Thứ Bảy, 28 tháng 11, 2020

(1) Seminar: Thất bại của thị trường với Formosa 2016

Mình vừa đăng bài "Tắm rừng, hay tắm máu rừng? Lựa chọn nào ?" viết về tình trạng phá rừng và ô nhiễm môi trường khủng khiếp trên thế giới và ở VN. Đăng xong thì mình nhớ ra mình cũng đã viết một số bài về vấn đề này trong chuyên đề các tình huống thực tế làm làm bài dẫn để sinh viên đại học thảo luận trong các seminar về kinh tế học. Nghĩ rằng chúng sẽ hữu ích cho một số bạn nên mình đăng một số bài thảo luận đó ở đây.
Seminar: Thất bại của thị trường với Formosa 2016
1. Thất bại của thị trường qua “tác động ngoại ứng”.
Chúng ta đều biết “Bàn tay vô hình” thường dẫn dắt thị trường phân bổ các nguồn lực có hiệu quả. Thế nên nguyên lý thứ 6 của kinh tế học cho rằng: Thị trường thường là một phương thức tốt để tổ chức hoạt động kinh tế, dù chưa phải là tốt nhất.

Song vì các nguyên nhân khác nhau, đôi khi bàn tay vô hình không hoạt động hoặc hoạt động kém hiệu quả. Các nhà kinh tế học sử dụng thuật ngữ thất bại của thị trường để chỉ tình huống mà thị trường tự nó thất bại trong việc phân bổ các nguồn lực có hiệu quả.

Một trong số nhiều loại thất bại của thị trường là tác động ngoại ứng hay ảnh hưởng ngoạihiện (externality). Đây là khái niệm dùng để chỉ trường hợp hành động của những người tham gia một thị trường nào đó gây ảnh hưởngtới phúc lợi của người không liên quan đến thị trường này. Vì những người này không liên quan đến thị trường nên việc tăng hay giảm phúc lợi của họ không được những người tham gia thị trường tính đến.

Ví dụ kinh điển về tác động ngoại ứng là ô nhiễm môi trường. Ví dụ trong thị trường xi măng, người sản xuất và người tiêu dùng xi măng đều có lợi, nhưng những người không liên quan đến thị trường xi măng vẫn bị thiệt hại vì phải gánh chịu ô nhiễm do quá trình sản xuất, vận chuyển, sử dụng xi măng gây ra.

Thông thường, những ảnh hưởng như vậy không được các tác nhân kinh tế tham gia thị trường xi măng tính đến. Các doanh nghiệp không đưa chi phí ô nhiễm (những tổn thất do ô nhiễm gây ra) vào giá bán. Tương tự, người vận chuyển hay người sử dụng xi măng cũng vậy, họ không muốn áp dụng các biện pháp chống bụi xi măng khi vận chuyển hay sử dụng xi măng trong xây dựng vì sợ tốn kém.

Nhưng khi tình hình ô nhiễm trở nên nghiêm trọng, chính phủ sẽ buộc phải can thiệp. Từ đây dẫn tới nguyên lý thứ 7 của kinh tế học: Đôi khi chính phủ có thể cải thiện được kết cục thị trường.

2. Tình huống ô nhiễm môi trường biển năm 2016.

Theo Wikipedia, sự cố ô nhiễm môi trường do tập đoàn Formosa gây ra năm 2016 làm cá chết hàng loạt tại vùng biển Vũng Áng (Hà Tĩnh) bắt đầu từ ngày 6 tháng 4 năm 2016 và sau đó lan ra vùng biển Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế với chiều dài khoảng 400 km.

Ngày 30 tháng 6 năm 2016, Chính phủ Việt Nam tổ chức họp báo, công bố nguyên nhân cá chết là do chất thải gây ô nhiễm từ Công ty TNHH Hưng Nghiệp Formosa vượt quá nồng độ cho phép. Nguồn thải lớn từ tổ hợp nhà máy của Công ty Formosa Hà Tĩnh chứa độc tố tạo thành một dạng phức hợp, làm hải sản ở tầng đáy biển chết, là nguyên nhân gây ra thảm họa ô nhiễm môi trường biển.Hợp chất này nặng hơn nước biển, chìm xuống đáy và hút các chất độc hại phenol, xyanua vào nó. Nó như những tấm chăn khổng lồ chứa độc tố cứ thế trôi ngầm theo dòng hải lưu, đi đến đâu sẽ làm xảy ra các phản ứng hoá học và ô nhiễm môi trường ở đó và khiến cá chết hàng loạt.

Formosa thừa nhận nước thải từ quá trình tẩy rửa và thụ động hóa bề mặt kim loại này rất độc hại do chứa các kim loại nặng, do vậy cần phải được xử lý theo quy trình riêng. Tuy nhiên, chi phí cho quá trình xử lý này rất đắt đỏ khiến các nhà máy thường bỏ qua khâu xử lý và tìm cách đẩy loại nước thải từ quá trình này thẳng ra môi trường.

Chính phủ Việt Nam cho rằng chất thải mà nhà máy Formosa tại Hà Tĩnh thừa nhận thải ra biển tác động đến cuộc sống của hơn 200 ngàn người dân, trong đó có 41 ngàn ngư dân. Tuy nhiên, theo một số điều tra ước tính độc lập, dân số bốn tỉnh miền Trung bị thảm họa là 3,8 triệu người, trong đó số gia đình bị ảnh hưởng lên tới 262 nghìn hộ với gần 1 triệu người. Con số này cũng phù hợp với khảo sát của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội theo đó có đến 263.000 lao động chịu ảnh hưởng, trong đó 100.000 chịu ảnh hưởng trực tiếp.

VnExpress dẫn thông tin từ cơ quan du lịch quốc gia trong tháng 11 năm 2016 cho biết ô nhiễm chất thải từ công ty Formosa dọc theo bờ biển miền Trung hồi tháng 4 đã gần như hoàn toàn phá hủy ngành du lịch của khu vực này khi doanh thu từ du lịch giảm tới 90%. Khu vực miền Trung Việt Nam có thể mất cả thập kỷ để hoàn toàn hồi phục sau thảm họa môi trường lớn nhất từ trước đến nay. Thậm chí vì đây là ô nhiễm kim loại nặng nên thời gian phục hồi có thể kéo dài tới cả trăm năm.

3. Chi phí để giải quyết hậu quả

Để giải quyết hậu quả, Công ty Gang thép Hưng nghiệp Formosa đã bồi thường thiệt hại cho dân và hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, bồi thường phục hồi môi trường biển… với tổng số tiền là 11.500 tỉ đồng, tương đương 500 triệu USD. Đây là tổng mọi chi phí mà Formosa phải bỏ ra.

Để so sánh, chúng ta nhắc lại vụ tràn dầu ở mỏ Deepwater Horizon của tập đoàn BP tháng 4/2010; đây là sự cố môi trường lớn nhất trong lịch sử Hoa Kỳ. Vụ nổ giàn khoan này đã làm hơn 125 triệu gallon dầu tràn vào vùng Vịnh Mexico gây ảnh hưởng nặng nề đến môi trường và khoảng 220 nghìn hộ dân. Tuy nhiên khác với vụ Formosa là kim loại nặng chìm xuống đáy biển, trọng vụ này, dầu nổi trên mặt biển nên tập đoàn BP đã từng bước thu hồi được một tỷ lệ lớn dầu.

https://viettimes.vn/bp-chap-nhan-chiu-phat-20.8-ti-usd-vi-su-co-tran-dau-nam-2010-20668.html

Để giải quyết hậu quả, tập đoàn BP mất một số tiền khổng lồ không dưới 60 tỷ USD, trong đó nộp phạt 20,8 tỷ USD cho chính phủ Mỹ, 28 tỷ USD để đền bù khôi phục lại môi trường biển về tình trạng bình thường, 5,5 tỷ USD tiền phạt theo đạo luật nước sạch. Ngoài ra còn tiền bồi thường cho các bang bị thiệt hại và những chi phí khác. 



https://www.luatkhoa.org/2020/11/chu-nghia-xa-hoi-co-phai-la-ke-thu-cua-moi-truong/

4. Thảo luận

Phân tích tình huống được thực hiện theo các nhóm. Một lớp 50 người được chia làm 5 nhóm; mỗi nhóm thảo luận tập thể, thống nhất kết quả chung để 1 người đại diện trình bày. Các phân tích lý thuyết được so sánh với vụ ô nhiễm do Formosa gây ra.

(i) Bạn hiểu ô nhiễm môi trường nước là gì?

Ô nhiễm nước hay ô nhiễm môi trường nước là nguồn nước bị nhiễm hóa chất hoặc các chất lạ, độc hại gây bất lợi cho sức khỏe con người, thực vật, động vật hoặc cho sản xuất.

Trong vụ Formosa, ô nhiễm môi trường nước là nguồn chất thải chứa kim loại nặng do Công ty TNHH Hưng Nghiệp Formosa xả ra môi trường biển miền trung.

(ii) Đối tượng gây ra ô nhiễm là ai ?

Hai đối tượng chính là tự nhiên và con người

- Ô nhiễm nước có nguồn gốc tự nhiên: do mưa, tuyết tan, gió bão, lũ lụt, động đất… đưa vào môi trường nước các chất thải bẩn, các sinh vật có hại kể cả xác chết của chúng.

- Ô nhiễm nước có nguồn gốc nhân tạo: quá trình thải các chất độc hại chủ yếu dưới dạng lỏng như các chất thải sinh hoạt, công nghiệp, nông nghiệp, giao thông vào môi trường nước.Những chất gây ô nhiễm môi trường nước bao gồm: phân bón và thuốc trừ sâu từ sản xuất nông nghiệp; nước thải và chất thải từ chế biến thực phẩm; chì, thủy ngân và các kim loại nặng khác; chất thải hóa học từ các ngành công nghiệp.

Trong vụ Formosa, đối tượng gây ra ô nhiễm là con người, cụ thể là cán bộ nhân viên Công ty TNHH Hưng Nghiệp Formosa.

(iii) Con người có thể gây ô nhiễm môi trường nước như thế nào ?

Con người đổ vào môi trường nước rất nhiều loại độc tố, điển hình là

- Chất thải công nghiệp

- Nước thải sinh hoạt chưa được xử lý

- Hoạt động khai thác tài nguyên khoáng sản

- Rò rỉ dầu do tai nạn như vụ tràn dàu Deepwater Horizon

- Sử dụng nhiên liệu hóa thạch

- Chất thải phóng xạ

- Đô thị hóa và xây dựng tràn lan

Trong vụ Formosa Hà Tĩnh, nguồn gốc gây ô nhiễm là chất thải công nghiệp, nhưng có thể có thêm nước thải sinh hoạt chưa được xử lý, hoạt động khai thác tài nguyên khoáng sản và chất thải xây dựng vì không có cơ quan nào quản lý hoạt động của Formosa.

(iv) Những hậu quả xã hội của ô nhiễm môi trường nước do Formosa gây ra là gì?

Ô nhiễm nguồn nước trong vụ Formosa gây thiệt hại cả vềxã hội lẫn kinh tế. Về xã hội, hai hậu quả lớn nhất là sức khỏe con người và mất an ninh xã hội.

- Đối với sức khỏe con người:Hầu như tất cả các loại ô nhiễm nước đều có hại cho sức khỏe của con người, động vật và thực vật. Ô nhiễm nước có thể không gây hại cho sức khỏe của chúng ta ngay lập tức nhưng có thể gây hại sau khi tiếp xúc lâu dài.

Đối với vụ Formosa:Kim loại nặng do Formosa thải ra rất độc hại đối với sinh vật biển như cá và động vật có vỏ, và sau đó là cho những người ăn chúng. Kim loại nặng có thể làm chậm sự phát triển; dẫn đến dị tật bẩm sinh và bệnh ung thư. Kim loại nặng có thể tồn tại hàng trăm năm trong nước biển nên tác hại rất lâu dài.

Chất thải công nghiệp thường chứa nhiều hợp chất độc hại gây hại cho sức khỏe của thủy sản. Chúng có thể gây ức chế miễn dịch, suy sinh sản hoặc ngộ độc cấp tính. Một số chất độc trong chất thải công nghiệp có thể gây tử vong. Trong vụ Formosa, có 1 thợ lặn chết và nhiều người bị nhiễm độc nước biển ở khu vực Vũng Áng nơi đặt nhà máy của Formosa.

- Đối với an ninh xã hội: Hàng chục cuộc mít tinh, tuần hành phản đối Formosa tự phát diễn ra ở các tỉnh bị ảnh hưởng và ở nước ngoài; có những cuộc với hàng chục nghìn người tham gia. Hàng ngàn hộ dân kiến nghị chính quyền và khởi kiện Formosa đòi bồi thường thiệt hại do phía công ty Formosa gây ra. Dư luận xã hội, nhất là trên mạng, phản đối dữ dội Formosa và phê phán những sai lầm trong chính sách quản lý Formosa nói riêng và môi trường nói chung của chính phủ. Một số cơ sở sản xuất của Formosa bị bao vậy, đập phá… và phải ngừng sản xuất.

Trong báo cáo ngày 27/7/2016 của Chính phủ trình Quốc hội về vụ hải sản chết hàng loạt ở Miền Trung do việc xả thải của công ty Formosa, Chính phủ thừa nhận sự việc đã khiến giảm lòng tin của các tầng lớp nhân dân. Người dân nghi vấn về quá trình thẩm định, phê duyệt đầu tư; giảm cả lòng tin về khả năng của các cơ quan chức năng trong ứng phó các tình huống khẩn cấp về môi trường.

(v) Những hậu quả kinh tế của ô nhiễm môi trường nước do Formosa gây ra là gì?

Ô nhiễm nước có thể gây tổn hại nhiều thiệt hại cho nền kinh tế. Trong trường hợp Formosa có thể kể ra một số hậu quả kinh tế sau

- Chi phí để xử lý môi trường vô cùng tốn kém; tốn hơn nhiều so với vụ Deepwater Horizon. Ô nhiễm môi trường trầm trọng trong diện rộng vì chất thải là kim loại nặng rất độc hại và phải hàng chục, hàng tram năm sau mới bị phân hủy; phạm vi ô nhiễm tới hàng nghìn, thậm chí hàng chục nghìn km2 trải dài trên 400 km dọc bờ biển 4 tỉnh miền Trung.

- Thiệt hại về khai thác thủy hải sản ven bờ cực kỳ lớn; trong nhiều tháng các tỉnh liên quan phải dừng toàn bộ các hoạt động khai thác. Tỷ lệ thất nghiệp gia tăng rất mạnh. Số người đánh bắt thủy sản ở Hà Tĩnh giảm 74%. Ở Quảng Bình 83,2% người dân bị giảm thu nhập so với thời điểm trước khi xảy ra sự cố. Ngày 25 tháng 6 năm 2016, Thủ tướng chính phủ quyết định thời gian hỗ trợ gạo 15kg/người tối đa 6 tháng cho ngư dân Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế bị ảnh hưởng do hiện tượng hải sản chết bất thường.

- Thiệt hại về du lịch Tổng cục Du lịch cho biết ô nhiễm chất thải từ công ty Formosa đã gần như hoàn toàn phá hủy ngành du lịch của khu vực miền Trung khi doanh thu từ du lịch năm 2016 giảm tới 90%.Nhiều doanh nghiệp du lịch ở Hà Nội và TP.HCM cũng bị thiệt hại khi khách dự định đến 4 tỉnh miền Trung hủy tour, khiến công suất sử dụng phòng tại bốn tỉnh trên mất 40-50%.

- Bản thân công ty Formosa cũng bị thiệt hại nặng nề về sản xuất kinh doanh và về uy tín. Nhiều tài sản của công ty bị người biểu tình đập phá.

(vi) Mức bồi thường và tổng chi phí Formosa bỏ ra để khắc phục sự cố đã hợp lý chưa ? Nếu so sánh với tổng chi phí mà tập đoàn BP phải bỏ ra khắc phục sự cố Deepwater Horizon thì bạn có cảm xúc gì ?

- Việc bồi thường, nộp phạt và các chi phí khôi phục môi trường về nguyên trạng phụ thuộc vào quy mô và hậu quả gây ra của các sự cố. Rõ ràng sự cố Formosa có quy mô và hậu quả khổng lồ, chưa từng có trong lịch sử VN. Cụ thể ảnh hưởng tới sức khỏe, đời sống, công ăn việc làm của 262 nghìn hộ gia đình với gần 1 triệu nhân khẩu, hàng nghìn hoặc hàng chục nghìn km2 bờ biển bị ô nhiễm kim loại nặng không thể xử lý (vì chìm dưới đáy biển) và có nguy cơ kéo dài cả trăm năm, làm nền kinh tế của 4 tỉnh liên quan kiệt quệ,… Do đó, tổng số tiền 500 triệu USD được Formosa bỏ ra để bồi thường, khắc phục quá nhỏ bé so với tổn thất thực tế.

- Trong khi Formosa bỏ ra 500 triệu USD thì BP bỏ ra gấp hơn 100 lần mặc dù quy mô và hậu quả của sự cố Deepwater Horizon nhỏ hơn gấp nhiều lần so với Formosa. Deepwater Horizon chỉ ảnh hưởng tới khoảng 220 nghìn hộ dân, dầu nổi trên mặt nước được thu hồi, đa phần người dân không mất việc vì tỷ lệ dân sống nhờ đánh bắt hải sản biển ở Mỹ rất thấp…

(vii) Nếu thực hiện cơ chế thị trường hoàn hảo với bàn tay vô hình thì những vụ như Formosa hay Deepwater Horizon có xảy ra không ?

Chắc chắn sẽ xảy ra, thậm chí nhiều vụ với quy mô thiệt hại lớn hơn sẽ xảy ra.

Vì những người tham gia vào hệ thống thị trường tự do này, đặc biệt người sản xuất như Formosa hay BP, không phải gánh chịu những tổn thất do mình gây ra, nên họ có xu hướng gây ô nhiễm ngày càng nhiều hơn và đặc biệt họ không có động cơ kiểm soát ô nhiễm (vì nếu xử lý ô nhiễm thì họ phải chịu thêm chi phí).

Nhưng khi tình hình ô nhiễm trở nên nghiêm trọng, sẽ buộc chính phủ phải can thiệp.

(viii) Nhà nước cần làm gì để giảm thiểu tình trạng ô nhiễm do các doanh nghiệp như Formosa gây ra ?

Thực tế từ khi chuyển sang phát triển kinh tế thị trường, Nhà nước ta cũng đã ban hành Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 và các văn bản pháp luật khác về bảo vệ môi trường, trong đó có các quy định về bảo vệ môi trường nước. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, thực tiễn thi hành các quy định của pháp luật bảo vệ môi trường nói chung và các quy định về xử lý môi trường nước thải nói riêng vẫn còn có bất cập. Do đó không chỉ có vụ Formosa, hàng chục vụ ô nhiễm môi trường nước đã từng diễn ra ở nước ta.

Thực trạng trên đòi hỏi Nhà nước ta cần có những biện pháp thích hợp để hoàn thiện pháp luật và nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật về xử lý nước thải, từng bước giảm thiểu ô nhiễm và bảo vệ môi trường nước.

Một số giải pháp quan trọng nhất là

- Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật bảo vệ môi trường và đảm bảo thống nhất trong hoạt động quản lý xả thải vào môi trường nước.

- Xử lý mạnh mẽ, nghiêm khắc các hành vi vi phạm pháp luật bảo vệ môi trường nước và tăng cường các biện pháp tác dụng giáo dục, phòng ngừa, răn đe đối với những hành vi xâm hại môi trường.

- Đảm bảo trong mọi dự án, công trình phải có gắn kết chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường nước. Kiên quyết không cho phép thực hiện các dự án, công trình chưa đảm quy định về tác động tài nguyên, môi trường, nhất là môi trường nước.

- Công khai hóa và cung cấp rộng rãi các thông tin, báo cáo về quản lý, sử dụng và bảo vệ tài nguyên môi trường nước cho toàn dân biết.

- Tăng cường vai trò của các tổ chức xã hội, cộng đồng dân cư và từng cá nhân người dân trong tham vấn về đánh giá tác động môi trường, trong giám sát việc thực hiện pháp luật môi trường.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét