Chủ Nhật, 10 tháng 2, 2019

VN và 'cuộc cờ' lợi ích dân tộc trong thế giới biến động

Việt Nam và 'cuộc cờ' lợi ích dân tộc trong thế giới đầy biến động
Trong suốt hơn 10 năm, Đại sứ Phạm Quang Vinh được coi là một trong những chiến lược gia hàng đầu của đối ngoại Việt Nam. Ông đảm nhận cương vị đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Mỹ trong giai đoạn quan hệ song phương tiến nhanh và có nhiều cột mốc nhất từ tháng 11/2014 đến tháng 6/2018 dưới cả hai đời tổng thống Barack Obama và Donald Trump. Trước đó, ông từng là thứ trưởng Bộ Ngoại giao đồng thời là trưởng SOM ASEAN (Hội nghị Quan chức Cao cấp ASEAN) của Việt Nam trong giai đoạn nhiều biến động của 2008-2014. Những phóng viên từng có mặt tại Nay Pyi Taw tháng 5/2014 sẽ rất nhớ ông Vinh đã đóng góp thế nào trong quá trình vận động để các ngoại trưởng ASEAN ra tuyên bố đặc biệt về Biển Đông năm đó. Viet Nam va 'cuoc co' loi ich dan toc trong the gioi day bien dong hinh anh 2
Vừa mới nghỉ hưu từ ngày 1/1, Đại sứ Phạm Quang Vinh đã dành cho Zing.vn cuộc trao đổi về hành trình kiên định đi tìm sự “song trùng” và hợp tác của Việt Nam, trong bối cảnh thế giới biến động với sự trỗi dậy của chủ nghĩa bảo hộ và sự gay gắt trong cạnh tranh giữa các nước lớn. Nhà ngoại giao kỳ cựu đồng thời phân tích vị trí của Việt Nam trên bản đồ ASEAN và khu vực thông qua các diễn biến của năm qua.


- Tổng thống Trump khiến nhiều đồng minh khó khăn với cách ra quyết định đột ngột, khó đoán. Trong hoàn cảnh đó, đại sứ vẫn thành công trong việc thúc đẩy quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ. Ông có phải thay đổi cách tiếp cận của mình?

- Vừa có vừa không. Nhìn lại tháng 11/2016 khi ông Trump thắng cử, không chỉ nước Mỹ mà thế giới bên ngoài cũng bất ngờ. Một người chưa kinh nghiệm chính trị, cũng chưa liên quan đến chính trị, thắng cử. Vậy thì làm sao có thể tiếp cận, hiểu được con người và tư duy chiến lược của ông?

Mình nhớ nhiều người có thái độ chờ đợi. Nhưng là đại sứ, mình phải hiểu các nước lớn là đối tác quan trọng nên bằng cách nào cũng phải tiếp cận bằng được.

Khi đó, ta tiếp cận ông Trump qua rất nhiều nguồn nên chỉ sau đó hơn một tháng, có cuộc điện đàm rất quan trọng giữa Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và ông Trump vào ngày 14/12/2016. Tháng 5/2017 đã có chuyến đi đầu tiên của thủ tướng sang gặp ông Trump và tháng 11/2017 ông Trump đến Đà Nẵng dự APEC và thăm Hà Nội.

Có một số điều quan trọng ở đây. Một là dù ông Trump tập trung nước Mỹ trên hết, nhưng vẫn quan hệ với bên ngoài.

Hai là cả thế giới ai cũng đặt lợi ích quốc gia trên hết. Chỉ có từng thời điểm, lợi ích nào là cao nhất và tiếp cận thế nào để đạt được lợi ích quốc gia. Ông Trump có thể thay đổi thứ tự, mình phải hiểu được thứ tự đó.

Thứ ba, người ta nghĩ ông co cụm lại nhưng trên thực tế, ông vẫn mở ra trong quan hệ các nước, chỉ với cách tiếp cận khác. Ông chỉ nói rất rõ là không để nước này làm thiệt nước kia mà phải hai bên cùng có lợi, có đi có lại.

Một điều nữa là ông ấy đi từ doanh nghiệp lên và có thể không hiểu rõ về các vấn đề chính trị hay các vấn đề trong quan hệ các nước. Chính vì ông không biết, mình phải là người chủ động cung cấp thông tin, để người ta hiểu, người ta thấy những cái song trùng. Còn cái gì không song trùng thì đương nhiên phải tìm cơ chế giải quyết.

- Ông làm thế nào tiếp cận được chính quyền mới của Mỹ?

- Trước hết là bạn bè trong quốc hội, trong chính quyền, hai là bạn bè trong doanh nghiệp, và ba là bạn bè trong giới học giả. Ba nguồn này, họ đều đã có những cách tiếp cận và họ đều đã tương tác với ông Trump hoặc với người của ông Trump. Chính họ là những người giới thiệu chúng ta.

Đối với ông Trump, thì có lẽ bớt lập luận, lý lẽ mà tìm những cái một là thể hiện sự quan tâm của mình đến ưu tiên của họ, và hai là có thể đáp ứng lợi ích của họ mà vẫn giữ được lợi ích của mình. Có lẽ ông Trump không thích tranh luận, mà muốn xem anh làm được gì cho tôi. Mà trước khi mình làm được chuyện đó, mình phải nghĩ là mình giữ được gì cho mình, để nói được là ông phải làm gì cho tôi.

- Nhưng việc trông đợi những lợi ích có đi có lại như vậy liệu có quá khác biệt so với những tổng thống trước?

- Có chứ, rất khác! Cách tiếp cận rất khác so với chính quyền Mỹ trước đây. Nếu các chính quyền Mỹ trước đây đối với đồng minh chiến lược sẽ gạt bất đồng sang một bên để xử lý một cách êm thấm hơn, Trump lại tách biệt - cái nào là bất đồng là cứ xử lý bất đồng, còn câu chuyện đồng minh chiến lược vẫn là đồng minh chiến lược.

Ta thấy rất rõ cách họ xử lý với EU, với Nhật, với cả Canada, khác lắm so với các chính quyền trước.


- Hợp tác an ninh Việt – Mỹ thời gian qua nhìn từ ngoài đã có những dấu hiệu tích cực như tàu sân bay USS Carl Vinson của Mỹ ghé thăm Đà Nẵng tháng 3/2018. Liệu năm nay có thêm chuyến thăm nào của tàu chiến Mỹ?

- Tôi nghĩ là nếu nhìn về hợp tác an ninh, cần nhìn hai cục diện: song phương và khu vực - thậm chí là toàn cầu.

Song phương đang đi từng bước, phù hợp lợi ích hai nước, trong đó bao gồm làm sao khắc phục hậu quả chiến tranh, và cùng hướng tới hòa bình ổn định ở khu vực này. Việc hợp tác giữa hai nước, bao gồm giúp đỡ về gìn giữ hòa bình, an ninh hàng hải, cứu trợ nhân đạo, khắc phục hậu quả thiên tại, quan hệ quốc phòng, đều đã được nhân lên.

Khi tàu sân bay Mỹ thăm Việt Nam tháng 3/2018, tôi vẫn còn ở bên Mỹ. Họ đến, và cả giao lưu với dân Đà Nẵng của mình. Có ca nhạc, có bà này hát bài Trịnh Công Sơn rất hay.

Nhưng cái quan trọng nhất ở đây là đến nay chúng ta có giao lưu, hợp tác về mặt hàng hải, về mặt tàu đến thăm, với rất nhiều quốc gia. Điều đó thể hiện chính sách hòa bình. Họ đến đây với bàn tay hữu nghị, tăng cường hiểu biết. Tàu sân bay hay tàu hải quân ghé thăm cũng nằm trong cái đó. Nên nếu hai nước có yêu cầu, có thỏa thuận được, tôi tin rằng sẽ có những chuyến thăm nữa.

Cái hay hơn nữa là tàu sân bay đến cũng mang theo thông điệp của người dân với người dân. Tôi rất ấn tượng họ đi đá bóng, họ đi giao lưu, tập nấu các món ăn của miền Trung Việt nam, rồi hát những bài ca Việt Nam. Đó là thông điệp rất lớn.

- Ông có cảm nghĩ gì khi tàu sân bay đến thăm Việt Nam?

- Nó khiến tôi nhìn lại 3 năm rưỡi tôi làm đại sứ ở Mỹ. Trong thời gian đó, có chuyến thăm đầu tiên của người đứng đầu hệ thống chính trị Việt Nam là Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng vào tháng 7/2015.

Lần đầu tiên một tổng thống Mỹ thăm Việt Nam vào năm đầu tiên của nhiệm kỳ, và thăm cấp nhà nước, đó là Donald Trump.

Điều nữa mà mọi người không để ý nhiều là Mỹ dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí sát thương (thời Obama), và chính cái đó là một trong những rào cản cuối cùng được gỡ bỏ, thể hiện bình thường hóa quan hệ. Mặc dù bình thường hóa từ 1995, mà cho đến 2016 là 21 năm sau mới gỡ được lệnh cấm đó.

Nhìn tổng thể, khi tôi nhận nhiệm vụ năm 2014, thương mại giữa Mỹ và Việt Nam lúc đó là khoảng 36 tỷ USD. Nếu nhìn lại năm 1995, tức 20 năm trước, con số đó vào khoảng 450 triệu USD, tức trong 20 năm tăng thêm 80 lần. Liệu mình còn cửa không? Cũng rất may là trước khi tôi hết nhiệm kỳ, đã lên đến hơn 50 tỷ USD. Như vậy cái đà tăng thương mại giữa hai nước vẫn được tiếp tục dù có khó khăn.

Có một điểm đáng tiếc, đó là cái câu chuyện TPP (Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương). TPP vừa là thách thức vừa là cơ hội nhưng cơ hội sẽ nhiều hơn, tạo ra một cái chuỗi cung ứng và một hệ giá trị ở mức cao hơn trong thương mại toàn cầu của châu Á - Thái Bình Dương, khu vực gắn kết rất quan trọng. Chỉ có điều chính quyền mới của Mỹ lên đã thay đổi ưu tiên, nhưng cũng rất may các nước vẫn duy trì được điều đó.

CPTPP (Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương Toàn diện và Tiến bộ) nếu duy trì được để đến một ngày có thể kết nối với các nền kinh tế lớn khác, tạo thành một chuỗi cung ứng toàn cầu ở mức độ cao hơn thì sẽ tốt hơn rất nhiều.



Ông Phạm Quang Vinh từng đón tiếp cả hai tổng thống Mỹ Donald Trump và Barack Obama thăm Việt Nam.

- Thương mại Việt - Mỹ đang ở mức 50 tỷ USD. Căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc có khiến con số này chững lại? Việt Nam phải làm gì để tránh trường phái bảo hộ ảnh hưởng đến mình?

- Với chính sách, ưu tiên chiến lược mới của ông Trump, thâm hụt là cái đầu tiên mà chính quyền mới của Mỹ muốn điều chỉnh.

Nhưng tôi phải nói thâm hụt thương mại Việt - Mỹ là hệ quả của giao lưu thông thường về thương mại, ở đây không có gian lận thương mại. Hơn nữa Việt Nam luôn phải chịu những rào cản phi thương mại để tiếp cận thị trường Mỹ.

Cái thứ hai là khi Mỹ đưa ra ưu tiên về xử lý thâm hụt thương mại, chúng ta ghi nhận mối quan tâm đó và cùng với Mỹ xử lý thâm hụt thương mại. Đó là sự chủ động của mình. Thứ nhất, ta tiếp tục tạo điều kiện cho cộng đồng doanh nghiệp Mỹ tham gia đầu tư và buôn bán bằng việc xây dựng cái môi trường kinh doanh thuận lợi. Thứ hai, ta bày tỏ mong muốn mua sản phẩm, dịch vụ Mỹ. Chúng ta thực sự rất cần các sản phẩm chất lượng cao và công nghệ cao của Mỹ. Chẳng hạn, mình đã mua máy bay, điện gió, điện mặt trời, và cả năng lượng Mỹ như khí hóa lỏng.

Nhưng để Việt Nam có thể mua được nhiều hơn nữa, chắc phải cần các yếu tố: giá cả cạnh tranh, hỗ trợ về năng lực tài chính và điều chỉnh chính sách của cả hai bên, xử lý những cách biệt.

Tôi cho rằng thương mại giữa Việt Nam và Mỹ còn không gian để phát triển do tính bổ sung và hỗ trợ lẫn nhau giữa hai nền kinh tế. Họ có các sản phẩm chất lượng cao, những công ty đa quốc gia, có tiềm lực kinh tế lớn và công nghệ cao. Chúng ta lại có những sản phẩm có giá cả cạnh tranh có thể hỗ trợ được cho những dây chuyền của Mỹ. Chúng ta lại có thể cung cấp những dịch vụ mà nước Mỹ có thể tranh thủ được.

Quay về chuyện thâm hụt thương mại, cái chính là quan tâm và xử lý giảm dần, không thể một sớm một chiều. Nếu xử lý bằng cách ngưng dòng chảy thương mại thì đó là cách xử lý tiêu cực nhất. Còn câu chuyện chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, nó có cả yếu tố thương mại lẫn yếu tố chiến lược. Cạnh tranh nước lớn về mặt chiến lược đã trở thành một trong những ưu tiên hàng đầu của chính quyền Mỹ, trong đó có cạnh tranh Mỹ - Trung.

Thương mại là một trong những cạnh tranh lớn. Trong thương mại, không chỉ có vấn đề thâm hụt thương mại, mà Mỹ - Trung đang cọ xát trên nhiều vấn đề khác, bao gồm cả sở hữu trí tuệ, khoa học - công nghệ, bao gồm mua bán cổ phần, tiếp cận thị trường trung quốc, chuyển giao công nghệ.

- Quan hệ Việt - Mỹ có những những vực hợp tác gì mà theo ông vẫn chưa tận dụng được?

- Nếu gọi là chưa tận dụng được thì không phải. Hai bên cũng đã bàn rất nhiều vấn đề; ở những thời điểm khác nhau, những chính quyền khác nhau cũng đã có những điều chỉnh. Việt Nam thiết lập quan hệ đối tác toàn diện với Mỹ năm 2013 và đến bây giờ quan hệ đã mở rộng và sâu sắc hơn rất nhiều.

Nếu nhìn lại, khi Tổng bí thư thăm Mỹ tháng 7/2015 - lần đầu tiên Mỹ đón người đứng đầu hệ thống chính trị Việt Nam - trong tuyên bố thì cùng với việc phát triển quan hệ đối tác toàn diện Việt - Mỹ, có một câu rất quan trọng là hai bên tôn trọng thể chế chính trị của nhau. Cái này sẽ là nền tảng cho việc phát triển quan hệ giữa những nước khác biệt về chế độ chính trị xã hội, trong đó có Việt Nam và Mỹ.

Thứ hai, có một thời gian dài chúng ta nhìn thấy những nhân vật chủ chốt tham gia vào việc bình thường hóa và xây dựng quan hệ Việt - Mỹ như John McCain, John Kerry... những người đã gắn với một cuộc chiến tranh giờ xây dựng lại quan hệ giữa hai dân tộc, hai nước, tính đến nay đã gần 50 năm rồi, nên bây giờ chúng ta cần xây dựng những thế hệ, bao gồm chính phủ, quốc hội, của cả hai bên, để hiểu rõ sự đan xen lợi ích Việt - Mỹ.

Thứ ba, năm 2020 sẽ là cột mốc quan trọng khi hai nước kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ. Từ nay đến đó chắc sẽ có nhiều suy nghĩ của lãnh đạo hai bên, làm sao để quan hệ sâu sắc hơn, hoàn thiện hơn. Vậy thì năm 2019 chắc chắn sẽ là năm bản lề quan trọng để chúng ta chuẩn bị cho sự kiện này.


- Việt Nam đảm nhận cương vị chủ tịch ASEAN vào năm 2020 và đây là vấn đề ông đã theo đuổi rất lâu. Việt Nam có thể làm gì để giữ được vai trò trung tâm của ASEAN trong các vấn đề khu vực?

- 2020 sẽ là 10 năm sau khi mình làm chủ tịch ASEAN. Khi Việt Nam đảm nhận chức chủ tịch ASEAN 2010 rất khác các nước khác trước đó đảm nhận chủ tịch. Một là ASEAN có hiến chương và quyết định đi vào cộng đồng. Trong một năm đó có hai hội nghị cấp cao và rất nhiều hội nghị cấp bộ trưởng, còn trước đó thì thỉnh thoảng có hội nghị cấp cao và một hội nghị bộ trưởng vào giữa năm.

Như vậy để nói thế này, 2020 mình làm được gì, và nhất là duy trì vai trò trung tâm của ASEAN thì phải đặt trong bối cảnh mới 10 năm sau. Một là sau khi ASEAN đi vào cộng đồng, rõ ràng là những nhu cầu nội tại và vươn lên của ASEAN đã đạt được chuẩn mực nhất định, cao hơn so với thời kỳ trước. Thứ hai, quan hệ với các đối tác nước lớn trong đó có Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, EU... cũng đã tăng lên một mức nữa.

Nhưng thách thức, là thế giới trong 2-3 năm qua vừa thay đổi quá lớn và quá sâu sắc, trong đó đan xen giữa cái thách thức và cơ hội. Cạnh tranh nước lớn, như cạnh tranh Mỹ - Trung, đã gay gắt, mang tính toàn diện hơn rất nhiều...

Tôi cho rằng về nguyên tắc ASEAN vẫn phải tăng cường nội lực của mình nhưng làm sao duy trì được quan hệ tốt với tất cả các nước khác, chủ động về sáng kiến đối với chính khu vực của mình, và tiếp cận sao vẫn duy trì vai trò trung tâm. Điều đó sẽ đặt ra những thách thức khi bây giờ có một loạt những sáng kiến trong đó có sáng kiến của Mỹ, sáng kiến của Trung Quốc liên quan tới khu vực châu Á - Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Tôi cho rằng vì ASEAN nằm trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, ASEAN buộc phải tranh thủ được tất cả. Nếu cạnh tranh nước lớn đừng bắt phải chọn bên, nếu cạnh tranh nước lớn được đặt trên trật tự luật pháp quốc tế, nếu cạnh tranh nước lớn mà cho phép không chỉ nước lớn mà nước nhỏ cũng được nói lên tiếng nói để bảo vệ cái lợi ích của mình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, thì ASEAN cần phải ủng hộ. Còn nếu đi chệch khỏi cái đó thì ASEAN cần phải lên tiếng để các đối tác phải tôn trọng hơn.

Không nên bị cuốn vào cái cuộc cạnh tranh chiến lược của các nước lớn, nhưng đồng thời cũng đủ tỉnh táo để nhìn ra mình có quan hệ với các đối tác khác nhau và để thấy rằng họ cần đến ASEAN.

Cạnh tranh giữa các nước lớn là thách thức nhưng đồng thời cũng là thời cơ để ASEAN thể hiện mình tự cường và độc lập hơn, và mình có thể chủ động đưa ra tiếng nói của mình khi tương tác với các nước lớn, không chỉ lúc họ bắt tay với nhau mà còn kể cả lúc họ cạnh tranh chiến lược.

- Một số nước đang đặt câu hỏi về nguyên tắc đồng thuận trong ASEAN. Liệu nguyên tắc đồng thuận đã tới lúc cần thay đổi?

- Phải thấy rằng 10 nước ASEAN có những đặc điểm về lịch sử rất khác nhau, từng đứng ở các bên rất khác nhau trong các cuộc cạnh tranh và chiến tranh trong nội bộ; rồi cả tôn giáo, văn hóa, truyền thống rất khác nhau. Nếu không có nguyên tắc đồng thuận để đảm bảo các nước cùng có lợi ích, làm sao mà anh đồng hành cùng đi được. Nếu không có đồng thuận, tôi không nghĩ ASEAN sẽ ngồi lại được với nhau.

Nhưng nếu nói nguyên tắc đồng thuận còn có gì phải bổ sung không thì chắc là nhiều. Có hai quá trình song song của nguyên tắc đồng thuận, một là quá trình là tự thân các nước xây dựng cộng đồng trong ASEAN vì cùng có lợi ích trong cái gắn kết cộng đồng này, nhất là hòa bình ổn định. Rất nhiều nước có lợi từ việc có ASEAN. Có nước nhỏ bị các nước lớn cấm vận mà vẫn được tiếp xúc với các nước đó khi thông qua kênh ASEAN. Rồi cộng đồng ASEAN đã tạo ra môi trường cả về mặt kinh tế và an ninh cho nên chính họ ý thức được là không thể ngăn cản ASEAN quá được.

Quá trình thứ hai là đồng thuận ASEAN không phải là voting, đùng cái biểu quyết ai đồng ý ai ko đồng ý, mà là quá trình xử lý các bất đồng để tiến đến chỉ còn thắc mắc mà không có bất đồng nữa, tức là họ vẫn có những cái bảo lưu nhưng họ thấy rằng nếu không cản bước tiến đi tới đồng thuận thì tốt hơn.

Tất nhiên cũng có những nước, trong các cuộc họp, không phải lúc nào cũng nhận thức được hết cái đó. Vừa thấy khác biệt quá thì không gỡ nữa thì lại không được.



- Mỹ đã đề ra chiến lược “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương Tự do và Rộng mở” nhưng những triển khai cụ thể còn khá hạn chế. Ông dự đoán chiến lược này sắp tới sẽ được triển khai thế nào?

- Thứ nhất tôi nghĩ chúng ta nên nhìn nhận Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương với ý nghĩa là khu vực địa chiến lược, hơn là đề xuất của riêng Mỹ. Khái niệm về khu vực địa chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương đã được đề cập từ lâu để gắn kết những đối tác lớn và tiềm năng của 2 khu vực.

Thứ hai, về sáng kiến của Mỹ, có hai yếu tố: Một là Mỹ tiếp tục khẳng định sự gắn kết và lợi ích tại khu vực. Trước đây, chính sách “xoay trục” hay “tái cân bằng” cũng thể hiện điều đó. Hai là Mỹ có cách tiếp cận khác chính quyền trước, như là coi trọng cả an ninh lẫn kinh tế, nhấn mạnh nguyên tắc bình đẳng, tôn trọng chủ quyền, luật pháp quốc tế. Lâu lắm tôi mới thấy Mỹ nói tới chủ quyền. Cách tiếp cận này cũng thế hiện sự cạnh tranh giữa các nước lớn.

Tôi chỉ có mấy suy nghĩ là nếu các nước lớn vẫn duy trì gắn kết bền vững với khu vực, có những sáng kiến khác nhau, thì trong những sáng kiến đó có thể có những cái mang lại lợi ích cho ASEAN, khu vực và cho các cá nhân và chúng ta nên khai thác những sáng kiến khác nhau đó ở những điểm song trùng. Nếu những sáng kiến đó mang lại sự cạnh tranh gay gắt hơn giữa các nước lớn thì rõ ràng là vai trò của ASEAN càng quan trọng hơn, làm sao để quản trị được sự cạnh tranh này, không để ảnh hưởng tiêu cực đến hòa bình, ổn định khu vực cũng như vai trò, tiếng nói của các nước này.

Về mặt chiến lược, nếu Mỹ còn tiếp tục gắn kết lợi ích an ninh, kinh tế với châu Á - Thái Bình Dương và với ASEAN, là điều cần hoan nghênh, cũng như ASEAN vốn có quan hệ thường xuyên và truyền thống với các đối tác lớn, trong đó có Mỹ. Nếu những sáng kiến đó của Mỹ, cùng chung tay với các nước trong khu vực để bảo đảm môi trường hòa bình, hợp tác, phát triển thì quá tốt. Song cũng cần phải hiểu đây là chiến lược lớn mà chưa phải mọi thứ cụ thể đều đã được lấp đầy, cho nên trong quá trình triển khai thì Mỹ cần tương tác với các nước trong khu vực, đặc biệt là ASEAN, để xem cách nào là tốt nhất.

- Việt Nam vẫn luôn phải giữ thế cân bằng trong quan hệ với các nước lớn như Mỹ và Trung Quốc. Ông nghĩ sao về những nỗ lực này của Việt Nam thời gian qua?

- Cách tiếp cận của tôi có lẽ khác với giả định của một số người. Tôi nhớ từng nói chuyện với bạn bè đồng nghiệp ở bộ ngành khác, họ nêu ví dụ về "cân bằng động" của Indonesia. Tôi nói là không biết họ nghĩ theo góc độ nào nhưng đó không phải là cách nhìn nhận của tôi.

"Cân bằng động" là lấy đối tác làm trọng, còn mình không phải là cân bằng động vì mình lấy lợi ích quốc gia làm cốt lõi, từ đó mới nhìn nhận quan hệ đối tác. Thế thì quay trở lại giả định rằng chúng ta muốn tốt trong quan hệ với cả Mỹ lẫn Trung Quốc, đó không phải chỉ là chủ trương đối ngoại mà còn là lợi ích quốc gia, bao gồm cả môi trường an ninh lẫn môi trường phát triển.

Vấn đề là phải xử lý thế nào khi các nước lớn cạnh tranh với nhau? Phải dựa vào lợi ích quốc gia và luật pháp quốc tế. Nếu họ đụng chạm vào những điều đó, mình phải có tiếng nói. Và cần phải khẳng định luôn là ta vừa muốn quan hệ tốt với Mỹ vừa muốn quan hệ tốt với Trung Quốc, và những khác biệt trong quan hệ và cạnh tranh giữa hai nước đó với nhau thì ta sẽ xử lý. Quan hệ có thể làm sâu sắc đến đâu thì ta đi đến đó.

- Vậy Việt Nam có làm tốt chiến lược đó không, thưa ông?

- Rất tốt. Một số học giả quốc tế cứ nói Việt Nam "đu dây" nhưng không phải vậy. Hai đối tác mang tầm thế giới, trong đó một đối tác ở sát sườn mình thì việc duy trì quan hệ tốt đẹp là điều rất tốt. Chỉ có cái là xử lý khác biệt của mình với từng đối tác và xử lý sự cạnh tranh giữa hai đối tác như thế nào.

Trong những năm qua, chúng ta vừa tiếp tục nỗ lực củng cố và làm sâu sắc hơn quan hệ với từng đối tác, vừa có những kênh để quản trị và thậm chí từng bước xử lý những khác biệt trong quan hệ song phương. Và khi họ cạnh tranh với nhau, mình không bị cuốn vào đấy mà đứng trên lợi ích quốc gia, lợi ích khu vực và luật pháp quốc tế mà tính toán ứng xử; đó là cái chúng ta đã làm được. Một ví dụ cụ thể là chúng ta đã đăng cai, chủ trì những hội nghị quốc tế nơi mà các bên tham gia có quan điểm rất khác biệt trong nhiều vấn đề toàn cầu, như APEC 2017. Nếu nhìn vào hội nghị APEC tiếp theo sau đó thì thấy rõ ràng không phải bất kỳ ai và lúc nào cũng làm được như vậy.

Tại sao APEC 2018 tại Papua New Guinea không ra được tuyên bố chung, trong khi APEC 2017 tại Đà Nẵng kết thúc tốt đẹp dù đó là năm đầu tiên Mỹ thể hiện rất cứng rắn quan điểm của họ về những ưu tiên mới. Không phải tự khen mình ứng xử tốt mà là bạn bè quốc tế khen đó.

Tôi nhớ lúc ấy tôi đang ở Mỹ, có những dấu hỏi lớn về chính sách mới của Mỹ, việc Mỹ coi trọng song phương hơn đa phương cũng như việc ông Trump thể hiện quan điểm khác với phần còn lại của thế giới, cũng như khác với các chính quyền Mỹ trước đây, trong rất nhiều vấn đề về toàn cầu hóa và thương mại. Chuyến đi lần đó của ông Trump là chuyến đi dài ngày nhất của một tổng thống Mỹ - 5 nước châu Á trong 12 ngày rưỡi, riêng tại Việt Nam là 2 điểm dừng. Mà đối với tổng thống Mỹ, mỗi một điểm dừng thường là một nước.


- Hai năm đầu chính quyền Trump, Mỹ đã tiến hành nhiều chuyến Tuần tra Vì Tự do Hàng hải (FONOP) trên Biển Đông. Xu hướng sắp tới của vấn đề biển Đông là gì?

- Nếu nhìn vào Biển Đông sẽ thấy mấy khía cạnh thế này: Một là câu chuyện hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải, hàng không. Đây là vùng biển chiến lược rất quan trọng với khối lượng giao thương rất lớn, nên ai cũng có lợi ích trong việc duy trì hòa bình, ổn định tại đây, mà chuyện này phải dựa trên luật pháp quốc tế.

Câu chuyện thứ hai là thực tại về những tuyên bố chủ quyền chồng lấn, và quản trị tranh chấp này thế nào, ứng xử của các bên ra sao. Tuyên bố về ứng xử các bên ở Biển Đông (DOC) rồi công ước luật biển, luật pháp quốc tế đã đặt ra một số nguyên tắc nhưng nguyên tắc lớn nhất là kiềm chế không làm phức tạp thêm tình hình đồng thời xử lý bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế. Nếu anh áp đặt sử dụng vũ lực thì sẽ ảnh hưởng đến tất cả mọi người, cho nên không thể lẫn lộn những điều này.

Câu chuyện thứ ba là phải xây dựng được lòng tin ở khu vực. Cho nên việc đối thoại, tăng cường hiểu biết, xây dựng các chuẩn mực rất quan trọng.

Thế thì, những chuyện như sự hiện diện của tàu bè, đi qua đi lại, quá cảnh, phù hợp với luật pháp quốc tế về tự do hàng hải là chuyện phù hợp.

ASEAN hoan nghênh các nước tham gia vào các biện pháp hòa bình để giải quyết tranh chấp ở đây, đồng thời tôn trọng quyền tự do hàng hải, hàng không, thương mại không bị ngăn cản của các nước.

Việc quân sự hóa, tôn tạo đảo, xâm phạm vào vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa và chủ quyền các nước là không thể chấp nhận được.

Cũng có những ý kiến nói với nhiều nước rằng "anh có dính dáng gì đến đây đâu mà anh lên tiếng", thì cái đó không đúng. Biển Đông là vùng biển địa chiến lược với giao lưu thông thương hàng hải, thương mại rất lớn; các nước đều có lợi ích trong đó.


- Ông được coi là chiến lược gia hàng đầu của đối ngoại Việt Nam trong hơn 10 năm qua. Bối cảnh hiện tại của quan hệ quốc tế đã thay đổi rất nhiều. Ông có lời khuyên gì cho những người làm đối ngoại?

- Nói là "hàng đầu" thì tôi không dám nhận. Các cụ nói thì mình học thôi, "biết mình biết người", tức là mình phải nắm rất rõ lợi ích dân tộc và vị thế đất nước. Lợi ích dân tộc phải nắm để ứng xử làm sao đảm bảo mình là người đại diện cho quốc gia, trong bối cảnh lợi ích quốc gia tương tác và song trùng với lợi ích của nước khác. Còn "biết người" có nghĩa là cục diện thế giới bây giờ thay đổi rất nhiều, nếu mình không biết được thế giới họ đã thay đổi, không theo sát những điều chỉnh của đối tác thì mình không "khớp" được với họ. Đây là cuộc cờ làm sao gắn kết được lợi ích của dân tộc.

Cá nhân tôi thì chỉ gửi gắm hai điều: Một là phải rèn được bản lĩnh của người làm công tác đối ngoại, dũng cảm không chỉ trong lúc triển khai thực hiện chiến lược mà ngay cả trong lúc kiến nghị chính sách, tham mưu cho cấp trên. Hai là phải liên tục học hỏi, làm đối ngoại bây giờ không phải là nói dăm câu ba điều cho sướng tai người này người kia hay vài ba chữ ngoại ngữ là xong.

Đối ngoại bây giờ buộc mình phải tổng hợp các loại kiến thức mà mình không hề được học qua trường lớp bài bản, phải học ngay trong công việc, từ bạn bè, từ đối tác. Ví dụ, tôi làm trưởng SOM ASEAN ngồi với các anh bên Bộ Công Thương là phải học ngay. Rồi bây giờ người ta nói đến Cách mạng 4.0, cái nọ số, cái kia số, nếu mình không học, không ngồi với các anh em khởi nghiệp thì chẳng lẽ khi có một sáng kiến khởi nghiệp mình lại nói là mình không biết.

Như vậy, phải biết mình biết người đồng thời phải bản lĩnh, phải tiếp tục học thì mình mới làm được.

- Xin chân thành cảm ơn Đại sứ Phạm Quang Vinh.

Trọng Thuấn - Vũ Mạnh
Ảnh: Quỳnh Trang; Đồ họa: Nhân Lê

https://news.zing.vn/viet-nam-va-cuoc-co-loi-ich-dan-toc-trong-the-gioi-day-bien-dong-post913648.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét