Thứ Bảy, 11 tháng 7, 2015

Giáo viên 'mất trắng' kỳ nghỉ hè: Lỗi tại ai?

Giáo viên 'mất trắng' kỳ nghỉ hè: Lỗi tại ai?
Năm nay tuy Bộ GD&ĐT đã có sự thay đổi chỉ còn một kỳ thi chung, nhưng thời gian lại kéo dài sang đầu tháng 07 thì các giáo viên coi như vẫn bị “mất trắng” nguyên kỳ “nghỉ hè”.

Các giáo viên đang chấm bài thi THPT quốc gia năm 2015 tại 
Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP HCM. Ảnh: Zing.vn
Kỳ nghỉ hè đã… biến dạng
Theo lẽ thông thường, lẽ ra trong một năm, sau 09 tháng tập trung học tập ở trường (bắt đầu từ tháng 09 kéo dài đến tháng 05) thì các em học sinh được nghỉ ngơi trong khoảng 03 tháng (từ tháng 06 đến hết tháng 08). Việc nghỉ ngơi trong 03 tháng này trùng với thời điểm đất trời vào hè nên người ta gọi “nghỉ hè” là như vậy. Và kỳ “nghỉ hè” này không biết tự lúc nào đã trở thành nét văn hóa ở xã hội Việt Nam.

Thậm chí nó còn là đề tài quen thuộc cho các văn nghệ sĩ sáng tạo ra những tác phẩm văn chương nghệ thuật, âm nhạc rất độc đáo. Ví như không một người dân Việt nào nếu đã trải qua thời học sinh mà không biết đến ca từ của bài hát “Nỗi buồn hoa phượng” với những câu mở đầu: “Mỗi năm đến hè lòng man mác buồn/Chín mươi ngày qua chứa chan tình thương”... của nhạc sĩ Thanh Sơn.

Ấy vậy mà buồn thay trong thời đại ngày nay ai cũng thấy kỳ “nghỉ hè” này đã dần biến dạng hay thậm chí đã biến mất ở nhiều nơi. Nhìn thấy học sinh (nhất là các em ở khu vực các đô thị) không có kỳ “nghỉ hè” đúng nghĩa nhiều người không khỏi chạnh lòng, chua xót mà thốt lên rằng “người lớn” chúng ta đã và đang “cướp mất tuổi thơ”, “cướp mất mùa hè” của các em.

Đây là điều mà ai cũng thấy tuy vậy, lâu nay có vẻ như dư luận xã hội chỉ quan tâm đến việc “nghỉ hè” của các em học sinh mà ít khi chú ý vấn đề này với đối tượng là các thầy cô giáo. Đây theo tôi là một sự thiếu sót nếu không muốn nói là cái thiếu cảm thông và không công bằng đối với đội ngũ các thầy cô giáo trên cả nước hiện nay – những người vốn chịu rất nhiều sức ép trong công việc mà nếu không phải là người trong cuộc không bao giờ hiểu được.

Lỗi tại ai?


Thật ra, chuyện giáo viên phổ thông (đặc biệt là với những giáo viên được phân công dạy học ở khối lớp 12) không có mùa hè vốn đã diễn ra từ lâu lắm rồi. Hãy hình dung thế này, hiện nay hầu hết kế hoạch dạy học ở các trường trung học phổ thông đối với riêng khối lớp 12 đều được bắt đầu vào tháng 08 hàng năm, tức là trước ngày khai giảng chính thức (ngày 5/9) một tháng.

Mục đích của việc học sớm này được các lãnh đạo sở giáo dục địa phương và các hiệu trưởng của các trường lý giải là nhằm sớm kết thúc chương trình để tập trung ôn luyện cho học sinh “đối phó” với hai kỳ thi trước đây: Kỳ thi tốt nghiệp phổ thông (diễn ra vào trong tháng 05) và kỳ thi tuyển sinh vào các trường đại học (diễn ra trong tháng 07).

Năm nay tuy Bộ GD&ĐT đã có sự thay đổi chỉ còn một kỳ thi chung, nhưng thời gian lại kéo dài sang đầu tháng 07 thì các giáo viên coi như vẫn bị “mất trắng” nguyên kỳ “nghỉ hè”. Vì như đã nói, các giáo viên này bắt đầu vào dạy học từ đầu tháng 08 nhưng vì kỳ thi “2 trong 1” năm nay diễn ra trong tháng 07 nên lẽ ra chương trình học đã kết thúc vào tháng 05 nhưng họ vẫn tiếp tục đến trường ôn tập cho học sinh trong suốt hai tháng.

Không dừng lại ở đó, hiện nay sau khi kỳ thi quốc gia “2 trong 1” kết thúc nhiều người trong số họ được/bị phân công tham gia chấm thi cùng các giảng viên ở các trường đại học, điều này cũng có nghĩa là cả nguyên tháng 07 này họ chỉ được nghỉ ngơi vài ngày sau đó lại bắt đầu lao vào dạy theo kết hoạch của các trường vào đầu tháng 08.

Nói tóm lại, nhìn chung về cơ bản, giáo viên phổ thông hiện nay trong suốt một năm phải quay cuồng trong chuyện dạy học mà không có thời gian nghỉ ngơi. Đó là chưa kể đến việc mỗi người còn phải hoàn thành vô số các công việc linh tinh khác như quản lý học sinh, ghi chép hồ sơ, sổ sách hành chính; hội họp và buộc phải tham gia các phong trào thi đua (vốn rất hình thức và mang nặng “căn bệnh thành tích”) theo quy định của ngành...

Chưa biết kỳ thi “2 trong 1” mà Bộ GD&ĐT tổ chức như vừa rồi sẽ góp phần nâng cao chất lượng của việc dạy học của đội ngũ giáo viên ở bậc phổ thông như thế nào; tuy vậy, chắc chắn với cách thiết kế và tổ chức kỳ thi quốc gia như thế này về mặt phương pháp mà nói là hoàn toàn không khoa học.

Vì lẽ, cách làm này của Bộ GD&ĐT chẳng khác nào đang “bào mòn” sức khỏe và tinh thần của các giáo viên phổ thông. Một cái máy muốn vận hành tốt và không bị trục trặc thì cũng cần có thời gian nghỉ ngơi và bảo trì, bảo dưỡng đúng cách huống hồ là con người.

Ấy vậy mà với giáo viên phổ thông hiện nay, ngoài gánh nặng về “cơm áo gạo tiền” thì chính cách làm không khoa học của những người đang cai quản nền giáo dục nước nhà đã vô tình tạo thêm sức ép tâm lý cho họ. Đây có thể nói là một trong những nguyên nhân làm cho việc dạy học không đạt chất lượng như mong muốn.

Từ đây, nghiêm túc mà nói với tư cách là cơ quan quản lý Nhà nước về giáo dục nếu không dũng cảm nhìn nhận và thay đổi; không có giải pháp căn cơ và hiệu quả để giải phóng những sức ép đang đè nặng lên đôi vai của các giáo viên phổ thông hiện nay, thì sự thành công trong tương lai của toàn bộ đề án “đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục” nước nhà khó… hứa hẹn.

Nói cách khác, Bộ GD&ĐT cần “trả lại” mùa hè cho không chỉ tất cả các em học sinh mà còn cho các giáo viên phổ thông, để họ có thời gian thư giãn, nghỉ ngơi nhằm “tái sản xuất sức lao động”. Được như vậy may ra công cuộc “trồng người” của toàn ngành giáo dục mới đạt hiệu quả cao nhất.

Nguyễn Trọng Bình
http://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/248944/giao-vien--mat-trang--ky-nghi-he--loi-tai-ai-.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét