Chủ Nhật, 2 tháng 11, 2014

Nợ công tăng nhanh, đã tiêu hết tiền của 6 năm tới?

Có lẽ thành công lớn nhất của Chính phủ dưới thời bác Dũng là đã "quyết liệt tiêu tiền ngân sách" đồng thời cũng đã "quyết liệt giúp dân tiêu tiền" (tăng thuế, phí... và dân buộc phải hối lộ bộ máy hành chính và đám quan tham để mọi chuyện được thông đồng bén giọt). Đọc thêm: "Thủ tướng Dũng và nền kinh tế thị trường “định hướng quyết liệt".
ĐBQH: Nợ công tăng nhanh, Việt Nam đã tiêu hết tiền của 6 năm tới?
Chưa kỳ họp nào các ĐBQH nhận được nhiều báo cáo, báo cáo chi tiết về tình hình nợ công từ Chính phủ như kỳ họp này. Nhưng báo cáo càng đầy đủ thì ĐB lại càng “không yên tâm” về tình hình nợ công.
ĐBQH Nguyễn Đức Kiên (tỉnh Sóc Trăng): 
Chúng ta đã tiêu hết tiền của 6 năm tới? Ảnh: TTBC
Dù trong phiên thảo luận về tình hình kinh tế xã hội chiều 30/10 Bộ trưởng Bộ Tài chính đã có phát biểu giải trình về tình hình nợ công và trấn an các ĐBQH “nợ công an toàn”, nhưng mối lo ngại nợ công tiếp tục được các ĐB nêu lên trong phiên thảo luận sáng 31/10.

Phát biểu tại phiên thảo luận, ĐB Nguyễn Đức Kiên (tỉnh Sóc Trăng), Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội cũng đặt câu hỏi trước nỗi lo nợ công đang tăng nhanh. Theo ông, dường như chúng ta đã tiêu tiền nhiều hơn thu. Bằng chứng là kế hoạch 5 năm nhìn lại thì có tới 11 chỉ tiêu về tiêu tiền thì đạt, nhưng tổng chỉ tiêu sản xuất làm ra tiền lại không đạt.

“Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, cứ đưa ra chỉ tiêu để tiêu tiền để đảm bảo thứ khác thì có đảm bảo được tiền thu cho ngân sách Nhà nước hay làm cho nợ công tăng lên, phát hành trái phiếu tăng lên”- ĐB Kiên nói.

Càng không thể không lo khi 98% nợ công đầu tư cho phát triển, nhưng dễ dàng nhận thấy dư nợ công trong năm qua tăng nhanh về số tuyệt đối không có dấu hiệu giảm đi. Nghĩa vụ trả nợ tăng nhanh trong khi nguồn thu không tăng. Thực tế trả nợ chỉ chiếm 14% trong tổng số 25% GDP khoản chi cho trả nợ, còn lại là đảo nợ. Kể từ năm 2011 Việt Nam đã bắt đầu phát hành trái phiếu Chính phủ để đảo nợ.

Trong chiến lược nợ công và nợ nước ngoài của quốc gia của Chính phủ, tới năm 2020 tỷ lệ nợ công là 65% GDP tới năm 2020, chứ ko phải 2015 đã đạt 64% tỷ lệ. “Như vậy có phải chúng ta tiêu hết tiền của 6 năm về sau không?”- ĐB Nguyễn Đức Kiên đặt câu hỏi.

Mở đầu bài phát biểu của mình, ĐB Nguyễn Anh Sơn bày tỏ sự lo lắng thực sự trước tình hình nợ công đang tăng nhanh và cao hiện nay. ĐB Sơn cho biết, chưa kỳ họp nào ông nhận được nhiều báo cáo về nợ công như kỳ họp này. Nhưng càng nhận được nhiều báo cáo, báo cáo càng chi tiết thì ĐB lại càng “không yên tâm” về nợ công.

“Ngành nào, địa phương nào, công trình nào cũng cần tiền, muốn thêm tiền... thì tới lúc đó nợ công còn căng thẳng tới mức nào” – ĐB Sơn đánh giá.

ĐB Sơn nhấn mạnh, không phải con số nợ công bao nhiêu, tỷ lệ cao thế nào mà cốt lõi là đã sử dụng vốn đó hiệu quả, tiết kiệm hay không.

“Chúng ta đừng để người dân, cử tri kêu ca về chuyện hàng ngày thấy vốn vay, vốn huy động được sử dụng thất thoát, lãng phí”- ĐB tỉnh Nam Định bày tỏ.

Đồng tình với 6 giải pháp đảm bảo an toàn nợ công, nhưng ĐB Đỗ Thị Hoàng (Quảng Ninh) nhấn mạnh, tình trạng lãng phí, tham nhũng vẫn tồn tại, nhức nhối. Do đó, cần thiết phải rà soát phân tích yếu tố ảnh hưởng đến nợ công, khả năng thu, cân đối chi để có chiến lược rõ ràng về nợ công.

Về trách nhiệm, ĐB Nguyễn Anh Sơn nhấn mạnh, ngoài phần trách nhiệm của các bộ, ngành, Chính phủ thì cũng có phần trách nhiệm của các ĐBQH – những người đã bấm nút thông qua Luật quản lý nợ công và giờ phải sửa đổi.

“Vấn đề nợ công không còn là vấn đề riêng của Chính phủ, mà là vấn đề của cả Quốc hội, cả xã hội, đất nước” – ĐB Sơn nói.

Nguyễn Hoài

http://infonet.vn/dbqh-no-cong-tang-nhanh-viet-nam-da-tieu-het-tien-cua-6-nam-toi-post148438.info

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét