Thứ Hai, 18 tháng 8, 2014

Chặn đứng nạn “xâm lăng” văn hoá của sư tử đá ngoại lai

Mạnh tay chặn đứng nạn “xâm lăng” văn hoá của sư tử đá ngoại lai
Bộ VHTT&DL vừa có công văn về việc không sử dụng biểu tượng, sản phẩm, linh vật không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam. Công văn này được ban hành bởi thực trạng ở nhiều địa phương trưng bày, sử dụng biểu tượng, vật phẩm, linh vật (sư tử đá kiểu Trung Quốc, phương Tây và một số vật phẩm khác) theo tạo hình, hình thức không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam ở cổng, cửa, khu di tích, đình, chùa, công sở cơ quan, đơn vị gây phản cảm về thẩm mỹ, văn hóa, tâm linh ở những nơi công cộng.
Ông Vi Kiến Thành (ảnh cpv.org.vn)
Nhân dịp này, PV VOV.VN đã có cuộc phỏng vấn ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh, Triển lãm – đơn vị tham mưu cho Bộ ban hành văn bản này. Ông Vi Kiến Thành chia sẻ về những hành động kiên quyết nhằm đưa khỏi đời sống những “hiện vật” không phù hợp thuần phong mỹ tục Việt.

PV: Thưa ông, việc sư tử đá ngoại lai cũng như các linh vật, biểu tượng lạ xuất hiện từ lâu đã gây bức xúc trong dư luận, báo chí cũng đề cập nhiều, tại sao đến nay mới có công văn khuyến cáo?

Ông Vi Kiến Thành: Tôi rất đồng tình với các cơ quan truyền thông trong thời gian qua đã đề cập về vấn đề này. Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm cũng đã có những hình thức tuyên truyền trên Tạp chí, trên website của Cục nhằm tác động đến nhận thức của công chúng trong việc lựa chọn các vật phẩm, linh vật dùng trong trang trí và tín ngưỡng. Trước thực trạng sử dụng ngày càng tràn lan tượng linh vật, vật phẩm ở di tích và công sở, cơ quan, đơn vị, ngày 8/8/2014, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có công văn số 2662 /BVHTTDL-MTNATL gửi các Ban, Bộ, Ngành, Sở VHTTDL, các cơ quan đơn vị về việc Không sử dụng biểu tượng, sản phẩm, linh vật không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam. Đây là văn bản nhằm tạo sự phối hợp đồng bộ của các cơ quan, ban, ngành, các đơn vị và cá nhân để có thể loại bỏ những tượng linh vật, vật phẩm không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam ra khỏi di tích lịch sử văn hóa và những nơi công cộng.

PV: Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm là đơn vị quản lý các biểu tượng quốc gia, Vậy ông có thể cho biết lý do từ đâu mà có sự xuất hiện các biểu tượng, linh vật lạ tràn lan như vậy?

Ông Vi Kiến Thành: Việc các biểu tượng, linh vật lạ tràn lan xuất phát từ nhiều lý do. Chúng ta hiện nay đang trong thời kỳ mở cửa, hội nhập với quốc tế nên việc có sự ảnh hưởng, thậm chí có cả “xâm lăng” văn hóa. Điều đó tác động đến đời sống tinh thần, quan niệm thẩm mỹ, tâm linh, văn hóa của người dân Việt Nam.

Hiện nay, như chúng ta biết trước các di tích lịch sử văn hóa, công sở… người ta cúng tiến, bày đặt tượng sư tử đá lấy mẫu của Trung Quốc, hình thức các tượng này rất giống nhau, họ tưởng đó là linh vật có xuất xứ Việt Nam mà không hề biết đó là tượng có xuất xứ từ Trung Quốc. Trong khi đó, ở nước ta nhiều nơi hiện đang còn lưu giữ các tượng linh vật truyền thống có tạo hình đẹp, thuần Việt. Điều này chứng tỏ trong chúng ta nhiều người còn thiếu hiểu biết về văn hóa và nghệ thuật truyền thống của cha ông, khi gặp một khuôn mẫu tượng nước ngoài bày bán có sẵn là đua nhau dùng không cần biết đến văn hóa và ý nghĩa tâm linh, dẫn đến việc sử dụng tượng linh vật ngoại tràn lan như hiện nay.

PV: Với chức năng, nhiệm vụ của mình, Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm sẽ có động thái gì tiếp theo sau công văn của Bộ VHTT&DL?

Ông Vi Kiến Thành: Theo nội dung công văn, có thể thấy việc này cần sự vào cuộc của các Bộ, Ban, Ngành, Ủy ban Nhân dân các tỉnh/thành, các Sở VHTTDL thì cần sự phối hợp trong công tác tham mưu, chỉ đạo của Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm và Cục Di sản văn hóa. Trách nhiệm của chúng tôi ở Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm là tham mưu giúp cho Bộ VHTT&DL, nhằm đưa đến thẩm mỹ văn hóa chung cho xã hội, tiếp thu các giá trị mới của văn hóa trên thế giới, đồng thời vẫn tạo ra được môi trường văn hóa, mỹ thuật đúng với truyền thống văn hóa Việt Nam.

Trong vấn đề này, các vật phẩm, linh vật, biểu tượng lạ ảnh hưởng đến các di tích lịch sử văn hóa thì Luật Di sản văn hóa đã có quy định và chế tài. Hiện nay, không chỉ có các di tích lịch sử, đền chùa mà còn có các công sở, các cơ quan, đơn vị cũng để các linh vật, vật phẩm không đúng với phong tục, mỹ thuật Việt Nam.

Công văn số 2662 /BVHTTDL-MTNATL, đã chỉ đạo và đề nghị các Sở VHTTDL địa phương tăng cường công tác kiểm tra, tuyên truyền, đề xuất xử lý những vụ cấp bách, cần thiết, liên quan đến vấn đề này, đồng thời tuyên truyền, vận động mọi người có ý thức nhận biết, nhằm hạn chế, cũng như dỡ bỏ những vật phẩm, linh vật không đúng với thuần phong mỹ tục.

Về phía Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm, chúng tôi sẽ phối hợp với với các cơ quan nghiên cứu, các cơ quan quản lý nhà nước ở trung ương và địa phương cùng các cơ quan báo chí thúc đẩy mạnh mẽ công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của nhân dân về vấn đề này. Chúng tôi sẽ cùng các chuyên gia nghiên cứu mỹ thuật chọn lựa các mẫu linh vật, vật phẩm truyền thống của Việt Nam và giới thiệu để mọi người tham khảo, lựa chọn sử dụng phù hợp với nhu cầu thẩm mỹ thuần Việt. 

Sư tử đá kiểu Trung Quốc được nhân bản
hàng ngày tại làng đá Non Nước. Ảnh: Trà Xanh

PV: Phía Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm đã có những hình thức rà soát gì để khuyến cáo, dẫn tới việc góp phần đưa ra các phương thức xử lý? 

Ông Vi Kiến Thành: Việc quản lý và rà soát, đánh giá ở các di tích, công sở, cơ quan, đơn vị thuộc trách nhiệm của các Sở VHTTDL các tỉnh/thành; trên tạp chí Mỹ thuật – Nhiếp ảnh của Cục, với mục đích phổ biến tuyên truyền để mọi người thay đổi nhận thức, quan niệm về vấn đề này chúng tôi đã đăng một số bài viết lấy từ ý kiến của các nhà nghiên cứu về văn hóa, mỹ thuật, không chỉ nói về việc không nên sử dụng tùy tiện các biểu tượng văn hóa, linh vật lạ của các quốc gia, mà còn giới thiệu cả các mẫu mã, biểu tượng linh vật của cha ông ta.

Tôi cho rằng, vấn đề không thể giải quyết trong một sớm một chiều, mà là quá trình đòi hỏi sự thay đổi trong nhận thức của những người có nhu cầu sử dụng các biểu tượng, linh vật, của các đơn vị, cơ quan. Đồng thời, còn là quá trình thay đổi nhận thức của những người chế tác tượng đá, cần phải có thời gian. Còn ở trong các di tích, chúng ta có thể căn cứ theo Luật Di sản văn hóa để bỏ đi hay dần dần thay thế những gì không phù hợp như hiện nay. Trong khi đó, ở các cơ quan, đơn vị, quá trình tuyên truyền nhận thức cần được đẩy mạnh để họ hiểu được.

PV: Theo như những bài báo được đăng trên tạp chí Mỹ thuật – Nhiếp ảnh và theo những gì VOV đã phản ánh, có thể thấy đang có một sự xóa nhòa trong nhận thức. Ở các làng đá, nhắc tới những con sư tử đá kiểu Trung Quốc, họ đều cho rằng đây là con nghê Việt Nam, đó là điều đáng báo động. Vậy về mặt quản lý, Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm sẽ có những hành động cụ thể như thế nào, nhất là với những nơi sản xuất hàng loạt các linh vật này?

Ông Vi Kiến Thành: Tôi muốn nhấn mạnh nhiệm vụ đầu tiên là cần tuyên truyền, vận động, giải thích cho những nơi này để họ sản xuất ra đúng kiểu mẫu mã của các biểu tượng, vật phẩm theo đúng truyền thống văn hóa Việt Nam.

Đồng thời, vai trò của cơ quan thông tin đại chúng cũng rất quan trọng trong công tác tuyên truyền ở nơi người ta đang “nhân bản” những con sư tử ngoại lai, linh vật này, tăng cường công tác quản lý, kiểm tra để việc gìn giữ phổ biến các biểu tượng văn hóa của chúng ta đạt hiểu quả tốt hơn.

PV: Xin cảm ơn ông./

Trà Xanh - Thu Linh
(VOV)

1 nhận xét:

  1. Tôi để ý, có thấy nhiều chùa chiền, đền thờ hay những di tích xưa có dùng tiếng tàu mà không dùng tiếng việt. Người việt đa số không hiểu tiếng tàu. Nếu là những công trình đã cũ xưa, tại sao ta không kèm chú thích tiếng việt để cho mọi người hiểu ? Còn những công trình mới thì phải tuyệt đối cấm dùng chữ tàu mà phải dùng tiếng việt là chính. Người việt thường dững dưng với sự kiện nầy, nhưng tôi thì rất .. thất vọng và bất mãn.

    Trả lờiXóa