Trung Quốc tài trợ nghiên cứu đường sắt Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng
Nguyễn Quỳnh/VOV.VN -Phía Trung Quốc sẽ tài trợ không hoàn lại 10 triệu NDT để Việt Nam nghiên cứu tuyến đường sắt cao tốc khổ 1.435mm nối Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng. Thông tin về một số dự án đường sắt lớn được Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường đưa ra tại cuộc họp báo của Bộ GTVT ngày 13/10 đã cho thấy, thời gian tới Việt Nam sẽ thực hiện chiến lược và quy hoạch hiện đại hóa nhiều tuyến đường sắt trọng điểm, nhằm nâng cao năng lực của loại hình vận tải quan trọng này.(Ảnh minh họa: KT)
Tuy nhiên, khi dự án này triển khai được 1/3 công việc (tương đương với mức đầu tư khoảng 1.000 tỷ đồng), do có sự ra đời của Nghị quyết 11 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về cắt giảm đẩu tư công, nên dự án này tạm thời chưa được bố trí vốn, chuyển vào kế hoạch thương mại trong các năm từ 2016 – 2020.
“Mặc dù dự án mới triển khai được từ Cái Lân đến Hạ Long nhưng đến nay tuyến đường sắt này đã phát huy tác dụng rất tốt. Còn lại trên tuyến từ Cái Lân về Yên Viên mới triển khai một số cầu vượt sông, cầu vượt đường bộ và một số đoạn nền đường”, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho biết.
Cũng theo đại diện Bộ GTVT, sau khi tính toán lại lưu lượng cũng như lượng hàng hóa về cảng Cái Lân, đến nay Thủ tướng Chính phủ đã quyết định tạm dừng dự án này chưa đầu tư tiếp, nguồn vốn của dự án này đã được quay vòng để đầu tư cho các dự án khác. Tuy nhiên, về mặt lâu dài tuyến đường sắt này sẽ được triển khai, hiện tại Bộ GTVT vẫn giao cho ngành đường sắt có trách nhiệm bảo vệ các hạng mục đã được đầu tư.
Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường còn cho biết, theo thông tin chính thức từ chuyến làm việc giữa Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phó Thủ tướng Trung Quốc – ông Vương Cao Lệ, Việt Nam và Trung Quốc đã ký kết thỏa thuận về việc phía Trung Quốc sẽ tài trợ không hoàn lại cho Việt Nam 10 triệu NDT để nghiên cứu tuyến đường sắt cao tốc khổ 1.435mm nối Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng.
“Hiện nay Chính phủ hai nước đã thống nhất thành lập Tiểu ban cơ sở hạ tầng, nhắm giải quyết những vấn đề về đầu tư cơ sở hạ tầng mà hai nước cần thực hiện. Nội dung cụ thể về dự án này ra sao, sau chuyến đi sắp tới của Tiểu ban cơ sở hạ tầng sẽ được công bố chính thức”, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho biết.
Đường sắt sau năm 2020 đáp ứng tốc độ chạy tàu 200km/h
Cũng theo Bộ GTVT, trong kế hoạch triển khai Chiến lược và Quy hoạch phát triển đường sắt trong các giai đoạn từ nay đến năm 2020; từ năm 2020 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 sẽ phát triển hệ thống giao thông vận tải đường sắt đồng bộ cả về kết cấu hạ tầng, cùng với công tác tổ chức quản lý khai thác vận tải, công nghiệp và dịch vụ với trình độ cao. Bảo đảm hoạt động giao thông vận tải đường sắt thông suốt, trật tự, an toàn, chính xác, nhanh chóng thuận lợi và hiệu quả, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội.
Theo chiến lược này, từ nay đến năm 2020, đường sắt sẽ đáp ứng khoảng 1% - 2% thị phần về vận tải hành khách và 1% - 3% thị phần vận tải hàng hóa; đáp ứng được khoảng 4% - 5% thị phần vận tải hành khách đô thị tại Hà Nội và TP HCM. Tuy nhiên, tỷ lệ này sẽ tăng dần lên trong các giai đoạn từ năm 2020 – 2030 với 3% - 4% thị phần vận tải hành khách; 45 – 5% thị phần vận tải hàng hóa và đáo ứng từ 15% - 20% thị phần vận tải hành khách tại Hà Nội và TP HCM.
Để làm được điều này, Bộ GTVT cho biết, ngay từ bây giờ ngành đường sắt sẽ tập trung đầu tư nâng cấp, cải tạo các tuyến đường sắt hiện có. Nghiên cứu phương án xây dựng mới tuyến đường sắt tốc độ cao, đường đôi khổ 1.435mm. Ưu tiên xây dựng trước những đoạn tuyến có nhu cầu vận tải lớn. Từ năm 2020, ngành đường sắt sẽ điện khí hóa tuyến đường sắt Bắc - Nam, xây dựng các đoạn tuyến đường sắt khổ đôi 1.435mm trước mắt khai thác tốc độ chạy tàu từ 120 – 200km/h.
Riêng trong giai đoạn đến năm 2050, ngành đường sắt sẽ đáp ứng tối thiểu 5%-8% thị phần vận tải hành khách và 5%-6% thị phần vận tải hàng hóa, đáp ứng được trên 30% thị phần vận tải hành khách tại Hà Nội và TP HCM. Trong giai đoạn này, ngành đường sắt hoàn thành toàn tuyến đường sắt đôi tốc độ cao khổ 1.435mm trên trục Bắc – Nam và tổ chức khai thác tàu tốc độ cao 350km/h. Đồng thời hoàn thành việc xây dựng đường sắt Tây Nguyên, đường sắt xuyên Á, kết nối các khu công nghiệp, cảng biển lớn.
Nguồn vốn là đòi hỏi cấp thiết để thực hiện các dự án đường sắt từ nay đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, ngành đường sắt sẽ chủ động bố trí vốn từ ngân sách, có cơ chế đặc thù để huy động vốn tối đa từ các thành phần kinh tế trong và ngoài nước như vốn ODA, vốn ưu đãi của chính phủ các nước… Song song với đó, ngành đường sắt đẩy mạnh chính sách xã hội hóa trong kinh doanh vận tải, dịch vụ hỗ trợ để thu hút các thành phần kinh tế, kể cả các nhà đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư phương tiện vận tải và các công trình hỗ trợ cho hoạt động vận tải.
Đồng thời, Bộ GTVT sẽ có cơ chế hỗ trợ các cơ sở công nghiệp đường sắt đầu tư nhập khẩu dây chuyền công nghệ mới hiện đại của các nước tiên tiến, theo chương trình cơ khí trọng điểm nhà nước để hình thành các cơ sở công nghiệp lắp ráp đầu máy, sản xuất toa xe và các phụ tùng, phụ kiện đường sắt , từng bước thay thế các phương tiện vận tải lạc hậu, công suất nhỏ, tiêu tốn năng lượng…/.
http://m.vov.vn/kinh-te/trung-quoc-tai-tro-nghien-cuu-duong-sat-lao-caiha-noihai-phong-440524.vov
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét