Chủ Nhật, 1 tháng 12, 2013

Bài học đắt giá cho nhà đầu tư

Bài học đắt giá cho nhà đầu tư 
LTS: Bài viết dưới đây do Trang Le, Realtor & Investor, thực hiện. Quý độc giả có thắc mắc liên quan đến các vấn đề địa ốc, có thể liên lạc trực tiếp với tác giả qua email:tustinpham@sbcglobal.nethoặc điện thoại: 714-280-5690
Ðầu tư là một quá trình gian nan, khó nhọc, đòi hỏi nhiều thì giờ, tâm huyết, kiến thức, đôi lúc cười ra nước mắt trước khi thấy được ánh sáng vinh quang. Xin được chia sẻ một số bài học đắt giá đáng cho chúng ta chiêm nghiệm.

1- Buộc làm con tin ở Trung Quốc: 

Năm 2006, vì công việc làm ăn, doanh nhân Pháp Didier Boissiere dọn nhà từ Paris qua Bắc Kinh và mua một penthouse cao cấp rộng 200 mét vuông, gần công viên Chaoyang với giá 7 triệu Nhân dân tệ. Ở được bảy năm, ông quyết định dọn qua Mông Cổ thì mới khám phá là mình không thể bán căn nhà vì không có chủ quyền. Lý do là khi mua, ông không biết căn nhà này xây bất hợp pháp và thuộc loại dự án chết. Theo luật của Trung Quốc, chủ dự án phải cấp chủ quyền cho người mua trong vòng một năm sau khi đóng hồ sơ, nhưng Boissiere không nhận được gì cả. Ðồng thuyền với Boissiere có 30 nhà đầu tư ngoại quốc khác đã mua dự án Victoria Gardens.

Họ đồng viết cáo trạng lên thị trưởng Bắc kinh nhưng được trả lời hãy chờ chủ dự án thu xếp. Boissiere yêu cầu chủ dự án mua lại căn hộ của ông với giá thị trường lúc đó tương đương gấp đôi giá mua, nhưng ông ta từ chối mọi đề nghị. Nhà cầm quyền Bắc Kinh cho biết chủ dự án đã xây tổng cộng 19 penthouses bất hợp pháp, được yêu cầu dở bỏ từ tháng 10 năm 2010, nếu không thi hành, đến tháng 2 năm 2011 sẽ do chính phủ địa phương thực hiện. Tuy nhiên cho đến nay, không có căn nào bị đập phá cả, lý do là vì chủ nhà không có mặt ở nhà.

Mọi kiện cáo đều không mang lại kết quả gì và Boissiere cảm thấy như mình bị làm con tin ở Trung Quốc.

2- Khai mất “sổ đỏ:” 

Trong chúng ta, một số người đã mua nhà đất ở Việt Nam cho gia đình ở hay để đầu tư, thường là nhờ họ hàng, gia đình đứng tên, và cầm chắc sổ đỏ mang về, tin rằng đây là cách tốt nhất để bảo vệ tài sản của mình. Tuy nhiên, luật của VN cho phép người đứng tên trên sổ đỏ, nếu làm mất sổ, có thể ra công chứng khai báo, sau đó đăng bố cáo trên báo 10 ngày. Nếu không có ai ra nhận là mình đang nắm giữ sổ đỏ chứ không hề bị mất, phòng công chứng sẽ cấp sổ đỏ mới cho người khai mất, và họ đương nhiên có quyền cầm, bán căn nhà mình.

3- Bồi thường sau khi đã bán nhà: 

Ông A sở hữu một chung cư 4 căn, cho bà B và con gái bốn tuổi thuê một căn. Ðầu Tháng Năm, ông bán chung cư và đến Tháng Chín thì ngưng hợp đồng bảo hiểm nhà. Tháng Mười, sau một trận mưa giông, cây bên nhà trốc góc đổ sập căn của bà B và giết chết bé gái.

Bà B đệ đơn kiện ông A vì trong thời gian ông sở hữu chung cư, ông đã lơ đễnh không trông nom cây cối cẩn thận. Ông A chuyển đơn kiện cho hãng bảo hiểm ông mua lúc trước, nhưng hãng từ chối giải quyết, viện cớ là sự việc xảy ra sau khi hợp đồng chấm dứt.

Theo bạn thì tòa sẽ giải quyết như thế nào? Tòa phán rằng mặc dù cái chết của bé gái xảy ra sau khi hợp đồng chấm dứt, nhưng sự lơ đễnh của ông A là trong lúc còn hợp đồng, do vậy hãng bảo hiểm có bổn phận phải đứng ra “defend” cho ông A, và nếu bị cáo chứng minh được là lỗi do ông A thì hãng bảo hiểm phải bồi thường.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét