Việt Kiều Mỹ về VN làm báo: ‘Tôi hi vọng mình sẽ không phải trở lại Mỹ’
Thùy Linh 6 tháng 2 2019 - Chỉ có hai trường hợp tôi quay trở lại Mỹ. Một đó là nếu như tôi cưới một phụ nữ Việt Nam và cô ấy muốn sang Mỹ sống. Tôi không biết điều đó có xảy ra không. Hi vọng tôi không phải quay trở lại Hoa Kỳ. Và trường hợp thứ hai là nếu bố mẹ hay gia đình tôi có việc khiến tôi phải quay về. Nhưng tôi có nhiều người thân ở Mỹ rồi. Tôi hi vọng có thể ở Việt Nam lâu dài. Base của tôi là ở Việt Nam. Tôi nghĩ cuộc sống ở Việt Nam phù hợp với mối quan tâm sự nghiệp của tôi. Về cá nhân thì tôi thấy vui hơn ở đây. Tôi thích đi du lịch quanh Châu Á, gặp gỡ những người trẻ tuổi. Nó luôn tươi mới đối với tôi. Tôi nghĩ đây là điều quan trọng nhất.
Hảo Trần
Vietcetera đang dần trở thành một cái tên ngày càng được biết đến trong cộng đồng Việt kiều, người nước ngoài tại Việt Nam và giới trẻ Việt. Một tạp chí sinh ngữ đem đến các câu chuyện về đời sống văn hóa Việt Nam mới lạ, không hẳn Việt, cũng không hẳn ngoại. Các câu chuyện được kể qua lăng kính của sự tò mò, thích thú, cởi mở và tràn đầy sự lạc quan và tự hào. Thùy Linh BBC vừa có buổi trò chuyện với Hảo Trần, một chàng trai người Mỹ gốc Việt quyết định về Việt Nam khởi nghiệp, đồng sáng lập tạp chí Vietcetera và ngoài ra còn thử thách khởi nghiệp trong lĩnh vực nhà hàng.
Cuộc phỏng vấn được thực hiện bằng tiếng Anh và đã được dịch lại.
BBC: Xin chào Hảo. Bạn có thể giới thiệu chút về bản thân được không?
Hảo Trần: Tôi là Hảo Trần. Tôi 27 tuổi. Tôi là người Mỹ nhưng gốc Việt Nam. Tôi sinh ra ở Hoa Kỳ và giờ đang sống ở thành phố Hồ Chí Minh.
Bố mẹ tôi sinh ra ở Việt Nam. Tôi nghĩ họ đến Hoa Kỳ khoảng 45 năm trước. Họ sống ở Texas rồi Pennsylvania sau đó họ chuyển đến Vùng Bay area, California và đó là nơi tôi sinh ra và lớn lên.
BBC: Bạn có nói được tiếng Việt không?
Hảo Trần: Tôi có thể nói tiếng Việt. Có thể giao tiếp được. Hạn chế của tôi là tôi sẽ nói tiếng Việt bằng giọng Huế. Cho nên tôi không hay nói tiếng Việt ở Sài Gòn. Tôi chỉ nói tiếng Việt với những người tôi đã từng trò chuyện bằng tiếng Việt vì họ đã hiểu phương ngữ của tôi khá là tốt.
Tôi cũng có thể tiếng Tây Ban Nha nhuần nhuyễn. Thật ra tiếng Tây Ban Nha của tôi tốt hơn tiếng Việt. Vì tôi học ở trường và cũng từng có thời gian sinh sống ở các quốc gia nói tiếng Tây Ban Nha.
Tiếng Việt thì tôi chưa bao giờ đi học chính quy. Tôi hoàn toàn học từ bố mẹ tôi. Tôi thường gọi nó là "kitchen Vietnamese" vì tôi chỉ toàn học nó ở nhà bếp, nơi mọi người hay quây quần với nhau. Vì vậy tôi chưa bao giờ học cách viết và đọc tiếng Việt cho đến khi tôi tự học ở Việt Nam, nên trình độ khá cơ bản.
BBC: Bạn đến Việt Nam lần đầu tiên khi nào?
Hảo Trần: Lần đầu tiên tôi đến Việt Nam là khi tôi 19 tuổi. Sau đó tôi trở lại một mình khi tôi 24 tuổi. Sau đó tôi trở về Mỹ, làm việc cho một công ty đầu tư và tìm được một cơ hội để làm việc cho họ ở Việt Nam. Và đó là 3 năm trước đây rồi.
Những hiểu biết của tôi khi đó về Việt Nam thì khá là hạn chế. Tôi có một sự hiểu biết rất cơ bản về đất nước này như đồ ăn ven đường, những địa danh lịch sử, danh lam thắng cảnh… nhưng tôi cảm thấy Việt Nam còn có nhiều thứ mới mẻ tôi chưa thể khám phá.
BBC: Bố mẹ bạn phản ứng như thế nào khi bạn nói bạn muốn đến Việt Nam?
Hảo Trần: Tôi nộp đơn vào một công việc ở mảng đầu tư và công ty [ở TP HCM] này là một công ty của Mỹ, cho nên khá là dễ để thuyết phục bố mẹ tôi.
Và thật ra thì không phải là tôi chủ động muốn đến Việt Nam mà vì có một công việc và tôi thấy 'Ồ đây là một cơ hội tốt, tại sao không?'
Thật ra có khá nhiều câu chuyện về Việt Kiều, một ngày tự dưng đến Việt Nam mà không có một kế hoạch nào, ngoài một số người họ quen biết. Còn tôi thì có suy nghĩ, cân nhắc hơn một chút.
BBC: Bạn là một người đồng sáng lập ra Vietcetera. Vậy Vietcetera là gì?
Hảo Trần: Vietcetera là một dạng tạp chí để chia sẻ câu chuyện về 'Việt Nam mới'.
Chúng tôi đều nhận thấy là có nhiều điều thú vị về Việt Nam hơn là những gì đang được đăng tải trên mạng.
Trên mạng thì hầu hết các câu chuyện là về tin tức hoặc những quan điểm cũ về Việt Nam, mà thiếu những câu chuyện về khía cạnh đời sống và xã hội.
Vì vậy, chúng tôi muốn chia sẻ những thứ tích cực hơn, thú vị hơn. Nền kinh tế đang phát triển, tầng lớp trung lưu xuất hiện và vì thế có thêm nhiều phong cách mới, xu hướng mới về những khía cạnh như ẩm thực, ăn uống, thời trang, thiết kế, công nghệ và kinh doanh.
Ban đầu khi chúng tôi thành lập tạp chí thì chúng tôi cũng muốn kiếm lợi nhuận, ít ra đủ để tồn tại. Nhưng cá nhân tôi thì là vì tôi muốn gặp gỡ nhiều người.
Khi tôi đến đây thì vì công việc của tôi nên các mối quan hệ khá là giới hạn, hầu hết là những người tôi quen khi đó đều ở trong mảng tài chính, công nghệ, khởi nghiệp… và không khác gì những người ở San Francisco. Vì vậy, thế giới quan của tôi bây giờ rộng mở hơn vì tôi đã được gặp gỡ rất nhiều người [qua Vietcetera].
BBC: Thế thì bạn bắt đầu Vietcetera như thế nào?
Hảo Trần: Chính thức thì công ty [Vietcetera] bắt đầu từ tháng 4/2016, nhưng đến tháng 9/2016 chúng tôi mới thực sự hoạt động. Chúng tôi kiếm được đôla đầu tiên vào tháng 10/2017.
Khi đó Guy Trương, một anh chàng người Bỉ gốc Việt và hai người khác đã nảy ra ý tưởng, tôi gia nhập họ khoảng một tháng sau đó. Nhưng thời gian đầu công ty không kiếm được lợi nhuận nên hai người kia rút lui. Chỉ có tôi và Guy làm việc cùng nhau trong vòng một năm rưỡi, và bây giờ chúng tôi đã có hơn 20 nhân viên ở văn phòng TP HCM.
Tôi đã nghỉ công việc cũ hơn một năm rưỡi rồi, và giờ tập trung hoàn toàn vào Vietcetera.
BBC: Ngoài tạp chí Vietcetera, bạn còn sở hữu nhà hàng Ănăn nữa đúng không?
Hảo Trần: Bây giờ tôi không sở hữu Ănăn nữa rồi. Peter, đối tác kinh doanh của tôi đã mua toàn bộ cổ phần của tôi 9 tháng trước.
Ănăn là một dự án riêng biệt của tôi với người cộng sự kinh doanh, đầu bếp Peter Cường Franklin. Tôi gặp ông ấy qua Vietcetera, ông ấy là một trong những nhân vật đầu tiên của Vietcetera. Và sau buổi phỏng vấn đó thì chúng tôi có một mối quan hệ làm việc khá tích cực và ông ấy rủ tôi mở một nhà hàng.
Tôi là người tìm ra tòa nhà, ông ấy đến, chúng tôi cùng ký hợp đồng rồi bắt đầu công việc kinh doanh!
Tôi nghĩ Ănăn đang nhanh chóng trở thành một biểu tượng của thành phố, đặc biệt là trong lĩnh vực ẩm thực Việt Nam mới.
Peter đến nói đề nghị mua lại cổ phần của tôi vì ông ấy muốn phát triển nhà hàng theo một hướng mới. Tôi hoàn toàn vui vẻ về điều đó vì tôi cũng muốn tập trung vào phát triển Vietcetera.
Nhưng trải nghiệm đó rất có ý nghĩa với tôi. Tôi đã học được rất nhiều về ngành công nghiệp nhà hàng. Tôi được biết thêm về những người đang thay đổi Việt Nam bằng ẩm thực vì nó sức lan tỏa không nhỏ.
Công việc kinh doanh cũng khá nhỏ, chúng tôi không kiếm được nhiều lợi nhuận từ nó nhưng tôi cũng gặp được nhiều người và đó là một trải nghiệm tốt. Còn lại 90% công việc của tôi thì tập trung vào tạp chí Vietcetera.
BBC: Trước Vietcetera, bạn có bất kỳ kinh nghiệm kinh doanh nhà hàng hay quản lý tờ báo nào không?
Hảo Trần: Không, hoàn toàn không.
BBC: Vậy mà nó vẫn thành công.
Hảo Trần: Vâng, nó vẫn thành công.
BBC: Độc giả mà Vietcetera nhắm đến là ai?
Hảo Trần: Độc giả chúng tôi nhắm đến nhất định là tầng lớp white-collar, dân làm việc văn phòng vì họ có khả năng đọc hiểu tiếng Anh. Dựa trên phong cách của tạp chí và những bài viết mang tính tư duy trước thời đại (forward thinking), hầu hết độc giả của chúng tôi là những dân cổ cồn trắng, dân du lịch, Việt Kiều, người nước ngoài làm việc tại Việt Nam.
BBC: Công ty của bạn có khá nhiều bạn trẻ Việt Nam. Bạn có cảm nhận gì về họ?
Hảo Trần: Họ thích ứng khá nhanh, ham học hỏi và rất kỷ luật. Talent pool ở Việt Nam thì khá là lớn, nên rất thú vị. Tôi cảm thấy nó còn tốt hơn ở Mỹ ở nhiều mặt. Họ rất tích cực và tư duy tân tiến.
Người Mỹ thì hơi cho là mình có đặc quyền hơn.
BBC: Có rất nhiều người Việt dành dụm mong một ngày họ có thể sang Hoa Kỳ sinh sống, bạn thì làm ngược lại. Có ai ở đây từng hỏi vì sao bạn không sống ở Mỹ mà lại sang Việt Nam không?
Hảo Trần: Tôi nghĩ là quan niệm cho rằng người Việt đều muốn đến Mỹ thì không thực sự áp dụng cho tất cả.
Những người Việt tôi gặp ở Sài Gòn, ở Hà Nội thật ra đều nói ngược lại. Hầu hết họ tầm khoảng tuổi của tôi, một số người lớn tuổi hơn, một số nhỏ hơn. Họ đều nói họ muốn ở đây, hơn là đi nước ngoài hay sống ở nước ngoài. Nhưng đó là trải nghiệm của cá nhân tôi.
BBC: Bạn có nhận thức được về quan điểm chống chính quyền Việt Nam của một số cộng đồng người Việt ở Hoa Kỳ không?
Hảo Trần: Tôi nghĩ tất cả mọi người đều có quyền có quan điểm riêng. Tôi thì khá lạc quan về Việt Nam. Quan điểm của họ không liên quan tới tôi.
BBC: Thế hệ người Mỹ gốc Việt như bạn có suy nghĩ như bạn không?
Hảo Trần: Điều này thì khó nói. Nhưng họ không ở đây để thấy Việt Nam thú vị như thế nào và quan điểm của họ về Việt Nam thì khá là giới hạn. Tôi đã tiếp rất nhiều Việt Kiều đến đây và họ rất thích thú khi thấy những gì Việt Nam đang có. Nên nói chung thì khá là tích cực.
BBC: Bạn có ý định ở Việt Nam lâu dài không?
Hảo Trần: Chắc chắn, tôi nghĩ vậy. Chỉ có hai trường hợp tôi quay trở lại Mỹ. Một đó là nếu như tôi cưới một phụ nữ Việt Nam và cô ấy muốn sang Mỹ sống. Tôi không biết điều đó có xảy ra không. Hi vọng tôi không phải quay trở lại Hoa Kỳ.
Và trường hợp thứ hai là nếu bố mẹ hay gia đình tôi có việc khiến tôi phải quay về. Nhưng tôi có nhiều người thân ở Mỹ rồi. Tôi hi vọng có thể ở Việt Nam lâu dài. Base của tôi là ở Việt Nam.
Tôi nghĩ cuộc sống ở Việt Nam phù hợp với mối quan tâm sự nghiệp của tôi. Về cá nhân thì tôi thấy vui hơn ở đây. Tôi thích đi du lịch quanh Châu Á, gặp gỡ những người trẻ tuổi. Nó luôn tươi mới đối với tôi. Tôi nghĩ đây là điều quan trọng nhất.
Câu chuyện của Hảo Trần nằm trong loạt bài Global Vietnamese - Người Việt Nam Toàn Cầu của BBC Tiếng Việt.
Nếu độc giả biết những nhân vật, những câu chuyện nổi bật về giới trẻ, về cộng động người nước ngoài tại Việt Nam,xin chia sẻ với tác giả qua email: Linh.Nguyen@bbc.co.uk.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-47039601
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét