Thứ Hai, 12 tháng 10, 2015

Tam Đảo: Thiên đường siêu đắt và siêu lừa đảo !!!

Ghi ở Tam Đảo
Và kết cục là chúng tôi phải trả hơn 1 triệu đồng cho bữa ăn độc và lạ ấy. Những bữa sau, dù cẩn trọng hơn khi gọi món, nhưng đồ ăn ở đây không phải là đắt mà gọi là siêu đắt. Vào một nhà hàng, gọi một con nhím làm thịt, cả đoàn đi ai cũng khen đầu bếp nấu ngon rối rít, nhưng khi anh vô tình ra phía sau mới phát hiện ra cả đống chuột đang được nhân viên nhà hàng “phẫu thuật” thành nhím.

Tam Đảo trong mây.
Tam Đảo được coi là Đà Lạt của miền Bắc, vắng lặng trong lãng đãng mây mùa thu. Khí hậu tháng 10 nơi đây khiến người ta liên tưởng tới mùa thu Paris bởi nhiều kiến trúc Pháp vẫn lẩn khuất trong những khúc quanh. Đâu đó, bụi hoa cúc quỳ rực lên trong vạt cỏ úa, hàng cây hai bên đường lá nhuộm một màu vàng mơ...

Núi non kỳ thú

Thị trấn Tam Đảo thuộc huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc, tổng diện tích tự nhiên 214,85ha. Nằm ở phía Bắc huyện Tam Đảo, thị trấn được bao bọc bởi rừng nguyên sinh Quốc gia Tam Đảo, có khí hậu trong sạch, mát mẻ, nhiệt độ trung bình trong năm khoảng 18°C. Tam Đảo có 3 đỉnh núi như 3 hòn đảo: đỉnh giữa là Bàn Thạch cao 1.388m; bên trái là đỉnh Thiên Nhị (chợ trời) cao 1.375m, bên phải là đỉnh Phù Nghĩa cao 1.400m.

Thiên nhiên đã cho Tam Đảo một nền khí hậu đặc trưng mà không nhiều địa danh ở Việt Nam có được. Từ những năm đầu thế kỷ 19 Khu du lịch Tam Ðảo được người Pháp phát hiện và xây dựng. Ðến năm 1940, Tam Ðảo đã là một đô thị trên núi cao với 145 tòa nhà, biệt thự cao cấp. Nay những kiến trúc Pháp ấy phần lớn chỉ còn là phế tích phủ kín rêu phong...

Từ năm 1997, sau khi tỉnh Vĩnh Phúc được tái lập, Tam Đảo được quy hoạch để trở thành một trọng điểm du lịch. Nhìn thấy tiềm năng của vùng đất du lịch lý tưởng, tỉnh Vĩnh Phúc đã đầu tư hàng ngàn tỷ đồng với kỳ vọng biến Tam Đảo thành điểm đến xứng tầm quốc tế.

Bằng chứng là cơ sở vật chất của khu du lịch tới nay đã đầy đủ khu resort, khách sạn cao cấp, sân gôn 18 lỗ, sóng wifi miễn phí đã được phủ toàn thị trấn, đường sá đi lại dễ dàng, thuận lợi, đẹp đẽ... Ấy vậy mà điểm đến được gọi là Đà Lạt của miền Bắc vẫn chỉ thu hút được lượng du khách nhất định vào mùa hè, thời gian còn lại người làm du lịch phần lớn ngồi chơi không.

Mở cửa kính ôtô, không khí mát lạnh trong văn vắt ùa vào, du khách ngay lập tức mê mẩn dáng vẻ vừa thơ mộng vừa hùng vĩ, vừa huyền ảo với sương, gió, mây trời hòa quyện vào nhau của Tam Đảo.

Với người dân ăn đời ở kiếp xứ này thì một ngày ở Tam Đảo luân phiên 4 mùa Xuân-Hạ-Thu-Đông bình thường như cơm ăn nước uống hằng ngày, nhưng với du khách thì buổi sáng se se gió xuân, buổi trưa nóng ấm mùa hạ, buổi chiều heo may mùa thu, buổi tối giá lạnh mùa đông quả là những trải nghiệm thú vị đến ngỡ ngàng.

Tới Tam Đảo, bước khỏi cửa xe đã có một đội ngũ xe ôm ùa đến hỏi đi đâu, khách sạn nào. Nhưng Tam Đảo khá khiêm nhường nên du khách thường rủ nhau đi bộ vãn cảnh để tận hưởng bầu không khí trong lành.

Khách sạn chúng tôi chọn thuê của một cặp vợ chồng đã về hưu, có 12 phòng nhưng chỉ có nhóm 3 người chúng tôi lưu trú. Khi hỏi giá, ông chủ khủng khỉnh: 500.000 đồng/phòng. Tôi mặc cả: Mùa này chẳng có ai tới du lịch, bác giảm giá cho bọn cháu nhé. Ông chủ cười gượng, sợ chúng tôi bỏ đi: Vậy cũng được! Tôi mừng hú vì giảm được hẳn 200.000 đồng/ phòng. Trưa hôm đó chúng tôi được thưởng thức một bữa ăn ngon lành, bà chủ nhà tự tay chế biến các món đặc trưng của Tam Đảo: canh măng tươi, gà đồi, ngọn su su xào và thịt lợn mán. Nhưng có lẽ thời tiết dịu dàng ở nơi đây cũng khiến thực khách cảm giác ngon miệng hơn.

Chiều, chúng tôi leo lên đền bà Chúa Thượng Ngàn. Đoạn đường đèo dốc từ thị trấn lên đền quả là quãng đường tuyệt vời. Những con đường dốc quanh co, những bậc thang lót đá cao chót vót nhưng uốn lượn khiến cảm giác mệt mỏi bay biến. Có tổng cộng 300 bậc dẫn lên đền thờ. Thật bất ngờ trước vẻ đẹp của rừng trúc mọc thẳng tắp hai bên lối đi. Những ánh nắng nhẹ xuyên qua rừng trúc, biến cảnh vật trở nên lung linh, huyền ảo...

Từ điểm cao nhất của đền bà Chúa nhìn xuống thị trấn Tam Đảo thật bình yên. Thác Bạc cũng là điểm đến lý thú khi đặt chân tới Tam Đảo. Đó là dòng thác nước trong vắt, nước chảy bốn mùa. Thác Bạc được tạo bởi suối Mơ, suối Bạc và suối Tiên đổ vào. Thác giấu mình trong núi, bí ẩn đổ xuống dòng nước trắng lấp lánh như dát bạc, có lẽ vậy nên thác nước này được đặt tên là thác Bạc. Vào thời điểm mùa hè, du khách lên Tam Đảo không thể bỏ qua những khoảnh khắc đắm mình trong dòng nước mát lành, tinh khiết của thác Bạc. Mùa thu, dòng thác lại mang vẻ mơ màng của một thiếu nữ đang ưu tư.

Một kiến trúc Pháp hiếm hoi còn sót lại khá hoàn hảo là nhà thờ, được xây dựng từ năm 1906 tại trung tâm thị trấn, bên con đường dẫn lên đỉnh núi Thiên Nhị. Lúc đầu người Pháp chỉ dựng mô hình nhà sàn lợp lá, đến năm 1937 nhà thờ chính thức được xây dựng kiên cố bằng đá và tồn tại cho tới ngày nay, theo lối kiến trúc Gothic. Công trình đứng uy nghi, trầm mặc.

Tầng dưới của tòa nhà rộng rãi, có nhiều lối đi bên cạnh mặt đường lớn, hai bên có hai cầu thang dẫn lên tầng trên. Tầng trên có một khoảng sân rộng với những vòm cửa phóng khoáng. Bên trong là ngôi thánh đường rộng và liền đó là gian tháp chuông cao vút. Đến đây, nhiều du khách phát hiện ra rằng, dù đứng bất kỳ nơi nào trong thị trấn cũng dễ dàng nhìn thấy toàn cảnh kiến trúc ngôi nhà thờ...

Không chỉ là bầy kiến và miếng thịt bê
Cảnh đẹp là vậy, nhưng trước khi đi Tam Đảo, bạn bè ở Hà Nội đã “lên giây cót” tinh thần là cần cảnh giác với nạn “chặt chém” ở đây. Chiều muộn sau chuyến thăm thú mệt lả, ghé vào một quán ăn, nghe chủ quán ăn giới thiệu món thịt bò tái kiến đốt. Chúng tôi vô cùng ngạc nhiên khi chủ quán cứ thao thao bất tuyệt quảng cáo: Phải cắt miếng thịt bê mới mổ còn nóng khoảng 1kg đem treo ngay cạnh các tổ kiến trên cây rừng rồi… chọc cho lũ kiến trong tổ tức khí bung ra bâu kín vào miếng thịt. Hàng ngàn con kiến hung dữ thi nhau đốt vào miếng thịt còn nóng đó.

Điều lạ hơn, mỗi miếng thịt đem treo vào tổ mỗi loài kiến khác nhau sẽ được nhiều hương vị khác nhau. Kiến vống đỏ có mùi thơm chua, kiến vống đen có mùi thơm hắc, kiến bồ nọt có vị cay ngọt, kiến ngạt có vị thơm mùi cà cuống… Sau đó, các miếng thịt đem về dội qua nước muối loãng cho sạch bụi bẩn, để ráo nước rồi đem thui trên bếp lửa than hồng cho chín tái. Sau đó thái miếng mỏng để uống rượu.

Và kết cục là chúng tôi phải trả hơn 1 triệu đồng cho bữa ăn độc và lạ ấy. Những bữa sau, dù cẩn trọng hơn khi gọi món, nhưng đồ ăn ở đây không phải là đắt mà gọi là siêu đắt. Mặt khác, dù không hiếm nhà hàng, khách sạn, nhưng ở Tam Đảo lại không dễ tìm một quầy tạp hóa để mua những đồ ăn dự phòng như: bánh mỳ, pa tê, sữa... Đặt ăn ở khách sạn thì quay đi quay lại vẫn chỉ có thịt lợn, gà đồi, và ngọn su su mà thôi.

Nhớ lại câu chuyện của anh bạn kể trước hành trình đến với Tam Đảo, nói là nỗi khiếp sợ cũng chẳng ngoa: Cách đây 2 năm, đưa nhóm bạn từ TP HCM lên Tam Đảo tham quan, trong khi mọi người vẫn đầy hào hứng thì anh đã tận mắt nhìn thấy người người nông dân phun trực tiếp thuốc kích phọt lên ngọn su su, để vài ba ngày sau có thể thu hoạch bán cho khách du lịch. Mà khách du lịch cứ lên Tam Đảo, nhìn vào thực đơn là món ngọn su su ăn ngon lành.

Vào một nhà hàng, gọi một con nhím làm thịt, cả đoàn đi ai cũng khen đầu bếp nấu ngon rối rít, nhưng khi anh vô tình ra phía sau mới phát hiện ra cả đống chuột đang được nhân viên nhà hàng “phẫu thuật” thành nhím. Chưa hết, tới khi đi hát Karaoke, ghé vào một quán thấy giá đề 50.000 đồng/tiếng, nhưng khi trả tiền chủ quán lại tính giá 50.000 đồng mỗi đầu người. Khách hàng thắc mắc, chủ quán cà khịa: Sao không hỏi trước?

Có lẽ, những hành xử của người dân làm du lịch dù nhỏ cũng khiến du khách một đi không trở lại. Như thời gian chúng tôi lưu lại Tam Đảo, dễ nhận thấy dù sống trong vùng đất du lịch, nhưng người Tam Đảo chưa biết cách thu hút du khách. Điều đó lý giải một phần câu hỏi tại sao khách lưu trú ở Tam Đảo hạn chế, và dù đã đầu tư nhiều nhưng Tam Đảo vẫn không thể bứt phá.

Phương Đông
http://daidoanket.vn/van-hoa-the-thao/ghi-o-tam-dao/69974

1 nhận xét:

  1. Khong phai rieng Tam dao ma ca VN ong Phuong Dong a-ong chci duoc roi hoi noi xau mot dia danh.

    Trả lờiXóa