Thứ Ba, 24 tháng 3, 2015

Vì sao giảm phát là tin tốt cho châu Âu?

Vì sao giảm phát là tin tốt cho châu Âu?
Mức giá (tiêu dùng) giảm mà khu vực đồng euro hiện đang trải qua có thể được xem là một diễn biến tích cực đối với tất cả những nước nhập khẩu năng lượng. Trong bối cảnh giảm phát, giá dầu giảm có vẻ là một cản trở đối với Ngân hàng Trung ương châu Âu trong việc đạt được mục tiêu lạm phát 2%. Nhưng trên thực tế, giá dầu đi xuống lại cho thấy một tín hiệu đáng mừng cho châu Âu, đặc biệt là với những quốc gia bị nợ bủa vây nghiêm trọng nhất.
Giá dầu thô được xem là chỉ số giá quan trọng nhất trong nền kinh tế toàn cầu hiện nay. Hơn 80 triệu thùng được sản xuất (và tiêu thụ) mỗi ngày, và phần lớn sản lượng này được giao dịch trên thị trường thế giới. Vì vậy, mức sụt giảm mạnh của giá dầu thô – từ khoảng 110 USD/thùng năm ngoái xuống còn khoảng 60 USD/thùng hiện nay – đang giúp những nhà nhập khẩu dầu tiết kiệm hàng trăm tỉ đô la. Với Liên minh châu Âu và Mỹ, khoản tiết kiệm thu được từ mức giá dầu giảm tương đương 2-3% GDP.

Với châu Âu, những lợi ích từ giá dầu rẻ có thể còn gia tăng trong tương lai, bởi lẽ các hợp đồng cung ứng khí đốt dài hạn phụ thuộc đáng kể vào giá dầu. Điều này cho thấy một lợi thế khác của châu Âu, nơi giá khí tự nhiên cho đến thời gian gần đây vẫn cao hơn nhiều lần so với ở Mỹ, quốc gia được hưởng lợi từ dầu đá phiến vốn có chi phí khai thác thấp hơn.

Dù vậy, nhiều nhà quan sát cho rằng giá dầu thấp cũng có mặt hạn chế, do nó làm trầm trọng thêm xu hướng giảm phát tại các nước phát triển, vốn có vẻ đã sa vào bẫy tăng trưởng thấp. Theo quan điểm này, giá dầu giảm sâu sẽ khiến ngân hàng trung ương của các nước này khó đạt được tỉ lệ lạm phát hàng năm ở mức 2% được đặt ra nhằm mục đích hoàn thành nhiệm vụ bình ổn giá của mình.

Bản thân khu vực đồng euro dường như cũng đang gặp nguy, khi giá cả hiện đang giảm lần đầu tiên kể từ năm 2009. Hiện tượng giảm phát này được cho là rất tệ, bởi nó khiến các con nợ, đặc biệt là trong những nền kinh tế đang gặp rắc rối thuộc khu vực đồng euro (Hy Lạp, Ireland, Ý, Bồ Đào Nha, và Tây Ban Nha), gặp khó khăn trong việc chi trả các khoản nợ.

Tuy nhiên, nỗi sợ này là vô căn cứ vì nó dựa trên một hiểu biết sai lệch. Điều quan trọng đối với khả năng trả nợ là thu nhập của con nợ, chứ không phải là mức giá tổng quát.

Khi giá dầu giảm, thu nhập thực tế (đã trừ đi lạm phát) của các hộ gia đình sẽ tăng, do họ tiết kiệm được một phần trong chi tiêu cho nhiên liệu và sưởi ấm. Giá dầu giảm khiến cuộc sống của những gia đình đang mắc nợ ở Mỹ hay ở vùng ngoại vi khu vực đồng euro dễ dàng hơn chứ không phải ngược lại. Do đó, mức giá tiêu dùng giảm nên được xem là một tín hiệu khả quan.

Phần lớn các doanh nghiệp sản xuất cũng sẽ được hưởng lợi từ chi phí nhiên liệu thấp hơn, từ đó cải thiện khả năng chi trả nợ của họ. Điều này cũng đang diễn ra tại ngoại vi khu vực đồng euro, nơi mà khu vực phi tài chính đã tích lũy quá nhiều nợ trong giai đoạn bùng nổ tín dụng trước cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008. Hơn nữa, dù hầu hết các khoản tiết kiệm có được nhờ chi phí nhiên liệu giảm ban đầu có thể được thể hiện thành mức lợi tức cao hơn (cho các công ty – NBT), nhưng dần dần sự cạnh tranh sẽ buộc các công ty phải chuyển một phần nguồn thu lớn ngoài dự kiến này thành giá bán sản phẩm thấp hơn hoặc tăng lương cho nhân viên.

Đây là một hệ lụy quan trọng khác của giá dầu rẻ: mức giá giảm khiến việc xác định ngưỡng mà ở đó áp lực tiền lương bắt đầu gây lạm phát trở nên khó khăn hơn. Bởi mức lương có thể gia tăng đến một mức độ lớn hơn mà không kích thích lạm phát, Hội đồng Thống đốc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FRB) nhiều khả năng sẽ trì hoãn việc tăng lãi suất, điều được mong đợi rộng rãi là sẽ diễn ra mùa hè này.

Tài chính công cũng có thể được hưởng lợi từ giảm phát phái sinh do giá dầu rẻ. Thu ngân sách của chính phủ phụ thuộc vào giá trị sản xuất trong nước, chứ không chỉ phụ thuộc vào mức tiêu dùng. Dù giá dầu giảm kìm hãm giá tiêu dùng, nó lại thúc đẩy sản xuất và GDP nói chung.

Khi không có các biến động giá đầu vào đáng kể, chỉ số giá tiêu dùng biến đổi theo chỉ số giảm phát GDP (GDP deflator – chỉ số giảm phát giá của toàn bộ nền kinh tế). Nhưng điều này sẽ không còn đúng trong năm nay, do giá tiêu dùng đang giảm dù chỉ số giảm phát GDP (và cả GDP danh nghĩa) vẫn tiếp tục tăng. Điều này có thể tạo điều kiện cho thu ngân sách chính phủ ổn định, đồng thời là tin tốt cho các chính phủ đang chìm trong nợ trên toàn thế giới công nghiệp hóa, đặc biệt là với các nước ngoại vi khu vực đồng euro.

Do đó, mức giá (tiêu dùng) giảm mà khu vực đồng euro hiện đang trải qua có thể được xem là một diễn biến tích cực đối với tất cả những nước nhập khẩu năng lượng. Các nước ngoại vi khu vực đồng euro có thể mong đợi một sự kết hợp lý tưởng giữa lãi suất thấp, tỉ giá đồng euro thuận lợi, và mức tăng thu nhập thực tế xuất phát từ giá dầu rẻ. Trong bối cảnh giảm phát, giá dầu giảm có vẻ là một cản trở đối với Ngân hàng Trung ương châu Âu trong việc đạt được mục tiêu lạm phát 2%. Nhưng trên thực tế, giá dầu đi xuống lại cho thấy một tín hiệu đáng mừng cho châu Âu, đặc biệt là với những quốc gia bị nợ bủa vây nghiêm trọng nhất.

Daniel Gros là Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chính sách châu Âu có trụ sở tại Brussels. Ông từng làm việc cho Quỹ Tiền tệ Quốc tế, cố vấn kinh tế cho Ủy ban châu Âu, Nghị viện châu Âu, và Bộ trưởng Tài chính và Thủ tướng Pháp. Ông là biên tập viên của Economie Internationale và International Finance.
http://nghiencuuquocte.net/2015/03/19/vi-sao-giam-phat-la-tin-tot-cho-chau-au/#sthash.f0bhOqKd.dpuf

Nguồn: Daniel Gros, “Why Deflation is Good News for Europe,” Project Syndicate, 11/03/2015.

Biên dịch: Nguyễn Vũ Nhật Anh | Hiệu đính: Nguyễn Huy Hoàng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét