Thứ Bảy, 19 tháng 9, 2015

Cuộc sống bình dị nơi ngã ba Tam giác vàng

Cuộc sống bình dị nơi ngã ba Tam giác vàng
Từng là nơi nổi tiếng với việc buôn bán thuốc phiện, khu vực Tam giác vàng giờ đây trở thành điểm thu hút khách du lịch khám phá nét giao thoa văn hóa giữa Thái Lan và Myanmar.

Khu vực Tam giác vàng nằm giữa 3 nước Lào, Thái Lan và Myanmar, từng là một trong 2 khu vực buôn bán ma túy lớn nhất châu Á. Người dân địa phương cho hay, giữa dòng con sông Mê Kông có một đảo nhỏ mà không chịu sự quản lý của quốc gia nào. Đây là nơi tập kết hàng hóa chủ yếu của những tay buôn thuốc phiện.

Chuyển mình theo thời gian, khu vực tam giác vàng giờ đây thu hút nhiều khách du lịch tới tham quan. Với vị trí cầu nối giữa Thái Lan và Myanmar, du khách tới đây có thể khám phá nhiều nét đặc sắc của cuộc sống nơi biên giới. Các công trình tiêu biểu của khu vực này bao gồm: bảo tàng thuốc phiện, chùa Wat Phra That Wai Dao, hang Tham Pla, khu vực ngã ba sông Mê Kong…


Buổi sáng tại cửa khẩu Mae Sot (Thái Lan) mang vẻ yên bình của thị trấn vùng biên. Những xe chở hàng nối đuôi nhau đi qua cửa khẩu sang phía Myanmar. Người dân ở khu vực cửa khẩu có thể đi lại dễ dàng qua biên giới với những “hộ chiếu” đặc biệt chỉ dành cho dân bản địa. Những cửa hàng ở đây thường được viết bằng cả 2 ngôn ngữ là tiếng Thái và Myanmar.


Dù ở bên phía Thái Lan, những chuyến xe tuk tuk chở đầy trẻ em Myanmar. Du khách có thể dễ dàng nhận ra trẻ em Myanmar với lớp Thanaka - một loại bột trang điểm làm từ vỏ cây.


Điểm thú vị nơi cửa khẩu của Myanmar và Thái Lan là về luồng giao thông. Thái Lan đi về bên trái còn Myanmar đi về phía bên tay phải. Khi qua cửa khẩu phía Thái Lan, du khách và các phương tiện sẽ đổi hướng đi lại về phía bên phải để vào khu vực cửa khẩu Myanmar. Ranh giới giữa Thái Lan và Myanmar là một cây cầu nhỏ bắc ngang qua sông.


Khung cảnh yên bình hai bên bờ sông Moei với những ngôi nhà nằm sát mực nước. Con sông nhỏ này trở thành ranh giới tự nhiên của hai tỉnh Chiang Rai của Thái Lan và Tachileak của Myanmar.


Những người lao động nghèo từ Myanmar thường sang các tỉnh vùng biên của Thái Lan với cơ hội tìm việc làm. Họ phải làm rất nhiều công việc chân tay, kể cả làm việc trong các bãi rác thải với công việc chính là thu gom phế liệu, rác thải tái chế. Một bộ phận lao động khác có thể kiếm được các công việc tốt hơn như kéo xe, chở hàng hóa, làm việc trong các quán ăn…


Những chiếc xe chở hàng vẫn ngày ngày vận chuyển hàng hóa từ Thái Lan sang Myanmar và ngược lại. Các sản phẩm tiêu dùng chính tại Myanmar thường được nhập khẩu từ Thái Lan qua các cửa khẩu như thế này.


Là một đất nước với phần lớn dân số theo đạo Phật, bạn có thể bắt gặp hình ảnh sư đi khất thực trên đường phố Myanmar. Nhiều gia đình không đủ khả năng nuôi con, đặc biệt ở vùng nông thôn nên gửi con vào chùa từ rất nhỏ. Ở Myanmar, cúng dường cho những nhà sư khất thực trở thành một việc làm hàng ngày. Rất nhiều người chuẩn bị những thùng lớn đồ ăn như bánh kẹo, mì tôm để cúng dường các nhà sư.


Điều đặc biệt là các sư thường sẽ không hỏi xin. Họ sẽ đứng trước mặt mọi người và nếu người dân cúng dường, những nhà sư sẽ cầu chúc cho họ. Khi được nhà sư cầu chúc, bạn phải cúi đầu thấp hơn nhà sư. Trong trường hợp các nhà sư đi chân trần, bạn cũng phải bỏ dép của mình ra khi được ban lời cầu chúc.


Đi hết con dốc cửa khẩu, bạn sẽ tới thành phố “Tam giác vàng” của Myanmar. Cuộc sống của người dân còn nhiều khó khăn nhưng cái bóng của một vùng đất nổi tiếng với các sản phẩm ma túy dần lùi xa, không còn ám ảnh vùng biên giới này.

Minh Đức

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét