Thứ Ba, 18 tháng 3, 2014

Họp thường niên Ban chấp hành TW Hội VILACAED

 Hội phát triển hợp tác kinh tế Việt Nam - Lào - Campuchia
HỌP BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG HỘI THƯỜNG NIÊN NĂM 2014
Posted by vilacaed on 17.03.2014
Ngày 12-3-2014 , tại Trụ sở Cơ quan Trung ương Hội, BCH TƯ Hội đã họp về việc Tổng kết công tác năm 2013 và Phương hướng nhiệm vụ năm 2014 của Hội. Dự họp có Chủ tịch Phương Hữu Việt, Phó Chủ tịch thường trực Bùi Tường Lân, các Phó Chủ tịch và các UV BCH TƯ Hội.
Lãnh đạo Hội chụp ảnh kỷ niệm với Thủ tướng Campuchia Hun Sen
(Ảnh tư liệu của Hội)
Hội nghị đã nghe Dự thảo Báo cáo của Hội do PCT TT Bùi Tường Lân trình bày, nghe các ý kiến đóng góp bổ sung của các đại biểu. Tất cả các ý kiến phát biểu đều bày tỏ sự nhất trí cao với đánh giá trong Dự thảo, phân tích làm rõ hơn một số vấn đề, khẳng định kết quả đã thu được và đề xuất các giải pháp cho năm 2014. Hội nghị đã thành công tốt đẹp.

Dưới đây xin giới thiệu những nét chính của Báo cáo Số 375/ HKTVCL-VP đã được Hội nghị thông qua.
Phần 1

TỔNG KẾT CÔNG TÁC NĂM 2013
I. Đặc điểm, tình hình chung

Thuận lợi
Năm 2013 được lãnh đạo Bộ Kế hoạch Đầu tư quan tâm giúp đỡ ủng hộ, tạo điều kiện cho Hội hoạt động. Quan hệ hợp tác hữu nghị giữa Việt Nam với các nước trong khu vực mặc dù khó khăn hơn trước, nhưng nhìn chung vẫn được duy trì và phát triển, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp doanh nhân của các nước đầu tư, giao thương, trao đổi…

Khó khăn
- Khó khăn về kinh tế trên Thế giới và trong nước vẫn nặng nề, đặc biệt lĩnh vực bất động sản và ngân hàng vẫn ở đáy, đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động của các Doanh nghiệp, nhiều Doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn phá sản hoặc hoạt động cầm chừng, các Tập đoàn và Tổng công ty lớn đặc biệt là Doanh nghiệp nhà nước ngập trong nợ nần và đứng trước nguy cơ phá sản. Điều đó khiến cho họ ít quan tâm đến đầu tư phát triển, quảng bá thương hiệu và huy động vốn đầu tư vào Lào và Campuchia.

- Doanh nghiệp Hội viên nói riêng và Doanh nghiệp Việt Nam nói chung đầu tư, kinh doanh kém hiệu quả, dư nợ lớn, thị trường bị thu hẹp nhiều.

- Mất liên lạc với các Hội viên tập thể cũng như cá nhân do thay đổi chức vụ công tác, nghỉ hưu, chuyển địa chỉ liên lạc hoặc giải thể.

- Nhiều Doanh nghiệp Việt nam đầu tư vào Lào, Campuchia nhưng không qua kênh hỗ trợ của Hội mà theo những con đường không chính thống khác.

- Do tính chất của một Hội xã hội – nghề nghiệp, có tính quần chúng, nên không tránh khỏi khó khăn về nguồn tài chính, mọi khả năng thu tài chính trong điều kiện kinh tế suy thoái đều rất khó khăn, nguồn tài chính của Hội quá eo hẹp, chỉ đủ để duy trì bộ máy tối thiểu để hoạt động và cũng chính vì vậy trong quan hệ đối ngoại cũng gặp nhiều hạn chế.

- Cơ sở vật chất làm việc, tiếp khách của Hội quá cũ và thiếu thốn, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng công tác và hoạt động đối ngoại của Hội.

II. Kết quả một số hoạt động chính

1. Thực hiện phản biện, quảng bá chủ trương chính sách hợp tác đầu tư vào Lào, Campuchia và Myanmar
- Tổ chức sự kiện Tọa đàm Myanmar – thị trường mới nổi:

Ngày 22/4/2013, với sự tài trợ của Ngân hàng Việt Á, Hội đã phối hợp với Hội doanh nhân trẻ Việt Nam tổ chức tọa đàm “Myanmar-Thị trường mới nổi” tại Hà Nội. Chương trình tạo đàm đã thu hút rất đông các cơ quan, các đơn vị, doanh nghiệp, doanh nhân đến dự, trong đó có đại diện Bộ Kế hoạch & Đầu tư, Ngân hàng Việt Á, các đồng chí lãnh đạo Hội, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Myanmar, đại diện Hội Doanh nghiệp trẻ Việt Nam, một số doanh nghiệp đang đầu tư vào Myanmar, TGĐ Citicom cùng đông đảo các nhà nghiên cứu các chuyên gia và các cơ quan thông tấn báo chí truyền thông…

Tọa đàm Myanmar không những đã cung cấp nhiều thông tin bổ ích cho các doanh nghiệp, doanh nhân muốn đầu tư vào Myanmar mà nhiều ý kiến vướng mắc về thương mại đầu tư cũng được các đại trao đổi, góp ý kiến nghị cho các nhà quản lý hoạch định chính sách đầu tư vào Myanmar. Có thể nói Tọa đàm Myanmar đã được tổ chức thành công.

- Phối hợp với Hội Đầu tư nước ngoài tổ chức hội thảo “Ảnh hưởng của đầu tư ra nước ngoài tới môi trường sinh thái”:

Hội thảo được tổ chức vào tháng 5/2013 tại thị trấn Tam Đảo tỉnh Vĩnh Phúc. Hội thảo đã được nhiều đại biểu quan tâm tới dự. Những đóng góp của các đại biểu đều có ý nghĩa thiết thực cho việc hoạch định chính sách đầu tư ngoài ý nghĩa kinh tế còn phải bảo vệ môi trường sinh thái, đảm bảo môi trường đầu tư lành mạnh và hiệu quả.

- Tổ chức Diễn đàn Mê Kông thường niên 2013:

Hội đã chủ trì cùng Cục Đầu tư nước ngoài – Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Ngân hàng Việt Á, tổ chức Diễn đàn Mê Kông thường niên năm 2013 với chủ đề “ Diễn đàn du lịch tiểu vùng Mê Kông 2013”, tại Hà Nội vào ngày 19/12/2013.

Tại diễn đàn nhiều đại biểu đã trao đổi những kinh nghiệm thực tế, những khó khăn vướng mắc trong hợp tác đầu tư về du lịch trên đất bạn Campuchia và Lào. Sau 1 ngày làm việc khẩn trương Diễn đàn đã hoàn thành mục tiêu đề ra, được các đại biểu hoan nghênh. Hội nghị đã thành công tốt đẹp. Các chương trình truyền thông đã đưa tin về diễn đàn trong nhiều ngày.

- Thường xuyên cập nhật thông tin, các chủ trương chính sách mới để kịp thời tổng kết, cung cấp, báo cáo và tọa đàm, trao đổi trên các chương trình truyền hình, thông tin đến hội viên và khuyến cáo các giải pháp trong tình hình mới.

- Năm 2013 Hội đã tổng hợp xây dựng Báo cáo “Tình hình đầu tư của Việt Nam vào Lào và Campuchia” để cung cấp cho các hội viên.

2. Hỗ trợ hội viên đầu tư vào Lào và Campuchia:

2.1. Cũng như các năm trước, Hội đã tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp, doanh nhân muốn đầu tư kinh doanh sang Lào và Campuchia thông qua việc cung cấp các thông tin cập nhật về cơ chế chính sách đầu tư thương mại giữa các nước và giới thiệu các doanh nghiệp sang làm việc với Văn phòng đại diện của Hội tại Campuchia và Doanh nghiệp Việt Nam tại Lào.

2.2. Tổ chức hoạt động hợp tác phát triển đầu tư với Lào:

- Lãnh đạo Hội đã làm việc với UBND tỉnh Hủa Phăn (Lào) và đã có văn bản ghi nhớ giữa Hội và UBND tỉnh Hủa Phăn ngày 28/6/2013 về vấn đề Hợp tác phát triển tại Hủa Phăn.

- Tháng 9/2013 Hội tổ chức cho các đơn vị của Hội và một số doanh nghiệp làm việc với lãnh đạo tỉnh Hủa Phăn (Lào) tìm kiếm cơ hội đầu tư tại đây.

3. Thực hiện một số dự án:

- Năm 2013 Hội được Bộ KH&ĐT giao Dự án đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa (NVV) . Hội đã giao cho Viện Phát triển nông thôn và cộng đồng và Viện Đào tạo và Phát triển kinh tế tổ chức thực hiện.

Đây là một Dự án không lớn nhưng đã thể hiện sự quan tâm của Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính, tạo điều kiện thực hiện tốt mục tiêu hoạt động, nâng cao vai trò vị thế của Hội.

- Cũng trong năm 2013, Hội được Bộ KH&ĐT giao nhiệm vụ hỗ trợ bồi dưỡng, đào tạo cán bộ HTX, tổ hợp tác xã. Hội đã giao cho 3 đơn vị thực hiện: Viện Đào tạo và phát triển kinh tế , Viện Phát triển nông thôn và cộng đồng , và Trung tâm tư vấn hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp cộng đồng thực hiện.

- Chuẩn bị Đề án trình Chính phủ:

Từ năm 2012 Hội đã chuẩn bị 3 đề án kiến nghị Chính phủ giao cho Hội được tiến hành điều tra đánh giá về thực trạng đầu tư của các doanh nghiệp Việt Nam vào Lào, Campuchia và Myanmar.

Sang năm 2013, theo ý kiến của Phân ban hợp tác kinh tế Việt Nam-Lào và Campuchia, Hội đã trình lại 1 dự án riêng cho Lào, đã được Bộ KH&ĐT trình Thủ tướng Chính phủ. Đến tháng 9/2013 theo yêu cầu của Văn phòng Chính phủ , Hội đã có văn bản giải trình thêm.

4. Công tác thông tin, tuyên truyền, báo chí:

- Vận hành, đưa tin các hoạt động của Hội, các chủ trương của Nhà nước về hợp tác và đầu tư với Lào và Campuchia lên trang Web thường xuyên, kịp thời. Hiện nay trang Web đang được nâng cấp, bước đầu đã có kết quả khả quan, giao diện đã được thay đổi, sức hấp dẫn trang Web của Hội đã được nâng lên, nội dung phong phú hơn trước, hy vọng thông tin của Hội sẽ được tuyên truyền rộng rãi hơn đến với các doanh nghiệp, các nhà đầu tư, các hội viên muốn quan tâm.

- Xuất bản Tạp chí Hợp tác và Phát triển năm 2013 vẫn gặp khó khăn , phải gộp số . Việc duy trì xuất bản thường xuyên Tạp chí thời gian tới cũng vẫn rất khó khăn, nếu như tình hình tài chính không được cải thiện.

- Thời báo Mê Kông: Năm 2013, công tác tổ chức đã vào nề nếp hơn năm trước, mặc dù vậy tờ Thời báo Mê Kông vẫn còn khó khăn, đặc biệt khó về tài chính.

Việc in báo khá hơn năm trước cả về nội dung và hình thức, tuy nhiên vẫn phải gộp số. Với nỗ lực lớn của Tổng biên tập và anh chị em bien tập, đã xuất bản số báo Tết-2014 với nội dung phong phú, hình thức đẹp, được đọc giả đón nhận.

Đã hoàn thiện đề án xuất bản Mê Kông online để xuất bản vào năm 2014.

5. Công tác đối ngoại:

- Lãnh đạo Hội đã thăm ngoại giao Đại sứ quán Lào và Campuchia nhân ngày Quốc khánh nhằm tăng cường quan hệ hợp tác hữu nghị giữa Hội và 2 Đại Sứ quán cũng như nhân dân 2 nước bạn Lào và Campuchia.

- Gặp mặt và giao lưu với cán bộ của 3 Đại sứ quán Lào, Campuchia, Myanmar nhân dịp tết âm lịch (vào đầu năm 2013).

- Chúc mừng Thủ tướng Hun Sen được tái cử chức vụ Thủ tướng Vương quốc Campuchia.

Với trong nước:

- Duy trì liên kết với các Vụ, đơn vị thuộc Bộ Kế hoạch – Đầu tư để triển khai các chương trình được giao và chuẩn bị các chương trình mới.

- Duy trì mạng lưới liên kết với các cơ quan trong hệ thống Nhà nước để đảm bảo các hoạt động đúng đường lối của Đảng và Nhà nước đề ra.

- Báo cáo kịp thời đầy đủ các yêu cầu quản lý của Nhà nước về các hoạt động của Hội.

III. Công tác tổ chức xây dựng Hội

1. TW Hội:

- Do nhiều lý do nên đã không chuẩn bị được các điều kiện cho Đại hội nhiệm kỳ II như Nghị quyết Hội nghị BCH đầu năm 2013 đã dặt ra.

- Do kinh phí của Hội năm 2013 rất hạn hẹp nên hoạt động của Văn phòng Hội quá khó khăn. Hội đã phải cho 4 cán bộ Văn phòng nghỉ việc. Việc kiện toàn bộ máy Văn phòng Hội cũng chưa làm được.

2. Các đơn vị trực thuộc:

- Hội đã làm thủ tục giải thể Trung tâm “Dạy nghề hỗ trợ doanh nghiệp và hợp tác quốc tế”, do Giám đốc qua đời, Trung tâm xin dừng hoạt động.

- Đã điều chỉnh và kiện toàn lại về mặt tổ chức cho 3 Trung tâm trực thuộc Hội; Các trung tâm này đã đi vào hoạt động ổn định hơn.

3. Phát triển hội viên mới:

Năm 2013 Hội kết nạp được 2 hội viên tập thể và 3 hội viên cá nhân. So với các năm trước số hội viên mới được kết nạp khá khiêm tốn.

IV. Về hoạt động của các Trung tâm và Viện trực thuộc Hội


Nhìn chung trong năm qua, 10 Trung tâm và Viện trực thuộc Hội đã chủ động vượt qua mọi khó khăn trở ngại thực hiện đúng Điều lệ và đường lối chủ trương của Đảng và Nhà nước trên mọi hoạt động của mình và bước đầu mang lại hiệu quả nhất định. Trong các đơn vị trên có 2 Viện và 3 Trung tâm đã khẳng định được vị trí của mình. Tuy nhiên, tình trạng chung là rất khó khăn, khó kiếm việc làm, một số Trung tâm gọi là có hoạt động nhưng hiệu quả còn thấp, gần nửa các đơn vị không thực hiện được nghĩa vụ tài chính cho Hội.

V. Về hoạt động của các Hội địa phương
Hiện nay Hội có 2 Chi hội địa phương là Hội Nghệ An và Hội Hà Tĩnh và 2 Văn phòng đại diện tại Lào và Campuchia. Nhìn chung các đơn vị này đã có nhiều hoạt động trợ giúp các doanh nghiệp xúc tiến đầu tư, thương mại vào Lào và Campuchia và thường xuyên liên hệ, báo cáo xin chỉ đạo TW Hội; thực hiện nhiều chương trình do lãnh đạo các Tỉnh giao; có nhiều đóng góp cho sự phát triển chung của Hội. Đặc biệt, hoạt động năng động hiệu quả là Hội phát triển hợp tác kinh tế Việt Nam – Lào – Campuchia tỉnh Nghệ An và Hội Phát triển hợp tác kinh tế Campuchia-Việt Nam-Lào tại Campuchia; được dư luận đánh giá cao.

VI. Văn phòng đại diện khu vực phía Nam:

Văn phòng đại diện khu vực phía Nam được thành lập vào tháng 7/2011, là đầu mối liên lạc ở phía Nam. Năm 2013 mặc dù còn nhiều khó khăn, Văn phòng đã bám sát vào những chỉ đạo của TW Hội, tự thân vận động, đã thực hiện một số công việc cụ thể sau:

- Làm việc với Văn phòng đô trưởng thủ đô Viêng Chăn về các dự án kêu gọi đầu tư vào Viêng Chăn.

- Tư vấn cho Trung tâm xúc tiến thương mại TP. HCM tổ chức triển lãm đầu tư-thương mại-du lịch năm 2013 và chương trình khảo sát thị trường tỉnh Champasak – Lào.

- Phối hợp với Sở KH&ĐT TP. HCM tiếp đón và giới thiệu cơ hội đầu tư vào TP.HCM.

VII. Công tác thi đua khen thưởng

Để động viên phong trào hoat động của Hội, hàng năm lãnh đạo Hội vẫn có chủ trương xét thi đua khen thưởng cho các cá nhân đơn vị trên cơ sở tổng kết cuối năm và có đề nghị của các đơn vị. Năm nay, Ban thi đua khen thưởng của Hội đang xem xét cấp giấy khen cho ông Munny, Bí thư Sứ quán Lào tại Việt Nam; Cho một số cá nhân và tập thể thuộc Hội PTKT Việt Nam-Lào-Campuchia tỉnh Nghệ An và Hội PTKT Campuchia-Việt Nam-Lào.

VIII. Đánh giá chung


Nhìn chung năm 2013, Hội đứng trước nhiều khó khăn thách thức, là năm đặc biệt khó khăn về tài chính, tuy nhiên với sự cố gắng của lãnh đạo Hội và các thành viên, nhờ vào sự hỗ trợ tích cực của Bộ Kế hoạch và đầu tư, của Bộ Tài chính, của Ngân hàng Việt Á, nên Hội vẫn duy trì hoạt động thường xuyên, thực hiện được hầu hết các mục tiêu mà BCH đề ra năm 2013. Các Ban, Viện trực thuộc cũng chủ động vượt qua mọi khó khăn, mang lại lợi ích thiết thực cho Hội viên, đảm bảo mọi hoạt động của Hội đều theo đúng chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước trong việc hỗ trợ hội viên hợp tác đầu tư, thương mại sang Lào và Campuchia.

Tuy nhiên, Hội vẫn đang đứng trước nhiều khó khăn và thách thức: Chưa tiến hành được Đại hội lần II, chưa chủ động được nguồn kinh phí cho hoạt động của Hội; Công tác củng cố tổ chức, tuyển dụng cán bộ, tập hợp hội viên trong điều kiện hiện nay gặp nhiều khó khăn; Định hướng hoạt động khó thành hiện thực, chưa kiện toàn được bộ máy tổ chức của Văn phòng Hội, chưa trang bị lại được cơ sở vật chất cho Văn phòng Hội…Những điều này cần được xem xét trong thời gian tới.

Phần 2

PHƯƠNG HƯỚNG CÔNG TÁC NĂM 2014

1. Định hướng chung

- Thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, kinh tế trong quan hệ với các nước; Quan hệ chặt chẽ với các tổ chức tại Lào và Campuchia để thắt chặt liên kết hợp tác phục vụ chính trị và đầu tư kinh doanh; Mở rộng hoạt động sang các nước thuộc vùng Mekong và ASEAN.

- Khai thác các nguồn hỗ trợ theo Chính sách phát triển Kinh tế vùng Mekong và ASEAN.

- Tăng tính chuyên nghiệp của Hội đại diện cho quốc gia xứng tầm quốc tế và trong khu vực, củng cố nhân sự, hoạt động văn phòng đáp ứng các mục tiêu của Hội.

- Phát triển hội viên, đặc biệt là hội viên doanh nghiệp; Xây dựng mạng lưới Hội thành viên tại các tỉnh thành có Doanh nghiệp lớn, các Doanh nghiệp tiềm năng, các tỉnh thành giáp biên giới Lào, Campuchia.

- Tiến hành Đại Hội lần thứ II, xem xét điều chỉnh lại phạm vi hoạt động, chức năng nhiệm vụ của Hội.

- Tạo nguồn thu chính từ các dịch vụ Hỗ trợ cho các DN Việt Nam đầu tư ra các nước liên kết.

- Tăng năng lực cho các Viện, Trung tâm trực thuộc.

- Nâng cao chất lượng các ấn phẩm, báo, tạp chí, nâng Trang thông tin điện tử của Hội thành Cổng thông tin Hợp tác Phát triển Kinh tế của khu vực.

2. Định hướng công tác cụ thể


1. Về công tác chuyên môn:

- Tiếp tục làm thủ tục xin kinh phí và thực hiện Đề án điều tra nghiên cứu môi trường đâù tư vào Lào phục vụ cho việc hoạch định các chính sách đầu tư, thương mại, cũng như tư vấn, hỗ trợ cho các doanh nghiệp Việt Nam muốn đầu tư buôn bán với Lào.

- Thực hiện các dự án đào tạo do Bộ Kế hoạch và Đầu tư giao vốn: Năm 2014, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đồng ý ghi vốn cho Hội 2 Dự án: DA đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa (NVV) và DA đào tạo cho các Hợp tác xã.

- Tiếp tục xin kinh phí từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư để thực hiện Diễn đàn Mê Kông thương niên-2014, dự kiến chủ đề năm nay là Hội nhập ASEAN-2015, những cơ hội và thách thức đối với các doanh nghiệp khu vực tiểu vùng Mê Kông.

- Xúc tiến hình thành Chương trình thúc đẩy xây dựng nông nghiệp nông thôn tiểu vùng Mê Kông bền vững trong điều kiện biến đổi khí hậu và hội nhập.

- Tiếp tục động viên hội viên thực hiện đường lối hợp tác quốc tế, thực hiện phản biện xã hội chính sách hợp tác đầu tư vào Lào và Campuchia. Đặc biệt triển khai hợp tác phát triển các xã biên giới, trước mắt có thể hợp tác với các tỉnh Hủa Phăn, Xiêng Khoảng.

- Tổ chức các Hội nghị chuyên đề lấy ý kiến của các doanh nghiệp đã đầu tư, sắp đầu tư vào Lào và Campuchia để báo cáo cho các cơ quan hữu quan, liên quan đến sửa đổi luật doanh nghiệp và luật đầu tư

- Tiếp tục tìm mọi biện pháp hỗ trợ hội viên đầu tư vào Lào và Campuchia.

- Tổ chức các đoàn du lịch kết hợp khảo sát khả năng đầu tư vào Lào và Campuchia. Giúp Ban hưu trí cơ quan tổ chức các đoàn du lịch sang Lào và Campuchia nếu Ban hưu trí cơ quan yêu cầu.

2. Công tác thông tin, tuyên truyền, đối ngoại:


- Tiếp tục vận hành thường xuyên trang Web của Hội.

- Với báo Mê Kông tiếp tục duy trì và xuất bản trang báo Mê Kông điện tử.

- Tạp chí Hợp tác và Phát triển hoạt động theo hướng duy trì , chờ điều kiện phát triển mới.

3. Quản lý các đơn vị trực thuộc, địa phương và phát triển hội viên:

- Rà soát, nắm bắt, liên hệ với các hội viên trong tình mới và xác định một số hội viên nòng cốt, đổi mới công tác vận động, quản lý, phục vụ hội viên.

- Thường xuyên nắm tình hình hoạt động của cả các viện, trung tâm (10 đơn vị) và Văn phòng Đại diện khu vực phía Nam.

- Thường xuyên liên hệ và kết hợp, động viên các Hội địa phương đang hoạt động. Thúc đẩy phát triển các Hội địa phương, đặc biệt ở các tỉnh biên giới với Lào và Campuchia; xây dựng các chi hội theo nghành nghề nếu được.

- Phát triển hội viên khi đủ điều kiện, đặc biệt chú ý kết nạp các hội doanh nghiệp.

4. Công tác tổ chức:

- Tiến hành chuẩn bị và Đại Hội lần II vào Quý III/2014: Tiến hành thành lập các tiểu ban chuẩn bị cho Đại Hội (cả chuyên môn, cả kinh phí).

5. Công tác Văn phòng:

- Tiếp tục kiện toàn bộ máy của Văn phòng theo hướng gọn nhẹ, hiệu quả, đặc biệt cần tăng cường đội ngũ trẻ chuyên nghiệp vào các vị trí chủ chốt.

- Nâng cấp trang bị lại cơ sở vật chất (ở mức tối thiểu) cho Văn phòng.

Như vậy, trong năm tới, Hội sẽ : Kiện toàn tổ chức bộ máy; Tiến hành Đại Hội lần thứ II, đổi mới đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ lãnh đạo và hướng vào những hoạt động thực tế hơn; Xây dựng quan hệ chặt chẽ với một số hội viên có tâm huyết có tiềm lực kinh tế tài chính mạnh; Tiếp tục phát triển các Hội địa phương, các cộng tác viên; Đa dạng hóa hoạt động của Hội, đẩy mạnh hoạt động của các Hội địa phương thành lập, của các đơn vị trực thuộc… trên cơ sở đó cải thiện nguồn thu tài chính; Đồng thời tranh thủ sự giúp đỡ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các cơ quan của Đảng và Chính phủ nhiều hơn nữa; Liên kết chặt chẽ với NH Việt Á, các Hội khác. Chúng ta hy vọng Hội có thể phát triển vững chắc hơn trong năm 2014. /.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét