Thứ Ba, 31 tháng 12, 2013

Đừng nói rằng mình yêu Việt Nam lắm

Đừng nói rằng mình yêu Việt Nam lắm
Nói với mọi người rằng tôi yêu đất nước thì hay chứ! Ồ không, gượm đã. Có thể bạn chưa hề yêu như bạn tưởng đâu!
Không khó để ai đó có thể thốt lên câu nói: yêu Việt Nam mình lắm! Trong các đoạn clip tuyên truyền, trong những bài hát, hay trong phần kết bài của những thể loại nghị luận xã hội muôn đời vẫn thế. Có thể bắt gặp ở hầu hết mọi diễn đàn, các cuộc tranh cãi nảy lửa những câu như: tự hào là người Việt Nam, tôi yêu Việt Nam… 

Một mặt, những con người ấy tích cực bài xích, ném đá những vấn đề mà họ cho rằng đáng dập cho nó chết chứ dựng xây thêm làm gì phí công. Họ chê bai nước mình nghèo, nước mình lạc hậu, nước mình đầy rác, nước mình toàn những thứ trời ơi đất hỡi gì đâu không. 

Họ bảo, nước X thế này này, nước Y sao mà tuyệt, ước gì được qua nước Z sống cơ. Nhưng mặt khác, họ vẫn có thể sừng sổ nhảy dựng lên bất cứ lúc nào khi ai đó động vào dải đất hình chữ S này. Họ chê đất nước của họ thì được, nhưng thử ai mở miệng chê nước, chê người Việt Nam một tiếng mà xem.

Nhưng như vậy, có là yêu?

Bạn nói rằng mình yêu Việt Nam, nhưng cái mảnh đất ngay bên dưới này chẳng thể giữ nổi đôi chân bạn.


Bạn chê bai mảnh đất mình đang sống. Cằn cỗi, khói bụi và mệt nhoài. Quanh nơi bạn ở, nhìn đâu cũng thấy nhà cửa kém quy hoạch, những chiếc xe đầy khói, dây điện chằng chịt hay rớt bất tử vào mùa mưa. Đất thì chật, người thì đông, quang cảnh thì chả ra làm sao cả, chả hề có được một gram lãng mạn như trên các bộ phim truyền hình mà bạn vẫn hóng từng tập trên youtube. Còn những vùng quê nghèo thì ôi thôi…cứ phải gọi là nghèo quá, quê quá!


Bạn chẳng biết một tí ti gì về hình ảnh, về sự sống của những vùng đất khác dọc đất nước này. Ninh Chữ là đâu nhỉ, Quảng Ninh thuộc vùng nào, Bắc Cạn nằm đâu, Cao Lãnh ở chỗ nào? Những vùng quê của đồng bào mình, có chăng, năm này qua tháng nọ cũng vẫn chỉ là những tên riêng trong quyển Atlat địa lý mà học sinh miễn cưỡng phải thuộc. Có bao giờ bạn tự hỏi, 3 ngày ngồi xe từ Thành phố Hồ Chí Minh ra Hà Nội đi được bao xa, đã phải qua những mảnh đất nào, những cuộc đời nào?


Bạn có thể chưa đi hết Việt Nam vào năm 20 tuổi, nhưng hoàn toàn có khả năng là passport của bạn đã “lận lưng” vài con dấu của các quốc gia châu Á khác rồi. Nhìn đâu bạn cũng thấy nước người ta đẹp. Gìau, sạch, sang, và vì thế nó đẹp. Bạn bị choáng ngợp bởi những tòa nhà chọc trời, những trung tâm mua sắm bất tận. Đó mới là sự thành công, sự tiên tiến. Còn những vùng quê miền Trung, cánh đồng hoa Tây Bắc, vườn trái cây miền Tây hay biển cả chạy dọc đất nước này – tất cả đều là “lẽ tự nhiên sẵn có”, là “bình thường phải thế” hay sao, không đủ hấp dẫn bạn hay sao?


Bạn nói rằng mình yêu Việt Nam, nhưng cái tiếng bạn 
nói ra hằng ngày chẳng hề xuất phát từ yêu thương và tự hào.


Chỉ một thời gian ngắn “hậu du học” thôi, ngôn ngữ của bạn bỗng chốc trở thành một nồi lẩu thập cẩm. “Sorry, sometimes tôi really can’t understand cái quái gì đang diễn ra nữa. Time có power đến thế sao!” Thật ra cũng có cơ số lời thú nhận của dân Anh Ngữ rằng tiếng Anh có sức diễn tả ngắn gọn với từ vựng súc tích hơn nhiều so với tiếng Việt. Dùng riết rồi quen, quen rồi quên luôn cái cách diễn tả của tiếng mình. Và nhiều người chỉ cười – đã hiểu tiếng Việt đủ chưa mà nói tiếng Việt không hay, không giàu cũng chẳng đẹp? Ừ thì cái miệng là của bạn, muốn nói sao thì nói. Nhưng tiếng Việt là của đất nước mình, chẳng thể muốn dùng sao thì dùng. Người này có thể thấy bạn hiện đại, “Tây”, có phong cách (kì quặc hay không thì chưa biết). Nhưng người khác cũng có quyền phán xét bạn đua đòi, lai tạp, chả ra làm sao cả, hay đơn giản nhất là thách thức lỗ tai và trí não người nghe quá thể.


Chỉ một thời gian ngắn sau khi Internet bùng nổ thôi, ngôn ngữ của bạn bỗng chốc biến thể mà chẳng hề tiến hóa. “Hum nj trờj đẹp nhj, chúng ta vào 19day xem họ đang bàn những j.” Trình của tôi còn nhẹ lắm, dù sao cũng đã mãn teen lâu rồi, nên câu minh họa trên ai cũng còn có thể đọc hiểu được. Có thể lũ trẻ ấy bảo rằng không được kìm hãm sự sáng tạo, sáng tạo là khởi nguồn cho mọi bước tiến. Vâng, các em có thể tiến xa tới đâu, khi lời nói của các em mọi người chẳng còn hiểu nổi nữa? Các em sẽ tiến tới một vùng trời mà chỉ các em nói cho nhau nghe và tự hiểu hay sao? Tiếng Việt có dấu không xấu! Cơ mà tôi thấy câu ấy cũng chẳng chuẩn. Tiếng Việt có dấu, có xấu bao giờ đâu mà phải đi kêu gọi rằng nó không xấu.


Bạn nói rằng mình yêu Việt Nam, nhưng những con người cùng Tổ Quốc bằng xương bằng thịt tiếp xúc mỗi ngày, bạn đã bao giờ thật sự xem họ như đồng bào chưa?


Tôi chỉ thấy rằng, xung quanh mình, hai chữ “đồng bào” mỗi ngày một xa lạ. Người ta nhìn những người kém may mắn hơn mình, trên những con đường, bằng ánh mắt đầy kinh sợ và dè chừng. Người ta có thể may mắn chưa hứng bão miền Trung một lần nào trong đời, mà vẫn có thể thản nhiên thả một phát ngôn rằng, bão ơi, vào thẳng Thành phố Hồ Chí Minh cho biết mùi cái coi! Người ta cũng có thể một nhát lạnh lùng cướp đi mạng sống, cuộc đời của người khác chỉ vì một ánh nhìn thiếu – lễ – độ hay “bỗng dưng phát ghét, bỗng dưng muốn chém”. Nhiều người, vẫn vô tư đối xử tàn bạo với đồng loại của mình: nữ sinh lột đồ nhau, bảo mẫu đạp trẻ nhỏ, bạo lực khu phố…


Tôi chỉ thấy rằng: nghèo người ta ghét, giàu người ta khinh, còn giỏi thì người ta… phong thánh. Nhiều lúc tự hỏi, chuẩn mực để sống trong xã hội này là phải “bình thường” như ai? Không được quá xuất sắc, không được quá giàu, không được quá giỏi? Từng ngày, nực cười thay, những kẻ bất tài mãi hoài GATO (ghen ăn tức ở) với kẻ khác. Một cậu bé giỏi, bạn bĩu môi ôi tuổi thơ thật bất hạnh. Một người trẻ giỏi, bạn lồng lộn lên rằng không thèm chấp cái đám COCC (con ông cháu cha). Việt Nam mình có những nhân tài, có những bước tiến nhất định, bạn vẫn dậm chân ầm ầm chả biết khi nào mới ngóc đầu lên nổi với người ta.


Tôi chỉ thấy rằng, người ta chỉ sống với những mối liên hệ bó buộc trong phạm vi rất hẹp mà mình đang có. Mấy ai sống mà biết mặt và nói chuyện được hết với hàng xóm quanh mình. Mấy ai chào và đùa vui cùng những người hàng rong hay những người xa lạ ta gặp trên đường. Mấy ai hay về quê để biết cuộc sống của người ở quê. Mấy ai chịu mở lòng mình ra trước.


Chung quy lại vẫn là, đừng nói những lời yêu thương nếu thật tâm bạn vẫn chưa từng. Chẳng biết những người lính kéo pháo khi xưa, câu yêu nước nặng bao nhiêu trên đôi vai họ. Chứ còn ngày nay, người ta cứ thả những câu nói ấy nhẹ như bỗng, vào hư không. Đất này, nước này, con người này, tiếng nói này, một khi vẫn chưa là gì trong bạn, thì đừng nhắc đến những lời lẽ đao to búa lớn. Đừng nói rằng mình yêu Việt Nam, khi đôi mắt lẫn đôi chân đều thôi thúc đến những vùng trời khác. Đừng nói rằng mình yêu Việt Nam, khi lời nói hằng ngày vẫn còn trúc trắc nhiều ngôn từ xa lạ. Cũng đừng nói rằng mình yêu Việt Nam, khi bạn nhìn mọi người xung quanh chỉ là những thực thể sống không hơn không kém.


Có một câu chuyện nho nhỏ về một tấm lòng yêu nước to to. Người ta yêu mảnh đất ấy đến độ, lấy dao cạo sạch từng hạt đất khỏi đế giày của những vị khách nước ngoài khi họ rời đi. Thiết nghĩ, người ta cũng sẽ chẳng biết mình yêu đất nước đến đâu cho đến khi một ngày họ rời khỏi. Sẽ có một lúc nào đó, máy bay cất cánh thật cao khỏi vùng trời quen thuộc ta hít thở mỗi ngày. Khi cảnh vật, nhà cửa, mọi thứ khuất lấp sau tầng mây, lại thấy hẫng đi. Rồi đặt chân đến vùng trời xa lạ. Khi ấy, ta biết mình có câu trả lời, và khẽ thầm một câu nói trong tim.


1 nhận xét: