xưa, trái lại mức tăng trưởng GDP 5% là hiện thực có vẻ gần gũi hơn. Nhưng ngay cả ở mức tăng trưởng GDP thấp vậy mà lạm phát theo kế hoạch, hoặc có thể gọi/hiểu là lạm phát mục tiêu theo như cách hiểu của VN (tớ đoán thế, mặc dù tớ chẳng hiểu NHNN hay QH định nghĩa nó là cái gì) cũng khó dưới mức 6%-7%. Thực tế này đòi hỏi người ta phải xem xét lại quan hệ giữa GDP mục tiêu và lạm phát mục tiêu, chấp nhận việc lạm phát mục tiêu có thể phải cao hơn tăng trưởng GDP mục tiêu/thực tế.

Thế còn nên đặt lạm phát mục tiêu là 6% hay 7% thì lại cũng là điều hết sức cảm tính, lựa thời cơ mà phán xét. Càng gần về cuối năm, nếu thấy mục tiêu GDP và lạm phát khó đạt được thì người ta càng có xu hướng kêu gọi nới lỏng/sửa đổi lại lạm phát mục tiêu v.v...

Tóm lại, cái gọi là lạm phát mục tiêu, về bản chất là lạm phát theo kế hoạch (kiểu như tăng trưởng GDP theo kế hoạch), và hoàn toàn linh động, biến thiên theo tình huống, theo ý muốn chủ quan của những người hoạch định chính sách hoặc đơn giản hơn, của những người thích can thiệp, có quyền can thiệp, ví dụ như Quốc hội hoặc đảng.

Kinh tế lượng nếu có được dùng trong việc xác định lạm phát mục tiêu thì tớ nghĩ chắc chỉ có khả năng là dùng để tính mối quan hệ tuyến tính giữa tăng trưởng GDP và lạm phát ở VN (chẳng hạn GDP tăng trưởng 1% thì lạm phát tăng x%, hoặc ngược lại) dựa trên số liệu lịch sử của GDP và lạm phát, có thể cùng với một số biến kinh tế khác, để từ đó vạch ra, chẳng hạn GDP năm nay kế hoạch là 6% thì lạm phát sẽ là/phải là 7% hoặc 8% v.v... Nhưng đương nhiên là tớ không nghĩ mối quan hệ mà họ tìm ra nhờ kinh tế lượng như vậy, nếu có, là chuẩn xác, có ý nghĩa, luôn đúng mọi năm. Vì thế đã và tất sẽ có sự điều chỉnh lạm phát mục tiêu theo cảm tính theo thậm chí là hàng quý, nửa năm, và hàng năm, cho dù tăng trưởng GDP dự tính vẫn là một con số nào đó đặt ra từ trước đó.
III. Bài tớ đăng trên tạp chí Tia sáng 20/6/2006
link (dead): http://www.tiasang.com.vn/news?id=588
Một link khác ở đây: http://niemtin.free.fr/lamphat.htm
--------------------

Lạm phát, mục tiêu lạm phát và tăng trưởng kinh tế
Thực chất của quan hệ giữa lạm phát với năng suất và tăng trưởng là thế nào? Mục tiêu lạm phát (MTLP) có phải là điều kiện cần trong chính sách tiền tệ không? Bài viết này sẽ cung cấp những cơ sở lý luận và kết quả thực chứng cho những vấn đề này và liên hệ với Việt Nam.
Trong quan niệm của nhiều người, lạm phát có ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế vì làm giảm năng suất lao động. Lạm phát bóp méo mức độ khan hiếm tương đối (phản ánh qua giá cả) của các nguồn lực sản xuất và do đó bóp méo các quyết định đầu tư và sự phân bổ các nguồn lực khan hiếm này. Lạm phát còn làm giảm mức khấu trừ thực tế cho phép trong thuế doanh nghiệp đối với khấu hao tài sản cố định và làm tăng giá thuê tư bản, do đó làm giảm tích lũy vốn, dẫn đến giảm năng suất. Hàm lượng thông tin liên quan đến biến động giá cả giảm đi kể cả trong thời kỳ lạm phát ổn định. Như vậy, các nhà đầu tư thường có xu hướng mắc lỗi trong quyết định của mình và chọn những “gói” yếu tố sản xuất không phải là tối ưu, làm giảm hiệu quả kinh tế và, do đó, giảm năng suất.

Tuy nhiên, không ít người lại lập luận rằng lạm phát ở một mức nhẹ lại có tác dụng tích cực đến tăng trưởng kinh tế. Chẳng hạn, nhà kinh tế học nổi tiếng Tobin cho rằng lạm phát làm cho nhà đầu tư tái phân bổ danh mục đầu tư của mình từ tiền sang chứng khoán, làm giảm lãi suất thực tế và do đó làm tăng đầu tư và nâng cao năng suất lao động. Ông lập luận thêm rằng “một chút lạm phát giúp bôi trơn nền kinh tế” vì nó giúp thị trường lao động điều chỉnh cho phù hợp. Một số khác cũng chỉ ra rằng nhu cầu tăng lên ổn định sẽ gây ra lạm phát ở mức nhẹ, là cái mà thực ra lại làm tăng, chứ không phải giảm, năng suất lao động và, do đó, tăng tốc độ tăng trưởng. Vì thế, động thái nhằm đạt mức lạm phát bằng 0 chẳng qua là chính sách trả trước ngay bây giờ cho nhiều thiệt hại hơn sau này.

Từ một khía cạnh khác, một số người cho rằng lạm phát có ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế nếu xét đến mối quan hệ giữa tính bất trắc của lạm phát trong tương lai với tăng trưởng sản lượng. Họ cho rằng tính bất trắc của lạm phát càng cao thì tăng trưởng sản lượng càng thấp. Sở dĩ có điều này bởi vì nhà sản xuất khai thác triệt để tính bất đối xứng về thông tin trên thị trường – thông tin có được của người tiêu dùng bị hạn chế so với nhà sản xuất – để tăng biên độ lợi nhuận, do đó làm tăng doanh thu kể cả cho những nhà sản xuất không thật sự hiệu quả. Việc phân bổ các nguồn lực sản xuất tới những nhà sản xuất không hiệu quả như vậy sẽ làm giảm tốc độ tăng trưởng. Nhưng ngược lại với dòng lập luận này, một số nhà kinh tế chỉ ra rằng tính bất trắc của lạm phát lại có tác động tích cực đến tăng trưởng, nhờ vào động thái tăng tiết kiệm để phòng ngừa lạm phát. Họ cũng chỉ ra thêm rằng trên thực tế, quan hệ nhân quả giữa hai biến số này là không nhất quán ở từng trường hợp nghiên cứu quốc gia.

Như vậy có thể nói rằng về lý luận, quan hệ nhân quả giữa lạm phát với năng suất lao động và/hoặc tăng trưởng chưa hoàn toàn sáng tỏ. Thực tế, kết quả nghiên cứu thực chứng trong nhiều nghiên cứu cấp quốc gia và nhóm quốc gia cũng chỉ ra một quan hệ phức tạp giữa 2 nhóm biến số này. Các nghiên cứu thực chứng ban đầu chỉ tập trung vào nhóm G7, hoặc các nước trong tổ chức OECD, và kết quả nghiên cứu không chỉ ra được một kết luận rõ ràng về quan hệ này. Tùy theo dữ liệu sử dụng là chuỗi thời gian (cho trường hợp nghiên cứu từng quốc gia cụ thể), hay dữ liệu cho nhóm quốc gia sẽ có các kết quả đối ngược nhau. Về sau này, một số tác giả bắt đầu nghiên cứu thêm nhóm các nước ở châu Á. Kết quả nghiên cứu cũng không khác mấy so với kết quả từ các nghiên cứu trước đó đối với nhóm OECD hay G7. Cụ thể, ở một số nước như Nhật, Thái Lan, Sri Lanca, Philippines, và Indonesia, lạm phát và năng suất không hề có quan hệ gì với nhau. Ở một số nước khác như Malaysia, lạm phát có tác động tiêu cực đến năng suất. Ở những nước như Hàn Quốc, Ấn Độ, và Singapore, 2 biến số này tác động lẫn nhau.

Căn cứ vào kinh nghiệm của những quốc gia như nêu trên, có thể rút ra một số bài học cho Việt Nam liên quan đến MTLP ở ta như hiện nay: 

Ảnh hưởng của lạm phát là không rõ ràng lên tăng trưởng kinh tế. Ở một nước/nhóm nước nào đó lạm phát (và tính bất trắc lạm phát) có thể làm giảm năng suất (và giảm tăng trưởng), nhưng ở một nước/nhóm nước khác điều này là không đúng. Vì vậy, trước khi đưa ra một MTLP để kiềm chế lạm phát ở nước ta (mà chủ yếu dựa vào chính sách tiền tệ), cần phải có những nghiên cứu thực chứng công phu để có một đánh giá đúng về quan hệ giữa lạm phát và năng suất (và tăng trưởng) ở nước ta. Khi chưa có những nghiên cứu này thì không thể loại trừ khả năng lạm phát ở ta tuy cao nhưng tác động của nó lên tăng trưởng là không đáng kể, và do đó chính sách thắt chặt tiền tệ để kiềm chế lạm phát là không cần thiết và chỉ dẫn đến suy giảm tăng trưởng.

Cũng giống như nhiều quốc gia, lạm phát ở ta cũng do một nguyên nhân quan trọng là ngân sách nhà nước liên tục ở mức thâm hụt. Hầu như từ khi thống nhất đất nước đến nay chưa bao giờ ngân sách đạt được cân bằng thu chi, đặc biệt trong những thời kỳ khủng hoảng kinh tế vĩ mô trước thập kỷ 90. Sau cuộc khủng hoảng kinh tế trong khu vực, thâm hụt ngân sách tăng dần, từ mức 0.13% GDP năm 1998 lên đến 3.23% năm 2001, sau đó giảm xuống, nhưng vẫn còn đứng ở mức khá cao, trên 2% trong vòng 2, 3 năm gần đây. Như vậy, kiềm chế thâm hụt tài khóa sẽ góp phần đáng kể vào việc kiềm chế lạm phát và do đó làm giảm bớt tầm quan trọng của chính sách thắt chặt tiền tệ. Dường như lâu nay ở ta có một quan niệm sai lầm và nguy hại rằng lạm phát chủ yếu bắt nguồn từ các cơn sốt giá nguyên nhiên liệu chiến lược đầu vào. Một số ít người thì tỉnh táo hơn đã nhắc đến sự tăng trưởng tín dụng mạnh để kích cầu trong những năm trước là một nguyên nhân khác của xu hướng lạm phát tăng cao trong những năm gần đây. Thế nhưng hầu như không ai đả động đến một nguyên nhân cũng rất quan trọng là thâm hụt tài khóa đã và đang ở mức khá cao như hiện nay. Từ nhận thức đầy đủ về nguồn gốc lạm phát này, có thể thấy chính sách kiềm chế lạm phát nhờ thắt chặt tín dụng và kiềm chế giá của các nguyên nhiên liệu đầu vào không cho tăng lên là chưa đủ, chưa thật thích hợp, thậm chí là có hại (vì, ví dụ, giá các loại yếu tố đầu vào này sớm hay muộn cũng phải tăng lên cho phù hợp với giá cả thực tế của chúng).

Để có cơ sở áp dụng chính sách thắt chặt tiền tệ nhằm kiềm chế lạm phát như hiện nay, cần phải có thêm một nghiên cứu thực chứng đầy đủ về quan hệ giữa cung tiền và lạm phát trong bối cảnh cụ thể Việt Nam. Điều này là cần thiết vì tăng cung tiền không nhất thiết sẽ gây ra lạm phát. Và nghiên cứu thực chứng ở một số nước (chẳng hạn Ấn Độ và Hàn Quốc) cũng khẳng định rằng tăng cung tiền không phải là nguyên nhân của lạm phát ở những nước này.

Để cho chính sách tiền tệ có hiệu lực trong việc kiềm chế lạm phát, có một số điều kiện tiên quyết. Đó là một thị trường tài chính được tự do hóa, một ngân hàng trung ương độc lập với chính phủ, và một cơ chế tỷ giá linh hoạt hơn, tiến gần đến cơ chế thả nổi hoàn toàn. Ở Việt Nam, 3 điều kiện này chưa (hoàn toàn) được xác lập. Chúng ta mới bắt đầu tự do hóa thị trường tài chính qua một số động thái, trong đó có việc xóa bỏ trần lãi suất, nhưng hoạt động trong các ngành tài chính và ngân hàng chưa hoàn toàn dựa trên các nguyên tắc thị trường. Ngân hàng Nhà nước, với tư cách là một ngân hàng trung ương, vẫn là một thành viên của chính phủ và chịu nhiều chi phối từ đây. Cơ chế tỷ giá vẫn rất cứng nhắc, hầu như là gắn chặt giá đồng nội tệ với đôla Mỹ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét