Khủng hoảng nợ công ở Việt Nam đang đến dần?
Đặc điểm nổi bật nhất về kinh tế vĩ mô của giai đoạn này là việc nền kinh tế đang ở trong trạng thái ổn định và, trên một vài phương diện, tốt dần lên một cách chậm chạp. Tuy nhiên, có vẻ sự ổn định này đang ru ngủ nhiều người và nó che khuất những rủi ro ngầm bên dưới. Một trong những vấn đề vĩ mô đau đầu nhất đã được giới chuyên gia nói đến khá nhiều, nhưng hầu như công luận không mấy người để ý (và dù có để ý thì cũng không ý thức được mức độ nghiêm trọng của nó) là câu chuyện khủng hoảng nợ công của Việt Nam có vẻ như đang đến dần.
Các biến số vĩ mô chính đều tương đối ổn: Thí dụ lạm phát giữ được ở mức 1 con số (kỳ vọng năm nay chỉ ở mức 5%). Cán cân thương mại có thặng dư ở mức thấp (xuất siêu nhẹ cả hai năm 2012 và 2013, 6 tháng đầu 2014 đạt 1,51 tỷ USD). Tăng trưởng GDP ổn định ở mức loanh quanh từ 5% đến 5,5% (5,03% năm 2012, 5,42% năm 2013, và kỳ vọng 5,4% năm 2014). Tỷ giá có một lần phá giá nhẹ giữa năm nay (có tác dụng tốt để tăng xuất khẩu) nhưng nhìn chung không bị áp lực gì lớn phải phá giá tiếp.
Theo Báo cáo Kinh tế Vĩ mô 2014 của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cuộc khủng hoảng này có vẻ đang đến vì hai lý do: thu kém đi trong khi chi thì phình to liên tục.
Thu ngân sách của Việt Nam đang gặp nguy hiểm vì nhiều lẽ. Việt Nam dựa quá lớn (25% năm 2013) vào các nguồn thu không thường xuyên như bán tài sản nhà nước, giao quyền sử dụng đất, dầu thô… Các khoản này sẽ hết dần, không sinh sôi. Trong khi đó, thu thường xuyên (thuế và phí) giảm dần do giảm thuế để hỗ trợ doanh nghiệp và theo các cam kết của các hiệp định thương mại. Nhà nước tìm cách thu vét (truy thu thuế) tuy nhiên trong khi doanh nghiệp tư nhân còn chưa gượng lên được bao nhiêu sau khủng hoảng nên việc thu vét cũng dễ đẩy doanh nghiệp tư nhân vào chỗ kiệt quệ.
Chi ngân sách của Việt Nam thì đang ngày càng phình to vì nhiều lý do. Nghĩa vụ trả nợ vay quốc tế (cả gốc lẫn lãi) đang tăng dần với ngày càng nhiều khoản vay đáo hạn. Chi thường xuyên (thí dụ trả lương công chức và ngân sách hoạt động của bộ máy hành chính) chiếm tỷ trọng lớn và vẫn đang phình to, hiện đã vượt thu thường xuyên (thí dụ thuế và phí). Cơ cấu chi bất hợp lý vì về mặt tỷ trọng chi đầu tư thì giảm (chỉ còn 21,4% trong tổng chi) mà chi thường xuyên lại tăng, thể hiện nỗ lực “thắt lưng buộc bụng” của chính phủ về cơ bản không thành công. Đó là chưa kể với vấn đề Trung Quốc hiện nay, chi quốc phòng và an ninh sẽ buộc phải tăng lên, dễ rơi vào bẫy chạy đua vũ trang, chèn ép và lấy mất vốn của các lĩnh vực tạo giá trị thặng dư khác.
Vì cơ cấu thu chi như vậy dẫn đến chỗ thâm hụt ngân sách đang tăng dần. Từ 4,8% năm 2012 đã tăng lên 5,3% năm 2013. Tổng mức nợ công là 53,5%, vẫn thấp hơn ngưỡng an toàn 65%, nhưng đã tăng 26,89% so với năm 2012, là một tốc độ tăng quá lớn.
Có hai vấn đề lớn nhất trong chuyện này. Thứ nhất là cơ cấu chi ngân sách dùng để trả nợ vay đang sắp vượt ngưỡng cho phép (25% trong tổng chi ngân sách – ngưỡng an toàn do Ngân hàng Thế giới khuyến nghị và thủ tướng phê chuẩn). Sẽ rất tệ nếu một phần quá lớn của ngân sách được dùng để trả nợ cũ vì số tiền này không dùng để tái tạo giá trị cho tương lai. Thêm nữa, với nguồn thu yếu, Việt Nam đang phải đi vay thêm để trả nợ cũ (đảo nợ), biến cuộc chơi ngân sách thành một trò ponzi nguy hiểm;
Thứ hai, vì nền kinh tế không có dấu hiệu hồi phục đáng kể trong trung hạn, có khả năng rất cao là bức tranh ngân sách sẽ còn tiếp tục xấu đi do các khoản thu thường xuyên không tăng, các khoản thu không thường xuyên có thể giảm, trong khi chi ngân sách thì liên tục dưới áp lực phải phình to (để trả nợ, và thậm chí đơn giản như chi thường xuyên cũng không kiểm soát được và vì thế tiếp tục phình).
Câu chuyện vượt ngưỡng 65% GDP có thể sẽ đến rất sớm nếu Việt Nam không kiểm soát mạnh được chi thường xuyên.
Trần Vinh Dự
* Blog của Tiến sĩ Trần Vinh Dự là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
( VOA )
Trần Vinh Dự
* Blog của Tiến sĩ Trần Vinh Dự là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
( VOA )
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét