Thứ Tư, 15 tháng 5, 2013

"Con gà mái nhà em có mào đỏ chót"


Những câu văn khiến người lớn giật mình
"Ông nội em có hai cái râu vểnh lên", "con gà mái nhà em có mào đỏ chót", "mùa hè em thường ngồi hóng mát dưới gốc cây cà chua"... là những câu văn của trẻ khiến phụ huynh lo lắng.
Trẻ được dạy học thuộc lòng văn mẫu
Chị Minh ở Đống Đa (Hà Nội) bất ngờ khi con trai học tiểu học thủ thỉ: "Đọc lại 8 bài văn con làm từ đầu năm đến giờ thấy hoang mang quá mẹ ạ". Rồi cậu kể, cô giáo yêu cầu cả lớp viết tập làm văn theo gợi ý cô cho sẵn nên khi làm bài văn tả bác sĩ, cậu dùng câu kết luận "Em mơ ước sau này lớn lên em là bác sĩ". Khi làm văn tả người nghệ sĩ, cũng kết "Em mơ ước sau này làm nhạc sĩ", và khi tả bác công nhân, cậu lại viết: "Em ước mơ lớn lên em làm công nhân".
"Con tả thầy giáo, ca sĩ, rồi kỹ sư... cũng phải lặp lại câu ước mơ lớn lên em làm nghề như họ. Thế sau này con làm gì, mẹ nhỉ?", cậu bé đặt câu hỏi.
Chị Minh vội xem lại tập văn con làm. "Đọc văn của con mình phì cười, phần mở đầu và thân bài, con trai có nhiều sáng tạo. Riêng cái kết thì đúng là 8 bài như một. Cái sự máy móc vớ vẩn đó làm hỏng cả ước mơ của con mình, phải rút kinh nghiệm thôi", chị Minh nói và cho hay lâu nay nhìn bảng điểm, bài văn nào con trai cũng được 8, 9, thậm chí 10 nên chị vẫn yên tâm.
Còn chị Hoài (Cầu Giấy, Hà Nội) kể, sau một lần hướng dẫn con làm bài tập về nhà, hôm sau bé mếu máo trách "vì mẹ dạy mà bài tập làm văn của con chỉ được cô cho 5 điểm". Kể từ đó, bé tự học thuộc văn trong sách tham khảo hoặc dàn bài mà cô cho, không nhờ mẹ hướng dẫn nữa vì sợ "không đúng ý cô".
Có lần, bé ghép nhầm cấu trúc cô hướng dẫn, viết "con gà mái nhà em có cái mào đỏ chót" khiến cả nhà phì cười. Lúc tả con mèo, bé nghe lời cô học theo văn mẫu, viết rất hay. Nhưng khi đề bài yêu cầu tả ông nội, bé lại lấy cấu trúc của bài trước ra tham khảo và viết "ông em có hai cái râu vểnh lên".
"Tả cây cối thì bé phải tả đầy đủ bộ phận theo lời cô dặn. Thế mới có bài tả cây cà chua: 'Trong vườn nhà em có rất nhiều loại cây nhưng em thích nhất là cây cà chua. Gốc cây to, rễ cây mọc thành từng chùm, thân cây sum suê cành lá. Mùa hè em thường ngồi hóng mát dưới bóng cây", chị Hoài kể và cho biết phải mất rất nhiều thời gian để giải thích cho con hiểu, nhưng bé vẫn giữ lập trường "học theo văn mẫu và lời cô dặn".
Có những bé sau khi bị điểm kém do bố mẹ hướng dẫn tập làm văn đã nhất quyết học theo văn mẫu và nghe lời cô. Ảnh minh họa: Hoàng Thùy.
Bạn đọc Mỹ Tiên kể, mới đây chị về thăm nhà, kiểm tra vở của em trai đang học lớp 5. Khi xem đến vở tập làm văn thì chị giật mình. Như bài yêu cầu tả con vật nhà em nuôi, do nhà chị không nuôi con vật gì nên em trai đã viết mở bài: "Nhà em có một con chó của nhà dì Thúy".
Thân bài cậu bé mô tả: "Con chó có mắt đen như hạt nhãn, mũi to bằng mũi của em, còn mõm thì to như mõm cá sấu. Nó chỉ ăn thịt và xương. Khi có người lạ vào nhà nó sủa gâu gâu, nếu người ta chửi nó sẽ quay đít bỏ đi". Cuối cùng cậu kết luận: "Em xin hứa sẽ học thật giỏi để không phụ lòng ba mẹ đã thương con chó".
Mỹ Tiên cười đến chảy nước mắt vì trong tất cả bài văn của em đều có câu kết 'Em xin hứa sẽ học thật giỏi để không phụ lòng ba mẹ'. Ngay cả khi tả cây cổ thụ, cậu bé cũng viết: "Nhà em vừa mới có một cây cổ thụ, cây to bằng con lươn. Rồi kết lại cũng hứa sẽ học thật giỏi để không phụ lòng ba mẹ đã ngồi dưới gốc cây".
"Ở trường cô giáo dạy em mình học thuộc các bài văn mẫu của cô, cho nên khi em làm bài, lúc nhớ lúc không, đành lấy râu ông nọ cắm cằm bà kia. Mình cảm thấy nản cho cách dạy văn và học văn của thầy cô giáo và các em học sinh bây giờ", Mỹ Tiên nói.
Bên cạnh những "sản phẩm học thuộc", có những bé lại viết văn rất ngô nghê. 
Nguyên là giáo viên dạy văn cấp 3 nhưng chị Linh tự nhận không thể dạy được con làm văn. Chị cho biết, bé My con gái chị đang học lớp 4 tại một trường tiểu học ở quận Cầu Giấy, bé viết chữ xấu, ngại học văn và tư duy nặng về tính toán. Có những bài văn của con chị đọc xong chỉ biết bò lăn ra cười.
Với đề bài tả con mèo, bé viết: "Nhà em có con mèo lười, không biết bắt chuột, đi chơi về thì lem luốc, lại kén ăn nên cả nhà đều ghét. Bà em còn dọa làm thịt quách con mèo ấy đi". Bé kết luận rất thật thà: "Em rất ghét con mèo ấy".
Khi cô giáo yêu cầu viết về giấc mơ với ba điều ước, bé đã viết bài văn hai trang giấy và ước tới 20 lần. Điều đầu tiên cô bé đã ước "có thật nhiều điều ước". Bé viết: "Điều ước đầu tiên của em là những người cùng hoàn cảnh với em không khổ nữa. Điều ước thứ hai là tất cả những người xấu tính, độc ác không có mặt trên đời. Điều ước thứ ba là bà ngoại em sống lại và thọ đến 10 tuổi".
"Do điều ước thứ nhất của em là có thật nhiều điều ước nên điều ước thứ tư của em là những người nghèo trở nên giàu có. Điều ước thứ năm của em là trên thế giới này sẽ không có bệnh nào nữa. Điều ước thứ sáu của em là đất nước Việt Nam sẽ rộng thêm, đông người thêm".
Cuối bài, bé tiếp tục viết rất thật: "Điều ước thứ hai mươi mốt của em vừa định ước thì em đã bị gọi dậy. Em vừa thấy vui vừa thấy tiếc. Tối nay em phải mơ tiếp mới được. Chắc chắn là em phải mơ tiếp mới được".
Hoàng Thùy
Tất cả 20 điều ước của bé My có lẽ mới nằm trong điều ước đầu tiên của bé thôi đấy và bé vẫn còn 2 điều ước thú vị nữa ...
10đ cho bài văn 3 điều ước của bé My: thông minh, sáng tạo và rất nhân văn.
GV cần khuyến khích học sinh có những bài làm như thế này.    
Tôi sinh năm 1984, thích học văn và ghét sự khuôn mẫu, nhất là những bài văn mẫu nhưng từ hồi lớp 6 tôi đã bị cô giáo dạy văn bắt học theo kiểu ấy và không chấp nhận những bài văn của học trò. Tôi chống đối và kết quả là : sau buổi học ( tức tiết 5) tôi phải ở lại học thuộc và ghi ra giấy sau đó cô giáo kiểm tra lại có đúng của cô không mới được về. Tởn đến nỗi năm nay tôi 29 tuổi rồi nhưng vẫn thuộc làu làu mở bài của bài phân tích bài thơ : NHớ con sông quê hương của Tế Hanh. hic. Bảo sao bây giờ trẻ con nó như thế.
nhungtramanco    
Các trường dạy văn theo bài mẫu chết người đã từ hơn 20 năm nay. Bây giờ vẫn cứ tiếp diễn.
Riêng tôi thì thấy bài của bé tả con mèo lười là đúng thực tế cảm nhận của bé. Chúng ta cần mở cho bé viết như vậy, rồi từ từ hướng bé vào những nét đẹp tinh tế hơn khi bé lớn dần
trong 100 con người bị đào tạo máy móc, sẽ vẫn nổi bật lên những thiên tài thoát khỏi các ràng buộc đó, mừng vì những còn các bài viết chân thật và tâm hồn trong sáng
Bố mẹ quan tâm nhiều đến điểm số quá nên mới như vậy thôi. Còn các cô thì nặng bệnh thành tích, học sinh phải chịu khó không cần phải suy nghĩ nữa,mẫu có sẵn mà....
Đọc bài này tôi thấy đúng thực trang hiện nay , hôm nay con tôi đi thi môn tiếng việt , mấy hôm nay cháu ngồi học thuộc khoảng 8 bài văn . Tôi hay dậy cháu theo cách của tôi ( tôi học chuyên văn ) nhưng cháu không chịu cháu bảo phải theo ý cô không cô la . Khi ngồi dò bài cho cháu tôi phì cười vì có mấy câu rất lạ " con chó đầu giống như cái yên xe đạp ; cái ngăn bàn giống như mồm con cá xấu nuốt chửng chiếc cặp của em ...vv.) nghe thấy mà buồn !!!    
Thầy cô thường lúc nào cũng rập khuôn, học sinh làm cách khác thì cứ bảo là không đúng đáp án.
Mình tham khảo 5bài văn tả cây bóng mát (cây bàng) của 5em học ở 5trường khác nhau thì 5bài văn giống hệt nhau luôn. Các cô cũng đều copy từ 1bài văn mẫu ra và dậy các con. Vì vậy nếu các con có muốn sáng tạo theo cách hành văn của mình chắc cũng khó. Khổ thân cho các Bé tiểu học!    
Tôi cũng có con gái học lớp 2, thực sự tôi thấy hoang mang với chương trình dạy Tiếng Việt và tập làm văn của con. Ngày trước, chúng tôi được học từ ngữ, ngữ pháp rồi mới đến tập làm văn. Hiện giờ, cách cháu học tôi thấy các em chưa biết một câu văn phải có kết cấu như thế nào, chưa biết chủ ngữ , vị ngữ thế là gì nhưng đã có bài tập chia câu ( điền dấu chấm, phẩy vào đoạn văn) rồi bài tập làm văn tả người thân , vật nuôi, cây cối. Có nhiều từ cô giáo hướng dẫn viết vào bài mà con tôi còn không hiểu từ đó có ý nghĩa thế nào mà con tôi từ khi đi học đến giờ lúc nào cũng học sinh giỏi được cô khen. Như thế thì ngoài rập khuôn, chép thuộc lòng lời cô, các con không thể tự viết cho đúng và tự sáng tạo được. Văn học là tâm hồn con người, cứ học như này tôi e nguy mất.    
Ngày xưa tôi học văn, cô còn cho ghép các sách văn mẫu với nhau. Trong một bài văn mà đoạn thì tìm thấy ở sách này, đoạn thì tìm thấy ở sách khác. Cô giáo thì được phong là giáo viên dạy giỏi...
Con tả thầy giáo, ca sĩ, rồi kỹ sư... cũng phải lặp lại câu ước mơ lớn lên em làm nghề như họ. Thế sau này con làm gì, mẹ nhỉ?", cậu bé đặt câu hỏi.
thường thôi: bé hỏi mẹ làm nghề gì trong thầy giáo hoặc ca sĩ hay kỹ sư.
nhìn thế giới thấy người ta càng sáng tạo, tiến bộ, cởi mở, còn mình cứ theo đà giáo dục này chắc hết thuốc chữa.
jimithong
Phải đấy các bạn ạ ngày xửa ngày xưa các mẹ, các bố chúng ta đi học đều tự viết văn, nhưng bây giờ ngay từ lớp 3 các bé đã phải học văn mẫu. Cái từ văn mẫu nghe mới đau lòng làm sao. Học sinh viết chân thực theo ngôn ngữ của trẻ thơ thì bị cho là không hay, kể cả thi chọn học sinh giỏi huyện cũng phải học thuộc văn mẫu. Phải chăng điều này là do Giáo viên ...??????????? hay do chính bệnh thành tích trong ngành giáo dục...?    
Biết làm sao để sửa chữa chuyện này. Nếu ngày xưa bạn học giỏi môn Văn, cảm thụ tốt, sáng tạo thì bây giờ đâu được đi dạy những bài văn này đâu. Theo tôi, phải lấy điểm thi vào nghê Giáo viên dạy cấp 1 cao nhất... Lương giáo viên cấp 1 cao hơn,cấp 2, cấp 3 thì có thể sửa chữa được điều này    
Chuyện này ai mà không biết đâu, với thế hệ 1976 như chúng tôi đã quá nản với môn văn. Đến bây giờ nhìn con trai đang học lớp 6 làm văn mà cũng chỉ biết lắc đầu. Hồi học phổ thông tôi làm rất nhiều thơ, được đăng báo ...    
em trai tôi hồi học lớp 4 tả văn về con mèo: con mèo nhà em có 2 vú để cho 2 con mèo bú không phải tranh nhau, khi tả về bạn của em thì e tả là:"bạn Toản của em rất đẹp trai, bạn có khuôn mặt lưỡi cày nên em rất yêu quý bạn Toản".
Theo tôi để phát huy tính sáng tạo của con trẻ 1 cách hồn nhiên, thì tốt nhất không nên ra 1 đề văn quá cụ thể, ví dụ như: Tả cây trong vườn hay tả con chó, con mèo, mà nên ra đề với phạm vi rộng hơn, ví dụ: Hãy tả 1 cái cây mà em biết hay 1 con vật mà em yêu thích, tả người thân trong gia đình mà em yêu mến nhất... Hoặc khuyến khích con trẻ mơ ước, khát vọng bằng 1 đề văn: Em hãy kể về những điều mơ ước của mình. Và tốt nhất ở cấp tiểu học không nên cho điểm số, mà chỉ cần cô giáo đọc các bài văn, cho nhận xét thật cụ thể để động viên các cháu tự tin trong giao tiếp bằng ngôn ngữ viết.    
năm con tôi học lớp 3, khi học về nhóm vitamin trong thực phẩm, cháu ngồi khóc huhu, tôi hỏi thì cháu bảo không thể học thuộc bài, xem lại, thì ra cháu muốn học đúng theo thứ tự từng loại quả trong mỗi loại vitamin, đúng là không thể thuộc được. Tôi có dạy cháu chỉ cần học tên từng loại quả trong nhóm vitamin thôi không cần theo thứ tự như trong sách, cháu không chịu , sợ cô giáo la. Đúng là trong cách học của chúng ta có vấn đề    
Tôi sinh năm 76, và ở tỉnh lẻ, thời đó đến lớp 8 lớp 9 mới có những quyển văn mẫu đầu tiên, nhưng ai viết bài văn của mình mà sao chép nguyên câu trong bất kỳ quyển nào là cô biết ngay và thẳng tay cho điểm kém, với tội đạo văn. Và cô giải thích, đạo văn không tốt, rất đáng xấu hổ các em hãy cứ tự viết ra văn của các em, câu văn ko hay lủng củng thì cô sửa cho, . Nhìn lại các học và dạy văn bây giờ, thì 1 trời 1 vực !    
Kiểu dạy văn của các trường bây giờ là vậy ko thể trách được, khi tôi và các bạn đi học từ cấp 1 đến cấp 3 và thi tốt nghiệp luôn có môn Văn . Các bạn có bao giờ cảm nhận bài văn theo ý các bạn ko ? Hay các bạn và tôi luôn phải cam nhận theo ý thầy cô dạy .
Ví dụ : Khi cảm nhận 1 bài văn 1 bài thơ , nói thật nhiều khi đọc bài thơ đó tôi chẳng thích tí nào và cũng chẳng hiểu giá trị đó và ko biết tác giả đó viết cái gì mà các thầy cộ dạy văn thì phân tích luôn hay ,.....và hay . Và khi tôi đi thi tôi cũng viết theo là hay và hay luôn. Chứ có dám viết theo ý mình là dở ẹt đâu nếu không muốn ăn điểm 0 .

  Gia Anh    
Thầy cô bắt bé làm theo bài mẫu của cô để dễ cho điểm ý mà. Thầy cô bây giờ lười biếng quá.
Ôi ! "Văn thời hiện đại"
Ngày mai là con tui thi văn rồi...mấy bữa nay tui thấy cháu lấy các bài văn cũ học thuộc lòng hết, tui có hỏi học thuộc lòng để làm gì ??? và nhận đc câu trả lời thiệt là sốc: cô giáo bảo học mới chuyển cấp được....(hiện con tui đang học lớp 5)
con tôi học lớp 2, mấy ngày nghỉ lễ vừa rồi cô có cho 1 số đề văn về nhà làm trong đó có đề là tả 1 loại cây mà em thích. bé thích cây hoa hồng và đã tả rất hay. nghỉ lễ xong đi học lại thì tôi thấy bé về ê a bài văn mẫu của cô là tả cây bàng. tôi có hỏi là sao con không học bài cây hoa hồng đã làm mà học cây bàng thì bé bảo cô chỉ sửa đề cây bàng hoặc cây phượng còn các cây khác thì không và dặn về học thuộc bài cây bàng, bó tay!!!    

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét