Thứ Năm, 6 tháng 3, 2014

Ông Putin đang thua ở Ukraine?

Đọc cho vui, bài này phân tích quá lăng nhăng. 
Thông tin không đáng tin cậy, dù là của tờ TIME.
Ông Putin đang thua ở Ukraine?
EU không “đủ gan” trừng phạt Nga
Trong bối cảnh bán đảo Crimea đang ở vào tình trạng “nước sôi lửa bỏng”, có một số dấu hiệu cho thấy "đưa quân đội vào Ukraine" sẽ là thảm họa đối với Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Các binh sĩ Nga ở bán đảo Crimea, Ukraine.
Dư luận Nga phản đối can thiệp Ukraine
Theo bài viết mang tiêu đề: "4 lý do cho thấy ông Putin đang thua cuộc ở Ukraine" đăng trên tờ TIME (Mỹ), ở nước Nga, hành động can thiệp vào Ukraine là một trong những quyết định của ông Putin nhận được ít sự ủng hộ của người dân nhất. Một cuộc khảo sát do chính điện Kremlin tiến hành cho thấy 73% người Nga tham gia khảo sát phản đối nước này can thiệp vào Ukraine.

Gần 3/4 người dân Nga phản đối bất kỳ kiểu “phản ứng” gì của Mátxcơva với Ukraine, không nói tới một hành động quân sự mà Nga đang thể hiện ở Crimea hiện nay. Hành động can thiệp vào Gruzia của Nga năm 2008 nhận được nhiều sự ủng hộ từ trong nước. Lí do là Gruzia không phải là Ukraine. Ukraine là một quốc gia thuộc tộc người Slavơ có mối quan hệ văn hóa và lịch sử thân thiết với Nga. Phần lớn người Nga có ít nhất một người thân hoặc bạn bè đang sinh sống ở Ukraine. Do vậy, chỉ cần tưởng tượng ra một cuộc chiến tranh “huynh đệ tương tàn” giữa hai quốc gia Slavơ lớn nhât thế giới cũng đủ khiến người dân Nga “rùng mình”.

Nền kinh tế Nga đã chịu tổn thất từ việc can thiệp Ukraine

Khi các thị trường mở cửa vào ngày 3/3, các nhà đầu tư đã thể hiện phản ứng trước sự can thiệp của Nga vào Ukraine cuối tuần. Kết quả là các chỉ số chứng khoán chính của Nga đã giảm xuống hơn 10%.

Chỉ trong một ngày, 60 tỷ USD đã “bốc hơi” khỏi thị trường chứng khoán Nga, nhiều hơn số tiền Nga chi cho Thế vận hội mùa đông Sochi vừa qua. Tập đoàn dầu khí quốc gia Gazprom, công ty đem lại gần 1 /4 tổng số thuế của Nga, đã mất 15 tỷ USD giá trị trị trường chỉ trong 1 ngày – bằng với số tiền Nga từng hứa sẽ cho Ukraine vay.

Giá trị đồng Rúp Nga so với đồng Đô la Mỹ đã xuống thấp kỉ lục và Ngân hàng trung ương Nga đã phải chi 10 tỷ USD cho các thị trường hối đoái để vực dậy đồng nội tệ.

Ngay cả các đồng minh thân cận nhất của Nga cũng không muốn sáp nhập với nước này

Hôm 3/3, quốc gia giàu dầu mỏ Kazakhstan, thành viên quan trọng nhất của tất cả các liên minh do Nga khởi xướng, thể hiện lập trường lên án Nga. Đây là lần đầu tiên các nhà lãnh đạo nước này thể hiện lập trường đối lập với Nga về một vấn đề chiến lược như vậy: “Kazakhstan bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình hình Ukraine. Kazakhstan kêu gọi tất cả các bên dừng sử dụng bạo lực để giải quyết tình hình”, Bộ Ngoại giao Kazakhstan tuyên bố.

Các nước láng giềng Nga lo sợ rằng việc Mátxcơva can thiệp vào Ukraine sẽ tạo ra tiền lệ nguy hiểm. Mọi quốc gia thuộc Liên Xô (cũ) từ Trung Á cho tới Baltic đều có lượng lớn cư dân nói tiếng Nga. Do vậy, nếu Nga tự cho mình quyền “xâm lược” Ukraine khi nào cảm thấy những người nói tiếng Nga bị đe dọa, lẽ tự nhiên là bất kỳ quốc gia đồng minh nào của Nga trong khu vực cũng phải tìm cách để không bị rơi vào hoàn cảnh như Ukraine hiện này.

Các quốc gia ở Đông Âu và vùng Cápcadơ, bao gồm Armenia, một đồng minh trung thành của Nga, có thể sẽ tìm cách làm thân với EU và NATO. Với các quốc gia ở Trung Á, việc tăng cường an ninh đề phòng Nga can thiệp sẽ có nghĩa phải củng cố quan hệ, bao gồm quan hệ quân sự, với Trung Quốc.

Nga sẽ ngày càng bị phương Tây cô lập

Hồi tháng 6/2013, Tổng thống Putin lên kế hoạch tổ chức Hội nghị thượng đỉnh G8 tại Sochi. Nhưng hôm 2/3, tất cả các quốc gia phương Tây đều tuyên bố hoãn các công tác chuẩn bị cho Hội nghị này để phản đối việc Nga can thiệp vào Ukraine.

Trong những năm gần đây, một trong những trở ngại lớn nhất trong mối quan hệ giữa Nga và phương Tây là kế hoạch xây dựng lá chắn tên lửa ở châu Âu. Nga coi đây là mối đe dọa chính tới an ninh của nước này. Nhưng sau khi Nga quyết định đưa quân tới Crimea, Ukraine, nhưng tất cả những công sức của Mátxcơva dùng biện pháp ngoại giao để cản trở phương Tây phát triển hệ thống này như bị “đổ xuống sông xuống biển”.

Bên cạnh đó, nước Nga của Tổng thống Putin cũng đối mặt với nguy cơ bị phương Tây áp đặt các lệnh cấm vận về kinh tế để “trả đũa” việc Nga can thiệp vào Ukraine.

TÙNG LÂM (Lược dịch)

http://infonet.vn/ong-putin-dang-thua-o-ukraine-post121336.info

EU không “đủ gan” trừng phạt Nga

Sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế khiến Liên minh Châu Âu (EU) không thể mạnh tay trong việc áp đặt lệnh trừng phạt Nga về những gì mà họ cho là Matxcơva “vi phạm luật pháp quốc tế” khi giải quyết khủng hoảng ở Ukraine.

Tạp chí TIME đã có một bài phân tích về vấn đề Ukraine. Theo đó, TIME nhận định việc Nga ra sức bảo vệ khu tự trị Crimea đã đẩy EU vào một tình thế khó khăn. Các quan chức ở Brussels đang vật lộn để đối phó với Maxcơva – hàng xóm lớn nhất và là đối tác thương mại lớn thứ ba của mình.


EU khó lòng đem ra một lệnh trừng phạt lên Nga bởi mối quan hệ kinh tế gắn kết giữa khối này với Matxcơva.

Các nhà lãnh đạo châu Âu lên tiếng lo ngại về chiến lược Ukraine của Nga, nhưng khi nói đến việc giải quyết mối quan hệ này, EU đã không thể có tiếng nói thống nhất. Việc đưa ra các biện pháp trừng phạt đối với Nga gây nhiều tranh cãi trong nội bộ EU, đặc biệt là khi Đức – quốc gia đứng đầu khối đã cảnh giác về các biện pháp này.

Phát biểu trước một cuộc họp khẩn cấp của các bộ trưởng ngoại giao vào ngày 3/3, Ngoại trưởng Đức Frank Walter Steinmeier cảnh báo châu Âu không nên phản ứng với hành động khiêu khích của Maxcơva bằng một hành động khiêu khích.

"Ngoại giao không phải là một dấu hiệu của sự yếu đuối. Nhất là nó cần thiết hơn bao giờ hết để ngăn chặn chúng ta bị cuốn hút vào vực thẳm của một sự leo thang quân sự", Ngoại trưởng Steinmeier cho biết.

Cho đến nay phản ứng công khai nhất của EU cho hành động của Nga ở Crimea đã được thông báo vào hôm thứ Hai, trong đó yêu cầu Nga "thu hồi ngay lập tức" lực lượng quân sự về căn cứ của họ. “Trong trường hợp Nga không dừng bước”, Hội đồng EU đề nghị sẽ thảo luận về khả năng đình chỉ các cuộc đàm phán song phương về các vấn đề thị thực và “các biện pháp nhắm mục tiêu xa hơn”.

Khối 28 thành viên đã xây dựng mối quan hệ chặt chẽ với Nga hơn hai thập kỷ qua. Nga là đối tác thương mại lớn thứ ba của EU, trong khi khối là đối tác thương mại lớn nhất của Nga. Đức, nền kinh tế hàng đầu của EU, là nước nhập khẩu khí đốt nhiều nhất của Nga và là đối tác thương mại lớn thứ ba của Nga.

Do sự phức tạp của các mối quan hệ châu Âu với Nga, phản ứng của khối với cuộc khủng hoảng Ukraine đã nhanh chóng tỏ ra thận trọng nhiều hơn so với sự đối đầu của Tổng thống Mỹ Barack Obama và Ngoại trưởng John Kerry đối với Matxcơva. "Người Mỹ ở xa", một nhà ngoại gia hàng đầu của Đức giấu tên đã phát biểu trên tờ Reuters, "Họ ít mất mát hơn nếu leo thang trong cuộc khủng hoảng này”.


Lính vũ trang hiện đang có mặt ở Crimea để bảo vệ kiều dân Nga tại khu vực này.

Vương quốc Anh cũng tỏ ra thận trọng khi xem xét lợi ích riêng của mình với Nga, mặc dù Ngoại trưởng William Hague cảnh báo của Nga "sẽ nhận hậu quả" cho hành động của mình ở Ukraine. Chính phủ nước này đang phải đối mặt với những lời chỉ trích khi một báo cáo cho thấy Anh sẽ không đóng cửa tài chính với Nga.

Tình hình sẽ càng trở nên phức tạp khi EU thảo luận về tương lai của chính sách năng lượng vào cuối tháng này. Sẽ khó có một lựa chọn ngay lập tức đa dạng hóa nguồn năng lượng của châu Âu. Và EU nhiều khả năng sẽ tiếp tục phải phụ thuộc vào nguồn nhiên liệu hóa thạch giá rẻ của Nga.

Tuy nhiên, có một số quốc gia đã sẵn sàng đứng lên phản đối Nga bất chấp sự phụ thuộc vào năng lượng của nước này, ông Jana Kobzova, một chuyên gia Nga và Đông Âu tại cố vấn Hội đồng châu Âu về quan hệ đối ngoại cho biết, trong đó có Ba Lan, Slovakia và các nước ở vịnh Baltic. Biện pháp trừng phạt nhắm mục tiêu vào việc đóng băng tài sản của những người thân Putin cũng là một phương án mạnh mẽ mà EU có thể sử dụng để ngăn chặn Nga, ông Kobzova nói.

Nếu cuộc khủng hoảng vẫn tiếp tục leo thang, các bên đều có thể vướng vào bế tắc. Trong khi các thành viên EU có mối quan hệ kinh tế quan trọng với Nga, Matxcơva cũng sẽ đánh cược với một trong những thị trường quan trọng nhất của mình. Ước tính có khoảng 75% cổ phiếu đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Nga từ là từ các quốc gia thành viên EU.

Nếu EU lựa chọn để tận dụng ảnh hưởng của mình, đó có thể là một canh bạc để tìm kiếm lợi của chính họ. Theo như Ngoại trưởng Hà Lan Frans Timmermans đề nghị hôm thứ Hai, "Hậu quả [của một sự leo thang] sẽ có hại cho tất cả mọi người, nhưng Nga sẽ nhận hậu quả còn tồi tệ hơn so với EU".

Time (đặc điểm phân biệt được viết hoa là TIME) là một tạp chí tin tức hàng tuần của Mỹ. Từ "TIME" từng được tạp chí này giải thích là biểu tượng cho dòng chữ "The International Magazine of Events" (tạm dịch: một tạp chí quốc tế cho những sự kiện). Một trong những sự kiện nổi bật hàng năm là cuộc bầu chọn Nhân vật của năm (Person of the Year, trước năm 1999 là Man of the Year) trong một ấn bản đặc biệt, là những nhân vật được xem là có ảnh hưởng nhất trong mảng tin tức của năm vừa qua.

PHAN SƯƠNG (lược dịch)
http://infonet.vn/eu-khong-du-gan-trung-phat-nga-post121316.info

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét