Thứ Bảy, 28 tháng 11, 2020

(3) Seminar: Cung cầu trên thị trường gạo 2020

Seminar một số tình huống thực tế làm bài dẫn để sinh viên đại học thảo luận trong các bài giảng về kinh tế học.
BÀI 3. CUNG VÀ CẦU 
Bạn nghĩ gì về sản xuất và tiêu thụ gạo trong năm 2020? 
1. Bối cảnh chung
(i) Thế giới
Dịch viêm phổi cấp do virus corona chủng mới (Covid-19) bùng phát ở Trung Quốc và lan rộng ra khắp thế giới đã gây xáo trộn thị trường hàng hóa toàn cầu. Tuy nhiên, mặt hàng lúa gạo không chịu tác động nhiều từ dịch bệnh này, mặc dù cũng có một số thời điểm khan hiếm mặt hàng gạo vì người tiêu dùng lo sợ dịch bệnh nên mua nhiều gạo tích trữ. Về triển vọng năm 2020, xuất khẩu gạo của Trung Quốc dự báo sẽ tiếp tục mạnh do sản xuất giảm. Giá gạo trên thị trường thế giới chỉtăng nhẹ.

Các nguyên nhân có thể kể tới là: (1) trên thị trường quốc tế, cung – cầu lúa gạo không có sự bất thường; (2) nguồn cung gạo hiện vẫn dồi dào sau nhiều năm được mùa và vẫn còn nhiều dự trữ; và (3) gạo là mặt hàng không dễ hỏng nên trong thời gian ngắn (một vài tháng) việc gián đoạn xuất khẩu nếu có giảm sút do đại dịch Covid-19 thì cũng sẽ được bù đắp lại ở những tháng sau đó.

(ii) Việt Nam

Xuất khẩu gạo của Việt Nam đang chiếm khoảng 15% tổng lượng gạo xuất khẩu của thế giới. Hạt gạo Việt Nam có mặt tại trên 150 nước và vùng lãnh thổ. Thị trường xuất khẩu chính là châu Á, trong đó, Trung Quốc và Philippines là 2 thị trường chính của xuất khẩu gạo.

Bộ Nông nghiệp VN ước tính năm 2020, về phía cung, Việt Nam có thể sản xuất được 43,5 triệu tấn thóc, tương đương với năm 2019.

Về phía cầu, dự báo nhu cầu tiêu dùng và dự trữ cả nước là 29,96 triệu tấn thóc; sản lượng gạo xuất khẩu năm 2020 từ 6,5 - 6,7 triệu tấn gạo (tương đương 13 - 13,4 triệu tấn thóc), tăng so với mức 6,34 triệu tấn năm 2019. Do Việt Nam đã chủ động đa dạng hóa thị trường xuất khẩu từ năm 2019 để giảm sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc nên Covid-19 cũng không ảnh hưởng nhiều tới xuất khẩu gạo của Việt Nam.

Về giá cả, so với năm ngoái, giá gạo Việt đã tăng trên 10 USD/Tấn. Lý do bởi nhu cầu xuất khẩu mạnh, chủ yếu sang Philippines và Malaysia, trong khi nguồn cung gạo từ Trung Quốc bị gián đoạn nên là cơ hội gia tăng xuất khẩu cho VN.

2. Phân tích tình huống được thực hiện theo các nhóm.

Phân tích theo tình hình thực tế năm 2020 với những thông tin bạn nắm được.

(i) Nguồn cung gạo của VN gồm những ai ?

Tham gia tạo thành nguồn cung trên thị trường gạo VN có 5 chủ thể là: Nông dân, thương lái, nhà máy chế biến, công ty lương thực, đại lý bán sỉ/lẻ.

Nông hộ → Thương lái → Nhà máy chế biến → Công ty lương thực → Đại lý bán sỉ/lẻ/siêu thị → Người tiêu dùng.

Cấu trúc thị trường tiêu thụ sản phẩm lúa gạo tại VN là thị trường cạnh tranh một phần, với kênh phân phối từ nơi sản xuất đến nơi tiêu thụ khá dài và rất phức tạp. Kết quả phân tích cho thấy các hộ nông dân chủ yếu bán sản phẩm cho thương lái trong và ngoài tỉnh 80% ngay tại ruộng với mức giá do thương lái quyết định.

Các hộ nông dân khó bán sản phẩm cho nhà máy chế biến hay công ty lương thực do diện tích canh tác nhỏ, lẻ, giao thông không thuận tiện…

Công ty lương thực là tác nhân đóng vai trò quan trọng trong kênh phân phối lúa gạo nội địa cũng như xuất khẩu.

(ii) Nguồn cầu gạo của VN gồm những ai ?

Tham gia tạo thành nguồn cung trên thị trường gạo VN có 2 chủ thể là: Người tiêu dùng trong nước và Người tiêu dùng ngoài nước.

(iii) Hãy nêu một số nhân tố ảnh hưởng tới cung gạo của VN

- Phân tích theo 5 nhân tố ảnh hưởng tới cung gạo theo lý thuyết gồm giá gạo, chi phí đầu vào, tiến bộ công nghệ và trình độ quản lý, kỳ vọng của người sản xuất và số lượng người cung.

- Hãy chỉ ra những nhân tố nào là quan trọng, quan trọng nhất trong năm 2020 ?

- Cung gạo năm 2020 tăng hay giảm ? Thử đưa ra một số nguyên nhân của việc tăng hay giảm ?

(iv) Hãy nêu một số nhân tố ảnh hưởng tới cầu gạo của VN

- Phân tích theo 6 nhân tố ảnh hưởng tới cầu gạo theo lý thuyết gồm giá gạo, thu nhập, giá các hàng hóa liên quan tới gạo, thị hiếu, kỳ vọng và số lượng người tiêu dùng.

- Phân tích theothứ tự các nhân tố người tiêu dùng ưu tiên khi chọn gạo.

Ví dụ người tiêu dùng trong nước ngày nay không xem trọng vấn đề giá, mà quan tâm chất lượng gạo ngon. Theo một nghiên cứu khảo sát các tác nhân tham gia thị trường phân phối sản phẩm lúa gạo tỉnh Kiên Giang, trong khi Kiên Giang là tỉnh có sản lượng lúa gạo đứng đầu trong cả nước, nhưng 83% người tiêu dùng ở đây lại lựa chọn tiêu dùng các loại gạo nhập khẩu vì chất lượng ngon, không bị phun thuốc và gạo nhập thơm ngon hơn gạo trong nước.

- Cầu gạo năm 2020 tăng hay giảm ? Thử đưa ra một số nguyên nhân của việc tăng hay giảm ?

(v) Cân bằng cung cầu trên thị trường gạo VN năm 2020 khác gì so với năm 2019 ?

- Cung cầu năm 2020 trên thị trường gạo mất cân đối hơn so với năm 2019, vì sản xuất gạo năm 2020 không tăng so với năm 2019, nhưng cả cầu trong nước lẫn cầu ngoài nước về gạo đều tăng. Hậu quả là giá gạo trong nước và thế giới đều tăng.

- Điểm yếu của phân tích cung là chỉ xem xét 5 nhân tố tác động trong nội bộ cung mà không xem xét ảnh hưởng của cầu tới cung. Ví dụ người tiêu dùng hiện nay quan tâm nhất là chất lượng gạo, thì nhân tố này không nằm trong 5 nhân tố trên. Do đó người sản xuất chưa thực sự quan tâm tới quá trình tạo thành sản phẩm gạo có chất lượng cao, cũng như việc chưa quan tâm đến những thay đổi trong nhu cầu của người tiêu dùng trong nước có thể ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh sản phẩm gạo nội địa sản xuất trong nước so với gạo nhập khẩu

(vi) Những bất cập lớn trên thị trường gạo hiện nay là gì

Có thể thấy có nhiều vấn đề mà dư luận xã hội bức xúc đối với quan hệ kinh tế - thể chế của ngành hàng lúa gạo, bao gồm các điểm chính yếu sau:

- Về phía sản xuất: nông dân có thu nhập và lợi nhuận thấp trong sản xuất lúa gạo;

- Về phía nhà kinh doanh xuất khẩu lúa gạo: · Có hiện tượng doanh nghiệp độc quyền nhóm; · Có tồn tại sự phân biệt đối xử giữa các doanh nghiệp thành viên của Hiệp hội Lương thực Việt Nam và không phải thành viên; giữa nhóm thành viên chủ yếu chiếm thị phần lớn và các thành viên nhỏ; · Doanh nghiệp xuất khẩu chiếm giữ phần lớn lợi nhuận sinh ra từ chuỗi giá trị lúa gạo xuất khẩu;

(vii) Người sản xuất cần làm gì để tăng cung đáp ứng cầu ngày càng tăng cả về số lượng lẫn chất lượng gạo ?

Chất lượng gạo là một trong những yếu tố quan trọng quyết định sự cạnh tranh của sản phẩm gạo nội địa so với gạo nhập khẩu. Tuy nhiên, chất lượng gạo chịu ảnh hưởng rất lớn từ giống, phương pháp làm khô lúa cũng như khâu vận chuyển, tồn trữ và bảo quản của các thành viên trong chuỗi cung ứng trên. Do đó, việc nâng cao khả năng cạnh tranh gạo nội địa phụ thuộc rất nhiều vào chiến lược của công ty lương thực. Một số khuyến nghị sau cho các công ty lương thực:

- Rút ngắn chuỗi cung ứng và đầu tư dây chuyền sản xuất khép kín để giữ được chất lượng. Công ty lương thực nên ký hợp đồng với nông dân (cánh đồng mẫu lớn), hướng dẫn nông dân kỹ thuật canh tác, bón phân, phun thuốc, phục vụ thủy lợi. Xây dựng nhà máy xay xát, kho tồn trữ, sấy lúa thành một cụm.

- Chú trọng chiến lược marketing và dịch vụ bán hàng. Xây dựng các cửa hàng bán gạo trực tiếp cho người tiêu dùng hoặc khuyến khích người bán lẻ mở cửa hàng gạo cho công ty. Tư vấn khách hàng lựa chọn loại gạo có khẩu vị, mùi vị và các yêu cầu khác theo đúng mong muốn của khách hàng. Giải thích cho khách hàng biết về chất lượng của một số loại gạo đặc trưng trong nước.

Xây dựng website giới thiệu về các loại gạo mà công ty hiện đang sản xuất, kinh doanh, các chứng nhận tiêu chuẩn chất lượng gạo đạt được để tạo lòng tin cho người tiêu dùng (HACCP, ISO…). Xây dựng cơ sở dữ liệu và chính sách chăm sóc khách hàng.

Truyền thông tại các đại lý, siêu thị bằng bảng hiệu hay các đoạn phim giới thiệu về gạo trong nước như: Nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng, dinh dưỡng của một số loại gạo chất lượng cao như gạo Jasmine 85, gạo OM4900… để thu hút sự chú ý của người tiêu dùng (Tạp chí Thuế, 2017).

Đa dạng hóa hình thức bán hàng: Bán tại cửa hàng, siêu thị, giao hàng tận nhà, đặt hàng qua mạng và cải tiến bao bì, đóng gói, mẫu mã, cung cấp các thông tin đầy đủ, chính xác trên bao bì sản phẩm.

(viii) Vai trò của chính phủ đối với thị trường gạo VN ?

- Vai trò của chính phủ đối với thị trường gạo VN tập trung vào 3 điểm

+ Xây dựng cơ chế chính sách để phát triển thị trường gạo ổn định (cả cung và cầu)

+ Đảm bảo an ninh lương thực

+ Khuyến khích, hỗ trợ xuất khẩu tạo thêm đầu ra cho sản xuất và tăng nguồn thu ngoại tệ.

- Thảo luận về các chính sách sau

Hiện nay, ngành lúa gạo Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức và nhiều rào cản thể chế. Hệ thống chính sách, thể chế về lúa gạo của Việt Nam được xây dựng trên nền tảng của các mục tiêu không còn phù hợp với thực tiễn và tư duy can thiệp hành chính, không phù hợp với định hướng xây dựng một nền kinh tế thị trường đầy đủ, hiện đại. Do đó, Nhà nước cần thực hiện các biện pháp cải cách mạnh mẽ nhằm tháo gỡ các rào cản thể chế trong các công đoạn của chuỗi giá trị lúa gạo. Cải cách thể chế là con đường nhanh nhất, bền vững nhất để thúc đẩy tăng trưởng năng suất lao động của cả nền kinh tế nói chung và ngành lúa gạo nói riêng.

Các khuyến nghị quan trọng nhất được tóm tắt như sau:

+ Về thể chế, chính sách đất trồng lúa nói riêng và đất nông nghiệp nói chung

Thứ nhất - Bỏ hạn điền vì các quy định về hạn điền đang cản trở sản xuất nông nghiệp ở quy mô lớn và làm giảm nhu cầu đầu tư vào nông nghiệp.

Thứ hai - Bỏ quy hoạch đất trồng lúa trước đây đặt ra để đảm bảo an ninh lương thực quốc gia. Ở một số địa phương có ưu thế tự nhiên và NSLĐ ngành lúa gạo cao, giai đoạn tới nên sử dụng các biện pháp khuyến khích và hỗ trợ nâng cao hơn nữa NSLĐ để khuyến khích sản xuất lúa gạo thay vì bắt buộc trồng lúa.

Thứ ba – Coi quyền sử dụng đất nông nghiệp là tài sản và bảo vệ quyền sử dụng đất nông nghiệp tốt hơn. Cụ thể như sau: (a) thừa nhận quyền sử dụng lâu dài đối với đất nông nghiệp nói chung và đất trồng lúa nói riêng, người nông dân không bị mất quyền sử dụng khi chuyển sang hoạt động phi nông nghiệp, có thể chuyển nhượng đất nông nghiệp hoặc góp vốn khi không muốn tiếp tục sản xuất nông nghiệp; (b) bỏ các quy định về thu hồi đất để giao đất cho người sử dụng khác trong Luật Đất đai 2013, thay vào đó Nhà nước thực hiện trưng thu, trưng mua đất cho các dự án phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh và hạ tầng kinh tế - xã hội, có bồi thương theo mức giá thị trường; chủ đầu tư các dự án thương mại phải tự thương lượng để mua hoặc thuê đất của người sử dụng; (c) Xóa bỏ hạn chế về chuyển nhượng đất trồng lúa để người nông dân có thể tự do chuyển nhượng đất nông nghiệp cho mọi đối tượng có nhu cầu, bao gồm cả tổ chức, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp.

Nhà nước quản lý đất bằng cách phê duyệt mục đích sử dụng đất, không quản lý đối tượng nắm quyền sử dụng đất. Cách bảo vệ người nông dân tốt nhất là trao quyền cho họ để họ tự bảo vệ mình, tự quyết định việc sử dụng tài sản của mình thông qua giao dịch thị trường. Nhà nước có thể sử dụng thuế sử dụng đất lũy tiến để hạn chế hanh vi tích tụ đất cho mục đích đầu cơ, không sử dụng cho sản xuất.

+ Về thể chế, chính sách sản xuất lúa gạo:

Thứ tư - Bỏ mục tiêu êu tổng sản lượng lúa gạo, chuyển sang các mục tiêu thực chất hơn về an ninh lương thực, cụ thể là NSLĐ và thu nhập của người dân.

+ Về thể chế, chính sách xuất khẩu gạo:

Thứ năm – Bỏ các điều kiện xuất khẩu gạo, loại bỏ các đặc quyền mà Nhà nước đã trao cho Hiệp hội lương thực VN.

Thứ sáu –Nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu gạo tiếp cận thị trường xuất khẩu bằng cách cung cấp thông tin và sử dụng cơ quan đại diện ngoại giao, thương mại giúp doanh nghiệp thiết lập sự hiện diện thương mại trực tiếp ở các thị trường nước ngoài (thành lập văn phòng đại điện, công ty, kho bãi; tiếp cận đối tác nhập khẩu; v.v.).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét