Chủ Nhật, 6 tháng 10, 2013

(2) Đặc sản nhà tôi

Đặc sản nhà tôi
Những lúc rảnh rỗi mình thường đứng bên cửa sổ hay ra lan can trước nhà ngắm cảnh máy bay bay ngang, trông chúng rất đẹp và vui vì màu sắc khá đa dạng, đôi khi khá sặc sỡ và hài hước, nhất là các máy bay tư nhân. 
Tối hôm kia nhà mình có buổi tiếp tân, mời hơn chục gia đình hàng xóm đến chia vui và làm quen nhân dịp mới chuyển đến đây ở. Tưởng rằng chỉ có mình thích ngắm máy bay, không ngờ có nhiều người cũng thích vậy. Đang nói chuyện, ăn uống vui vẻ, nhưng thấy máy bay bay ngang qua là họ lại đảo mắt nhớn nhác nhìn ra ngoài. Thậm chí có vài cô còn xin phép cho ra đứng luôn ngoài ban công để vừa ăn vừa ngắm máy bay. Chả là họ ở tầng thấp hoặc mặt tiền căn hộ của họ nằm trái hướng nên chẳng mấy khi được thấy máy bay rõ như ở căn hộ của mình. Hơn nữa, càng về khuya, càng có nhiều máy bay to bay ngang, trông chúng như những tòa nhà di động rất lớn và rực rỡ vì toàn thân sáng rực trong màn đêm (trước, sau, trên đỉnh, dưới bụng đều có đèn) và nhất là ánh điện sáng trưng phát ra từ các ô cửa sổ khoang hành khách.

Lại nhớ đến một cô bạn ở Genève qua việc đọc Blog này mà gọi điện làm quen rồi đến thăm mình. Ngồi ăn trưa và nói chuyện rất vui với nhau nhưng đầu óc cô bạn vẫn không quên những chiếc máy bay liên tục hạ cánh ngang qua nhà. Sau bữa trưa, cô nhất định đòi ra lan can tiếp tục nói chuyện để còn được nhìn máy bay.


Qua nói chuyện với hàng xóm mình mới biết trước đây máy bay hạ cánh bay sát ngay cạnh nhà chứ không phải cách 200-300 mét như hiện giờ. Có lẽ đó là đường hạ cánh được thiết lập từ xa xưa. Rồi các tòa nhà xuất hiện, ngày càng nhiều, và tòa nhà mình ở được xây ngay dưới đường máy bay hạ cánh. 

Đến ở, bị ảnh hưởng bởi tiếng ồn khi máy bay lên xuống, dân đâm đơn khiếu kiện lên thành phố, thành phố yêu cầu sân bay phải xử lý. Tự nhiên mang vạ, nhưng đành phải chấp nhận. Thế là công ty quản lý sân bay phải điều chỉnh tuyến bay lệch sang bên (phía dưới tuyến mới chủ yếu là cánh đồng hoặc các cơ sở sản xuất kinh doanh, ít nhà dân) và thay toàn bộ hệ thống cửa kính các nhà dân bằng loại kính cách âm, 2-4 lớp tùy từng khu vực...

Nghe thì đơn giản, nhưng mình nghĩ đây là cả một vấn đề lớn. Từ đây đến điểm máy bay hạ cánh tiếp đất chỉ không đầy 500 mét mà dịch chuyển đường hạ cánh sang bên tới 200-300 mét không phải là chuyện dễ dàng. Rồi chi phí thay kính cho hàng nghìn hộ dân cư sinh sống dọc đường máy bay lên, xuống cũng rất lớn. Thế mà chủ sân bay cũng phải chấp nhận. Đúng là chỉ có chủ tư bản mới chịu làm vậy.

Điều khôi hài là sau đợt thay kính, một số gia đình nhận được hóa đơn yêu cầu đóng tiền, coi như tham gia cùng sân bay lo vụ này, ở Việt Nam ta gọi là nhà nước và nhân dân cùng làm. Một số hộ đã thanh toán tiền. Một số hộ khác thì không; họ khiếu kiện lên thành phố và chủ sân bay. Thành phố và chủ sân bay gửi thư thông báo tất cả các hóa đơn trên là lừa đảo. Dân không phải đóng góp bất kỳ chi phí gì; nếu nhận được hóa đơn như vậy, đề nghị báo ngay cho thành phố và chủ sân bay để cơ quan công an vào cuộc.

Điều đáng nói thêm là dân ở đây rất hài lòng vì sau khi sân bay thực hiện các biện pháp trên, tiếng ồn do máy bay lên xuống giảm hẳn, thậm chí ở trong phòng đóng kín (thực tế hầu như bao giờ các phòng cũng đóng kín vì ngoài trời khá lạnh) thì hầu như không có cảm giác là bên ngoài đang có máy bay lên xuống.

Vài dòng về máy bay coi như thư giãn sáng chủ nhật. Ai quan tâm thêm chuyện máy bay, tại sao hôm nay chúng chọn nhà mình làm đường hạ cánh, mai lại làm đường cất cánh... thì đọc bài trước của mình ở đây: Đặc sản nhà tôi
Giờ là lúc ngắm vài cái máy bay bay ngang qua cửa sổ mới chụp được:
















































1 nhận xét:

  1. Nhiều máy bay thế. Chắc cũng mất thời gian rình chụp.

    Trả lờiXóa