Thứ Hai, 1 tháng 9, 2014

Việt Nam đã trở thành Việt Nam như thế nào

Việt Nam đã trở thành Việt Nam như thế nào

(tác giả : Lê Minh Khải ; dịch giả : Vũ Đức Liêm)
Tôi liên tục tìm kiếm các viết lách bằng tiếng Anh mà ở đó người ta nói về làm thế nào mà Việt Nam đã được gọi là Việt Nam, và không ai có được một sự mô tả đúng. Không phải tự hào, sự giải thích đúng đắn nhất về điều này mà tôi được biết trong giới học thuật tiếng Anh là công trình mà tôi xuất bản nhiều năm trước đây, nhưng không ai đọc bất cứ điều gì mà tôi xuất bản thông qua kênh hàn lâm, vì thế tôi nghĩ đã đến lúc để đưa các thông tin lên chỗ này chỗ khác nơi có nhiều cơ hội hơn để mọi người sẽ thực sự tiếp cận nó, và đó có thể là ở đây – không gian Internet.

Phần lớn mọi người dựa vào những gì mà Alexander Woodside viết cách nay 40 năm trong công trình của ông – Vietnam and the Chinese Model. Tuy nhiên, liên quan đến câu chuyện làm thế nào mà tên gọi Việt Nam đã ra đời, Woodside dựa vào thông tin của Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ (欽定大南會典事例) – vốn sử dụng lại các thông tin từ Đại Nam thực lục (大南實錄). Vì thế, để thực sự hiểu được điều gì đã xảy ra (hoặc điều mọi người nói là đã xảy ra), chúng ta cần xem cả các nguồn như Đại Nam thực lục cũng như tư liệu của Trung Quốc nhưThanh thực lục (清實錄).

Sau khi nhà Nguyễn lên cầm quyền năm 1802, họ gửi một phái đoán đến Bắc Kinh để yêu cầu tên mới cho vương quốc. Nguyễn Phúc Ánh (阮福暎), người sáng lập của vương quốc là hậu duệ của dòng họ Nguyễn vốn cai trị vùng đất phía Nam của nhà Lê (sau đó được mở rộng) trong vòng 200 năm trước đó. Sự cai trị đó là đủ lâu để họ có thể đi đến mô tả về tính chính thống của mình.

Vào cuối thế kỷ XVIII, khi cuộc nổi loạn Tây Sơn kéo theo sự tan rã của hai dòng họ Trịnh – Nguyễn, chấm dứt sự can dự của họ vào hoàng gia, các thành viên sống sót của họ Nguyễn cảm thấy những thôi thúc đặc biệt rằng : điều xảy ra với họ là sai trái, và đó là một trong những động lực thôi thúc họ giành lại phần lãnh thổ mà họ tin rằng thuộc về mình một cách chính danh (Đại Nam thực lục, 16/17b). 


Tuy nhiên, trong quá trình đó, Nguyễn Phúc Ánh không chỉ lấy lại từ Tây Sơn vùng đất của tố tiên mà còn tiến xa hơn về phía Bắc, đặc biệt là vùng đất trung tâm của nhà Lê vốn nằm trong tay đối thủ của mình trước đây là họ Trịnh, và sau đó Tây Sơn chinh phục cả chính quyền Trịnh và Lê, dẫn đến việc vua Lê phải lánh nạn sang nhà Thanh, nơi ông ta qua đời.


Với thắng lợi quân sự áp đảo và được thông báo rằng không có hậu duệ nào của nhà Lê lên tiếng về ngai vàng, họ Nguyễn đã tự thiết lập nền cai trị của mình trên vương quốc rộng lớn nhất từng tồn tại ở vùng này. Một lãnh thổ mới như thế dĩ nhiên là xứng đáng một cái tên mới để thể hiện lãnh thổ của họ : “Cương vực mà từ thời Trần, Lê trở về trước không thể so bì” (疆域非陳黎以前之不比, Đại Nam chính biên liệt truyện, 11/2a). 

Cùng lúc, nhà Nguyễn không muốn từ bỏ ký ức về vùng đất mà họi gọi là đất đai của tổ tiên. Các vùng đất này nằm ở phía Nam của vương quốc mới, vùng đất mà nhiều học giả tin rằng từng là địa bàn cùa bộ Việt Thường (越裳), một bộ được mô tả trong các thư tịch cổ Trung Hoa. Kết hợp với những vùng đất này là khu vực An Nam (安南) từng nằm dưới sự cai trị của họ Trịnh dưới danh nghĩa nhà Lê. Như một cách thức để mô tả rằng lãnh thổ mới bao gồm cả hai khu vực này, lớp tinh hoa của triều Nguyễn chọn cách kết hợp “Nam” từ “An Nam” với “Việt” trong “Việt Thường” để tạo ra tên mới – Nam Việt (南越).

Trong khi phái đoàn ngoại giao được gửi đến Bắc Kinh đầu thế kỷ XIX để yêu cầu hoàng đế nhà Thanh cho phép họ Nguyễn tạo ra sự thay đổi này, viên chức của triều Nguyễn là Trịnh Hoài Đức (鄭懷德) đã đưa vấn đề này ra với các quan chức nhà Thanh ở Quảng Đông (Bang giao lục, 3/12a-b). Tổng đốc của tỉnh láng giềng Quảng Tây, Tôn Ngọc Đình (孫玉庭) nghe được điều này và đã kiến nghị về tên gọi này khi liên tưởng đến quốc gia Nam Việt của Triệu Đà từ thế kỷ II trước Công nguyên vốn bao gồm phần lớn tỉnh Quảng Đông và Quảng Tây. 

Tôn lo ngại rằng tên gọi này là dấu hiệu thậm chí còn đáng ngại hơn việc Tây Sơn giúp đỡ các nhóm hải tặc trong vùng. Hệ quả là cuối năm 1802, Tôn Ngọc Đình tấu trình lên ngai vàng và kêu gọi hoàng đế không chấp nhận sự thay đổi tên của nhà Nguyễn về vương quốc Nam Việt (Thanh thực lục, niên hiệu Gia Khánh, 106/25a). Vị hoàng đế đã chú ý đến kiến nghị của Tôn.


Vào ngày 18 tháng 6 năm 1803, hoàng đế Gia Khánh (嘉慶) nhà Thanh yêu cầu rằng tên gọi mới của vương quốc sẽ là Việt Nam thay vì Nam Việt, và Nguyễn Phúc Ánh được phong vương. Vị hoàng đế lý giải cho quyết định của mình bằng việc lưu ý chữ “Việt” đặt lên đầu để vinh danh lãnh thổ vốn trước kia nằm dưới sự cai trị của tổ tiên họ Nguyễn (Thanh thực lục, niên hiệu Gia Khánh, 115/15a). Đại Nam thực lục cung cấp thêm chi tiết về bình luận của hoàng đế nhà Thanh. Nó ghi lại việc vị hoàng đế giải thích chữ “Việt” đứng trước danh hiệu mới nhằm thể hiện rằng vương quốc này là sự tiếp tục của một lãnh thổ trước kia và những người cai trị sẽ tiếp tục con đường của người đi trước. Đối với chữ “Nam”, nó liên quan đến việc nhà Nguyễn đã mở rộng vùng đất cũ Nam Giao (南交), và đã nhận được sự công nhận mới (Đại Nam thực lục, 23/1a).

Sau khi can gián để hoàng đế nhà Thanh không chấp thuận việc sử dụng tên “Nam Việt”, Tôn Ngọc Đình sau đó viết trong một bản tấu gửi triều đình rằng, thêm vào những ý nghĩa trên, tên “Việt Nam” - với ý nghĩa chiết tự là “Phía Nam của Việt”, điều này cũng rất tốt vì nó đề cập rằng vùng lãnh thổ này nằm ở phía Nam của khu vực nơi mà Bách Việt từng sinh sống, khu vực trải dài từ tỉnh Chiết Giang qua Phúc Kiến, Quảng Đông và Quảng Tây. Bình luận này một lần nữa cho thấy Tôn Ngọc Đình quan tâm đến những mối đe dọa tiềm tàng lên khu vực ông ta cai trị – tình Quảng Tây (Thanh thực lục, niên hiệu Gia Khánh, 111/11b).


Thông tin ở trên đến từ công trình tôi nghiên cứu và viết 14 năm trước (tôi nghĩ là lúc đó tôi đã viết một cách đầy văn chương và xúc cảm hơn những gì tôi viết sau này). Tôi không quay lại và kiểm tra lại nguồn dẫn. Tuy nhiên tôi nghĩ là những gì tôi đề cập ở đây liên quan đến luận điểm rằng : việc lựa chọn tên gọi này là phức tạp hơn rất nhiều so với những gì có thể tìm thấy ở các công trình tiếng Anh về chủ đề này. Chỉ có một người duy nhất có thể kết nối tên gọi này với vương quốc cổ Nam Việt của Triệu Đà là Tôn Ngọc Đình – Tổng đốc Quảng Tây, chứ không phải hoàng đế nhà Thanh hay bất cứ ai ở Việt Nam.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét