Thứ Hai, 18 tháng 8, 2014

Chê lương thấp nhưng lắm người ham!

Chê lương thấp nhưng lắm người ham!
Hàng ngàn người đã xếp hàng mấy ngày giữa tuần qua để nộp hồ sơ thi tuyển công chức ngành thuế của TP Hải Phòng. Cùng thời gian này, gần 9.000 hồ sơ cũng được nộp để dự tuyển vào Cục Thuế Hà Nội. Nhiều địa phương khác cũng thế, cứ mỗi lần tuyển cán bộ, công chức thì lại ùn ùn người tham dự.
Hàng ngàn người đội mưa xếp hàng nộp hồ sơ 
dự tuyển vào Cục Thuế Hà Nội Ảnh: THẾ KHA
Đặt những sự việc nêu trên trong bối cảnh Báo Người Lao Động vừa mở diễn đàn Nói không với nạn phong bì, tôi thấy một số điểm tương đồng. Một trong những nguyên nhân thường được các cơ quan chức năng lý giải cho nạn phong bì là tiền lương của cán bộ, công chức quá thấp, không đủ sống. Họ phải dùng nhiều cách để “kiếm thêm” từ chính công việc của mình.

Nhưng xem ra, nguyên nhân nêu trên chỉ là ngụy biện. Trước khi thi tuyển vào cơ quan công quyền, ai mà chẳng biết tiền lương của cán bộ, công chức rất thấp, không đủ sống? Thế nhưng, tại sao bao người vẫn đội mưa, đội nắng xếp hàng để xin làm công việc có mức lương không đủ sống ấy?

Không loại trừ nhiều người muốn làm công chức để phục vụ nhân dân đúng nghĩa. Cũng không loại trừ nhiều người biết rõ rằng làm công chức không hề nghèo, thậm chí là giàu, rất giàu. Họ biết rõ khi làm ở các cơ quan công quyền thì tiền lương là thứ yếu, những nguồn thu nhập khác mới quan trọng - mà phong bì là một trong số đó. Nói như thế để thấy “tâm lý phong bì” đã có từ trước, không phải sau khi họ bước vào làm ở cơ quan công quyền, cuộc sống bức bách mới nảy sinh tâm lý này. Tiền lương thấp chỉ là cái cớ để xuề xòa cho hành vi sai phạm là hoạnh họe người dân để có phong bì.

Ở góc cạnh khác, tuy tiền lương cán bộ, công chức thấp nhưng ai cũng hy vọng mình có cơ hội thăng tiến, có địa vị trong tương lai. Mà với không ít người, càng có vị trí trong cơ quan công quyền thì cơ hội tiếp cận phong bì càng cao, phong bì càng dày. “Không có phong bì, chạy chọt thì xin thưa, đừng làm doanh nghiệp!” - câu nói này như “châm ngôn” của nhiều doanh nghiệp hiện nay.

Lương cán bộ, công chức không sống nổi nhưng rất nhiều người vẫn muốn làm. Dựa vào sự quen biết hay chạy chọt để xin vào các cơ quan công quyền là chuyện đã rất phổ biến. Lương thấp nhưng cuộc sống của nhiều cán bộ, công chức rất thoải mái, thậm chí không ít người còn giàu có. Có lẽ những nghịch lý này ai cũng thấy, ai cũng biết và người dân thì hầu như ai cũng phải chấp nhận. Có điều, đến cửa công phải lụy phong bì thì xấu hổ quá!

Gia Khang
(Người Lao Động)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét