Thứ Hai, 1 tháng 9, 2014

Mại dâm, cặp bồ và những cuộc hôn nhân ngoại đầy may rủi

Mại dâm, cặp bồ và những cuộc hôn nhân ngoại đầy may rủi
Từ khi những công nhân ngoại, đặc biệt là công nhân Trung Quốc, “đổ bộ” Formosa làm việc, cuộc sống của người dân các xã Kỳ Liên, Kỳ Phương, Kỳ Long (huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh) xáo trộn đến chóng mặt. Ở Kỳ Liên, Kỳ Phương bây giờ, khái niệm massage, tẩm quất chẳng có gì làm lạ và gây tò mò đối với người dân nữa. Có cầu ắt có cung, hàng loạt quán massage, tẩm quất, cắt tóc thanh nữ mọc lên như nấm sau mưa. Những cô gái miền Tây da trắng muốt đổ xô về đây phục vụ khách, khiến việc quản lý của các địa phương hết sức khó khăn. 

Một người dân lo lắng nói: “Không biết Nhà nước mình làm răng mà cho họ sang đông rứa hè. Tui cũng ngại lắm đó. Ngại là họ sang đây không biết tiếng, khác phong tục, lối sống rồi thì sẽ lộn xộn, đánh đập nhau nữa cho coi”. Đứng cạnh, một người khác vừa nói vừa cười: “Một vạn công nhân nam qua đây mà không mang theo phụ nữ thì làm răng hè? Nhu cầu chính đáng của con người mà. Rồi e loạn mất thôi, mấy chú ơi...”.

Từ khi những công nhân nước ngoài đến làm việc, khách sạn, quán nhậu, hàng ăn, massage mọc lên đông đúc tại Khu kinh tế Vũng Áng (huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh). Ảnh: Đăng Khoa - Trần Tuấn

Từ khi những công nhân ngoại, đặc biệt là công nhân Trung Quốc, “đổ bộ” Formosa làm việc, cuộc sống của người dân các xã Kỳ Liên, Kỳ Phương, Kỳ Long (huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh) xáo trộn đến chóng mặt. Người người đua nhau xây nhà trọ, khách sạn cho thuê; hàng quán trương biển chữ tiếng Trung to tướng, để mời mọc những “thượng đế” người Trung Quốc. Rồi quán massage, tẩm quất mọc lên như nấm sau mưa và những cô gái quê giờ đây đã biết cặp bồ và lấy chồng ngoại…

Đêm ở ngã ba Formosa


Chúng tôi đến được ngã ba Formosa thì trời đã chuyển về đêm. Không giống như những ý nghĩ mơ hồ về nơi này lúc còn ngồi trên chuyến xe đò chật ních, ngột ngạt trước đó, dọc quốc lộ 1A - ngã ba Formosa (xã Kỳ Liên) tấp nập, rộn ràng chẳng khác nơi phố hội. Cách nay ngót nghét chục năm thôi, nơi đây vẫn là vùng đất nghèo nhất của huyện nghèo nhất tỉnh Hà Tĩnh. Từ ngày những dự án thuộc Khu kinh tế Vũng Áng khởi động, đã có sự tác động mạnh mẽ đến cuộc sống của người dân, nhất là thời điểm những công nhân ngoại, mà đặc biệt là công nhân Đài Loan, Trung Quốc đến đây làm việc thì các xã Kỳ Liên, Kỳ Phương, Kỳ Long đã có sự đổi thay đến chóng mặt.

Bà Trần Thị Nguyên (xã Kỳ Liên) hồi tưởng: “Mấy chục năm qua, nhà cửa của dân bầy tui lụp xụp, nghèo lắm chớ nỏ được như bây chừ. Từ khi họ về đây khai trương dự án, làm nhà máy, rồi công nhân ở đâu về đông quá trời, đông hơn cả dân bầy tui, người nước ngoài đến từ Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc. Riêng người Trung Quốc thì đông lắm. Đêm đêm họ đi nhảy, đi nhậu, hát hò náo loạn cả xã”.

Kể từ thời điểm đó, để phục vụ cho nhu cầu ăn, ở, giải trí của công nhân ngoại, người dân các xã Kỳ Liên, Kỳ Phương, Kỳ Long đua nhau xây phòng trọ cho công nhân Việt, công nhân Trung Quốc thuê. Bà Nguyên chỉ tay về phía cái khách sạn to vật vã và nói: “Đó là chỗ mấy ông người Trung Quốc có chức sắc dưới nhà máy Formosa thuê ở”.

Chỉ tay qua mấy khu nhà trọ lụp xụp, bà Nguyên nói “đó là chỗ công nhân thuê nhà trọ, họ ở chung với dân. Thường họ tự nấu ăn. Đi chợ thì có phiên dịch đi cùng, trả giá còn ghê hơn người của ta. Họ mà nếu có thuê dân đây thì cũng chỉ thuê nhặt rau, làm cá, thái thịt lợn”. Ngẫm trong giây lát, bà Nguyên nói tiếp: “Trước vụ lộn xộn (15.4), người Trung Quốc đi ngoài đường đông lắm. Họ nói chuyện với nhau xộ xộ xào xào chẳng hiểu ra làm sao. Mà họ gây sự đánh nhau luôn chứ chẳng phải hiền lành gì đâu. Hôm bữa, cậu công nhân ta đi xe thế nào đấy rồi cả nhóm công nhân Trung Quốc xúm lại đòi ném đá, đập, may mà dân đây can được, chứ không to chuyện rồi, chú ạ”.

Những công nhân Trung Quốc làm việc tại Khu kinh tế Vũng Áng cũng tham gia giao thông bằng xe gắn máy và nhiều người cũng... vi phạm luật giao thông chẳng khác gì người bản địa. Ông Nguyễn Văn Linh - một người dân - nói: “Công an thổi lại, nhiều ông không chịu ký vào biên bản, vì giữa hai bên không hiểu nhau. Sau này, mỗi lần thổi công nhân Trung Quốc lại, công an triệu một cô phiên dịch đến giải thích luật cho họ. Rồi thì họ cũng hiểu, cũng ký vào biên bản, sau đó lên huyện nộp phạt như người nhà mình”.

Ở Kỳ Liên, Kỳ Phương bây giờ, khái niệm massage, tẩm quất chẳng có gì làm lạ và gây tò mò đối với người dân nữa. Có cầu ắt có cung, hàng loạt quán massage, tẩm quất, cắt tóc thanh nữ mọc lên như nấm sau mưa. Những cô gái miền Tây da trắng muốt đổ xô về đây phục vụ khách, khiến việc quản lý của các địa phương hết sức khó khăn. “Dân xã Kỳ Liên chưa được 3.000 người, trong khi công nhân đến hơn 4.000 mà toàn là đàn ông cả. Xa nhà, xa vợ rồi thì họ có nhu cầu massage, tẩm quất, cắt tóc nam nữ đủ kiểu, khiến việc quản lý của chính quyền địa phương gặp không ít khó khăn” - bà Nguyễn Thị Thủy - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Kỳ Liên - than thở.

Mại dâm, cặp bồ và lấy chồng ngoại

Chúng tôi hỏi: “Nghe thông tin ở địa phương mình có nhiều phụ nữ, trong đó có cả phụ nữ đã có gia đình cặp bồ với công nhân Trung Quốc, điều này chính xác không? Bà Thủy xác nhận “nói thật là có”. Và “những mối quan hệ không lành mạnh này đã khiến cho nhiều gia đình rạn nứt tình cảm. Chúng tôi đang rất lo ngại về điều này”. Không chỉ cặp bồ, ở Kỳ Liên, Kỳ Long còn có nhiều cô gái quê chấp nhận những cuộc hôn nhân với công nhân Trung Quốc mang đầy may rủi.

Bà Nguyễn Thị Thủy cho biết, ở xã đã có 2 trường hợp lấy chồng người Trung Quốc. Trường hợp chị Võ Thị Hoa (SN 1983, trú thôn Hoành Nam) lấy chồng người Trung Quốc làm việc ở Formosa. “Hai người họ dắt nhau lên đây nhờ giới thiệu lên trên, xã không thể tiến hành được vì ông công nhân Trung Quốc này sang đây lao động theo diện visa du lịch 3 tháng. Dù vậy, họ vẫn dắt nhau lên công ty tổ chức đám cưới cách nay 2 năm. Nhưng rồi sau đó, có lẽ chị Hoa cảm nhận cuộc hôn nhân này không bền vững nên chia tay nhau rồi” - bà Thủy cho biết.

Cách đây chưa lâu, một trường hợp khác là chị Trần Thị Bắc (SN 1991, trú xóm Liên Sơn) lên xe hoa với người chồng là công nhân Trung Quốc. Chị Bắc quen biết với người đàn ông Trung Quốc này khi cả hai cùng làm ở Formosa và tiến đến hôn nhân. Đám cưới được tổ chức rình rang khiến dân thôn quê ai cũng choáng váng. Sau ngày cưới, cô dâu theo chồng về Trung Quốc.

Còn ở xã Kỳ Long cũng đã có 2 trường hợp kết hôn với người Đài Loan (Trung Quốc). Họ tổ chức đám cưới vào các năm 2011, 2012 và nay đã theo chồng sang xứ Đài. Chị Bắc và cả nhiều cô dâu mà chúng tôi chưa kịp biết liệu có được hưởng hạnh phúc, hay là sẽ rơi vào cảnh khổ ải nơi xứ người thì chưa ai dám chắc. “Thực tế trên, Hội Phụ nữ xã cũng đã có định hướng tuyên truyền cho chị em phụ nữ phải hết sức thận trọng khi kết hôn với công nhân người nước ngoài.

Trong khi hầu hết chị em đều không biết tiếng Trung, nên việc giao tiếp cũng như tiếp nhận văn hóa của họ là vấn đề không đơn giản. Nói thật là đã có nhiều lớp học tiếng Trung đã được mở, nhưng hầu như chị em học không được, hoặc có chăng nữa thì tiếng cũng bập bẹ vậy thôi. Đáng lo thật” - bà Nguyễn Thị Thủy nói thêm.

Ở ngã ba Formosa ngày trước, vào những tối thứ bảy, chủ nhật, người ta chẳng lạ gì những chuyến xe buýt chở hàng chục công nhân Trung Quốc đi hàng chục cây số ra “động” Voi (địa điểm mại dâm gần như công khai ở xã Kỳ Phong, kéo dài đến thị trấn Voi của Kỳ Anh) vui vẻ. Đây là thực tế được người dân địa phương lẫn đại diện chính quyền địa phương khẳng định.

“Công nhân Trung Quốc vẫn đến đây thuê xe chở ra ngoài Voi đi em út đó thôi. Chuyện này có chi lạ mô mà chú hỏi” - một người làm dịch vụ cho thuê ôtô tại Vũng Áng nói. Bây giờ thì nạn mại dâm cũng đã bắt đầu bùng phát ở nơi đây. Và chỉ cách đây mấy hôm, công an huyện Kỳ Anh đã bắt tại trận 7 đôi nam nữ mua bán dâm tại các địa bàn quanh Khu kinh tế Vũng Áng.

Những ngày này, trước thông tin sẽ có 10.000 công nhân nước ngoài sẽ đến Vũng Áng làm việc trong thời gian sắp tới, người dân ở các xã Kỳ Liên, Kỳ Phương, Kỳ Long cảm thấy lo ngại. Như một quy luật, khi lao động nước ngoài đến nhiều, ngoài việc tạo thêm thu nhập từ dịch vụ, sẽ kéo theo nhiều hệ lụy khi an ninh, trật tự sẽ phức tạp và cùng với đó là tệ nạn xã hội cũng sẽ tăng lên.

Một người dân lo lắng nói: “Không biết Nhà nước mình làm răng mà cho họ sang đông rứa hè. Tui cũng ngại lắm đó. Ngại là họ sang đây không biết tiếng, khác phong tục, lối sống rồi thì sẽ lộn xộn, đánh đập nhau nữa cho coi”. Đứng cạnh, một người khác vừa nói vừa cười: “Một vạn công nhân nam qua đây mà không mang theo phụ nữ thì làm răng hè? Nhu cầu chính đáng của con người mà. Rồi e loạn mất thôi, mấy chú ơi...”.

Đêm Vũng Áng trời rả rích mưa. Lang thang dọc quốc lộ 1A, đập vào mắt chúng tôi là cảnh hàng loạt hàng quán từ nhậu, hát, trà sữa trân châu biển hiệu tiếng Trung cỡ chữ to chẳng kém chữ Việt được chiếu sáng bằng ánh đèn 7 màu lấp lánh trông lạ mắt. 

Ở đâu đó, phía bên kia đường dội lại những câu hát trong bài “Người đến từ Triều Châu” bằng tiếng Trung Quốc, của một người đàn ông giọng nhão nhoẹt vì đã say mèm...

(Lao động)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét