Kinh khiếp thác Cam Ly
Bài và ảnh: Nguyễn Ðạt/Người Việt
ÐÀ LẠT (NV) - Thác Cam Ly là một trong những danh lam thắng cảnh của thành phố du lịch Ðà Lạt. Ðáng kể hơn nữa, thác Cam Ly là thác nước duy nhất ở ngay trong nội ô thành phố, rất thuận tiện cho du khách tới thăm.
Thác Cam Ly ngày nay.
Thế nhưng, thác Cam Ly cũng mang tiếng từ lâu về sự ô nhiễm; là một trong những thắng cảnh Ðà Lạt bị ô nhiễm triền miên, và ngày càng trầm trọng. Chúng tôi đã từng nghe những người phụ trách khu du lịch thác Cam Ly thừa nhận tình trạng ô nhiễm trầm trọng, không thể nào giải quyết; một thời gian dài đã không còn bán vé vào cổng, xem như mở cửa tự do vào khu du lịch thác Cam Ly.Dòng suối từ đầu nguồn của thác Cam Ly chảy qua nhiều khu vực dân cư, hòa trộn cùng nước sinh hoạt của người dân, và rác rến các loại phế thải. Cứ như vậy, ngày này tháng nọ, đã tạo thành dòng suối đen ngòm đổ vào thác Cam Ly. Chúng tôi nhìn dòng thác Cam Ly, nước đổ xuống chảy xiết, trào qua những ghềnh đá khá nên thơ; cuối cùng nước dồn tụ trên mặt phẳng sâu phía dưới ghềnh thác, nổi bọt đục ngầu như nước xả quần áo dơ bẩn; mùi hôi thối bốc lên nồng nặc.
Chúng tôi nghe một nhóm du khách lần đầu tới Ðà Lạt nói chuyện với nhau, trước thắng cảnh thác Cam Ly: “Có lẽ người dân Ðà Lạt không ai buồn lai vãng thăm viếng chỗ này, họa chăng là những cặp trai gái tình nhân. Bởi những cặp trai gái tình nhân tới chốn hẹn vắng vẻ này, sẽ chẳng còn sợ ai nhòm ngó chuyện riêng tư của mình nữa!” Có người thắc mắc: Sao những người có trách nhiệm tại khu du lịch thác Cam Ly, lại bỏ mặc cho dòng thác ô nhiễm trầm trọng như thế này?
Thật ra, chúng tôi được biết, ban điều hành khu du lịch thác Cam Ly vẫn thi hành trách nhiệm; hàng ngày vẫn cắt cử đội ngũ nhân viên làm vệ sinh, vớt rác toàn bộ khu vực thác Cam Ly; thỉnh thoảng lại tổ chức nạo vét bùn đọng dưới lòng thác; và làm phao chắn rác bằng những ống nhựa. Ðồng thời, công ty cổ phần dịch vụ du lịch Ðà Lạt (tức đơn vị chủ quản khu du lịch thác Cam Ly) cũng không ngại đầu tư kinh phí để xử lý ô nhiễm tại thác Cam Ly; tuy nhiên đấy chỉ là những biện pháp đối phó tạm thời; đấy chỉ là chữa ngọn, chứ không phải là chữa gốc của con bệnh. Chỉ khi nào giải quyết được từ ngọn nguồn, vệ sinh môi trường môi sinh ở các khu vực dân cư được giữ gìn đảm bảo, thì mới vãn hồi được một dòng thác thiên nhiên vốn trong sạch.
Chúng tôi vào thăm lại danh thắng thác Cam Ly của Ðà Lạt lần này, phải mua vé, giá 10,000 đồng/người. Thì ra, ngành du lịch thành phố tranh thủ bán vé vào tham quan những thắng cảnh Ðà Lạt vào các dịp lễ, ắt hẳn có nhiều du khách các nơi tới thành phố ngàn thông ngàn hoa này, thăm danh thắng thác Cam Ly! Chúng tôi cũng đã thấy, biển đề khu du lịch thác Cam Ly, và phòng bán vé vào cổng, được sơn sửa đắp chữ nổi bật.
Biển đề khu du lịch sơn sửa đẹp đẽ nhưng
bên trong thác thì hoàn toàn ngược lại.
Liên quan tới vệ sinh môi trường của dòng thác Cam Ly, là hồ Xuân Hương, ở trung tâm thành phố Ðà Lạt. Nước hồ Xuân Hương cũng chảy về thác Cam Ly; nên mỗi khi hồ Xuân Hương có tình trạng tảo lam, gây hôi thối, thì xú uế của dòng nước thác Cam Ly lại càng thêm gay gắt.
Chúng tôi từng chứng kiến những thanh niên bơi lặn ở một góc hồ Xuân Hương, nhiều khi trồi lên, có chùm tảo lam phủ kín đầu! Hiện nay, nước hồ Xuân Hương cũng bị ô nhiễm khá nghiêm trọng; màu xanh của hồ Xuân Hương không phải là màu nước trong sạch, mà là màu xanh rất kỳ quặc, rờn rợn của tảo; và chính sự ô nhiễm sinh ra tảo lam ở hồ Xuân Hương.
Người ta thấy rằng, sau khi xây dựng lại cầu Ông Ðạo, đã khiến hệ thống thoát nước hiện nay không còn được như hệ thống thoát nước của cầu Ông Ðạo cũ. Nước chảy qua cầu hiện nay là nước dưới lòng hồ, nước trên mặt hồ không thể thông thoát; do vậy, tình trạng ô nhiễm của hồ Xuân Hương sẽ ngày một trầm trọng.
Cùng số phận với hồ Xuân Hương về ô nhiễm môi trường là hồ Than Thở. Từ lâu, chúng tôi từng nghe nhiều người nói đùa mà rất thật: “Hãy đến hồ Than Thở để tha hồ than thở!” Hồ Than Thở, cũng như Ðồi Thông Hai Mộ, là những cảnh quan vốn rất thơ mộng của thành phố Ðà Lạt; cả hai đều đã đi vào dòng thi ca nhạc họa trữ tình lãng mạn một thời, trước 30 tháng 4, 1975.
Cỏ dại mọc đầy ven bờ chỗ bồi chỗ lở của hồ Than Thở, rác rến trôi khắp mặt hồ. Trái đồi phía trên đang là vùng trồng rau củ quả; các chất phế thải nông nghiệp, hóa chất trừ sâu, bảo vệ thực vật các loại, ngày ngày ngấm vào mạch nước ngầm và dòng nước mưa, đổ vào lòng hồ Than Thở. Như vậy, hồ Than Thở cũng đã chiếm ngôi hạng hàng đầu về ô nhiễm; và còn đâu một cảnh quan nên thơ của Ðà Lạt thuở nào.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét