Chủ Nhật, 5 tháng 5, 2013

Tự tử để... thoát nghèo

Tự tử để... thoát nghèo
Bế tắc trước cảnh nghèo, có người tự tử để giải thoát cho mình nhưng cũng có người chọn cái chết vì tương lai của con cái. Do có nhiều bệnh nhân hoặc người ngoài vào tự tử nên bệnh viện phải xây dựng hệ thống rào các ban công
Vợ chồng anh Trần Văn Trỗi - chị Nguyễn Thị Thu Hà ở Phú Yên
 tự tử, để lại con gái út bị nhũn não và bệnh tim bẩm sinh
Đã hơn 1 tuần trôi qua nhưng dư luận vẫn còn bàng hoàng trước cái chết của bà Nguyễn Thị Mỹ Nhân (48 tuổi, ngụ xã An Xuyên, TP Cà Mau - Cà Mau). Bà Nhân treo cổ tự tử chỉ vì muốn gia đình thoát nghèo.
Chết vì tương lai của con
Ghé thăm nhà, chúng tôi gặp chồng bà, ông Đinh Hoài Bảo, ngồi thẫn thờ trước di ảnh của vợ. Cưới nhau từ năm 1990, vợ chồng ông bảo nhau quyết tâm làm lụng để nuôi con ăn học thành tài. Nhưng do bà Nhân có bệnh cộng với chuyện học hành của 3 con nên gia đình ông Bảo ngày càng lún sâu vào túng bấn. Gần đây, đứa con đầu vào cao đẳng, bà Nhân thì sức khỏe suy sụp dần với nhiều chứng bệnh như liệt dây thần kinh số 7, suy thận, suy tim… đã làm kinh tế gia đình thêm bức bách. Bà chạy vạy khắp nơi, đến chính quyền địa phương xin được vào danh sách hộ nghèo thậm chí kêu bán nhà nhưng vẫn không xoay được tiền nên đã tìm đến cái chết.


Bà Phạm Thị Hồng Hà, hàng xóm của bà Nhân, kể: “Cách đây nửa tháng, Nhân đến nhà chơi, tôi mời ăn cơm. Đang ăn thì nó bật khóc. Tôi hỏi có chuyện gì, nó bảo là cùng đường rồi, chắc chết. Tôi khuyên nó hết lời, tưởng đã ổn…”.
Trong lá thư tuyệt mệnh, ngoài dặn dò chồng con, bà Nhân không quên viết: “Xin các cấp chính quyền thấu hiểu cho hoàn cảnh không lối thoát của chúng tôi hiện nay mà cấp sổ hộ nghèo cho chồng con tôi để sống những ngày tháng còn lại”. Được biết, trước đó, gia đình bà Nhân cũng đã đến chính quyền địa phương xin xét cấp sổ hộ nghèo nhưng không được vì thu nhập bình quân trên 410.000 đồng/nhân khẩu.
Chị Lê Thị Ngọc Nhãn, ở khóm 2, phường 1, TP Cà Mau - Cà Mau  và anh Nguyễn Thiết Giáp về với nhau khi còn tay trắng. Cuộc sống thiếu trước hụt sau nhưng mới 28 tuổi, Nhãn đã là mẹ của 6 đứa con. Thời gian dần trôi, trong ngôi nhà của đôi vợ chồng trẻ càng thiếu vắng tiếng cười, thay vào đó là sự cáu gắt, cãi vã xuất hiện thường xuyên mỗi khi hết gạo, hết tiền.
Ngày 26/4/2012, gạo hết, không tiền, chồng thì sau một trận cãi nhau đã giận bỏ về nhà mẹ ruột; buồn bã, chị Nhãn sang quán gần nhà gọi 1 ly cà phê. Không lâu sau, chủ quán phát hiện chị vật vã chết trên ghế đá. Con trai chị là Nguyễn Thiện Nhân, 5 tuổi, đi theo mẹ không biết ly cà phê có độc nên đã uống nhưng may mắn được cứu sống.
Bà Nguyễn Thu Vân, mẹ chị Nhãn, nhớ lại: “Trước khi chết, Nhãn đã từng nói muốn chết đi vì nghèo khổ quá. Tôi khuyên nó đừng nghĩ quẩn nhưng nó vẫn cố chấp, bảo rằng thà chết đi, các con được đưa vào cô nhi viện còn hơn chứ sống mà nhìn con bữa đói bữa no nó chịu không đặng!”.
Bà Nga, hàng xóm của chị Nhãn, kể: “Sáng hôm Nhãn tự tử, tôi có cho nó một bịch cá khô nhưng chắc vì mặc cảm nên nó không nói cho tôi biết nhà hết gạo”. Theo bà Vân, chị Nhãn là người sống nội tâm, khi có khổ cũng ít kể với người ngoài. Lúc viết thư tuyệt mệnh, chị cũng chỉ để lại đúng một dòng: “Chú Diện (trung tá Trần Văn Diện, Trưởng Công an phường 1, TP Cà Mau - PV)! Cháu chết rồi chú hãy giúp đưa các con của cháu vào cô nhi viện. Cháu đội ơn chú suốt đời!”.
Bà Đỗ Thị Thái Thủy sau 3 lần tự tử hụt Ảnh: HỒNG ÁNH
Ba lần tự tử hụt
Bây giờ, mỗi khi nghe đến 2 tiếng “tự tử”, ông Nguyễn Văn Long (SN 1965, ở thị trấn Chí Thạnh, huyện Tuy An - Phú Yên) lại giật mình. Bất giác, ông nghĩ đến vợ và dù đang đi đâu, làm gì cũng thu xếp chạy về thăm.
Chiều 6/1, ông đang nấu ăn thì nghe người hàng xóm gọi thất thanh “vợ mày nhảy sông tự tử rồi”. Ông chạy ra thì thấy mọi người đang cấp cứu bà Đỗ Thị Thái Thủy (SN 1978) - vợ ông.
“Lúc ấy, tôi thật chán nản. Tôi nghĩ vì mình ốm đau, không làm được gì, chỉ khổ cho chồng con. Nếu không có mình, anh Long nuôi 2 đứa con sẽ đỡ vất vả hơn. Nghĩ vậy nên tôi…” - bà Thủy bỏ lửng câu nói, cúi mặt khóc, đôi vai rung lên bần bật.
Theo ông Long, kể từ khi sinh người con thứ hai (năm 2006), bà Thủy bị tâm thần phân liệt, chạy chữa khắp nơi nhưng không thuyên giảm, nhà nghèo càng nghèo hơn. Đã 2 lần bà Thủy tự tử nhưng đều may mắn thoát chết. Lần thứ nhất, bà uống cả vốc thuốc ngủ nhưng ông Long phát hiện kịp thời. Lần thứ hai, bà dùng dây thắt cổ ngoài vườn nhưng sợi dây bị mục, đứt, bà rớt như trái mít.
Theo ông Long, ngoài tiền trợ cấp hằng tháng 270.000 đồng cho người khó khăn đột xuất theo chính sách Nhà nước, gần như gia đình  ông bà không nhận được sự  giúp đỡ nào của địa phương. Giờ đây, 4 miệng ăn trong nhà và tiền thuốc men cho bà Thủy đều dựa vào đồng lương chuyên viên phòng LĐ-TB-XH của ông cùng hơn 400 m2 ruộng. Trong khi đó, mỗi tháng, tiền chạy chữa cho bà Thủy đã hết 400.000 đồng. “Để vợ không nghĩ quẩn, tôi chỉ còn biết bảo các con cố gắng thường xuyên ở nhà chuyện trò để mẹ vui”.
Đề cập việc vận động người dân địa phương, các hội đoàn thể động viên, giúp đỡ bà Thủy, ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND thị trấn Chí Thạnh, nói: “Không nhất thiết phải làm chuyện ấy vì gia đình bà Thủy không thuộc diện hộ nghèo. Ở đây còn nhiều người nghèo hơn…”.
Hậu tự tử: Ám ảnh và nghèo thêm
Nhắc lại chuyện tự tử, người thân của ông Phan Thanh Dũng (SN 1937, ngụ xã Mỹ Lộc, huyện Phù Mỹ - Bình Định) ai cũng hối hận vì gia đình đã chưa thật sự khéo léo trong khuyên giải, cư xử nên đã đưa ông đến cái chết. Trước đó, ông Dũng bị tai biến mạch máu não nhưng chữa không khỏi nên tỏ ra buồn chán. Để không làm ảnh hưởng đến kinh tế gia đình, đỡ phiền đến con cái, ông bỏ nhà đi lang thang. Lo lắng, vợ con ngăn cản, không cho ông đi nữa. Buồn bực, ông treo cổ tự tử.
Đau đớn hơn là cảnh đầu bạc phải khóc đầu xanh của vợ chồng ông bà Trần Ngọc Quang (60 tuổi), Lương Thị Dưỡng (70 tuổi, cùng ngụ xã Hòa Thành, huyện Đông Hòa - Phú Yên). Hơn 1 năm trước, vợ chồng người con trai của ông Quang là anh Trần Văn Trỗi (SN 1972), chị Nguyễn Thị Thu Hà (SN 1979) cùng đứa con mới 5 tuổi ôm nhau trầm mình dưới sông.
Có việc làm tương đối ổn định nhưng do có đứa con gái út là Trần Thị Yến Châu (SN 2010) bị nhũn não và tim bẩm sinh nên vợ chồng anh Trỗi vay mượn tiền làm vốn buôn bán thêm để chạy chữa cho con. Không may, việc làm ăn thua lỗ, bị nợ cả tỉ đồng, anh quyết định chết cùng vợ con. Anh chị ra đi để lại cho cha mẹ già người con út bệnh tật. “Vợ chồng tôi đều bệnh hoạn, nghèo khó, đành gửi cháu đến mái ấm Anh Đào ở Khánh Hòa. Mình làm ông làm bà mà không nuôi được cháu, thật đau lòng” - ông Quang bùi ngùi.
Bế tắc nhất có lẽ là trường hợp 6 đứa con chị Lê Thị Ngọc Nhãn và anh Nguyễn Thiết Giáp ở Cà Mau. Hôm chúng tôi ghé thăm, trong nhà chỉ còn lại 3 đứa. Giữa trưa, căn nhà nóng hầm hập, bé Nguyễn Hồng Phúc (11 tuổi) nằm trên giường học bài vì không có bàn ghế. Hiện chỉ có Phúc còn đi học, bé Nhân đã đến tuổi vào lớp 1 nhưng vẫn chưa được đến trường. Đứa lớn tên Nguyễn Trung Kiên (15 tuổi) bảo từ sáng đến giờ các em vẫn chưa ăn gì, chờ bà ngoại mang cơm qua cúng mẹ rồi cùng ăn. Cha thì đi làm thuê rất ít khi ở nhà; Kiên ở nhà trông em; em trai 14 tuổi thì đi bán hàng rong, tối mịt mới về; đứa nhỏ nhất đang sống với ông bà nội.
Trung tá Trần Văn Diện, Trưởng Công an phường 1, TP Cà Mau, chạnh lòng: “Phường vận động các nhà hảo tâm hoặc những anh em trong phường thường xuyên tiếp tế gạo cho gia đình này nhưng chẳng thấm vào đâu”.
“Nhiều người tự tử vì muốn giải thoát cho mình và không trở thành gánh nặng cho gia đình. Họ đâu nghĩ rằng sự ra đi này đã để lại hậu quả nặng nề, gây đau khổ tột cùng cho người ở lại” - Nguyễn Đình Thanh, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Bình Định, chua chát nói.
Chủ yếu do chán sống
Theo bác sĩ Trương Thế Hiệp, Phó Khoa Cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM), hằng năm, bệnh viện cấp cứu hàng trăm ca tự tử với nhiều lý do, trong đó không ít nạn nhân cho biết vì quá nghèo khó nên muốn kết thúc cuộc sống càng sớm càng tốt.
Bác sĩ Trần Văn Bé Bảy, Trưởng Khoa Chấn thương Chỉnh hình, cho biết: “Khoa thường điều trị cho những nạn nhân tự tử nhưng được cứu sống và bị gãy tay, chân, cổ…”. Có trường hợp ông K. đưa con vào điều trị tại bệnh viện và bỗng dưng một ngày, ông leo qua ban công bệnh viện tự tử. Hậu quả, ông bị gãy đùi phải điều trị lâu dài. Sau đó, ông thừa nhận do nhà quá nghèo, con lại bệnh nặng, không thể trả viện phí nên đã nhắm mắt làm liều.
Do có nhiều bệnh nhân hoặc người ngoài vào tự tử nên bệnh viện phải xây dựng hệ thống rào các ban công. Đến nay, số lượng người nhảy lầu tự tử trong bệnh viện đã giảm hẳn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét