Nhà vệ sinh 'dát vàng' Hà Nội sẽ thành di sản văn hóa
Gửi phản hồi về báo Đất Việt, nhiều độc giả đã bình chọn nhà vệ sinh "dát vàng" của Hà Nội sẽ trở thành di sản văn hóa thế giới vì những tiêu chí để lại dấu ấn về kiến trúc và tầm nhìn của một nhà vệ sinh hợp thời đại.
Nhà vệ sinh tiền tỷ của Hà Nội khóa cửa cả ngày
Đắt, độc, lạ...Không còn gây tai tiếng về giá cả tiền tỷ cho một căn nhà vệ sinh, dự án 14 nhà vệ sinh của Hà Nội chính thức được độc giả bình chọn là di sản văn hóa thế giới vì những dấu ấn riêng biệt của nó.
Trước hết nhìn từ góc độ quản lý, tầm nhìn, dấu ấn kiến trúc...
14 nhà vệ sinh với tổng chi phí 15 tỷ, không chỉ đơn giản nó là tiền từ ngân sách, mà về yêu cầu của thành phố đặt ra cũng luôn nhấn mạnh nhà vệ sinh phải có một thiết kế phù hợp với thẩm mỹ, xứng tầm với một thủ đô của cả nước.
Đó là còn chưa nói tới hệ thống chống nóng, khử mùi hôi, các thiết bị hiện đại đang được tính đến sẽ lắp đặt trong nhà vệ sinh này. Cái này phải nói là lãnh đạo thành phố rất thương dân, quan tâm tới dân từ cái nhỏ nhất tới cái lớn nhất, từ cái nhu cầu tối thiểu là sợ dân bị nóng thì "đi" không được. Cho tới cái lớn hơn là môi trường, sức khỏe.
Từ những tiêu chí này, độc giả Quang tin tưởng: "Nhà vệ sinh này, sau này sẽ trở thành di sản văn hoá thế giới".
Có thể thấy, bản lĩnh và ý chí quyết tâm làm nhà vệ sinh "dát vàng" của lãnh đạo thành phố Hà Nội là rất đáng nể.
Độc giả Dang Duyz cho rằng, sự quyết tâm này thể hiện tầm nhìn xa của lãnh đạo thành phố đồng thời kiến nghị, Hà Nội nên đầu tư thêm tiền để cho những cán bộ liên quan tới dự án sang các nước trên thế giới khảo sát để có được một mô hình nhà vệ sinh để lại dấu ấn cho thời đại.
"Những cán bộ nào có liên quan nhiệm vụ đến công trình cầu tiêu tiền tỷ Hà Nội, đề nghị cho đi khảo sát các nước G20, các nước đang phát triển khắp năm châu. Sau đó về họp bàn chọn hố xí nào văn minh hiện đại, mỹ quan nhất thế giới... để dấu ấn về kiến trúc và tầm nhìn hố xí cho con cháu đời sau thì xây dựng. Chúc ban XD cầu tiêu thành công tốt đẹp", độc giả này tha thiết.
Di sản thế giới còn vì nó được "dát vàng". Nói thì chẳng ai tin, nhưng có đại biểu Quốc hội đã tính rồi đấy, hơn 1,3 tỷ/ căn nhà vệ sinh có dát vàng cũng không đến thế.
Còn độc giả tên Nam thì chứng minh bằng con số: "Cái toilet này giá trị hơn nhà em. Sáng ngày 21/11 em ở Bình chánh TP.HCM được mời đi họp đền bù giả tỏa làm đường vành đai 3. Nhà em 5x20m=100m2, 1 trệt 1 lầu vậy là 200m2 xây dựng. Giá đất nhà nước áp 6.2tr/m2, giá xây dựng nhà 3.6tr/m2. Đền 1.2tỷ".
Độc giả này cho biết sẽ kiện thành phố HCM vì mức giá xây dựng tính còn không bằng 1/10 giá tính của thành phố Hà Nội cho một cái nhà vệ sinh bé tí. Vậy thì chả "dát vàng" thì là cái gì?
Chỉ với ngần ấy, độc giả Don tin tưởng cả thế giới sẽ bái phục tư duy nhà vệ sinh của Hà Nội.
"Hè, hè! Chỉ VN mới có! Cầu tiêu cũng phải đắt, phải độc! Cả thế giới phải nghiêng đầu bái phục tư duy các bác!", độc giả này nói.
Độc giả XD51 mong mỏi: "Lúc nào vào vệ sinh phải xin quản lý ký phát vào chỗ ấy lấy cái về quê khoe mới được".
Tham nhũng?
Không phải ngẫu nhiên Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan phải thốt lên "người ta ăn của dân không từ một thứ gì".
Nhiều năm nay, Chính phủ luôn kêu gọi tiết kiệm, chống lãng phí. Mới đây, Bộ Tài chính cũng phải lên tiếng ca thán bị hụt thu vì địa phương nợ ngân sách do kinh tế khó khăn.
40 tỉnh, thành phố chưa đạt yêu cầu tiến độ thu nộp ngân sách như dự toán, trong đó có Hà Nội.
Vẫn biết, nhà vệ sinh công cộng là nhu cầu thiết yếu không thể thiếu để phục vụ nhu cầu của người dân. Nhưng có lãng phí không khi một thành phố hiện đại bậc nhất như Singapore cũng không đầu tư nhiều tiền đến thế nhưng họ vẫn được ghi nhận là một đất nước đáng đến nhất.
Độc giả Viet Ha chia sẻ góc nhìn từ nước ngoài: "Cái thùng rác ở bến xe buýt của Singapore làm tôi luôn tự vấn, sao nó rất đỗi bình thường, giống hệt cái xô nhựa ở nhà tôi, trong có cái túi nilong đen, nhưng nó hầu như không có rác vì ai đó đã túc trực dọn ngay nó đi.
Ở HN thùng rác xanh đỏ thật hoành tráng, rồi vẽ voi vẽ vượn, mời nọ mời kia, nhưng bẩn tới kinh hoàng. Phòng khách sạn của họ rất nhỏ, tiện nghi bình thường, nhưng đố bạn tìm thấy vết ám trên tường hay dưới sàn, hay trên thiết bị vệ sinh...." Độc giả này kết luận: "Ý thức kém vì quản lý kém và ngược lại".
Từ ý thức kém, quản lý kém có phải là nguyên nhân dẫn đến lãng phí, tham nhũng hụt thu, nợ ngân sách?
Độc giả Phan Nguyên chỉ ra một thực tế: "WC 3 buồng bằng thép mới làm hơn 1 năm đã mốc meo, hoen rỉ. Quan chức nói không ai đi, cả ngày có một vài người, nếu "lãi" tui dám chắc các vị đã đề xuất Xã hội hóa và đầu tư độ 400 triệu là làm được "ngon" hơn cái WC hơn tỷ bạc này là cái chắc.
Nhìn vào bảng chi phí đã thấy vô lý. Công trình này cũng không thuộc diện "Bí mật Quốc gia" do đó tôi yêu cầu phải công khai thiết kế, chi tiết vật tư, Vật liệu. Các ông nói "chỉ có công ty đó báo giá thấp nhất!",
Xin lỗi chỉ có công ty đó mới được quyền báo giá và họ đi "thuê" tư cách pháp nhân của các công ty khác mấy triệu để báo giá "cao hơn nhiều" dĩ nhiên họ trúng. Trò trẻ con đó đến dân làm nhà cấp 4 cũng biết. Yêu cầu Công khai Dự toán chi tiết, tui dám chắc sẽ "đánh nhau" để đấu thầu với giá 1/2 là lãi khủng rồi".
Độc giả Hoanglinh phân tích: "Chi phí tư vấn đủ trả lương cho 10 kỹ sư trong 2 tháng, mỗi người 20tr/tháng. Còn lại 80 triệu tiền in ấn ra bản vẽ. Khảo sát 14 cái WC mà cần 10 kỹ sư lương 20tr làm ròng rã 2 tháng thì nhà vệ sinh chắc phải kinh lắm! ( Em phơi mặt cả ngày ngoài đường là lương có 7-8tr thôi)".
Từ những bất cập trên, độc giả Anh Van yêu cầu: "Cần phải điều tra gấp xem thẳng chủ đầu tư nào ăn hối lộ trong nhà vệ sinh này".
Thái An
(Đất Việt)
"Cần phải điều tra gấp xem Quan nhà xí nào ăn bẩn thế."
Trả lờiXóa