TQ: Con du học Mỹ 'như lái BMW hay xách túi Louis Vuitton'
WASHINGTON D.C (Foreign Policy)- Năm 1996, khi Lingjia Hu từ Trung Quốc đến Mỹ, cô thầm cảm ơn phần học bổng đã đem đến cơ hội cho mình được theo đuổi chương trình đào tạo Tiến sĩ Y Khoa tại Đại học Colorado. Du học sinh Trung Quốc sang Mỹ học ngày càng đông hơn
Đến thời điểm năm 2015, một sinh viên khác, Yikun Wang, chuẩn bị bước vào năm học cuối tại trường đại học Northeastern ở Boston. Wang đến từ tỉnh An Huy, một tỉnh nghèo ở Trung Quốc.
Khác với Lingjia Hu của 19 năm trước, Wang trả đứt tiền học phí cho trường với con số $44,000 một năm. Wang học ngành kinh tế tài chính và với hy vọng sẽ theo đuổi nghiệp tài chính ngân hàng sau này trên đất Mỹ. Và có một sự thật là, không phải du học sinh Trung Quốc nào cũng giống như Wang; đối với họ, việc đi học ở Mỹ như là kỳ nghỉ hè bốn năm!
Sau hơn hai thập kỷ, hình ảnh du học sinh Trung Quốc sang Mỹ học đã thay đổi rất nhiều. Hu và Wang là một trong số hàng ngàn sinh viên Trung Quốc vượt Thái Bình Dương để đặt chân đến đất Mỹ, tiếp cận nền giáo dục tiên tiến. Cả Hu và Wang đại diện cho hai hình ảnh đối lập của hai thế hệ du học sinh Trung Quốc khác nhau.
Những du học sinh đến Mỹ ở thập niên 1980s, thời điểm mà Đặng Tiểu Bình đưa ra chính sách mở cửa, cho phép các học giả và sinh viên Trung Quốc đến học tập tại Mỹ, là đại diện thành phần trí thức sáng giá của quốc gia. Được tài trợ học bổng từ quốc tế và tiền bạc từ chính quyền Bắc Kinh, có thể nói, họ là thế hệ tìm cách thoát khỏi đói nghèo và bất ổn trên vùng đất tự do cơ hội. Đa số đều muốn ở lại Mỹ, có thẻ xanh, có công ăn việc làm ổn định và có thể hoà nhập vào xã hội Mỹ. Nói cách khác, họ theo đuổi giấc mơ Mỹ!
Nhưng đối với các sinh viên Trung Quốc thời 2015, thời gian học tập ở nước Mỹ là bước đệm cho công cuộc 'mua bán'. Tầng lớp trung lưu ở đất nước này ngày càng nhiều nên không khó để chi tiền đưa con cái sang Mỹ học. Hình ảnh người học sinh Trung Quốc khiêm tốn, cần cù và chịu khó học tập ở Mỹ vào thập niên 80s được thay thế bằng hình ảnh của thế hệ mới, hay người ta còn gọi là “fu'erdai”- thế hệ trẻ sinh ra và lớn lên trong gia đình giàu có- được cha mẹ đưa ra nước ngoài học để sau đó trở về nắm giữ điều hành công ty gia đình.
Thế hệ “fu'erdai” trả hết tiền học phí một lần, thông thường là học về tài chính, kinh tế, quản trị kinh doanh và luôn nhóm tụ lại với nhau. Tại trường đại học UCLA, không có gì là lạ nếu thấy du học sinh Trung Quốc cụm lại thành một 'thành phố thu nhỏ' sống chung với nhau, thay vì hoà hợp với những học sinh Mỹ và nước khác.
Khi Erhfei Liu còn là sinh viên năm thứ hai ở trường đại học Brandeis ở Massachusetts vào năm 1981, anh là người sinh viên Trung Quốc thứ hai ở trong trường.
“Tôi như là người ngoài hành tinh đến từ mặt trăng bởi vì không phải tóc vàng mắt xanh,” Liu hồi tưởng, “và tôi là một trong số rất ít người Á Châu lúc đó tốt nghiệp.”
Ngược lại, ở niên học 2014-2015, có khoảng 423 du học sinh Trung Quốc theo học thạc sĩ và 248 học lấy bằng đại học tại trường Brandeis. Năm 2014, hơn 2,800 sinh viên Trung Quốc học ở Colorado và thậm chí con số còn to hơn rất nhiều ở New York, California hay Illinois.
“Đi một vòng trong khuôn viên của một trường ở Chicago có cảm giác như đang đi bộ quanh khu mua sắm sầm uất ở Thượng Hải,” Mark Montgomery, người sáng lập trung tâm American Academic Advisors có trụ sở tại Hongkong nhớ lại.
“Chúng tôi đến Mỹ với những đồng bạc cắc. Chúng tôi không ra ngoài ăn tối, không tiệc tùng và luôn cho rằng sinh viên Mỹ là giàu có,” ông Liu, người từng học đại học Brandeis, nhớ lại quãng thời gian đi du học của mình. “Một người bạn của tôi là con gái của một quan chức cấp cao ở Trung Quốc. Tuy vậy, cô ấy vẫn phải đi làm giúp việc bán thời gian cho một gia đình người Mỹ trong suốt ba năm trời để có tiền trả tiền mượn nợ đi học”. Liu cũng cho biết vào thời điểm đó, GDP bình quân đầu người ở Trung Quốc là $249 mỗi năm.
GDP hiện tại vượt mức $7,593 mỗi năm, hơn 30 lần so với hồi năm 1984. Nền kinh tế tăng trưởng nhanh chóng, tầng lớp thượng lưu và trung lưu bùng nổ với tiền bạc 'rủng rỉnh', đủ khả năng cho con của mình ra nước ngoài học với học phí cao ngất ngưởng. Các trung tâm thương mại cao cấp như Bergdorf Goodman hay Bloomingdale đã tổ chức nhiều sự kiện mua sắm đặc biệt chỉ dành riêng cho du học sinh Trung Quốc, thành phần sẵn sàng bỏ ra hàng ngàn đô la để mua sắm.
Không chỉ là sự thay đổi về cách tiêu xài khác xa so với ngày xưa, mà ngày nay, mục tiêu học tập và động lực để du học sinh Trung Quốc qua Mỹ cũng khác. Du học sinh của ngày xưa thường có có tinh thần yêu nước và lý tưởng hơn. Điển hình như Danchi Wang, một du học sinh tốt nghiệp trường đại học Wellesley năm 1989, cho biết cô theo đuổi ngành giáo dục tại Mỹ vì cô muốn cải thiện mình để góp phần vào việc đào tạo nhân tài và hiện đại hoá đất nước Trung Quốc.
Nhưng đối với các sinh viên Trung Quốc đến Mỹ học ngày nay, đa số họ không đi du học với mong muốn sau này về quê hương theo đuổi lý tưởng thay đổi đất nước. Theo Danchi Wang, du học sinh Trung Quốc sau này muốn đi du học để làm nổi bật mình hơn, và đa số họ theo học ngành tài chính kinh tế, hay quản lý kinh doanh.
Zhao Yong, sinh viên tốt nghiệp tại trường đại học Yale cho biết, “nếu bạn nói bạn học ngành nghệ thuật, người ta sẽ trố mắt ngạc nhiên.”
Đối với phụ huynh, việc cho con cái đi du học là một cách để nâng cao địa vị trong xã hội của họ.
“Có đứa con đi du học ở Mỹ được coi tương đương như là lái một chiếc xe BMW hay xách một chiếc túi Louis Vuitton ở Trung Quốc,” bà Jiang Xueqin, nhà giáo dục và tác giả của cuốn sách “Creative China” cho biết.
Một số cha mẹ còn cho con mình đi học trường quốc tế từ lớp mầm non ở Trung Quốc, để con cái được làm quen với môi trường tiếng Anh, vạch ra con đường sau này sang Mỹ học.
Đối với một số sinh viên Trung Quốc, việc sang Mỹ du học như thể là một kỳ nghỉ dài bốn năm. (Hình: FREDERIC J. BROWN/AFP/ Getty Images)
Đi du học nghiễm nhiên trở thành một trào lưu ở Trung Quốc. Có những gia đình sẵn sàng bán hết của cải, với mong muốn có thể đưa con mình ra nước ngoài học. Trong một cuộc phỏng vấn của báo địa phương, một người đàn ông lái taxi ở tỉnh Hồ Nam cho biết ông bán nhà và đưa hết số tiền $12,885 lương một năm lái xe của mình cho con trai đi du học.
Nhưng không phải ai cũng hài lòng với sự việc sinh viên Trung Quốc đổ xô vào nước Mỹ và tiếp cận nền giáo dục ở đây. Tại trường đại học Michigan, một số người nặc danh đã phun sơn dòng chữ “cút về đi” trên kính xe của một du học sinh Trung Quốc. Hay tại trường đại học UCLA, năm 2011, một nữ sinh viên Mỹ đã đăng trên mạng một video ngắn chế giễu những sinh viên châu Á, đặc biệt là sinh viên Trung Quốc.
Tuy nhiên, có một bộ phận sinh viên trẻ Trung Quốc đã và đang đi theo niềm đam mê học hỏi của mình, thay vì theo ý nguyện của cha mẹ hay vì bộ mặt của gia đình để đi du học.
Min Yang, học ngành sức khoẻ tại UNC Chapel Hill, cho biết mong muốn của mình là thông qua những gì được học, cô có thể tìm cách tăng tỉ lệ xét nghiệm HIV tại các tỉnh phía nam Trung Quốc và mở các lớp về sức khoẻ cho các em học sinh Tây Tạng ở tỉnh Vân Nam.
Cathy Jiang, sinh viên tốt nghiệp thạc sĩ ngành marketing ở đại học Fordham, chuyển sang trở thành nhà sản xuất phim. Thông qua các bộ phim Jiang làm, cô mong muốn thay đổi suy nghĩ của mọi người về hình ảnh du học sinh Trung Quốc. Điển hình là bộ phim ngắn “Study Abroad”, là thước phim ghi lại những khoảnh khắc những khó khăn mà một du học sinh gặp phải khi du học ở Mỹ, từ việc làm quen với bạn bè mới, dũng cảm đứng lên phát biểu bằng tiếng Anh trước lớp, hay như đứng giữa 'ngã ba đường' trước sự đam mê của mình và sự mong mỏi từ cha mẹ.
Quả thật là thế hệ sinh viên du học Trung Quốc ngày xưa khác xa với thời bây giờ. Tuy nhiên, có một điều không thể phủ nhận rằng “chúng ta khác nhau không có nghĩa là chúng ta không có cùng chung một thử thách để vượt qua,” Jiang cho biết. Và trong hàng ngàn, hàng trăm du học sinh Trung Quốc sang Mỹ học hàng năm, sẽ có vô số sinh viên như chính bản thân Jiang, đang từng bước cố gắng vượt qua mọi khó khăn, thử thách để học hành thành tài và thành đạt sau này.(N.A)
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=214215&zoneid=5
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét