Thứ Bảy, 11 tháng 7, 2015

Lẩy Kiều trên đất Mỹ và thông điệp với nước Việt

Đoạn này hay vì nó phản ánh sự thối nát chưa từng có của bộ máy quan chức lãnh đạo nước ta: "Thiếu tướng Nguyễn Xuân Tỷ (Tuổi trẻ, ngày 27/5): Người ta làm cán bộ mấy năm mà trong nhà có vài ba trăm tỷ đồng, thậm chí cả ngàn tỷ đồng thì lấy ở đâu ra nếu không tham nhũng. Có một đội ngũ giàu rất nhanh, cưỡi lên đầu nhân dân, còn kinh khủng hơn địa chủ, tư sản ngày xưa!". Mình thường so sánh tình hình đất nước dưới thời lãnh đạo của các vị Thủ tướng. Thời bác Dũng khác thời bác Khải và các bác Thủ tướng trước ở mấy điểm: (1) Muốn phát triển thật nhanh (thích dùng từ "quyết liệt") mà chẳng có kiến thức tối thiểu về quy luật phát triển, dẫn tới "nhiệt tình + ngu dốt = phá hoại"; (2) Không tin vào đội ngũ cán bộ công chức, cho rằng các cấp quản lý trung gian toàn bọn lười biếng, dốt nát cản trở phát triển, nên ra sức phân cấp tản quyền, dẫn tới đất nước, kinh tế, xã hội mất hết kỷ cương; trên thì cứ theo ý kiến chỉ đạo mà làm (không cần theo pháp luật), dưới thì tự do tung hoành, làm theo ý thích, trái ý kiến chỉ đạo hay vướng gì thì bỏ tiền bôi trơn để cấp trên làm ngơ; (3) Biết tiền lương trả cho đám cán bộ công chức là tiền lương chết đói nên thả lỏng cho họ tha hồ tham nhũng kiếm tiền mà sống, mà không kêu ca; hậu quả thì như tướng Tỷ đã nói ở trên: làm cán bộ mấy năm mà trong nhà có vài ba trăm tỷ đồng, thậm chí cả ngàn tỷ đồng...

Lẩy Kiều trên đất Mỹ và thông điệp với nước Việt
Kỳ Duyên - Vì thế, mà một cơ chế công khai minh bạch vén mây giữa trời, vẫn là điều kiện, là môi trường sạch cần thiết để nước Việt khoẻ khoắn trên hành trình hội nhập, mà chuyến đi thăm Mỹ của TBT Nguyễn Phú Trọng như mở cánh cửa cho một thời cuộc mới.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Phó tổng thống 
Joe Biden nâng ly chúc tương lai của Việt - Mỹ. Ảnh: Reuters
Những ngày này, cả XH đặc biệt chú tâm vào một sự kiện đối ngoại nổi bật của đất nước. Đó là chuyến thăm Mỹ của Tổng Bí thư Đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng. Hàng trăm, hàng nghìn bài báo trên các báo giấy, báo điện tử, trên các trang mạng XH trong nước và nước ngoài như BBC, VOA, New York Times…, hối hả tường thuật, bình luận, đưa tin.

Các chuyên gia quốc tế trong nước, đặc biệt ngoài nước như Alexander L. Vuving (Trung tâm Nghiên cứu an ninh khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Mỹ); James Bellacqua, nhà phân tích châu Á của CNA, Virginia- Mỹ; Thẩm Đinh Lập, Gs- Viện Nghiên cứu Quốc tế, ĐH Phục Đán, Thượng Hải; Thời Ân Hoằng, GS về Quan hệ Quốc tế và Nghiên cứu Chiến lược, ĐH Nhân dân Trung Quốc, Bắc Kinh (thuộc TQ); Collin Koh Swee Lean, Viện Nghiên cứu Quốc phòng và Chiến lược, ĐH Công nghệ Nanyang (Singapore) bình luận với các góc nhìn sắc sảo. Đủ hiểu, sự kiện này có tầm vóc và gây ấn tượng mạnh mẽ đến thế nào.

“Trời còn để có hôm nay…”

Người viết bài này bỗng nhớ tới một chuyện được trực tiếp chứng kiến. Cách đây nhiều năm, một cựu Tổng Bí thư khi nói chuyện về đối ngoại với các nhà báo, đã nửa đùa nửa thật: Dân tư bản, chỉ mời Chủ tịch nước, chứ không bao giờ chịu mời Tổng Bí thư!

Cả hội trường- các nhà báo đã cười nghiêng ngả trước câu nói vui nhưng rất thật lòng đó. “Dân” mà lại không phải là… dân!

Bởi đó là một sự thật. Sự khác biệt về thể chế chính trị, thông thường bao giờ cũng là những rào cản khó vượt. Nhất là với hai nước Việt và Mỹ, trong quá khứ đã quá nhiều những tổn thương.

Thế nên mặc dù, trước chuyến đi này, đã từng có 04 chuyến đi của các vị Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ sang thăm và làm việc với Mỹ, nhưng đây sẽ là chuyến đi đầu tiên của người lãnh đạo cao nhất của Đảng với nước Mỹ.

Đặt chuyến đi này, trong một bối cảnh đặc thù của thời cuộc sẽ thấy ý nghĩa đặc biệt của nó. Đó là dấu mốc lịch sử, mang nghĩa “biểu tượng” nhưng đồng thời chứa đựng rất nhiều thông điệp riêng chung.

Chuyến đi đó là sản phẩm tất yếu của 20 năm bình thường hóa quan hệ Việt- Mỹ, được những “bàn tay kim chỉ ngoại giao” khéo vá, làm lành lặn, đắp kín những… vết thương lòng. Từ chính sách “ngoại giao nhân đạo”, mở văn phòng đại diện tại thủ đô hai nước, dỡ lệnh cấm vận thương mại, ký hiệp định song phương, tuyên bố bình thường hóa quan hệ, nguyên thủ hai nước sang thăm lẫn nhau… Cho dù, cơ duyên đó, như cố Thứ trưởng Ngoại giao Trần Quang Cơ từng nuối tiếc, rằng những việc cần thiết làm với Mỹ, trên thực tế chúng ta đã “chậm trễ tới cả 10 năm”.

Chuyến đi đó diễn ra giữa lúc VN đang trên hành trình hội nhập với thế giới hiện đại, một hành trình không ít thách thức, được đánh dấu bằng những hợp tác kinh tế, thông qua các Hiệp định thương mại nay mai VN sẽ tham gia.

Chuyến đi đó diễn ra giữa lúc Biển Đông đang… nóng bỏng, mà VN đang phải đối mặt và giải quyết một cách hòa bình thế trận “cờ vây” trên biển.

Chính vì thế, chuyến đi thăm đầu tiên của người lãnh đạo Đảng đã thu hút sự chú ý không chỉ của nước Việt, mà của nhiều quốc gia có quyền lợi, và lợi ích liên quan đến Mỹ, liên quan đến khu vực kinh tế châu Á, liên quan đến Biển Đông.

Ngày nay, mỗi quốc gia trong “cuộc cờ” với cả nhân loại, một nguyên tắc bất di bất dịch, trở thành nguyên lý và phẩm cách dân tộc, là lợi ích của quốc gia đó phải được đặt lên trên hết. Nguyên tắc đó là duy nhất và bất biến, để quốc gia tồn tại và phát triển, có thế mới nhận được sự tôn trọng và kính trọng của các quốc gia khác.

Mặt khác, vượt qua sự khác biệt về thể chế, ý thức hệ và mô hình XH, để từ cựu thù thành bạn bè, thành “đối tác toàn diện” giữa VN và Mỹ, ở đó, VN là một trong những đối tác hàng đầu trong chiến lược “tái cân bằng” , liên quan đến chính sách “xoay trục”của Mỹ trong nhiệm kỳ TT Obama, như nhận định của ông Alexander L. Vuving (Trung tâm Nghiên cứu an ninh khu vực châu Á-Thái Bình Dương), còn cho thấy một điều, trong thế giới này, không quốc gia nào có thể một mình một chợ mà lớn mạnh, vì những lợi ích giữa các quốc gia luôn chằng chịt, thậm chí ràng buộc nhau, đòi hỏi sự hợp tác trên tinh thần tôn trọng và hiểu biết.


Đá Chữ Thập của Việt Nam bị Trung Quốc chiếm và cải tạo đất, xây thành đảo nhân tạo. Ảnh: CSIS/ IHS Jane’s

Cho dù có những nhận định là chuyến đi mang ý nghĩa “biểu tượng”, thì những gì mà dư luận XH đang chờ đợi không thể có gì kỳ vọng hơn.

Với 2.128 chữ, đề cập tới tất cả những vấn đề hai nước đã và đang quan tâm, bản Tuyên bố về Tầm nhìn chung của Việt - Mỹ, thực sự là bản cam kết thúc đẩy tối đa lợi ích chung và sự hợp tác ở cấp độ song phương và đa phương, vì lợi ích của nhân dân hai nước, đóng góp vào hòa bình, ổn định, hợp tác và thịnh vượng ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương và trên thế giới.

Đó là tái khẳng định tiếp tục hợp tác song phương trong lĩnh vực quốc phòng và an ninh, hợp tác an ninh hàng hải. Là hoàn tất sớm nhất có thể Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Là tái khẳng định tiếp tục ủng hộ và tăng cường hợp tác mang tính xây dựng với VN, ghi nhận sự quan tâm của VN đạt được quy chế kinh tế thị trường. Là tiếp tục ủng hộ việc thúc đẩy và bảo vệ quyền con người, xây dựng về quyền con người nhằm tăng cường hiểu biết lẫn nhau và thu hẹp khác biệt. Là hai nước ủng hộ giải quyết hòa bình các tranh chấp theo luật pháp quốc tế, được thể hiện trong Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển ngày 10/12/1982 (UNCLOS)…

Và người Mỹ, một lần nữa chứng tỏ bậc cao thủ trong ngoại giao, khi thú vị và bất ngờ, trong tiệc chiêu đãi TBT Nguyễn Phú Trọng, Phó TT Mỹ Joe Biden đã lẩy Kiều tặng cho Tổng Bí thư Đảng CSVN, như là gửi một thông điệp thiện chí và tế nhị: Trời còn để có hôm nay / Tan sương đầu ngõ vén mây giữa trời.

Còn trong làng âm nhạc VN, nhạc sĩ Phó Đức Phương có một ca khúc rất hay và nổi tiếng: Không thể và Có thể.

Cái sự Không thể là cựu thù xưa. Cái sự Có thể là bạn bè nay

Cái sự Có thể ấy còn là sự… “giải thiêng” cho câu nói nửa đùa nửa thật của vị cựu Tổng Bí thư ngày nào: Dân tư bản chỉ mời Chủ tịch nước, chứ không bao giờ chịu mời Tổng Bí thư!

Trong thế giới đa chiều, đa cực này, không có gì là không thể. Và không có gì là không… có thể. Chỉ cần mỗi quốc gia, mỗi chính thể, mỗi quan chức có trách nhiệm với đất nước biết đặt lợi ích dân tộc lên trên hết!

Và không chỉ lắng nghe những câu chữ ngôn từ chứa đầy sự hứa hẹn trong Tuyên bố về Tầm nhìn chung, trong những câu Kiều ý nhị, người dân VN, người dân Mỹ đang chờ đợi ở năng lực và nỗ lực hành động của cả hai nhà nước.

“Tan sương đầu ngõ vén mây giữa trời”

Người viết bài cũng xin mượn câu Kiều thứ hai mà Phó TT Mỹ Joe Biden đã lẩy trong cuộc tiếp kiến người đứng đầu Đảng CS VN, nhưng là để tặng cho… cung cách quản lý trong XH nước Việt hiện nay, với ý nghĩa công khai minh bạch. Bởi nếu không vén mây giữa trời, không công khai minh bạch, thì rút cục, mọi kết quả, công sức phòng chống giặc “nội xâm”- tham nhũng nhiều năm nay, sẽ chỉ như Dã tràng xe cát biển Đông/ Nhọc nhằn mà chẳng nên công cán gì .

Để đề cập đến một vụ việc trong báo cáo sơ kết 06 tháng đầu năm 2015 của Thanh tra CP về kê khai tài sản, được công bố mới đây, có một thông tin khiến cho dư luận XH không biết cười hay mếu: Trong số gần 01 triệu người kê khai tài sản, chỉ có 04 người không trung thực. Ngạc nhiên chưa?

Chưa cần đến ý kiến của người dân, sự nghi ngờ con số … đẹp như nhiễu này, trước hết lại thuộc về những quan chức, cựu quan chức trong bộ máy.

Trao đổi với báo GDVN, ngày 30/6, PGS.TS Đặng Ngọc Dinh- Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Phát triển Hỗ trợ Cộng đồng nhận định, "theo tôi đây là điều khó tin. Bởi việc kê khai, xác minh tài sản hiện nay vẫn nặng tính hình thức. Không loại trừ trường hợp người ta kê khai, thống kê tài sản, thu nhập để lấy thành tích hơn là đi vào thực chất để tìm giải pháp khắc phục!".

Trước đó, Phó GS Nguyễn Minh Thuyết, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, với đồng lương như hiện nay thì ngay cả những người hưởng lương cao nhất cũng không thể nào có được đến mấy nhà lầu, trang trại, xe hơi, cho hết con này đến con khác đi du học… Vậy tiền ấy ở đâu ra? Không tham nhũng thì còn từ đâu ra nữa?

Có người giải thích như đùa rằng bản thân chẳng có tài sản gì mà toàn là của vợ con. Nói vậy là nói kiểu “đánh trâu qua rào”. Lãnh đạo một lĩnh vực mà vợ con lại kinh doanh trong lĩnh vực ấy thì tham nhũng đó ra chứ ở đâu? (GDVN, ngày 25/6).

Đặt toàn bộ con số gần 01 triệu người kê khai, chỉ phát hiện được có 04 người kê khai không trung thực, trong bối cảnh XH hiện nay, xin được hỏi ngay Thanh tra CP- cơ quan chức năng có tin được kết quả là trung thực hay không?

Đó là bệnh thành tích- thực chất là bệnh nói dối đã.. thành Thần trong XH, bất kể loại trừ ngành nào, lĩnh vực nào.

Đó là chỉ số PAPI năm 2014, kết quả nghiên cứu và khảo sát xã hội học về quản trị hành chính công cấp tỉnh ở VN chỉ rõ, có khoảng 50% người được hỏi cho biết phải “lót tay” để vào công chức; khoảng 43% cho biết phải hối lộ để được phục vụ ở các bệnh viện công tuyến huyện. 30% số người có con đang học tiểu học cho biết họ phải hối lộ...(GDVN, ngày 07/7).

Đó là năm 2014, đánh giá của Tổ chức Minh bạch Thế giới cho thấy, VN có mức độ tham nhũng trong khu vực công rất nghiêm trọng.


Kê khai tài sản các đối tượng thuộc diện này, vô tình... thân ái. Ảnh minh họa

Đó là phát ngôn ấn tượng của Thiếu tướng Nguyễn Xuân Tỷ (Tuổi trẻ, ngày 27/5): Người ta làm cán bộ mấy năm mà trong nhà có vài ba trăm tỷ đồng, thậm chí cả ngàn tỷ đồng thì lấy ở đâu ra nếu không tham nhũng. Có một đội ngũ giàu rất nhanh, cưỡi lên đầu nhân dân, còn kinh khủng hơn địa chủ, tư sản ngày xưa!

Vì sao “giặc nội xâm” tham nhũng dai dẳng và tài ba biến hóa quỷ quái như “đầu Phạm Nhan” (truyền thuyết về một tên tướng giặc, chém đầu này lại mọc đầu khác)? Cũng PGS.TS Đặng Ngọc Dinh chỉ rõ, hiện tại, cơ chế để tạo ra sự công khai minh bạch trong việc xác minh, kê khai tài sản, nhằm đảm thực hiện tốt công tác phòng chống tham nhũng chưa được thể chế hóa một cách rõ ràng, cụ thể.

Còn Phó GS Nguyễn Minh Thuyết nói thẳng, hư hỏng là do cơ chế của mình lỏng lẻo, dễ dãi với người có chức quyền. Trước hết là vì việc kiểm soát thu nhập, tài sản của quan chức nói rất nghiêm nhưng làm rất hình thức, kê khai đấy mà không công khai, không xác minh được. Ngay cả chuyện kiểm soát hành vi của người có chức có quyền cũng là chuyện bất khả thi, bởi vì khi một người nắm chức vụ lớn, rồi lại giữ vị trí quan trọng vào loại nhất trong tổ chức thì ai dám sờ vào họ?

Oái oăm hơn nữa, trước đó, trên báo GDVN, ngày 26/12/2014, ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó Chủ nhiệm UB Kiểm tra Trung ương còn cho rằng, không loại trừ trường hợp ngay cả những người làm nhiệm vụ chống tham nhũng, vẫn tham nhũng, tiêu cực. Mặt khác, cũng hiếm thấy cán bộ có biểu hiện không trung thực trong kê khai tài sản bị cách chức, buộc thôi việc, hoặc công khai danh tính, tài sản một cách rộng rãi để làm gương cho người khác.

Từng ấy cái “vì sao”, cho thấy, kê khai tài sản các đối tượng thuộc diện này, vô tình... thân ái, nhẹ nhàng như kiểu “hát cho đồng bào tôi nghe”.

Người viết bài không muốn đưa lại những giải pháp về cơ chế quản lý công khai minh bạch, không muốn kiến nghị lại về việc phải kiểm soát được nguồn gốc đồng tiền- đó là nguyên nhân sinh nở sâu mọt tham nhũng, nhưng rất muốn lưu ý bạn đọc rằng, có một sự xuyên suốt, gắn kết rất bền chặt giữa bản Tuyên bố về Tầm nhìn chung Việt- Mỹ với công cuộc phòng chống tham nhũng hiện nay.

Cho dù nó cách quãng ngàn trùng cây số

Cho dù nó hoàn toàn khác biệt, giữa một bên là đối ngoại, một bên là đối nội.

Bởi nước Việt muốn hội nhập, muốn có một vị thế cương cường, mạnh mẽ, vững chãi, phải trông vào sức dân. Nhưng đằng sau sức dân ấy là gì, nếu không phải là một đội ngũ công bộc trung thực, trong sạch, biết tạo niềm tin để người dân có thể chung vai gánh vác sơn hà, kể cả khi thời bình lẫn khi nguy biến?

Và vì thế, mà một cơ chế công khai minh bạch tan sương đầu ngõ vén mây giữa trời, vẫn là điều kiện, là môi trường sạch cần thiết để nước Việt diệt trừ sâu mọt, khoẻ khoắn trên hành trình hội nhập, mà chuyến đi thăm Mỹ của TBT Nguyễn Phú Trọng như mở cánh cửa cho một thời cuộc mới

Kỳ Duyên
(Tuần Việt Nam)

http://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/249839/lay-kieu-tren-dat-my-va-thong-diep-voi-nuoc-viet.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét