Vì sao gạo Campuchia hạ 'đo ván' gạo Việt?
(Thị trường) - Việt Nam hơn Campuchia 1-2 vụ nhưng sản xuất lại quá tốn kém khiến lời lãi chẳng đáng là bao, có chăng chỉ hơn Campuchia chút xíu. Đó là nhận xét của GS.TS Võ Tòng Xuân, chuyên gia nông nghiệp khi lý giải về sự vượt trội của ngành xuất khẩu gạo Campuchia trước Việt Nam. Nông dân nước bạn trồng lúa rất nhàn và không hề tốn kém.Nông dân Việt tốn rất nhiều công sức và chi phí trồng lúa
Việc lúa gạo Campuchia hơn Việt Nam đã được cảnh báo từ nhiều năm nay. Sự vượt trội này đầu tiên xuất phát từ thói quen sản xuất của hai quốc gia: Campuchia trồng lúa mùa năng suất thấp nhưng giá trị cao, hạt gạo rất dài và thơm. Trong khi đó, Việt Nam chỉ ham trồng các giống lúa có năng suất cao (lúa cao sản).
Bình quân trên mỗi ha, năng suất lúa của Việt Nam hơn Campuhia nhiều. Theo đó, mỗi năm Campuchia chỉ đạt 3 tấn/ha, còn Việt Nam trồng 2 vụ/năm, năng suất đạt khoảng 14 tấn/ha, nơi nào trồng 3 vụ/năm có thể đạt 20 tấn/ha.
Tuy nhiên, nếu tính cả chi phí đầu vào, công sức bỏ ra, nông dân Việt Nam may ra chỉ lời lãi hơn nông dân Campuchia một chút xíu. Nông dân nước bạn trồng lúa rất nhàn và không hề tốn kém. Họ chờ gần mưa mới cấy lúa sau đó để cho nước mưa xử lý. Do bón phân ít, sâu bệnh ít nên khi đến khi thu hoạch, nông dân Campuchia không tốn kém nhiều.
Ở chiều ngược lại, để làm ra hạt lúa, nông dân Việt Nam mất rất nhiều công sức, phải bơm nước ra để cày bừa, trục rồi lấp đất lại, tưới nước... Đó là chưa kể khâu đầu vào, từ phân bón, thuốc trừ sâu, máy móc nông nghiệp đều phải mua rất tốn kém.
Gạo của Campuchia nhìn rất đều, chất lượng tốt. Để quảng bá cho hạt gạo của mình, họ đưa ra một chương trình chào hàng khắp nơi. Tôi còn nhớ khi tham quan một hội chợ lúa gạo ở Thái Lan, chỉ có Thái Lan và Campuchia tham gia. Campuchia có 8 công ty được Bộ Thương mại nước này hỗ trợ tham dự hội chợ. Họ chia nhau ngồi trong quầy, khách tới, lập tức họ chào hàng, đưa mẫu gạo cho xem, thậm chí ăn thử, kế đó nói giá rồi ký hợp đồng ngay tại chỗ. Việt Nam không có công ty nào tham gia hội chợ này, Vinafood càng vắng bóng bởi với thói quen làm ăn chộp giật, mấy "ông" ấy có gì đâu mà khoe?
Campuchia còn đi các nước khác để bán gạo. Họ đến các hệ thống siêu thị của Anh, Pháp..., biếu gạo mẫu rồi chào hàng với giá phải chăng. Dĩ nhiên Campuchia cũng phải trông giá của Thái Lan, Mỹ, Pakistan... để đưa ra mức giá hợp lý, phù hợp với họ. Việt Nam có ai chịu đi tìm thị trường như vậy?
Có chăng chỉ một số rất ít doanh nghiệp tự bỏ tiền ra làm việc này. Công ty TNHH MTV Kinh doanh và Xay xát lúa gạo Cẩm Nguyên ở Tháp Mười tự bỏ tiền đi Bắc Kinh, Thượng Hải, Hong Kong, Quảng Tây, mang theo mẫu gạo của mình đi chào hàng, khi có đơn đặt hàng mới về tổ chức sản xuất. Tuy nhiên, cần nhắc lại, số doanh nghiệp làm như Cẩm Nguyên không nhiều.
Campuchia cũng sản xuất lúa gạo theo chuỗi giá trị như Việt Nam nói nhiều lâu nay nhưng họ có tổ chức quốc tế tới giúp, chỉ cần nghe theo và làm y chang là họ mua ngay. Còn Việt Nam không có tổ chức quốc tế nhưng có những người Việt Nam hướng dẫn, nói rã hơi vậy mà chẳng ai nghe, chỉ làm chộp giật, ăn xổi ở thì, cuối cùng thua kém nước khác.
Việt Nam cũng có một số loại gạo ngon như ST 5, ST 20, VD 20 nhưng bán trong nước lời hơn xuất khẩu. Nếu trong nước bán khoảng 20.000 đồng/kg, tính ra 1.000 USD/tấn, trong khi chào hàng ở bên ngoài không bao giờ được giá đó.
Tôi không đồng ý với ý kiến cho rằng chỉ cần tạo ra được giống lúa lai giữa lúa mùa địa phương với lúa cao sản vừa năng suất cao, vừa chất lượng tốt là có thể giải quyết được sự hơn thua của Việt Nam với các nước xuất khẩu gạo khác. Như vậy chưa đủ!
Chúng tôi làm trầy da tróc vảy gần 40 năm nay nhưng vẫn không gắn được mấy gen ngắn ngày năng suất cao, mùi thơm vì ý muốn của nông dân rất khó thực hiện. Thực ra nông dân Thái Lan không cần giống ngắn ngày, không cần năng suất cao, chỉ cần gạo thơm, thành ra các nhà khoa học tạo giống rất dễ. Còn Việt Nam, nếu yêu cầu gạo phải thơm, ngắn ngày, năng suất 8 tấn thì chúng tôi đầu hàng.
Việt Nam phải học cách bán gạo của Campuchia
Lúa gạo Việt Nam không cần chạy theo sản lượng để đảm bảo an ninh lương thực. Chỗ nào cần an ninh lương thực thì giữ diện tích đó làm lúa cao sản, còn chỗ nào muốn chen vào thị trường cao cấp thì làm lúa đặc sản, tăng vụ và hãy đảm bảo mua số lúa đó với giá tương xứng, có như vậy nông dân mới trồng. Bây giờ xui nông dân trồng lúa năng suất thấp rồi mua với giá vài chục đồng mỗi kg thì không ai làm.
Việt Nam phải tạo sự liên kết trong chuỗi giá trị. Không mua lúa qua thương lái để họ trộn đủ loại gạo vào nữa, thay vào đó phải có vùng nguyên liệu. Các doanh nghiệp đặt hàng nông dân sản xuất theo quy trình VietGAP, GlobalGAP để ra lúa nguyên liệu giá thành thấp nhất mà chất lượng cao nhất, sau đó mua nguyên liệu, xử lý tại nhà máy hiện đại, cho ra những sản phẩm gạo thật tốt.
Nói thì như thế, thực tế, các doanh nghiệp Việt không chịu làm theo. Khi mua lúa, thương lái cứ mua hết đám ruộng này đến đám ruộng khác, đổ vào chiếc ghe duy nhất thành ra gạo Việt Nam mới 5-7 loại giống, chất lượng kém.
Việt Nam phải học Campuchia rất nhiều, nhất là về khâu xúc tiến thương mại. Các công ty làm ăn tốt hãy đến hội chợ lúa gạo tìm kiếm khách hàng, thương thuyết, đưa xem mẫu gạo cho khách hàng xem, đưa ra mức giá phù hợpđể họ đặt hàng. Bước sau lại qua các nước chào hàng, lấy đơn đặt hàng về để chủ động mùa tới trồng lúa gì, bao nhiêu tấn, chủ động có vùng nguyên liệu sản xuất theo GAP, chắc chắn sẽ có gạo chất lượng cao, có thương hiệu mà khách hàng muốn mua.
Thành Luân (ghi)
http://baodatviet.vn/kinh-te/thi-truong/vi-sao-gao-campuchia-ha-do-van-gao-viet-3108165/
Nhận xét này đã bị quản trị viên blog xóa.
Trả lờiXóa