Chủ Nhật, 5 tháng 7, 2015

NGHỀ PHỤ VIỆC

NGHỀ PHỤ VIỆC
NGUYỄN ĐẠT - Tặng tôi một thuở 
Số phận đã xô đẩy cô Ngọc Tuyền rơi vào cạm bẫy con quỷ râu xanh. Hắn, con quỷ râu xanh ấy, có một bài bản duy nhất, cố định, vì hắn cho rằng bài bản này quá hoàn hảo: “Anh sống với vợ nhiều năm rồi mà chẳng muốn có con. Không một chút cảm thông. Bà ta gây cho anh biết bao đau khổ. Anh sống trong dằn vặt, cuối cùng phải quyết định ly thân…” Cô Ngọc Tuyền trong trắng như trang giấy đầu cuốn vở học trò, làm sao chịu đựng được khi những người thân quen nhìn thấy cái dấu vết ô uế hằn trên đó. 
Trong cơn ngà ngà say, Đăng nói về cô bạn Ngọc Tuyền xinh đẹp đáng thương. Bữa rượu có mặt Kỳ, anh chàng phát hành sách tư nhân, vẫn được giới có quan hệ gọi bằng cái tên gồ ghề: đầu nậu. Anh chàng hỏi Đăng:
– Hắn dối gạt cô Ngọc Tuyền, làm hại đời cô ấy?

– Đúng như vậy, hắn từng hại nhiều cô gái. Vẫn một bài bản sống với vợ không có cảm thông nên chẳng muốn có con… Thật ra vợ hắn bị chứng vô sinh.
– Chắc hắn có bề ngoài bảnh bao lắm? 

Nhà phát hành sách tư nhân vừa dứt lời, Đăng nói liền, giọng gắt bẳn:
– Đúng như vậy, nếu có thể nói một con heo bảnh bao. Một con heo được cạo sạch trắng, béo tốt tròn đầy, chính là hắn đấy. 

Rồi Đăng trầm giọng:
– Cô Ngọc Tuyền sẽ có tương lai sáng sủa nếu trở thành vợ hắn… mà cô Ngọc Tuyền thì không còn sự lựa chọn nào ở cái hoàn cảnh của mình… Cuối cùng, khi hắn đã được cái hắn muốn, hắn bỏ rơi cô ấy. 

Một người cùng ngồi trong bữa rượu, hỏi:
– Cô ấy không còn là… trinh nữ nữa, hay đã bị dính cái bầu?
Giọng Đăng chán nản:
– Cả hai. Tóm lại, gặp con quỷ râu xanh là đời tiêu rồi. 

Nhà phát hành sách tư nhân, nói gọn và chính xác: tay đầu nậu, đôi mắt ánh lên vẻ háo hức tò mò. Trong bữa rượu, anh chàng mang cái tên gồ ghề “đầu nậu” này là người chú ý nhất câu chuyện cô gái đời tiêu rồi. Anh chàng tiếp tục hỏi Đăng: 

– Bây giờ cô Ngọc Tuyền ra sao? Đã lấy một người chồng hay một mình cô ấy nuôi con?

– Cô Ngọc Tuyền không thể giải quyết như vậy… có nghĩa là cô ấy đã phải hủy cái thai, tìm cách biến đi, tìm cách bốc khói thì cũng vậy, để không còn hiện hữu trước những người thân quen, và tất cả những ai từng biết cô. 

Anh chàng đầu nậu trợn tròn đôi mắt vừa sâu, vừa sáng rực:
– Cô ấy tự vẫn? 

Đăng lắc đầu:
– Không… nhưng sự tồn tại của cô ấy cũng chẳng khác vậy. Cô ấy gặp một ông chú hờ, nghĩa là chẳng họ hàng bà con gì cả. Ông chú hờ rủ cô ấy vượt biên. Cô ấy sẽ biến khỏi nơi này, đúng như điều cô ấy muốn. Trong thời gian chờ đợi chuyến tàu vượt biên, cô ấy không thể làm mất lòng ông chú hờ… anh hiểu chứ?… Bây giờ, khi tôi nhớ lại cô bạn trong trắng và đẹp như người đẹp trong tranh tố nữ, thì cô ấy đang sống tại Hoa Kỳ, sống như một Scarlett cuốn-theo-chiều-gió. 

Anh chàng đầu nậu, sau một hồi trầm ngâm, kéo cái ghế nhựa để ngồi sát bên Đăng, thầm thì:
– Anh viết thành cuốn truyện, tôi sẽ in ngay. Anh cứ xoáy vào cuộc đời tình ái của cái ông mà anh gọi là con quỷ râu xanh đó… ông ấy tên là gì nhỉ? 

– Con quỷ râu xanh hả?… Cần gì cái tên khai sinh của hắn. Tôi không thể cảm hứng về hắn được. Nhắc tới hắn tôi chỉ muốn ói thôi.
Có lẽ sợ Đăng ói mửa ngay vào mình, anh chàng đầu nậu ngồi lại ngay ngắn, nhưng vẫn thuyết phục Đăng với giọng tha thiết, nồng nàn: 

– Anh viết đi khỏi uổng. Khả năng viết văn của anh dư sức làm cho cuốn truyện bán chạy, best seller, nhất là với câu chuyện hấp dẫn này. Tôi đã đọc cuốn truyện Ngôi Nhà Của Lời Nguyền, anh viết văn tài tình lắm. Truyện tôi đặt anh đây, tôi sẽ trả anh hai triệu đồng, cao hơn tất cả những nơi khác. 

Đăng nhìn anh chàng đầu nậu bằng đôi mắt như có màn sương che phủ:
– Tôi viết về cái xấu xa tệ hại bẩn thỉu, đào sâu khai triển nó? 

Anh chàng đầu nậu nở nụ cười cầu tài:
– Không phải vậy đâu… cái xấu nó đã đi trước cuốn truyện, nó đã diễn ra trong xã hội, anh chỉ thực tả nó. Anh thực tả nó sống động là được, không cần văn chương trau chuốt gì hết… Anh cứ chú tâm chú ý xoáy vào những cuộc tình tội lỗi, những yêu đương ái ân nóng bỏng gay cấn của cái ông có vợ bị chứng vô sinh đó. 

– Tên khốn kiếp! 

Đăng thốt lời rủa sả không rõ chỉ vào ai, vào con quỷ râu xanh hay vào anh chàng đầu nậu đang thuyết phục Đăng viết một cuốn truyện dơ bẩn, với lý lẽ cứ như anh chàng có tầm cỡ ngang bằng nhà văn Henry Miller của đất nước Hoa Kỳ. Đăng cảm thấy rõ rệt anh chàng đầu nậu hiển nhiên tin rằng Đăng rủa sả “cái ông có vợ bị chứng vô sinh.” Anh chàng mở túi xách lấy ra một cọc tiền được cột dây thun. 

– Tôi ứng trước nửa triệu đồng. Khi anh đưa bản thảo cuốn truyện, tôi sẽ đưa hết một triệu rưỡi đồng còn lại. 

Trong khoảng thời gian không lâu hơn một tiếng đồng hồ sau đó, số tiền cột dây thun anh chàng đầu nậu đặt Đăng viết cuốn truyện không còn nằm trong túi áo. Đăng nhớ lại chuyện giữa mình và anh chàng đầu nậu trong bữa rượu, ý thức của Đăng lúc đó trôi nổi bồng bềnh như con tàu, anh nhận số tiền như lượm được ở một bến bờ hoang vắng. Lúc thức tỉnh, Đăng nhớ ngay món nợ người ta vừa nhắc lại anh tới lần thứ ba, món nợ phải trả đúng con số nửa triệu. 

Trạng thái nhẹ nhõm trả được tiền nợ chỉ lướt qua Đăng trong giây lát. Hóa ra có được trạng thái ấy, Đăng đã bước tới miệng một hố vực hôi hám, ở dưới, cuốn truyện anh chàng đầu nậu đặt anh viết đang chờ. Đăng tự hỏi, chẳng lẽ mình cũng như cô bạn Ngọc Tuyền mà số phận đã xô đẩy vào cạm bẫy? Đăng nhận rõ sự khác biệt của hoàn cảnh mỗi người; với Đăng, chỉ là sự nghèo túng. Chẳng lẽ Đăng cho phép mình viết một cuốn truyện với mục đích là một số tiền nào đấy? Đăng sẽ thực tả thật hấp dẫn như anh chàng đầu nậu đề nghị, thực tả sống động cái tệ hại bẩn thỉu như một kẻ a tòng? Hay Đăng sẽ viết cuốn sách giáo dục đạo đức, và anh chàng đầu nậu sẽ hân hoan truyền bá trong thị trường của thị hiếu số đông người đọc? 

Đăng chẳng rõ cách mà anh chàng đầu nậu đã nhìn nhận về Đăng. Anh chàng đầu nậu có khái niệm gì về nghề văn? Lần đầu tiên Đăng tới nhà cô bạn Ngọc Tuyền, bà mẹ hiền từ và trầm lặng, hỏi Đăng làm nghề gì. “Cháu viết văn.” Đăng nhớ nét mặt và cái nhìn của bà, như thể bà vừa nghe bạn trai của con gái mình cho biết, hắn làm nghề nặn hình con gà con vịt bằng đất sét như trẻ nít thường làm để chơi. Đăng không buồn người mẹ hiền lành của cô bạn Ngọc Tuyền, Đăng buồn về xã hội mình đang sống chưa có điều kiện, và cả tâm lý, để nhìn nhận nghề văn. “Sao anh nói nghề viết văn làm chi?” Cô bạn Ngọc Tuyền nhận ra vẻ ngỡ ngàng của mẹ. “Anh biết nói mình làm nghề gì bây giờ?” 

“Nghề phụ việc… như vậy ai cũng hiểu anh có làm một nghề gì đấy. Một nghề không cần tay nghề, chỉ phụ việc cho người có tay nghề mà thôi, như thời gian anh làm phụ hồ đó.” 

***
Một buổi sáng ở quán cà-phê, Đăng bỗng chú ý tới ông già ngậm ống vố đang đục trên một thanh gỗ trong căn nhà đối diện. Căn nhà chồng chất những thanh gỗ lớn nhỏ. Một gương mặt khắc khổ, nhân từ, ông già vừa đục trên thanh gỗ , vừa bập bập cái ống vố. Đăng làm quen, thổ lộ với ông già về việc của mình, mong muốn ông già cho anh phụ việc.
– Tôi biết bào gỗ bác ạ. 

– Bào gỗ không đơn giản. Không phải cứ đưa cái bào chạy tới chạy lui là được.
Thật sự Đăng cũng biết cách bào gỗ. Một thời gian anh đã phụ việc với người bà con làm nghề thợ mộc. Đăng còn nhớ cái mệt mỏi nhừ nhẫn của đôi tay sau khi bào nhẵn được thanh gỗ xẻ nhám nháp. 

Đăng phụ việc mỗi sáng, khoảng mười ngày sau đó, ông già đề nghị ứng trước cho Đăng số tiền để hoàn trả anh chàng đầu nậu. Anh chàng đầu nậu nhận tiền, nói với Đăng:
– Tôi không ngờ anh thiếu thực tế đến như vậy. Cây bút văn chương không nuôi anh sống tử tế được đâu. 

Anh chàng đầu nậu không thể biết cái gì đã giúp một người viết văn sống khá hơn anh chàng nghĩ tưởng. Anh chàng đầu nậu không thể biết Đăng phụ việc ông già thợ mộc ngậm ống vố. Sau mười ngày, Đăng đã bào nhẵn nhụi những thanh gỗ nhám nháp, biết đục cả mộng, ráp những thanh gỗ lớn nhỏ thành chiếc ghế ngồi.

http://damau.org/archives/37473

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét