Chủ Nhật, 19 tháng 10, 2014

Triều Tiên đang minh bạch, chỉ còn Việt Nam ?

Thấy gì từ vụ “tái xuất” của Kim Jong Un?
Triều Tiên - quốc gia có độ bí mật cao - có vẻ đang dần trở nên minh bạch hơn dưới sự lãnh đạo của Kim Jong Un... Ông Kim Jong Un đã “tái xuất” trên truyền thông nhà nước Triều Tiên hồi đầu tuần này, đập tan mọi tin đồn. Trong những bức ảnh được đăng tải hôm thứ Hai, nhà lãnh đạo trẻ bước đi với một cây gậy trong tay


AN HUY Minh bạch là điều hiếm ai nghĩ tới khi nói về Triều Tiên. Nhưng quốc gia có độ bí mật cao này có vẻ đang dần trở nên minh bạch hơn dưới sự lãnh đạo của Kim Jong Un - theo nhận định của The Diplomat. Khi một tòa chung cư 23 tầng đổ sập ở Bình Nhưỡng hồi đầu năm nay, những hình ảnh đăng tải trên truyền thông nhà nước Triều Tiên về vụ việc cho thấy các quan chức chính phủ “cúi mình xin lỗi trước người dân”.


Tạp chí này lấy ví dụ mới nhất là sự biến mất đầy bí ẩn trước công chúng kéo dài hơn 1 tháng vừa qua của ông Kim Jong Un và việc ông xuất hiện trở lại sau đó.

Sau lần cùng phu nhân Ri Sol-ju hiện diện trong một buổi hòa nhạc vào đầu tháng 9, ông Kim Jong Un không hề lộ diện trước công chúng trong suốt 40 ngày. Đây là lần “biến mất” dài nhất của ông Kim kể từ khi ông ra mắt công chúng vào năm 2010, khiến dư luận thế giới đưa ra hàng loạt giả thiết, như ông có vấn đề về sức khỏe, hoặc thậm chí đã bị lật đổ.

Tuy nhiên, ông Kim Jong Un đã “tái xuất” trên truyền thông nhà nước Triều Tiên hồi đầu tuần này, đập tan mọi tin đồn. Trong những bức ảnh được đăng tải hôm thứ Hai, nhà lãnh đạo trẻ bước đi với một cây gậy trong tay.

Hồi cuối tháng 9, dù không nói rõ về tình trạng của ông Kim Jong Un, truyền thông nhà nước Triều Tiên cũng thừa nhận ông “đang trong tình trạng không được khỏe”.

Ở hầu hết mọi quốc gia trên thế giới, những chuyện này có thể không được xem là quan trọng. Tuy nhiên, ở Triều Tiên, đây lại là chuyện rất đáng bàn. Dù chỉ sử dụng một từ chung chung là “không được khỏe”, truyền thông nhà nước Triều Tiên đã truyền đi một thông điệp rằng, nhà lãnh đạo của họ đang có vấn đề về thể chất.

Vì sao đây lại là một điều quan trọng? Vì cỗ máy truyền thông của Triều Tiên có nhiệm vụ phát đi hình ảnh chân dung của các nhà lãnh đạo họ Kim, từ ông Kim Jong Un tới cha ông là nhà cố lãnh đạo Kim Jong Il và ông nội của ông là nhà cố lãnh đạo Kim Nhật Thành, là những người hoàn hảo về mọi mặt.

Trước đây, sự phác họa chân dung hoàn hảo này đồng nghĩa với việc, mọi thông tin về việc nhà lãnh đạo ốm đau đều không bao giờ được tiết lộ. Chẳng hạn, khi ông Kim Jong Il bị đột quỵ vào năm 2008, truyền thông nhà nước Triều Tiên không bao giờ thừa nhận có chuyện xảy ra.

Ngoài ra, khi các nhà báo phương Tây đặt câu hỏi về việc ông Kim Jong Il bị đột quỵ, các quan chức Triều Tiên cũng đều từ chối trả lời. Phản ứng chính thức của Bình Nhưỡng khi đó cho rằng, các bài báo nước ngoài nói nhà lãnh đạo Kim Jong Il bị đột quỵ đều là một âm mưu của phương Tây.

Cũng vì lý do trên, sự tái xuất của ông Kim Jong Un mang một ý nghĩa quan trọng. Đặc biệt, việc ông Kim Jong Un trở lại trước công chúng trong trạng thái rõ ràng của một người bị ốm - thể hiện qua việc ông chống gậy - là một sự khác biệt nữa so với thông lệ quá khứ.

Khi ông Kim Jong Il bị ốm sau cú đột quỵ năm 2008, truyền thông nhà nước Triều Tiên chỉ phát đi những hình ảnh trong đó ông ở trong trạng thái sức khỏe tốt. Theo ông Lim Byong Cheol, phát ngôn viên Bộ Thống nhất thuộc Chính phủ Hàn Quốc, truyền thông nhà nước Triều Tiên không bao giờ công bố hình ảnh các nhà lãnh đạo Kim Jong il hay Kim Nhật Thành chống gậy hay chống nạng.

Đây không phải là sự khác biệt đầu tiên của Triều Tiên dưới thời Kim Jong Un so với trước kia. Chẳng hạn, vào tháng 4/2012, truyền thông nhà nước Triều Tiên thừa nhận một vệ tinh mà nước này phóng lên trong lễ kỷ niệm ngày sinh của lãnh tụ Kim Nhật Thành đã không lên được quỹ đạo trái đất và bị rơi xuống. Triều Tiên cũng nói các nhà khoa học của nước này sẽ điều tra về nguyên nhân của thất bại. Đây là lần đầu tiên Triều Tiên thừa nhận thất bại khi phóng tên lửa tầm xa.

Một ví dụ khác về sự minh bạch mới của Triều Tiên là vụ thanh trừng hết sức công khai đối với Jang Song-thaek, chú dượng của ông Kim Jong Un, vào cuối năm ngoái. Vào ngày 9/12/2013, cả hãng thông tấn KCNA và tờ báo Rodong Sinmun của nhà nước Triều Tiên cùng đăng một danh sách dài các tội danh của ông Jang. Sau đó cùng ngày, truyền hình nhà nước Triều Tiên đưa hình ảnh Jang bị bắt tại một cuộc họp. Vài ngày sau, truyền thông Triều Tiên đăng tin Jang đã bị đưa ra xét xử tại một tòa án binh đặc biệt thuộc Bộ An ninh Nhà nước, thừa nhận mọi tội danh, sau đó bị xử tử.

Việc thanh trừng công khai Jang Song-thaek được giới chuyên môn đánh giá là chưa từng có tiền lệ trong lịch sử Triều Tiên. Từ cuối thập niên 1950, các vụ thanh trừng ở Triều Tiên diễn ra bí mật, và không được đề cập công khai trong suốt thời gian dài sau đó. Ngay cả vào đầu thập niên 1950, khi các vụ thanh trừng các quan chức cấp cao được thừa nhận trước công chúng, thì việc thừa nhận cũng chỉ gói gọn trong phạm vi một vài bài báo với rất ít chi tiết cụ thể.

Tương tự, khi một tòa chung cư 23 tầng đổ sập ở Bình Nhưỡng hồi đầu năm nay, truyền thông nước này đã lên tiếng thừa nhận rằng, việc xây ẩu và sự bất cẩn trong quá trình giám sát thi công đã khiến tòa nhà bị đổ. Thậm chí, Bộ trưởng Bộ An ninh Nhân dân Triều Tiên Choe Pu-il tuyên bố, bộ của ông chịu trách nhiệm về “tội ác không thể tha thứ” này. Những hình ảnh đăng tải trên truyền thông nhà nước Triều Tiên về vụ việc cho thấy các quan chức chính phủ “cúi mình xin lỗi trước người dân”.

Trước đó, truyền thông Triều Tiên hầu như chưa bao giờ thừa nhận có chuyện sập nhà, tai nạn cháy nổ… chứ đừng nói tới chuyện các quan chức đứng ra xin lỗi người dân.

Có thể nói, Triều Tiên dưới thời Kim Jong Un đã và đang trở nên minh bạch hơn so với thời các nhà lãnh đạo tiền bối. Tuy nhiên, The Diplomat cho rằng, đây chính là dấu hiệu về sự thay đổi trong xã hội Triều Tiên mà lãnh đạo của nước này phải chấp nhận.

Bất chấp những nỗ lực cấm cản của chính quyền, ngày càng có nhiều người Triều Tiên tiếp cận với các nguồn thông tin từ bên ngoài như Trung Quốc, Hàn Quốc… Bình Nhưỡng đã nhận thấy, công dân của họ sẽ nghe được thông tin về các sự kiện quan trọng như phóng hỏng tên lửa hay Kim Jong Un bị ốm. Bởi thế, Bình Nhưỡng tìm cách đi trước một bước nhằm định hướng thông tin cho người dân, thay vì để truyền thông nước ngoài làm công việc định hướng này.

Điều này lý giải vì sao truyền thông Triều Tiên thừa nhận Kim Jong Un “không được khỏe” và vì sao nhà lãnh đạo “tái xuất” với một cây gậy trên tay. Tất cả đều cần thiết để ngăn không cho người dân Triều Tiên tin vào những giả thiết mà truyền thông phương Tây đặt ra về sự biến mất của ông Kim Jong Un.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét