Thứ Hai, 16 tháng 3, 2015

Chính sách tỷ giá của NHNN: Tiến thoái lưỡng nan

Chính sách tỷ giá của NHNN: Tiến thoái lưỡng nan
Có thể bản thân NHNN cũng đã nhận ra sự bất ổn của cái thế “ổn định” hiện nay, nhưng, mặt khác họ lại bị mắc kẹt vào cam kết không phá giá VND quá 2% của chính mình.


Tin tức về sự mất giá của đồng nội tệ so với USD của khu vực và trên thế giới, đặc biệt là sự lao dốc của đồng euro, đến liên tục và dồn dập trong thời gian ngắn gần đây đã làm không ít quốc gia khác chưa phá giá nội tệ ngày càng lo ngại. Một số trong số này, như Thái Lan mới hôm trước đây, cuối cùng thì cũng đã nhận thấy cái giá phải trả nếu không gia nhập cuộc chơi phá giá, và đã có những động thái nới lỏng chính sách tiền tệ thông qua hạ lãi suất để làm yếu đồng nội tệ của mình nhằm thúc đẩy xuất khẩu và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.


Nhưng tình hình ở Việt Nam xem ra lại khá im ắng một cách bất ngờ và đáng… khâm phục! Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thì đương nhiên là vẫn “kiên định” với chính sách tỷ giá ổn định (tỷ giá VND/USD không biến động quá 1-2% trong cả năm 2015) mà ông Thống đốc đã đặt ra từ đầu năm, làm cho tỷ giá VND/USD cứ rập rình lúc tăng, lúc lại giảm, không thể bứt phá lên được. Trong khi đó, một kiến nghị từ một tổ chức nghiên cứu đề xuất phá giá VND, dù chỉ là ở mức rất nhỏ, một vài điểm phần trăm cho cả 2,3 năm tới, đã bị dư luận và giới chuyên gia “quật” cho không thương tiếc, làm cho một vài tiếng nói tương tự từ một vài cá nhân khác rơi tõm vào hư không…

Điều hài hước là những ý kiến phản bác phá giá VND tuy đã rất cũ và có phần sai lầm nhưng vẫn cứ “bổn cũ soạn lại”, được các chuyên gia có tiếng tăm đem ra để trấn áp cái kiến nghị phá giá xem ra nhiều phần yếu thế hơn.

Ngoài những sai lầm hiển nhiên từ góc độ kiến thức kinh tế học cơ bản, kiểu như tỷ trọng đầu vào nhập khẩu của hàng hóa Việt Nam lớn nên phá giá không có lợi ích gì cho xuất khẩu v.v…cũng có vài ý kiến phản bác mang tính ngụy biện cao mà bình thường nếu nghe lướt qua thì cứ tưởng là đúng. Chẳng hạn như ý kiến cho rằng tỷ giá bây giờ là phù hợp, không cần phá giá nữa, vì tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam vẫn ở mức khả quan, Việt Nam vẫn đạt thặng dư thương mại trong thời gian qua. Tính ngụy biện nằm ở chỗ, nếu VND yếu hơn nữa so với USD thì xuất khẩu của Việt Nam còn tăng trưởng mạnh hơn thế nữa, và/hoặc thặng dư thương mại còn lớn hơn nữa. Chẳng lẽ Việt Nam không cần tăng trưởng xuất khẩu nhanh hơn, thặng dư thương mại lớn hơn ư?

Cũng có những phân tích mang tính cơ bản hơn một chút khi đưa ra những căn cứ để cho thấy tỷ giá ổn định là có cơ sở, chủ yếu xuất phát từ quan hệ cung cầu USD (được dự đoán là ổn định trên thị trường Việt Nam). Nhưng kiểu phân tích này mới chỉ nhìn từ góc độ phòng bị, bảo vệ tỷ giá mà bỏ qua góc độ chủ động dùng tỷ giá như một công cụ chính sách kinh tế sắc bén. Cụ thể hơn, trong bối cảnh các nước trong khu vực và trên thế giới, bao gồm cả những đối thủ trường kỳ và nặng ký của Việt Nam như Trung Quốc và ASEAN, thi nhau hạ giá nội tệ của họ để dành thị phần xuất khẩu, không lẽ Việt Nam nên chăm chăm bảo vệ sự ổn định của tỷ giá, không có chủ động phá giá để cho các đối tác này giành mất thị trường xuất khẩu hay sao?

Tất nhiên, NHNN và những người ủng hộ chủ trương không phá giá có thể trưng ra cái lý do là ổn định tỷ giá sẽ ổn định niềm tin vào VND và, tức là, ổn định được lạm phát và kinh tế vĩ mô. Trong khi đó, nếu phá giá VND sẽ mang đến kết cục ngược lại, dù xuất khẩu và, do đó, tăng trưởng GDP sẽ tăng lên. Nói cách khác, có thể với họ, đây là 2 mục tiêu có tính đánh đổi, chứ không thể có sự dung hòa với nhau; và với họ thì mục tiêu ổn định vẫn là ưu tiên hơn nên họ muốn/phải chọn giữ ổn định tỷ giá.

Nhưng nếu thực sự họ quan niệm như thế thì hoàn toàn sai lầm. Ổn định tỷ giá VND trong bối cảnh các nước đang thi nhau phá giá bản tệ (mà theo kinh tế học gọi là hành vi xuất khẩu thất nghiệp sang các nước khác) sẽ tác động tiêu cực trực tiếp lên xuất khẩu của Việt Nam, đồng thời lại khuyến khích nhập khẩu, đè chết doanh nghiệp/hàng hóa nội địa. Một loạt hậu quả nguy hại sẽ nảy sinh, bao gồm tăng trưởng GDP chậm lại, thất nghiệp gia tăng, thâm hụt thương mại gia tăng gây áp lực phá giá lên ngay chính VND v.v… Liệu pháp điều trị căn bản cho nền kinh tế trong tình huống này chủ yếu vẫn chỉ là phải chấp nhận phá giá VND, theo cuộc chơi của các đối thủ để lấy lại những gì đối thủ đã lấy từ phía mình. Nói cách khác, trong bối cảnh các nước khác đnag phá giá bản tệ thì sự ổn định tỷ giá nói riêng và ổn định tỷ giá vĩ mô nói chung ở Việt Nam, nếu có, chỉ là một hiện tượng mang tính tạm thời, chắc chắn sẽ sớm mất đi.

Ngoài lý do trên, cũng có thể còn một lý do nữa để NHNN lựa chọn giữ ổn định tỷ giá vì muốn tái khẳng định và duy trì lòng tin của dân chúng vào chính sách của NHNN, vào uy tín của cơ quan này, với phương châm “nói là làm” (họ nói ổn định tỷ giá thì họ sẽ ổn định tỷ giá). Nếu đúng vậy thì đây chính là một nguồn cơn cho tình trạng “tiến thoái lưỡng nan” của NHNN. Một mặt như trên đã phân tích, có thể bản thân NHNN cũng đã nhận ra sự bất ổn của cái thế “ổn định” hiện nay, nhưng, mặt khác họ lại bị mắc kẹt vào cam kết không phá giá VND quá 2% của chính mình, nên dù biết là cần thiết thì NHNN cũng không thể phá giá VND ở mức đáng kể như các nước khác đã làm.

TS. PHAN MINH NGỌC
Theo Trí thức trẻ
CÙNG TÁC GIẢ
Chính sách tỷ giá của NHNN: Tiến thoái lưỡng nan
Phải chấp nhận giá điện tăng thôi!
Hạ lãi suất là trách nhiệm của ai và như thế nào?
Nguồn tài chính nào cho các dự án theo hình thức PPP?
Một số vấn đề liên quan đến đầu tư theo hình thức đối tác công – tư (PPP)



TS. Phan Minh Ngọc

Tỉ giá lại “nổi sóng”
Ngân hàng trung ương Nga tiếp tục hạ lãi suất cơ bản
BSC: Nhiều khả năng tỷ giá VND/USD sẽ biến động trong thời gian tới

Nội dung nổi bật

-Đồng USD đang mạnh lên so với các đồng nội tệ của khu vực và trên thế giới khiến không ít các quốc gia chưa phá giá nội tệ ngày càng lo ngại

-Tại Việt Nam, tỷ giá vẫn đang ổn định, thậm chí ý kiến đề nghị phá giá tiền đồng còn bị phản bác kịch liệt

-Theo TS Phan Minh Ngọc, ổn định tỷ giá VND trong bối cảnh các nước đang thi nhau phá giá bản tệ sẽ tác động tiêu cực trực tiếp lên xuất khẩu của Việt Nam, đồng thời lại khuyến khích nhập khẩu

-Trong bối cảnh USD vẫn mạnh, các nước phá giá bản tệ, thì việc ổn định tỷ giá ở nước ta chỉ là hiện tượng tạm thời

-Có thể NHNN lựa chọn giữ ổn định tỷ giá vì muốn tái khẳng định và duy trì lòng tin của dân chúng vào chính sách của NHNN, vào uy tín của cơ quan này. Nếu đúng vậy thì đây chính là một nguồn cơn cho tình trạng “tiến thoái lưỡng nan” của NHNN.

http://cafef.vn/tai-chinh-ngan-hang/chinh-sach-ty-gia-cua-nhnn-tien-thoai-luong-nan-20150313233538702.chn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét