Thứ Ba, 31 tháng 12, 2013

Bộ GD-ĐT chạy đua đạt 20.000 bằng tiến sĩ

Bộ GD-ĐT chạy đua đạt 20.000 bằng tiến sĩ
Theo kế hoạch mà Bộ GD-ĐT công bố tại Hội nghị Kế hoạch ngân sách năm 2014, trong năm 2014, tỷ lệ đào tạo tiến sỹ sẽ tăng khoảng 7% và chỉ tiêu thạc sỹ tăng 5% so với chỉ tiêu năm 2013 để phục vụ cho mục tiêu mà Bộ GD-ĐT đưa ra là đào tạo 20.000 tiến sỹ năm 2020.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga phát biểu tại Hội nghị.
Theo báo cáo của Bộ GD-ĐT, trong năm 2013, chỉ tiêu tuyển sinh tất cả các hệ đào tạo đều giảm so với năm 2012, trừ chỉ tiêu đào tạo tiến sỹ tăng 9,3%.

Do vậy trong kế hoạch đào tạo năm 2014, Bộ GD-ĐT xác định sẽ tăng chỉ tiêu đào tạo thạc sỹ, tiến sỹ. "Việc tăng chỉ tiêu đào tạo tiến sỹ trong những năm gần đây là phù hợp với xu hướng tập trung đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên các trường ĐH, CĐ", ông Nguyễn Ngọc Vũ- Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính- Bộ GD-ĐT cho biết.

Về việc tăng chỉ tiêu đào tạo thạc sỹ, tiến sỹ mà Bộ đưa ra, lãnh đạo một số trường cho rằng tỷ lệ này chưa phù hợp.

"Đề xuất Bộ GD-ĐT tăng chỉ tiêu đào tạo thạc sỹ, tiến sỹ lên gấp hai lần so với con số 7% đào tạo tiến sỹ và 5% đào tạo thạc sỹ" là ý kiến của đại diện ĐH Nông lâm TP.HCM.

Nhiều tiến sĩ nhất ASEAN, nhưng lại ít chất xám

Trước đó, tại buổi đóng góp ý kiến cho luật khoa học công nghệ (KHCN) sửa đổi ngày 18/10/2012 tại Hà Nội, Phó tổng thư ký liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) Phạm Bích San chia sẻ: "“Tình hình khoa học, giáo dục nước nhà rất cấp bách”.

Đã không có một trường đại học Việt Nam nào được đứng trong bảng xếp hạng 500 trường đại học đứng đầu thế giới. Số lượng các bài báo công bố quốc tế của cả nước 90 triệu dân trong một năm chỉ bằng khoảng số lượng của một đại học Thái Lan. Vậy mà số giáo sư, tiến sĩ chúng ta nhiều nhất Đông Nam Á.

Đồng quan điểm này, PGS.TS Hồ Uy Liêm (nguyên phó chủ tịch VUSTA) cho hay ngay các công trình chuẩn khoa học của nước nhà cũng rất ít. Chúng ta chỉ ngồi nhà khen nhau, bệnh thành tích lan tràn.


Việt Nam sẽ đào tạo bổ sung ít nhất 20.000 tiến sĩ từ nay đến năm 2020. Tổng kinh phí thực hiện đề án dự kiến là 14.000 tỉ đồng.

TS San đề xuất: khoán gọn và trả tiền theo kết quả được đánh giá bởi các nghiệm thu nghiêm túc. Hiệu quả công việc phải đo bằng kết quả. Còn đánh giá công nghệ thì phải để cho đăng ký bằng phát minh và thị trường làm việc. Công nghệ mà không bán được thì công nghệ đó có để làm gì? Chẳng lẽ cứ để cho những người nông dân trình độ sơ khai cứ phải phát minh mãi?

Nguyễn Ngân (Tổng hợp)
(Đất Việt)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét