Chủ Nhật, 5 tháng 7, 2015

Vẫn Đỏ nhưng bớt giáo điều?

Vẫn Đỏ nhưng bớt giáo điều?
Đối với các ý kiến trên mạng xã hội cho rằng, quân đội ở bất kỳ quốc gia nào cũng có lời thề trung thành và bảo vệ tổ quốc, còn ở Việt Nam thì quân đội có lời thề theo trình tự là trung thành với Đảng sau mới đến Tổ quốc và nhân dân. Sự kiện Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là người đầu tiên đã thay đổi trình tự gần hơn với quan niệm chung trên thế giới.
Tranh cổ động chào mừng ngày 2/9 tại Hà Nội, ảnh chụp 
hôm 28/8/2014. AFP PHOTO / HOANG DINH Nam
Đảng sau Tổ quốc, dân tộc và Hiến pháp?
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có vẻ thể hiện điều gọi là mới mẻ bớt giáo điều hơn các nhà lãnh đạo khác của chế độ, khi ông là người đầu tiên xếp vị trí của Đảng đi phía sau Tổ quốc, dân tộc và Hiến pháp.

Báo chí Việt Nam trong đó có Thanh Niên Online đưa tin, trong dịp tham dự Đại hội thi đua quyết thắng toàn quân lần thứ IX tổ chức ngày 1/7/2015 tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bày tỏ mong muốn quân đội tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Dân tộc, với Hiến pháp. Lâu nay, tất cả các nhà lãnh đạo của nhà nước cộng sản Việt Nam khi phát biểu chính trị đều rập khuôn công thức quân đội tuyệt đối trung thành với Đảng sau đó mới tới Tổ quốc và Nhân dân.

Khái niệm quân đội phải trung thành với Đảng sau đó mới đến Tổ quốc và Nhân dân là một sự quen thuộc đến hiển nhiên ở Việt Nam và chỉ từ khi mạng xã hội bùng nổ, các nhà báo tự do, giới blogger mới có nhiều bài viết châm biếm về khái niệm gọi là không giống ai này. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã thể hiện một sự điều chỉnh đáng chú ý, dù rằng ở vế thứ hai ông vẫn xác định quân đội phải nghiêm túc chấp hành sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước….
Ông ấy cũng không coi nhẹ chuyện trung thành với Đảng đâu ạ, đến câu sau thì ông ấy nói rất kỹ về điều đó… những ai mà nghĩ rằng có một sự thay đổi gì lớn… thì họ nên đọc kỹ lời phát biểu của ông Thủ tướng. -TS Nguyễn Quang A
Phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có hàm chứa sự thay đổi nào hay không trong khái niệm quân đội Việt Nam trước tiên là phải trung thành với Đảng. TS Nguyễn Quang A, nhà phản biện độc lập từ Hà Nội nhận định:

“Không có gì là mới cả, bởi vì ông ấy nói trung thành với Tổ quốc, với Nhân dân rồi với Hiến pháp. Thực sự thứ tự đó cũng giống như ở trong Hiến pháp là Tổ quốc Nhân dân rồi Đảng. Tôi nghĩ có thể ông ấy hơn những người khác có những đầu óc cũ kỹ của thời xưa đặt Đảng lên trên đầu, còn ông Thủ tướng tuân thủ đúng như lời văn của Hiến pháp vừa rồi. Nhưng ông ấy cũng không coi nhẹ chuyện trung thành với Đảng đâu ạ, đến câu sau thì ông ấy nói rất kỹ về điều đó… những ai mà nghĩ rằng có một sự thay đổi gì lớn… thì họ nên đọc kỹ lời phát biểu của ông Thủ tướng.”

Giáo sư Tiến sĩ Vũ Minh Giang Ủy viên Hội đồng lý luận Trung ương Khóa 10 từ Hà Nội nói với chúng tôi, là ông không thấy có sự thay đổi gì trong phát biểu của Thủ tướng vì khái niệm Quân đội trung thành với Đảng không xa lạ với Việt Nam. Theo ông, dư luận bên ngoài chú ý nhiều tới thứ tự câu chữ khi nói về sự trung thành của quân đội, vì thực sự có sự khác biệt giữa các quốc gia. GSTS Vũ Minh Giang nhận định:

“Nếu mà nói về sự khác biệt giữa Việt Nam và các nước thì có vấn đề ấy thật là bởi vì ngay cả trong những qui định có tính chất pháp luật thì quân đội là tổ chức chịu sự lãnh đạo toàn diện tuyệt đối của Đảng Cộng sản Việt Nam. Vì vậy cho nên trung thành với Đảng là cách ở Việt Nam nghe cũng quen rồi và cũng bình thường.”

Đối với các ý kiến trên mạng xã hội cho rằng, quân đội ở bất kỳ quốc gia nào cũng có lời thề trung thành và bảo vệ tổ quốc, còn ở Việt Nam thì quân đội có lời thề theo trình tự là trung thành với Đảng sau mới đến Tổ quốc và nhân dân. Sự kiện Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là người đầu tiên đã thay đổi trình tự gần hơn với quan niệm chung trên thế giới được nhìn nhận như thế nào. GSTS Vũ Minh Giang nhận định:

“Tôi cũng nghĩ rằng, một quân đội thì trước hết phải vì lợi ích của dân tộc, lợi ích của quốc gia. Tất cả những giá trị khác theo tôi nó cũng xoay quanh giá trị cốt lõi ấy. Một đất nước nào thì dân tộc và quốc gia cũng được coi là giá trị trung tâm, tất cả những giá trị khác kể cả chính trị …đều phải xoay quanh giá trị này thôi. Vì vậy Thủ tướng có nói phải trung thành với Tổ quốc thì cũng là quan niệm bình thường thôi.”

000_DV1889379.jpg
Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng
 tại Hội nghị thượng đỉnh Á Âu (ASEM)
 tổ chức tại Milan, Ý vào ngày 16 tháng 10 năm 2014.
Trong bài nói chuyện tại Đại hội Thi đua quyết thắng toàn quân lần thứ IX Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đảo ngược trình tự về nhiệm vụ của quân đội, ông mong muốn quân đội một lòng xây dựng quân đội ngày cảng vững mạnh về mọi mặt; kiên quyết bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc; bảo vệ cuộc sống bình yên của nhân dân; bảo vệ Đảng, Nhà nước và chế độ.

GSTS Vũ Minh Giang nhận định:

“Trong những văn kiện đưa ra lấy ý kiến rộng rãi và đây có lẽ cũng là điểm mới của Đại hội 12, nêu rất cao lợi ích dân tộc và lợi ích quốc gia, coi đó là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Tôi coi xác định như thế là đúng, thế còn các hệ thống chính trị, lực lượng chính trị hay tất cả những cái khác thì phải coi đó là cốt lõi lợi ích dân tộc của một quốc gia là hàng đầu. Vì vậy quân đội là quân đội nhân dân được nhân dân nuôi nấng, được trang bị bằng tiền thuế của người dân thì trước nhất phải bảo vệ lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc. Thế còn đảng Cộng sản Việt Nam là một tổ chức chính trị theo qui định Điều 4 Hiến pháp là lãnh đạo toàn diện đối với hệ thống chính trị thì quân đội có trách nhiệm bảo vệ Đảng. Tôi nghĩ Thủ tướng nói như thế là đúng.

Cần minh bạch thông tin

Đọc các báo trên mạng tuần này, như Tuổi Trẻ, Tiền Phong, VnExpress chúng tôi ghi nhận tin Đại tướng Phùng Quang Thanh Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam được giải phẫu cắt khối u ở phối ở Pháp và sắp trở về Việt Nam. Tuy vậy những thông tin chính thức xuất hiện ngày 2/7/2015 chậm một tuần sau khi ông Phùng Quang Thanh đã rời Việt Nam và trên các trang facebook râm ran tin đồn ông bị ám sát chết.

GSTS Vũ Minh Giang nhận định:

“Cũng có thể do thói quen mang tính truyền thống, cũng có thể do tính nguyên tắc của mỗi nước. Xưa nay cán bộ cao cấp đi chữa bệnh điều trị thì không bao giờ loan báo, hình thành lệ thường như thế. Vài ngày qua có những tin tức như vậy nên cũng cần có thông báo như cách để cải chính lại những tin không đúng. Bình thường nếu không có những tin đồn đoán thì chắc cũng chẳng đưa. Tôi nghĩ đưa tin đó ra bởi vì có tin trên mạng nói ông ấy gặp nạn ở Paris thì việc đưa tin là một cách cải chính.”
Tôi được bạn bè cho biết ông Phùng Quang Thanh sang Pháp chữa bệnh, ông được mổ cũng năm ba ngày rồi. Những thông tin như thế họ phải có nghĩa vụ đưa ra để cho dư luận được biết nhưng mà họ không đưa ra. -TS Nguyễn Quang A

Ở những quốc gia văn minh dân chủ, chính phủ công khai thông tin về tình trạng sức khỏe của các giới chức cao cấp kể cả thủ tướng, tổng thống để người dân được biết. Có ý kiến cho rằng Đảng và Nhà nước Việt Nam cần thay đổi tư duy về vấn đề này. TS Nguyễn Quang A nhận định:

“Đấy là một sự thiếu khôn ngoan của họ về vấn đề bí mật thông tin. Bởi vì họ càng giấu bao nhiêu, càng bí mật bao nhiêu thì càng làm cho dư luận nghi ngờ. Bản thân tôi được bạn bè cho biết ông Phùng Quang Thanh sang Pháp chữa bệnh, ông được mổ cũng năm ba ngày rồi. Những thông tin như thế họ phải có nghĩa vụ đưa ra để cho dư luận được biết nhưng mà họ không đưa ra và đến sáng nay thì Tuổi Trẻ mới đưa và vừa rồi ở trong buổi chiêu đãi quốc khánh Mỹ tôi gặp một vài người, họ cho biết Tuổi Trẻ đang bị kiểm điểm. Tôi nghĩ rằng đấy là một cách rất là không khôn ngoan về việc minh bạch thông tin và chính việc không minh bạch thông tin đã làm cho sự chính danh của chế độ cộng sản này bị xói mòn đi. Điều này họ phải tự trách mình vì chính họ làm hỏng cho họ.”

Theo Infonet và Tiền Phong Online, chiều 2/7 GS Phạm Gia Khải, thành viên Ban bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương cho biết Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh sang Paris Pháp chữa bệnh từ ngày 24/6/2015 vừa qua. Ông Thanh đã được giải phẫu cắt bỏ khối u xơ ở phổi. Tình trạng sức khỏe của Đại tường Phùng Quang Thanh là ổn định không có diễn biến xấu và tới đây sẽ về Việt Nam. Tuy vậy bản tin không xác định bao giờ ông Bộ trưởng trở về nước.

Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh 66 tuổi là Ủy viên Bộ Chính trị Trung ương Đảng và được dự báo ở trong danh sách ứng cử các chức vụ lãnh đạo chủ chốt trong kỳ Đại hội Đảng khóa 12 năm 2016. Ông Phùng Quang Thanh nổi tiếng về những phát biểu thân Trung Quốc trong thời gian vừa qua. Hiện chưa rõ tình trạng sức khỏe của ông Phùng Quang Thanh có ngăn trở bước đường công danh của ông hay không.

Nam Nguyên
(RFA)
http://www.rfa.org/vietnamese/programs/still-red-but-less-dogmatic-nn-07032015073656.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét