Vì sao lãi suất liên ngân hàng tăng cao?
Lãi suất liên ngân hàng 40%/năm là có thật
Theo thông tin công bố từ ngân hàng Nhà nước (NHNN), lãi suất thị trường liên ngân hàng tuần từ 10 – 14.10.2011 tăng 3 – 3,5%/năm so với tuần trước. Phổ biến kỳ hạn qua đêm khoảng 16 – 16,5%/năm, kỳ hạn 1 tuần khoảng 17 – 17,5%. Tuy nhiên trên thực tế, các ngân hàng thương mại (NHTM) cho biết lãi suất vay kỳ hạn 1 – 2 tuần khoảng 18 – 19%/năm, vay 1 tháng lên tới 20 – 22% trong ngày 18.10.2011.
Cá biệt, có những giao dịch lãi suất lên tới mức 40%/năm cho kỳ hạn 1 tháng. Những giao dịch này được chào ra với các NHTM nhỏ căng thẳng về thanh khoản buộc phải vay bằng mọi giá.
Rủi ro hệ thống gia tăng
Trong bối cảnh lạm phát và mặt bằng lãi suất cao trong suốt từ đầu năm tới nay, nhiều doanh nghiệp đã rơi vào cảnh thua lỗ, hoạt động cầm chừng hoặc đóng cửa. Trên các thị trường vốn như chứng khoán và bất động sản, giao dịch ảm đạm và chưa thấy có dấu hiệu thoát khỏi xu hướng đi xuống. Hệ quả tất yếu của tình trạng này là nhiều nhà đầu tư mạo hiểm rơi vào cảnh vỡ nợ, lên tới hàng ngàn tỉ đồng, như được công bố liên tiếp trong thời gian qua.
Hệ thống ngân hàng cũng không tránh khỏi ảnh hưởng. Nợ xấu và nợ quá hạn trong hệ thống đang tăng cao. Các NHTM không thể thu về đầy đủ nguồn vốn đã cho vay ra trong khi luồng tiền gửi lại biến động thất thường. Nhiều NHTM bắt đầu gặp khó khăn về thanh khoản. Trong bối cảnh không thể cạnh tranh huy động vốn trên thị trường do NHNN áp trần lãi suất một cách quyết liệt, dòng vốn huy động đã chuyển dịch sang các NHTM lớn để giảm thiểu rủi ro cũng như sử dụng được các dịch vụ gia tăng mà chỉ có các ngân hàng lớn mới có thể cung cấp tốt được. Không những thế, hệ thống ngân hàng còn chịu áp lực dòng tiền chuyển sang các kênh đầu tư khác như vàng và USD khi lãi suất huy động giảm. Theo như các NHTM nhỏ cho biết, tính từ giữa tháng 9.2011 đến nay, vốn huy động từ dân cư không được nhiều như trước, có ngân hàng sụt giảm nguồn vốn đến 12%.
Khó khăn về thanh khoản của các NHTM trong thời điểm hiện nay còn do các khoản uỷ thác trước đây bị các ngân hàng bạn rút về. Trong tháng 8.2011, khi NHNN chính thức áp trần lãi suất 14%, tiền gửi huy động của các tổ chức tín dụng đột ngột tăng mạnh thêm 3,04% so với tháng trước trong khi tín dụng lại chỉ tăng nhẹ 0,59%. Điều này được giải thích là do các NHTM lớn thực hiện các hoạt động uỷ thác để giảm chi phí huy động vốn xuống. Với các khoản tiền gửi kỳ hạn từ 1 – 2 tháng thì đây là thời điểm các NHTM thu các khoản gửi uỷ thác về. Nếu lượng tiền gửi này đồng loạt bị rút lại đột ngột như thời điểm đầu tháng 10.2011 thì khó khăn thanh khoản với các NHTM nhỏ được uỷ thác là tất yếu.
Để có thể giải quyết được thanh khoản và duy trì các hệ số an toàn, các NHTM nhỏ phải tìm đến kênh thị trường liên ngân hàng. Tuy nhiên, đây lại không phải là chỗ dựa tốt của các ngân hàng trong thời điểm hiện tại. Thông thường, một ngân hàng thường chỉ giao dịch trên thị trường liên ngân hàng với một số các ngân hàng “thân quen” nhất định. Các bên đều xây dựng hạn mức tín dụng cho nhau dựa trên “tình hình sức khoẻ tài chính” của nhau. Tuy nhiên, với những rủi ro về thanh khoản đang có xu hướng ngày một gia tăng, cùng với lo ngại nhiều NHTM sẽ bị ảnh hưởng qua các vụ vỡ nợ ngàn tỉ như trên, nên để đảm bảo an toàn cho chính mình, các NHTM lớn đã hạ hạn mức cho vay với các NHTM nhỏ. Trong khi đó, nhu cầu vay của các NHTM nhỏ trên thị trường liên ngân hàng lại tăng cao, vượt quá các hạn mức mà các đối tác “thân quen” đặt ra, khiến họ buộc phải tìm đến các NHTM ít “thân quen”. Đây chính là những khoản giao dịch phải chịu lãi suất cao, có khi lên tới 40% như một số NHTM tiết lộ.
Các đồn đoán về việc các NHTM nhỏ sẽ bị sáp nhập khiến cho các NHTM dư thừa vốn cắt giảm hạn mức cho vay với các ngân hàng nhỏ. Chừng nào thông tin về sáp nhập còn chưa rõ ràng, thì chừng đó tình hình căng thẳng thanh khoản của hệ thống ngân hàng vẫn còn khó có thể cải thiện.
Một nguyên nhân khác khiến các NHTM lớn hạ hạn mức tín dụng với các NHTM nhỏ là các đồn đoán về khả năng một số NHTM sẽ bị sáp nhập. Đứng trước tình trạng có nhiều NHTM yếu kém thì xu hướng sáp nhập và mua lại là một xu hướng khó tránh khỏi đối với hệ thống ngân hàng Việt Nam. Điều này đã được thể hiện rõ qua chủ trương của NHNN cũng như tuyên bố của các vị lãnh đạo nhà nước trong thời gian gần đây.
Về dài hạn, việc sáp nhập các ngân hàng nhỏ với nhau hoặc với một số các ngân hàng lớn sẽ khiến thanh khoản của hệ thống được cải thiện tốt hơn. Các NHTM sẽ không còn phải cạnh tranh quá gay gắt trong việc huy động để đảm bảo thanh khoản. Tuy nhiên, trong thời điểm hiện tại, các đồn đoán về sáp nhập sẽ khiến cho các NHTM dư thừa vốn cắt giảm hạn mức cho vay với các ngân hàng bị đồn đoán là có khả năng phải sáp nhập vào ngân hàng khác. Chừng nào thông tin về sáp nhập còn chưa rõ ràng, thì chừng đó tình hình căng thẳng thanh khoản của hệ thống ngân hàng vẫn còn khó có thể cải thiện.
Điều hành đang “đá” nhau
Để hạ nhiệt lãi suất và giải quyết tình trạng căng thẳng về lãi suất trên thị trường liên ngân hàng, trong tuần qua NHNN đã tăng thêm lượng tiền cho vay ra qua thị trường mở. Tính từ ngày 17 – 21.10.2011, NHNN đã bơm ròng tới trên 18.000 tỉ đồng với kỳ hạn 14 ngày là chủ yếu. Tuy nhiên, việc làm này không giúp ích nhiều cho tình trạng thiếu vốn cục bộ của thị trường tiền tệ do các ngân hàng nhỏ không có nhiều trái phiếu để tham gia hoạt động này.
Việc NHNN bơm tiền qua thị trường mở để giải quyết vấn đề thanh khoản lại đang gặp mâu thuẫn với mục tiêu bình ổn tỷ giá. Để giữ tỷ giá không vượt quá 1% cho tới cuối năm như thống đốc NHNN cam kết, NHNN đã phải bán ngoại tệ ra thị trường khi tỷ giá liên ngân hàng và tỷ giá tự do tăng mạnh. Khoảng 150 triệu USD đã được NHNN bán ra trong tuần đầu tiên của tháng 10.2011, và nhiều khả năng, NHNN vẫn tiếp tục phải bán ngoại tệ trong các tuần tiếp theo của tháng. Tuy nhiên, trong khi tỷ giá USD/VND vẫn chưa giảm, vẫn ở mức 21.500 – 21.700, thì việc bán ngoại tệ ra lại đồng nghĩa với việc NHNN phải thu tiền đồng về. Lượng tiền bơm ra thị trường mở trở nên ít có tác dụng.
Vì vậy, tái cấp vốn trở thành công cụ đang được các NHTM nhỏ trông mong nhất hiện nay. Theo ông Hồ Hữu Hạnh, giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM cho biết thì một vài ngân hàng thương mại nhỏ phải vay với lãi suất cao đã được NHNN hỗ trợ. Có thể dó là lý do lãi suất liên ngân hàng đã dịu bớt trong ngày giao dịch cuối tuần. Tuy nhiên, tái cấp vốn không phải là kênh mà các NHTM nhỏ ưa thích. Một phần do thủ tục hành chính khiến cho nhu cầu chậm được đáp ứng, phần khác do lãi suất đã bị nâng lên ở mức 15%/năm, các NHTM vẫn mong muốn có thể huy động được từ các tổ chức kinh tế và khu vực dân cư để cải thiện thanh khoản. Nhưng thật khó để các NHTM nhỏ đạt được mục đích này khi trần lãi suất 14% đồng hạng cho mọi ngân hàng vẫn còn.
Nguyên Minh Cường, sài gòn tiếp thị
Lãi suất liên ngân hàng 40%/năm là có thật
Thiếu thanh khoản, một số ngân hàng nhỏ đã chạy đi “vay nóng” đã đẩy lãi suất liên ngân hàng lên tới mức 40%/năm cho kỳ hạn một tháng, theo như tờ Đầu Tư Chứng Khoán đưa tin ngày 19.10.
Ông Hồ Hữu Hạnh, giám đốc ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP. HCM, cho biết đến ngày hôm 20.10, ông nghe rằng có ngân hàng đi vay với lãi suất 30%/năm. “Đó là một số ngân hàng nhỏ đang tạm thời thiếu thanh khoản. Họ đã được ngân hàng Nhà nước hỗ trợ”, ông cho hay.
Cũng trong ngày 20.10, theo báo cáo của vụ Chính sách tiền tệ, từ ngày 10 – 14.10, lãi suất thị trường liên ngân hàng tăng 3 – 3,5%/năm và phổ biến ở mức kỳ hạn qua đêm khoảng 16 – 16,5%/năm, 1 tuần khoảng 17 – 17,5%/năm. Vụ này khẳng định, vốn khả dụng của tổ chức tín dụng đảm bảo khả năng thanh toán và các mức lãi suất huy động và cho vay ngoài thị trường đối với khách hàng ít biến động.
Giới ngân hàng cho biết đây là mức lãi suất cục bộ ở một vài ngân hàng nhỏ đang thiếu hụt thanh khoản, còn phần lớn các giao dịch vẫn ở mức 17% đối với kỳ hạn 6 tháng và khoảng 20,5% đối với kỳ hạn 12 tháng. Tuy nhiên, ông Trương Văn Phước, tổng giám đốc ngân hàng Eximbank (EIB) cho hay, qua các ngày gần đây thì các mức lãi suất này có xu hướng dịu đi. Một hai ngày nay lãi suất liên ngân hàng hạ, đến hôm qua kỳ hạn 1 tháng còn 18%/năm. “Có thể thời gian qua hiện tượng rút vốn khiến một số ngân hàng thiếu hụt thanh khoản tạm thời”, ông nói.
Mức lãi suất “khủng” 40% đã từng diễn ra vào tháng 2 – đầu tháng 3.2008, khi lãi suất liên ngân hàng vay qua đêm từng vọt lên mức 43%/năm khi tình trạng căng thẳng về tiền đồng đang ở mức rất cao. Tuy nhiên, hiện tại, ngay cả ở mức lãi suất kỷ lục này, những ngân hàng đang mắc phải thanh khoản thiếu hụt dù phải chấp nhận, nhưng cũng không vay được. Các ngân hàng thương mại nhà nước và các ngân hàng thương mại cổ phần lớn là người cho vay chính trên thị trường. Tuy nhiên, họ cũng đang rất thận trọng và không muốn rơi vào tình cảnh bị “quỵt nợ”. “Ngân hàng lớn muốn hô bao nhiêu ngân hàng nhỏ cũng phải chịu”, một quan chức nhà nước cho biết. Theo quan chức này, dù các ngân hàng nhỏ đã được ngân hàng Nhà nước hỗ trợ, nhưng cũng ở mức giới hạn.
Theo TS Lê Thẩm Dương, lãi suất tăng tất cả là nằm ở vấn đề cung cầu. Sự thanh khoản toàn hệ thống không có vấn đề, nhưng từng ngân hàng có vấn đề. Ngân hàng nhỏ bị lãi suất đồng thuận 14% chẹn đứng khi vay của dân. Họ cũng không còn cửa lách khi ngân hàng Nhà nước siết chặt kiểm tra. Đi vay tái cấp vốn thì lãi suất tái cấp vốn và lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng được nâng lên từ ngày 10.10, cũng là yếu tố đẩy lãi suất liên ngân hàng tăng cao. Không ít ngân hàng không đủ điều kiện để vay tái cấp vốn. Từ đó, một số ngân hàng rơi vào thanh khoản yếu chỉ còn cửa vay liên ngân hàng. Cung cầu vốn bị ép mạnh, lãi suất buộc phải tăng. Các cửa phải trông chờ vào ngân hàng Nhà nước.
Theo Hồng Sương
Sài Gòn Tiếp thị
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét