Lạm phát 2014 - 2015 bao nhiêu là “vừa”?
NGUYÊN HÀ - Tranh luận nhiều chiều về điều hành lạm phát trong bối cảnh kinh tế vĩ mô hiện nay... Kiểm soát mức lạm phát hàng năm không quá thấp là kiến nghị vừa được đoàn giám sát về tái cơ cấu nền kinh tế của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa ra. Thảo luận về dự thảo báo cáo kết quả giám sát hôm 1/10 vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội không bàn nhiều đến lạm phát. Nhưng, băn khoăn lại đến từ phía Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng Bộ Tài chính.
Quảng cáo của một cửa hàng tại Hà Nội. Có lẽ câu chuyện về lạm phát
Báo cáo giám sát nêu rõ, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) thời gian qua là đạt kế hoạch, tức tăng thấp hơn mức chỉ tiêu của Quốc hội đề ra, trừ kết quả của 2011.
Và dưới góc nhìn của đoàn giám sát thì việc thắt chặt một số chính sách đã kiểm soát tốt lạm phát. Nhưng trong điều kiện cụ thể nền kinh tế Việt Nam, nguồn vốn các doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh còn phụ thuộc quá lớn vào vốn vay các ngân hàng thương mại, việc thắt chặt chính sách sẽ tác động đến hoạt động doanh nghiệp, việc làm, tăng trưởng kinh tế và tác động đến cả chính sách tài khóa, như giảm nguồn thu ngân sách nhà nước.
Đồng thời khó khăn của các doanh nghiệp tác động trực tiếp đến hoạt động ngân hàng thương mại.
Từ phân tích này, đoàn giám sát kiến nghị cần triển khai mạnh các biện pháp để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý, kiểm soát mức lạm phát hàng năm không quá thấp để tạo điều kiện cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, giải quyết việc làm, đảm bảo tổng đầu tư toàn xã hội…
Cũng khẳng định kết quả chỉ số lạm phát các năm gần đây là thực hiện đúng theo mục tiêu của kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm, song Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng điều đó giúp các doanh nghiệp ổn định phát triển sản xuất chứ không có tác động ngược lại với nền kinh tế.
Nói thêm về đánh giá của hai bên, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết Chính phủ điều hành theo đúng nghị quyết của Quốc hội là cố gắng lạm phát ở mức 7%.
“Hiện nay lạm phát xung quanh 5%, mức này giúp ổn định kinh tế vĩ mô, nhưng mặt trái là các doanh nghiệp đang dựa vào vốn của ngân hàng, nếu quản lý lạm phát chặt quá thì đúng là khó cho hoạt động của các doanh nghiệp, dẫn đến hoạt động các ngân hàng cũng khó theo”, ông Dũng nói.
Thừa nhận đánh giá của đoàn giám sát là phản ánh hoàn toàn đúng thực trạng hiện nay, Thứ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết thêm là tất cả vấn đề này đã được đề cập trong phiên họp Chính phủ vừa qua. Và Chính phủ đã lưu ý điều hành trong thời gian tới vừa đảm bảo mục tiêu nhưng cũng thúc đẩy sản xuất cho các doanh nghiệp và ngân hàng thương mại.
Lắng nghe cả quan điểm của đoàn giám sát và của Bộ Kế hoạch Đầu tư, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Hiếu cho rằng lạm phát thấp ảnh hưởng đến tốc độ GDP là có, nhưng ở mức độ trở thành kiến nghị thì cần cân nhắc.
Theo ông, rất khó đưa ra được con số tương đồng nào giữa tốc độ tăng GDP và tốc độ lạm phát, muốn chứng minh thì phải có rất nhiều luận cứ, nên chưa nên đưa ra đánh giá là vì lạm phát thấp cho nên ảnh hưởng đến tăng trưởng.
“Việt Nam đang ở giai đoạn quá độ, có một thời Quốc hội giao Chính phủ là lạm phát phải thấp hơn tăng GDP. Ở hiện tại, mức độ lạm phát tương đương và hơn tốc độ tăng trưởng một chút là hợp lý”, ông Hiếu nói, và nhấn mạnh đây là nhìn nhận bằng kinh nghiệm.
Cảnh báo ảnh hưởng của lạm phát thấp cũng được Chính phủ bàn rất nhiều, nên theo Thứ trưởng Hiếu là “chưa nên nhấn mạnh” trong báo cáo giám sát.
Như vậy, xem ra nỗi lo lạm phát thấp vẫn còn có khoảng cách giữa cơ quan giám sát và cơ quan điều hành.
Tại báo cáo ngày 26/9, Chính phủ đánh giá việc lạm phát được kiểm soát ở mức thấp là kết quả của những nỗ lực triển khai công tác điều hành kinh tế vĩ mô, đảm bảo cân đối cung cầu hàng hóa và tăng cường quản lý thị trường.
Các con số ước thực hiện năm 2014 được nêu tại báo cáo là GDP khoảng 5,8% và CPI từ 4,5 đến 4,7%.
Còn dự kiến của năm 2015 là GDP tăng khoảng 6,2% còn CPI khoảng 5%.
Như vậy, cả hai năm lạm phát đều thấp hơn tăng trưởng. Nhưng, có lẽ câu chuyện về lạm phát trong mối quan hệ với tăng trưởng sẽ còn rất dài. Bởi những yếu tố bất ngờ của lạm phát và cách tính toán tăng trưởng của Việt Nam vẫn luôn được đặt ra tại không ít diễn đàn.
Bên lề Diễn đàn Kinh tế Mùa thu cuối tháng 9 vừa qua, khi tranh luận về tăng trưởng và lạm phát được bàn thảo nhiều chiều, TS. Trịnh Quang Anh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế (Tập đoàn Đầu tư và phát triển Việt Nam) nói với VnEconomy rằng, điều hành theo lạm phát mục tiêu, ổn định và luôn có thể dự tính được mới quan trọng, chứ không phải cứ thật thấp là tốt.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét