Thứ Tư, 20 tháng 8, 2014

Tự do kinh doanh phải chờ đến Thủ tướng

Tự do kinh doanh phải chờ đến Thủ tướng
Tư Giang: (TBKTSG Online) - Rốt cuộc, các bộ ngành đã phải “nhất trí” với đề xuất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về báo cáo Danh mục ngành, nghề cấm đầu tư, kinh doanh; Danh mục ngành, nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì cuộc họp - Ảnh: Chinhphu.vn
Kết quả này có được chỉ sau khi đích thân Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ với các bộ ngành ngày hôm qua 19/8 nhằm chuẩn bị nội dung liên quan để báo cáo ra kỳ họp tới của Quốc hội. Trước đó 
“Thủ tướng ký một lần, Bộ Kế hoạch - đầu tư ký hai lần, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội ký một lần” công văn yêu cầu rà soát và báo cáo danh mục, nhưng “chờ mãi mà các bộ khác không gửi danh mục sang”

Là người đứng đầu cơ quan chủ trì sửa đổi Luật Đầu tư, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh lẽ ra phải có trong tay bản danh mục trên để trình ra Ủy ban Thường vụ Quốc hội cách đây hơn một tuần, cùng với dự luật, song ông đã thất bại.

“Thủ tướng ký một lần, Bộ Kế hoạch - đầu tư ký hai lần, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội ký một lần” công văn yêu cầu rà soát và báo cáo danh mục, nhưng “chờ mãi mà các bộ khác không gửi danh mục sang”, ông Vinh phàn nàn với Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp mới đây.

Sự “bất lực” của ông Bộ trưởng chỉ được hóa giải khi đích thân Thủ tướng phải triệu tập cuộc họp hôm qua.
Ông nói: “Quản lý nhà nước không phải là giành thuận lợi cho chúng ta, mà quản lý là để tạo thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh, làm ăn”.

Điều đó cũng hoàn toàn phù hợp với Điều 33 của Hiến pháp mới, rằng “mọi người có quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm”.

Song, mục tiêu của bản Hiến pháp, sự mong muốn của Thủ tướng, của Bộ trưởng Vinh và không ít người khác để có một môi trường rộng mở, đỡ rủi ro hơn cho đầu tư, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp đã bị thách thức bởi chính những con người và cơ chế trong hệ thống.

Những “giấy phép” con, cháu, chắt – vốn đã từng được gỡ bỏ - sau Luật Doanh nghiệp năm 2000 nhờ sự đồng thuận xã hội – nay đã lại xuất hiện tràn ngập trở lại.

Có tới 386 ngành, nghề kinh doanh có điều kiện thuộc phạm vi quản lý nhà nước của 16 bộ được quy định tại 391 văn bản pháp luật, theo kết quả rà soát của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Thật không dễ để một nhà đầu tư, một doanh nghiệp mò mẫm tìm đường đi trong một “rừng” quy định như vậy. Chính những khó khăn khi gia nhập thị trường và những rủi ro tiềm tàng chờ đón sau này là những rào cản đầu tiên làm thui chột tinh thần kinh doanh của không ít người.

Phát triển chỉ được kiến tạo khi Nhà nước không còn nhăm nhăm vơ quyền vào mình nhằm ban – phát cho người dân và doanh nghiệp và nhất là không cần phải chờ đến Thủ tướng “xuất chiêu”.

Nội dung danh mục đề xuất
Về Danh mục ngành, nghề cấm đầu tư, kinh doanh
Kết quả rà soát được thực hiện theo các nguyên tắc loại bỏ các ngành, nghề, hàng hóa, dịch vụ trùng lặp; chuyển một số, ngành, nghề, hàng hóa, dịch vụ cấm đầu tư, kinh doanh thành ngành, nghề, hàng hóa, dịch vụ kinh doanh có điều kiện; chuẩn xác lại phạm vi và nội dung cấm đầu tư, kinh doanh trong một số ngành, nghề, hàng hóa, dịch vụ; và xác định ngành, nghề cấm đầu tư, kinh doanh là ngành, nghề gây phương hại đến quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, sức khỏe cộng đồng mà không thể khắc phục hay hạn chế bằng các điều kiện, tiêu chuẩn kỹ thuật hay chuyên môn.
Danh mục 8 ngành, nghề cấm đầu tư, kinh doanh đề xuất, gồm: Kinh doanh vũ khí quân dụng, trang thiết bị, kỹ thuật, khí tài, phương tiện chuyên dùng quân sự, công an; kinh doanh chất ma túy; sản xuất, kinh doanh, tàng trữ, tiêu dùng và xuất khẩu hóa chất; kinh doanh các loại pháo; kinh doanh, tổ chức mại dâm, buôn bán người; kinh doanh thực vật, động vật hoang dã, quý hiếm, gồm cả vật sống và các bộ phận của chúng đã được chế biến; thử nghiệm sinh sản vô tính trên người; và sản xuất các sản phẩm biến đổi gen.
Về Danh mục lĩnh vực, ngành, nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện
Qua rà soát cho thấy tổng cộng đối với 386 ngành nghề kinh doanh có điều kiện thì có tới 895 điều kiện kinh doanh “cấp 1” (giấy phép “cha”); 2.129 điều kiện “cấp 2” (giấy phép “con”) và 1.745 điều kiện “cấp 3” (giấy phép “cháu”).
Các điều kiện kinh doanh thể hiện đa dạng dưới nhiều hình thức, cụ thể: có 110 ngành, nghề yêu cầu yêu cầu phải có giấy phép kinh doanh với 171 loại giấy phép kinh doanh; 83 ngành, nghề yêu cầu có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh với 62 loại giấy chứng nhận; 44 loại ngành, nghề cần có chứng chỉ hành nghề với 53 loại chứng chỉ hành nghề; 11 ngành, nghề yêu cầu xác nhận vốn pháp định; 345 ngành, nghề yêu cầu phải có chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Theo đánh giá thì danh mục ngành, nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh hiện hành chưa được xác định, tập hợp và công khai hóa; nhiều quy định về điều kiện kinh doanh đã lạc hậu, không phù hợp với thực tiễn hoặc không cần thiết cho mục tiêu quản lý nhà nước, từ đó gây ra các rào cản ra nhập thị trường, ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường đầu tư, kinh doanh; nhiều điều kiện kinh doanh không được quy định cụ thể và thiếu minh bạch về trình tự, hồ sơ, thủ tục hoặc điều kiện, thủ tục không rõ ràng gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc tuân thủ các điều kiện kinh doanh đồng thời tạo ra sự tùy tiện, tiêu cực của cơ quan quản lý nhà nước.
Về đề xuất quy định vào Luật Đầu tư (sửa đổi) và Luật Doanh nghiệp (sửa đổi)
Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề xuất xây dựng Danh mục ngành, nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện  áp dụng thống nhất cho nhà đầu tư trong nước và nước ngoài, đồng thời hoàn thiện quy định về vấn đề này trong dự thảo Luật Đầu tư sửa đổi theo hướng:
+ Chính phủ công bố Danh mục ngành, nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện và  điều kiện đầu tư, kinh doanh tương ứng trước khi Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) và Luật Đầu tư (sửa đổi) có hiệu lực thi hành.
+ Chỉ Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ có thẩm quyền ban hành quy định xác định ngành, nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện và điều kiện đầu tư, kinh doanh.
+ Ngành, nghề kinh doanh có điều kiện chỉ coi là hợp pháp nếu tên ngành, nghề đầu tư, kinh doanh đó và các điều kiện đầu tư, kinh doanh đối với ngành, nghề đó được quy định tại cùng một văn bản quy phạm pháp luật, pháp lệnh hoặc nghị định và nếu không được quy định tại luật, pháp lệnh, nghị định hoặc điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên đều không có hiệu lực thi hành.
+ Các điều kiện kinh doanh đối với từng ngành, nghề kinh doanh có điều kiện phải đảm bảo các yêu cầu: nội dung các điều kiện kinh doanh chỉ nhằm hạn chế, ngăn ngừa các nguy cơ phát sinh từ các ngành, nghề kinh doanh mà không thể hạn chế hay ngăn ngừa được bằng các giải pháp của thị trường; phải rõ ràng, cụ thể, dễ hiểu, dễ thực hiện và tiên liệu được; phù hợp với thông lệ quốc tế tốt và không trái với điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; không được áp đặt một phương thức tổ chức kinh doanh, không áp đặt mức sàn hoặc trần đối với sản lượng sản xuất, cung ứng và tiêu dùng, không hạn chế quyền tự do hợp đồng và tự do thỏa thuận giá cả của doanh nghiệp.
Đọc thêm:

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét