Thứ Ba, 24 tháng 3, 2015

Tội sát khuyển, tù mọt gông!

Tội sát khuyển, tù mọt gông!
“Sống trên đời ăn miếng dồi chó - Chết xuống âm phủ biết có hay không” vốn chỉ là giấc mộng vàng của một thuở xa xưa trên giải đất Việt Nam và chỉ là một nỗi băn khoăn đứt ruột của kẻ “da vàng mũi tẹt” sắp lên “chuyến tàu suốt.” Ấy là nói về dĩ vãng và tương lai của một kẻ - như chúng ta - đã xa xứ và hiện định cư ở một đất nước văn minh. Chó thì ở đâu cũng có nhưng không phải ở bất cứ đâu chó cũng chịu số mệnh “thí mạng cùi” cho các tay luôn có tham vọng “hạ cờ tây.”
Chó Lucas thoát chết, chủ nhân sát
 khuyển bị kết án sáu tháng tù ở.
Ở Tây Phương, chó từ lâu đã ngự trị trên tột đỉnh vinh quang. Chẳng thế trong ngôn ngữ chửi rủa hàng ngày, nay không còn câu mỉa mai “đồ chó” nữa. Mà nếu xảy ra “sự cố” thì nạn nhân lại lầm nghĩ hoặc mình được khen là... chó hoặc lại tủi thân vì cảm nhận mình không được bằng... chó. Bởi thế đã văng vẳng câu than bình dân:
“Sống ở trên đời, sức mấy bằng chó,
Trong cảnh khốn khó, chó vẫn hơn... người!”


Tôi trộm mạn phép... lý sự cùn như trên dĩ nhiên không phải vô cớ. Chính bố tôi cách nay gần một... thế kỷ đã dậy tôi lối “triết lý” như vậy. Thuở “miệng còn hôi mùi sữa,” mỗi lần bị mấy thằng nhãi hàng xóm bự con, lớn xác đánh cho mẻ đầu, sứt trán, tôi lại ôm bộ mặt tràn trề máu tươi chạy về nhà, những tưởng sẽ được cha mẹ bênh, nào ngờ lần nào cũng chỉ nghe điệp khúc của bố: “Mày phải làm gì chúng nó thì chúng nó mới đánh mày chứ, chẳng lý khi không chúng nó lại đè mày ra mà đập cho vui à?”

Thế là những lần sau tôi đành phải “tự vệ” bằng cách lấy gạch đá choảng lại chúng nó hoặc vác gậy, vác dao trả thù. Nhưng khi bố mẹ chúng nó dắt con họ mặt cũng đầy máu sang nhà tôi bắt đền, mắng vốn, chửi xỏ bố mẹ tôi, thì kết quả, tôi lại bị chính bố tôi cho “ăn” củi tạ. Tôi hết cãi, bởi những lần này, theo lời bố: “Chính mày đã làm gì chúng nó.” Cuối cùng ở cái tuổi “thò lò mũi xanh “ ấy, tôi chẳng hiểu nổi các... lý luận của người lớn, nhưng bù lại được... lợi là khi đã lập gia đình, mỗi lần muốn “dậy” con, tôi lại đem kinh nghiệm cũ ra xài - hoặc phải đương đầu với người ngoài, nhiều khi tôi cũng lôi “triết lý” ấy ra ứng dụng.

Như hôm nay, trong câu chuyện “lai rai sự đời” này, như tôi đã xác quyết trong phần nhập bài trên đây về chủ đề người thua chó trong các nấc thang giá trị, chẳng hạn không chỉ trong cuộc sống hàng ngày mà trước cả pháp luật, ngay tại “ba tòa quan lớn.” Đầu đuôi “sự cố” điển hình như sau:

Cho chó đi... mò tôm!


Vâng, danh tính thủ phạm sát khuyển đã không được tiết lộ, có thể vì nhà chức trách đề phòng đương sự trong tương lai gần có thể bị trả thù - tuy không giống trường hợp những người ăn thịt chó nhiều, đi đâu cũng bị toàn thể lực lượng chó ở khu vực ấy sủa khủng khiếp đến “vỡ làng vỡ xóm” - nhưng bởi giới yêu chó hay bởi các tổ chức tự mệnh danh là “bạn của thú vật” tẩy chay, không cho tái hòa nhập vào xã hội loài người nữa sau thời gian thụ án và dĩ nhiên càng không cho sống chung với... chó; hoặc sau này trong tư pháp lý lịch của đương sự sẽ có mục ghi dĩ vãng đen tối về tội “hèn với khuyển - ác với chó” thì đừng hòng có cơ hội làm lại cuộc đời làm người, cũng đừng mong tìm được công ăn việc làm khấm khá.

Dư luận chỉ được biết thủ phạm sát khuyển này là một người đàn ông thứ thiệt, vừa tròn 30 xuân xanh và con chó “nạn nhân” mang mỹ danh là Lucas, lai căng giữa nhiều giống chó “hòa đồng hòa giải” khác như Bichon Frise, Toy Puddel, Tibbebansk Spaniel, Chihuahua, Promenranien và Power Poff. Bởi thế người ta có thể mô tả Lucas là “hiệp chủng khuyển” hay chó quốc tế.

“Sự cố” xảy ra ở Na Uy, một đất nước hiền hòa từ súc vật đến người, vào đúng ngày 17 tháng Bảy, 2014. Nhân một ngày vừa gió bạo lại vừa mưa dữ, chàng thanh niên 30 tuổi đời này chẳng hiểu do động lực thầm kín nào mà lại đem con Lucas đến một cây cầu vắng kẻ đi qua người đi lại, ở Moss, một thị xã cách thủ đô Oslo khoảng 54 cây số, rồi lấy từ túi quần jean ra một sợi dây nylon dài khoảng gần 10 thước, sau đó cột một đầu dây vào cổ chó, một đầu vào thành một trụ xi-măng của cây cầu Krapsfossbrua.

Sau khi kiểm soát thấy đã chắc ăn, anh chàng vuốt ve trên lưng con chó ra chiều âu yếm, ai ủi đồng thời miệng lẩm bẩm như thể đọc thần chú hoặc bắt chước “đĩ khấn tiên sư.” Chó tưởng bở, vừa ngo ngoe cái đuôi ngắn ngủi, vừa thè cái đầu lưỡi nhỏ tí, đỏ hỏn ra liếm qua liếm lại bàn tay lông lá của chủ. Nó tỏ ra quá ư vô tư.

Trường hợp này hơi lạ đấy. Mới đây một số nhà khảo cứu Đan Mạch, cũng thuộc khối Bắc Âu, đã công bố kết quả điều nghiên về loài chó; theo đó chó có thể cảm nhận được tâm tính thầm kín của người, biết ngay ông chủ hay bà chủ của mình đang vui hay buồn, đang bất mãn hay mê ly, đang giận hờn hoặc “thỏa chí tang bồng” không phải chỉ riêng đối với nó, nhưng cả với đời, với cuộc sống hoặc với người khác... Nhờ vậy mà chó biết cách “gãi đúng chỗ ngứa” của chủ, thành ra càng được chủ mê tít cò bợ, càng tôn phong “chó trung thành hơn người,” là “bạn tuyệt vời hơn cả mức tuyệt vời” trên thế gian này.

Vậy mà con chó Lucas vẫn “khù khở chẳng hiểu gì” để rồi bị chủ quẳng xuống sông mà vẫn giữ thái độ “hồ hởi phấn khởi.” Chủ nhân cũng không kém, giết xong chó, vẫn rất “thơ thới hân hoan” trên đường trở về nhà, sau đó rót ly rượu... nhâm nhi.


Chó có ... 9 kiếp!

Người đời thường nói, mèo hay chó có tới... 9 kiếp cơ đấy. Nói cách khác, chó khó chết lắm cho dù đã bị con người không ngừng thanh toán tận tình - trừ khi con chó nào mà số kiếp... đen hơn mực, sinh ra ở Việt Nam, nơi một năm hơn 5 triệu con chó bị hóa kiếp nhằm đáp ứng nhu cầu nhậu nhẹt vốn càng ngày càng lên như diều gặp gió của cả khách thập phương, lẫn của “nam tu nữ nhũ” - thì mới chết yểu .

Tuy vậy chẳng hiểu có phải bởi mang 9 kiếp mà con chó Lucas khi bị chủ ném xuống sông đã không bị dòng nước lũ cuốn đi, nhưng bảo đảm rằng cũng nhờ sợi dây quấn sẵn nơi cổ mà Lucas đã đáp được vào bệ một chân cột xi-măng của cây cầu. Rồi lại càng “hên hết cỡ... thợ mộc” khi bỗng dưng có một cư dân lái ca-nô chạy ngang, tinh mắt nên đã khám phá ra ngay thảm kịch. Thế là Lucas được cứu mạng. Và cũng vì thế tên sát khuyển bị lật tẩy nhanh chóng, bởi ở thị xã Moss tuy dân số chưa đầy 31,000 người nhưng dường như ai cũng biết ai và nhất là ai có chiếc xe hiệu gì, con chó giống nào, nhà cửa cao thấp ra sao... thiên hạ đều năm tỏ rõ mười như của chính họ vậy.


Trước vành móng ngựa: Có tội!


Pháp đình Moss xét xử vụ sát khuyển này suốt từ cuối tháng Bảy năm ngoái tới ngày 2 tháng Ba, 2015 mới xong. Hơn cả một vụ sát nhân chính hiệu.

Chủ nhân sát khuyển đã nhìn nhận ngay là mình “guilty” - “có tội” giết chó - sau đó nghi can “thành khẩn khai báo” rằng sở dĩ làm vậy vì y trù tính “tiết kiệm tiền bạc chứ không muốn tốn phí nuôi chó nữa nhưng lại không thích bán cho người khác vì không muốn bất cứ ai trở thành chủ nhân chính thức của Lucas; mặt khác y cũng chẳng chịu phí tiền để mượn tay thú y kết liễu đời Lucas một cách êm đẹp bằng thuốc độc hay thuốc ngủ.

Lời “xưng tội” bổ túc của kẻ sát khuyển: “Tôi đã tự chọn phương cách tự tay mình chấm dứt vĩnh viễn sự sống của con chó mình. Vừa thắng lợi lại đơn giản chứ không do động lực bạo dâm (sadism) hay lợi ích gì khác.”

Thêm vào đấy, nghi can sát khuyển còn trình bầy trước “ba tòa quan lớn” rằng bản thân y nhận thấy việc cho chó chết đuối là một phương cách nhân đạo nhất.” Thế nhưng tòa đã quật lại bằng cách nêu ra quan điểm của Hội Thú Y Hoa Kỳ vốn cho rằng việc làm chết đuối là “cách thức giết thú vật vô nhân đạo và bất khả chấp nhận.”

Trong bản án còn ghi câu phán quyết rằng việc cột Lucas vào môt thành cầu rồi liệng con vật này xuống nước từ độ cao 6 mét được xem như là một hành động bạo lực đối với con chó này.

Luật sư biện hộ, Even Rnvik, xin tòa miễn phạt thân chủ án tù ở nhưng “bố thí” cho y một cơ hội làm công tác phục vụ xã hội. Trong khi đó công tố viên đề nghị một năm tù ở nhưng tòa đã tỏ ra... khoan hồng bằng bản án như sau: Sáu tháng “bóc lịch” trong một căn phòng kín với bốn bức tường. Thêm vào đó, tội nhân còn bị tước quyền có chó và tất cả gia súc khác trong 10 năm.


Thắng lợi vĩ đại!

Nói chung, ở nước nào cũng thế thôi, các tổ chức “Bạn Súc Vật” trong những trường hợp tương tự dĩ nhiên đều “nhất trí” cùng nhảy vào nhằm bênh vực súc vật cũng có, gây ảnh hưởng đến phán quyết của pháp đình cũng có, nhưng cũng để “đánh bóng” tên tuổi cũng có. Các hệ thống truyền thông thế giới được cơ hội đưa tin nóng bỏng và bình luận sôi nổi.

Theo ý kiến của số đông... dân thường vốn thuộc các xã hội vẫn “đánh giá thịt chó là món “quốc hồn quốc túy” thì chỉ mỗi chuyện chó chết mà cơ quan pháp lý đã phải làm việc trong sáu tháng mới kết thúc - chẳng khác gì một vụ hình sự. Trong khi đó các tổ chức bảo vệ súc vật ở phần đông quốc gia Tây Phương cũng như giới nhìn nhận súc vật quí hơn... người, thì không ngừng đưa mắt về Na Uy, một xứ Bắc Âu lạnh lẽo, vừa để theo dõi sự kiện vừa để chuẩn bị phản ứng nếu “ánh sáng công lý Na Uy không chiếu rọi đủ xuống loài vật, tất nhiên họ sẽ lập tức xuống đường đả đảo, gọi đất nước này là mọi rợ và kết án phạm nhân là khủng bố.”

Nhưng may quá, với bản án kể trên, các tổ chức bảo vệ súc vật đã nhanh chóng “nhất trí” ngon lành với Liên Minh Súc Vật Na Uy về nhận định: Phán quyết mà tòa án địa phương Moss ở Na Uy đưa ra dù thế nào cũng đã mang lại niềm hy vọng, tin tưởng - và đó là “một thắng lợi vĩ đại cho “hệ thống tư pháp loài vật.” (hm)


http://www.viendongdaily.com/toi-sat-khuyen-tu-mot-gong-jbX9VIES.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét