Chủ Nhật, 9 tháng 1, 2022

Dân Sài Gòn sôi sục kiếm tiền và lạc lối tìm niềm tin

Sài Gòn hay quá, hoan hô bác Bí thư Nên. Sau khi Trương Hòa Bình mất chức về hưu, Vũ Đức Đam bị dân chửi mất mặt nên cút khỏi Sài Gòn, Phạm Minh Chính và Nguyễn Xuân Phúc bận tổng kết cuối năm khoe khoang thành tích "ảo" và trao huân chương cho đệ tử… nên không còn thời gian vào Nam nữa, các Đại tướng Phan Văn Giang và Tô Lâm không còn thấy lợi ích gì khi ở lại thành phố này nữa nên cũng biến mất, thì Sài Gòn đã thực sự là đất của bác Nên. Bác Nên rất dũng cảm thả nổi xã hội và nền kinh tế y như phương Tây: “Bây giờ đến các siêu thị, trung tâm thương mại, nhà hàng… không cần khai báo y tế, không quét QR code, không trình thẻ xanh Covid như hồi tháng 10 nữa”. “Trên tất cả các con đường ở Sài Gòn, hầu như chỗ nào cũng có người bán hàng, thậm chí bán cùng lúc nhiều thứ chả ăn nhập gì với nhau, miễn là có khách. Vào dịp lễ Giáng Sinh và Tết Dương lịch, các quán ăn, nhà hàng, quán nhậu, hàng ăn vặt lề đường… đều tấp nập khách, ngoại trừ cái khẩu trang ai cũng đeo, còn khoảng cách thì chả ai buồn nhớ, cứ như chưa hề tồn tại virus Covid-19”. Tuyệt vời quá bác Nên ơi, khâm phục và kính trọng bác quá. Có thể dân Sài Gòn lạc lối và đang tìm niềm tin đâu đó, nhưng tôi bắt đầu tin ở bác. Dự là tới đây, khi vụ Covid được thu xếp xong, bác sẽ bắt tay vào xử lý mạnh mẽ các tập đoàn tham nhũng và tội phạm ở Sài Gòn, trước tiên là bỏ Lê Thanh Hải và đồng bọn vào lò, tiếp đến là chấm dứt “kiểu kiếm tiền "dưới gầm bàn" của các nhân viên công quyền Sài Gòn, để Sài Gòn sớm trở thành “Hòn ngọc Viễn Đông” thực sự và thành nơi đáng sống nhất cả nước như tôi vẫn mong ước.
Dân Sài Gòn trước Tết sôi sục kiếm tiền và lạc lối tìm niềm tin
Song May, Gửi tới BBC từ Sài Gòn - 
Từ hôm Noel đến nay, Sài Gòn đã kẹt xe trở lại, tần suất không dày đặc và khó thở như trước dịch nhưng nói chung mọi người đến nơi công cộng không còn e dè như hồi tháng 10 và tháng 11. Bây giờ đến các siêu thị, trung tâm thương mại, nhà hàng… không cần khai báo y tế, không quét QR code, không trình thẻ xanh Covid như hồi tháng 10 nữa.

Các nhà hàng kín khách đêm 2/1/2022
Tuy thế, dù bận kiếm tiền, lo Tết dư luận vẫn quan tâm đến những chuyện thời sự nóng mà tôi xin điểm qua ra sau đây.

Vụ Việt Á, cháu bé 8 tuổi, nhạc rap và Tịnh thất Bồng lai

Việt Á là vụ bê bối nhất của ngành y sau khi Sài Gòn trở lại "bình thường mới", bên cạnh vụ thổi giá thiết bị y tế ở các bệnh viện. Thế nhưng, diễn tiến gần đây cho thấy vụ này "đầu voi đuôi chuột", cái gốc phát sinh ra Việt Á vẫn ở tận đâu đâu, khi mũi dùi chỉ chĩa vào các ông trùm CDC "ăn huê hồng" ở nhiều tỉnh thành.

Mặt khác, cơn cuồng nộ của dân chúng về vụ kit xét nghiệm Việt Á bùng lên cuối tháng 12 bỗng bị đè bẹp bởi vụ án cháu Vân An 8 tuổi ở quận Bình Thạnh.

Và trong tuần này thì lại đến cơn sóng "Mang gì về cho mẹ tết này" nhại theo bài rap "Mang tiền về cho mẹ" của rapper Đen Vâu.

Hôm 5/1, cộng đồng mạng cười cợt 2 vụ: tuyên bố của bộ trưởng y tế Nguyễn Thanh Long trước Quốc hội về việc kit xét nghiệm Việt Á có kết quả kiểm định chính xác 100% và dòng tự trào "Từ một nước có tỷ lệ tiêm vaccine rất thấp đã vượt lên là 1 trong 6 nước có tỷ lệ bao phủ tiêm vaccine cao nhất trên thế giới" trên trang Thông tin chính phủ.

Giới trẻ thuê xe đạp ở khu trung tâm và dạo chơi chụp hình tối 22/12/2021

Đến hôm 7/1 thì cộng đồng mạng lại tranh cãi về vụ "Tịnh thất bồng lai".

"Sóng sau xô sóng trước" là chuyện thường thấy trên các phương tiện truyền thông Việt Nam, mà phía sau không loại trừ bàn tay 'đạo diễn' mang tên Tuyên giáo. Bởi cơ quan này không cho đăng thì báo nào dám đăng?

Niềm tự hào dẫn đầu được tạo ra từ sức ép thẻ xanh

Trước hôm 4/1 - ngày học sinh lớp 7-8-10-11 trở lại trường, một thành viên trong nhóm 'Giúp nhau mùa dịch' đã than phiền cháu của cô học lớp 8 tại một trường thuộc quận Gò Vấp bị cấm đến lớp vì chưa chủng ngừa vaccine Covid. Cô than: "Lớp chỉ có mình cháu chưa chích, nên không biết trường có mở lớp dạy online cho cháu không?"

Rất nhiều thành viên sau đó đã an ủi: Giờ mới cho đi học thì trường phân biệt, sau này rồi trường học cũng giống như các công ty và những nơi công cộng thôi, ra vào đâu còn ai hỏi đến "thẻ xanh Covid" nữa.

Sức ép thẻ xanh giờ lại làm khổ học sinh. Vì thế, thật tức cười khi tự hào "Việt Nam là một trong sáu nước có tỷ lệ bao phủ vaccine cao nhất thế giới".

Một lần nữa, có vẻ như Việt Nam lại đạt thành tích "hàng đầu" như mong muốn, giống như 100% người dân trong quận đi làm căn cước công dân gắn chip mà sau con số này chính là áp lực từ phía công an khu phố buộc người dân đi làm bằng được, bất chấp họ đã có thẻ căn cước công dân mã vạch còn thời hạn.

Tỷ lệ bao phủ vaccine cao thật ra không có ý nghĩa gì với Việt Nam, khi có đến 8 loại vaccine phòng Covid được Bộ Y tế phê chuẩn, với chất lượng bảo vệ không đồng đều - trong đó có những loại chưa được WHO đưa vào danh sách. Mặt khác, phụ thuộc vào vaccine viện trợ hoặc tài trợ, thời gian chích giữa hai liều của mỗi người có khi bị kéo dài hoặc rút ngắn, chưa kể còn kiểu "tiêm trộn" không giống ai.

Covid: Sau đợt dịch lần 4, Việt Nam cần rút ra bài học gì?

Đầu tháng 1/2022, thông báo của chính quyền Đà Lạt về việc chích vaccine Pfizer mũi 3 cho người chích 2 mũi vaccine TQ và với bất kỳ ai chưa chích mũi nào đã làm dấy lên nỗi tiếc nuối nơi số người bị ép chích vaccine TQ. Khi Đà Lạt bắt đầu chích vaccine cho dân cuối năm ngoái, toàn bộ những ai dưới 60 và không có bệnh nền đều bị chích vaccine TQ.

Để có thẻ xanh, nhiều người phải chích loại này dù không muốn. Sao trang Thông tin chính phủ lại lờ đi số ca tử vong (thiếu niên lẫn người lớn) sau khi chích vaccine phòng Covid - từ Vero Cell (Tàu), AstraZeneca (Anh) lẫn Pfizer (Mỹ)?

Dân Sài Gòn giờ tiếp tục rảnh là nhậu và không còn giữ khoảng cách

Người dân sôi sục kiếm tiền

Dân chúng đang sôi sục kiếm tiền để bù lại khoảng thời gian bị mất của năm 2021. Trên tất cả các con đường ở Sài Gòn, hầu như chỗ nào cũng có người bán hàng, thậm chí bán cùng lúc nhiều thứ chả ăn nhập gì với nhau, miễn là có khách.

Vào dịp lễ Giáng Sinh và Tết Dương lịch, các quán ăn, nhà hàng, quán nhậu, hàng ăn vặt lề đường… đều tấp nập khách, ngoại trừ cái khẩu trang ai cũng đeo, còn khoảng cách thì chả ai buồn nhớ, cứ như chưa hề tồn tại virus Covid-19.

Trong cái nền sôi động kiếm tiền ấy, các kiểu kiếm tiền lừa đảo trên mạng đang nở rộ, như giả mạo công an giao thông, giả mạo ngân hàng, ăn cắp tài khoản mạng xã hội để mạo danh họ đi mượn tiền, nhắn tin mời chào việc nhẹ lương cao thực chất là dụ bỏ tiền đầu tư… Ngoài ra, uất ức nhất là kiểu kiếm tiền "dưới gầm bàn" của nhân viên công quyền.

Hôm 5/1, tôi tình cờ chứng kiến cảnh một người bán thực phẩm ngồi khóc vì bị nhân viên phường buộc đóng cửa hàng với lý do bày hàng lấn chiếm lề đường. Đôi vợ chồng trẻ ở tỉnh để con nhỏ cho ông bà chăm sóc, tháng 10/2021 lên Sài Gòn thuê một căn phòng nhỏ bề ngang chỉ hơn 1m trong một con hẻm ở quận Phú Nhuận để bán hàng.

Người nghèo buôn bán khắp nơi, ngay cả ở dưới chân tượng Nữ vương Hòa Bình trước Nhà thờ Đức Bà tối 22/12/2021

Nguồn hàng tốt và cách giao tiếp chân tình, họ có khá đông khách và bị nhân viên phụ trách thuế phi nông nghiệp của phường để ý. Sau khi lên phường gặp chính người đó để năn nỉ thì họ được hứa hẹn với điều kiện nội trong ngày 6/1 phải đưa 4 triệu đồng để ông ta làm thủ tục xin giấy phép kinh doanh.

Người vợ nhẫn nhịn than: "Con biết nếu mình tự xin giấy phép kinh doanh thì chỉ mất vài trăm ngàn nhưng nếu không nhờ ông ta thì mai mốt ngày nào ông ta cũng đến quấy nhiễu thì còn khổ hơn."

Có bao nhiêu người dân Việt Nam đang kinh doanh phải tốn chi phí "dưới gầm bàn" như vậy? Không có con số chính xác nhưng tôi chắc chắn không nhỏ.

Lạc lối tìm niềm tin

Thất vọng trước thực trạng xã hội, bất lực trước bệnh tình của chính mình và sợ hãi Covid, không ít người đã lạc lối khi tìm kiếm một niềm tin làm chỗ dựa.

Đã từ vài năm nay, tôi bỗng thấy một số bạn trẻ từ chỗ vô thần đã trở thành những tín đồ sùng bái đạo Phật, đặt niềm tin vào thầy Thích Nhất Hạnh, thầy Minh Niệm, Đức Đạt Lai Lạt Ma.

Điều này rất tốt, khi họ thực hành cách sống theo tinh thần của những người thầy mà họ ngưỡng vọng để mong tâm trí bình an, đồng thời tin vào nhân quả nên họ cố gắng làm nhiều việc thiện ở đời này.

Thế nhưng thời gian gần đây, tôi thật sửng sốt khi có những bạn trẻ và bạn không còn trẻ tin rằng việc tập thể dục theo Pháp Luân Công có thể chữa tất cả các chứng bệnh, kể cả ung thư và nhiễm Covid.

Giớ trẻ mua sắm và dạo phố bằng xe đạp ngày càng phổ biến kể từ khi có dịch

Cộng đồng Pháp Luân Công ở Việt Nam còn ít vì họ bị chính quyền ngăn chặn tụ họp, tuy vậy một vài cá nhân mà tôi biết đều là dân trí thức và sống tốt, chỉ có điều niềm tin của họ dường như cực đoan khi từ chối hoàn toàn tây y.

Mới nhất là cộng đồng năng lượng gốc ở Việt Nam, tin vào phép chữa bệnh qua mạng bằng cách nhìn vào trán để truyền năng lượng của "chú Phúc" nào đó. Vài người mà tôi biết trong cộng đồng này đều qua tuổi 60, có bệnh nền, giỏi làm ra tiền và giàu.

May mắn, tôi có niềm tin riêng của mình, một niềm tin vững chắc giúp tôi vượt qua sự hỗn độn của năm 2021 và thấy mình là kẻ sống sót, chứng kiến những khoảnh khắc có một không hai và mong đừng bao giờ lặp lại: bị ép ngoáy mũi, bị ép phải chích loại vaccine có sẵn và không được chọn lựa, bị buộc ở trong nhà và không thể mua được thực phẩm theo ý…

Vào năm 2022 chỉ mong những lệnh hành chính quái gở, kiểu "ai ở đâu thì ở yên đấy" sẽ biến mất mãi mãi cùng Covid quái ác.

https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-59921089.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét