RFA giải thích việc chấp dứt hợp đồng với Lê Diễn Đức & so sánh với trường hợp Đỗ Hùng
Thưa các bạn,Trong vòng hai ngày hôm nay, e-mail của RFA Việt ngữ, cũng như trong tin nhắn trên fanpage RFA Việt ngữ và trong nhiều bình luận trên fanpage nhiều bạn đã có thắc mắc về chuyện nhà báo Lê Diễn Đức với RFA Việt ngữ, trong bối cảnh tại Việt Nam có sự việc của nhà báo Đỗ Hùng – thuộc báo Thanh Niên, mà RFA Việt ngữ có đưa lên fanpage.
Hai sự việc này có điểm giống nhau: Đều xuất phát từ những bài viết trên trang cá nhân facebook, đương nhiên không phải là bài viết báo chí, không phải là hoạt động báo chí và hoàn toàn là chuyện cá nhân.
Chúng tôi tôn trọng quan điểm cá nhân và các quyền tự do của mỗi người, trong đó có hai nhà báo Lê Diễn Đức và Đỗ Hùng
Tuy nhiên, hai sự việc này có những điểm hoàn toàn khác nhau:
1. Xét về mặt quan hệ:
- Chuyện của RFA Việt ngữ với nhà báo Lê Diễn Đức là quan hệ dân sự. RFA Việt ngữ thấy rằng quan điểm cá nhân của nhà báo Lê Diễn Đức không phù hợp với những tiêu chí, mục đích và nguyên tắc của hãng, nên đã chấm dứt hợp đồng. Đây là một chuyện hoàn toàn bình thường trong xã hội dân sự thuần túy. Nếu có bất cứ khúc mắc nào, nhà báo Lê Diễn Đức hoàn toàn có quyền khởi kiện dân sự lên tòa án tại Hoa Kỳ.
- Chuyện của nhà báo Đỗ Hùng với tòa soạn báo Thanh Niên và Bộ Thông tin – Truyền thông Việt Nam là quan hệ hành chính. Anh Đỗ Hùng bị tước thẻ nhà báo bằng quyết định hành chính, bị giáng chức và kể cả cho thôi việc dưới sức ép từ phía chính quyền, của Ban Tuyên giáo của đảng cộng sản và từ Cơ quan an ninh quản lý lĩnh vực báo chí, không phải vấn đề dân sự.
2. Xét về mặt nội dung, quan điểm của hai đoạn viết:
- Đoạn viết của nhà báo Đỗ Hùng không châm chọc ai, không chỉ trích ai, cũng không phải là nhận xét vấn đề lịch sử, mà đơn thuần chỉ diễn tả một sự kiện lịch sử dưới góc nhìn hài hước. Bộ Thông tin – Truyền thông và tòa soạn báo Thanh Niên hoàn toàn không dẫn ra được những lý do hợp lý và căn cứ pháp lý cụ thể cho việc tước thẻ nhà báo.
- Đoạn viết của nhà báo Lê Diễn Đức công khai nhận định chủ quan về những người lính Việt Nam Cộng hòa, và quy chụp những người có tư tưởng, suy nghĩ và hành động riêng là “lừa gạt bà con Hải ngoại nhẹ dạ để kiếm tiền” mà không có bằng chứng chứng minh. Từ đó gây ra mâu thuẫn, chia rẽ trong cộng đồng người Việt trong nước và Hải ngoại.
Đối với các vấn đề lịch sử, chúng ta cần có góc nhìn khách quan, không thiên kiến và tôn trọng cả hai bên của cuộc chiến, dù thành hay bại, nhằm mục tiêu xa nhất là xóa bỏ hận thù, hòa hợp, hòa giải, hàn gắn vết thương chiến tranh. Đó là một trong những mục tiêu, nguyên tắc của RFA.
Do đó, trong các bài viết, RFA Việt ngữ dù có nói đến vấn đề lịch sử cũng đều cố gắng nói về hiện tại và tương lai. Những vấn đề hiện tại là hậu quả của quá khứ, chúng ta cần biết để khắc phục, hoàn thiện cho tương lai, chứ không phải bới móc, quy chụp mà không chứng minh.
3. Xét về hậu quả:
- Nhà báo Lê Diễn Đức tuy không còn làm cho RFA Việt ngữ, nhưng có thể làm cho hãng thông tấn, tòa báo, tạp chí khác, ở bất cứ đâu hoặc có thể tự thành lập một tòa báo, đài phát thanh, … hoàn toàn mới ở trên đất Hoa Kỳ.
- Nhà báo Đỗ Hùng sẽ bị hạn chế trong hoạt động báo chí, không thể thành lập một tòa báo khác trên lãnh thổ Việt Nam – bởi Luật báo chí Việt Nam không cho phép tồn tại báo chí tư nhân.
Một lần nữa, Admin của fanpage RFA Việt ngữ khẳng định, RFA Việt ngữ tôn trọng quan điểm cá nhân và quyền tự do cá nhân của blogger/nhà báo Lê Diễn Đức, nhưng những quan điểm cá nhân của anh Đức không phù hợp với nguyên tắc như đã nói ở trên, nên RFA Việt ngữ không còn cộng tác với anh Đức.
Chúng tôi mong rằng, anh Đức có thể tìm kiếm cho mình một nơi cộng tác mới phù hợp với những quan điểm của anh.
___________
Không rõ vì sao status này bị gỡ xuống.
Theo Webcache
http://nguoidongbang.blogspot.com/2015/09/rfa-giai-thich-viec-chap-dut-hop-ong.html#more
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét