Thứ Năm, 27 tháng 10, 2011

TÌNH HÌNH NHÂN SỰ ĐẠI HỘI 18 ĐẢNG CỘNG SẢN TRUNG QUỐC

THÔNG TẤN XÃ VIỆT NAM

TÌNH HÌNH NHÂN SỰ ĐẠI HỘI 18
ĐẢNG CỘNG SẢN TRUNG QUỐC

TTXVN (Bắc Kinh 24/10)
Một số nguồn tin không chính thống đưa tin về tình hình nhân sự chuẩn bị cho Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) lần thứ 18 như sau:
1/ ĐCSTQ đã ra quyết định về nhân sự Đại hội 18
Mạng http:// www.vansky.com (Mạng của người Hoa ở Vancuvơ) từ ngày 13/10/2011 cho biết lãnh đạo cấp cao của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã đi đến thống nhất về việc sắp xếp nhân sự cho Đại hội lần thứ 18 tại Hội nghị Bắc Đới Hà trên cơ sở đã ra một nghị quyết, theo đó toàn bộ phương án sắp xếp nhân sự sẽ do “Thái tử” Tập Cận Bình làm tổng phụ trách, có thảo luận bàn bạc với Hồ Cẩm Đào và được Giang Trạch Dân với tư cách là cố vấn tối cao tư vấn toàn bộ về các ứng cử viên.

 
Ông Tập Cận Bình
 
Mùa Hè năm nay, sau Hội nghị Bộ chính trị ngày 23/7 cho đến 8/8, trong suốt 16 ngày liền, người ta không thấy các Uỷ viên thường vụ Bộ chính trị xuất hiện trên các báo chí chính thức của nhà nước. Giới phân tích cho rằng trong thời gian này các Uỷ viên thường vụ Bộ Chính trị đã tập trung nghỉ mát ở khu thắng cảnh Bắc Đới Hà, hoạch định cục diện của Đại hội 18 vào năm 2012. Thời gian gần đây mạng tin Đa chiều đã có được một số thông tin về “Hội nghị Bắc Đới Hà”.
Mạng tin Đa chiều dẫn lời nhân sĩ tiếp cận được với ban lãnh đạo cấp cao Đảng Cộng sản Trung Quốc cho biết “Hội nghị Bắc Đới Hà” năm nay bàn về Đại hội 18. Hội nghị đã quyết định “Thái tử” Tập Cận Bình chủ yếu sẽ chịu trách nhiệm điều chỉnh nhân sự của Đại hội, về thao tác cụ thể sẽ bàn bạc, thảo luận với Hồ Cẩm Đào để quyết định. Qua đó có thể thấy Tập Cận Bình kế tục vị trí Tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc là điều không còn phải nghi ngờ. Về sắp xếp nhân sự, với phong cách hành sự của Tập Cận Bình thì rất nhiều khả năng sẽ chú trọng hơn đến các quan chức có quan điểm thực tế.

Trong thời gian nói trên, có nhiều nguồn tin đồn về việc Cựu Chủ tịch nước Giang Trạch Dân vốn được coi là “đã mất” cũng đã tham dự hội nghị lần này, đồng thời được đề cử làm Cố vấn tối cao về sắp xếp nhân sự của Đại hội 18, tất cả các ứng viên đều được trưng cầu ý kiến của Giang. Trước đó có dư luận cho biết Giang Trạch Dân là “lão già tham chính”, đưa Hồ Cẩm Đào lên rồi lại tiếp tục đưa xuống khi hết nhiệm kỳ. Tuy nhiên có người am hiểu tập quán chính trị của Đảng Cộng sản Trung Quốc cho biết Đảng Cộng sản Trung Quốc hiện nay thực hiện chế độ lãnh đạo tập thể, con số lẻ về tổng số Uỷ viên thường vụ Bộ chính trị là một minh chứng, dù Giang Trạch Dân có tham gia chính sự cũng không có nhiều khả năng một người nói là xong. Vì thế việc Giang Trạch Dân xuất hiện nhiều lần trong quá trình ra quyết sách có khả năng là Đảng Cộng sản Trung Quốc muốn nghe một chút ý kiến của Giang trên cơ sở tôn trọng người già mà thôi.
Đảng Cộng sản Trung Quốc luôn có thông lệ vừa nghỉ mát vừa họp hội nghị  quan trọng ở Bắc Đới Hà vào mùa Hè. “Hội nghị Bắc Đới Hà” là hội nghị có tính chế độ rất cao, cũng không có cơ sở ràng buộc sâu sa về mặt luật pháp, nhưng là hội nghị quan trọng phải họp mỗi năm một lần từ thời Mao Trạch Đông, hơn nữa nói chung các hội nghị Băc Đới Hà trước đây rất nhiều lần thảo luận nguyên tắc sắp xếp nhân sự quan trọng của Đảng Cộng sản. Với ý nghĩa nào đó, có thể nói tầm quan trọng của “Hội nghị Bắc Đới Hà” đã vượt trên cả các kỳ họp “Lưỡng hội”. “Hội nghị Bắc Đới Hà” năm nay đã gần đến Đại hội 18 nên lại càng được xem là “mặt trận” đấu đá nhân sự.
Tin tức báo chí trước đây cho biết nhân vật gây xôn xao cho chức Uỷ viên thường vụ Bộ Chính trị Đại hội 18 Bạc Hy Lai là người thua lớn nhất tại “Hội nghị Băc Đới Hà” năm nay, không có ai đứng ra nói thay cho Bạc Hy Lai. Ban lãnh đạo cấp cao của Đảng Cộng sản Trung Quốc bỏ phiếu thử, Bạc Hy Lai lại càng tụt xuống vị trí cuối cùng. Nhưng cũng có báo cho biêt ông Giang Trạch Dân là người đỡ cho Bạc Hy Lai, sẽ là con át chủ bài để cho Bạc Hy Lai “vào thường vụ”.

 
Ông Bạc Hy Lai

Tuy nhiên, nhân sĩ tiếp cận với lãnh đạo cấp cao Đảng Cộng sản Trung Quốc cho Đa Chiều biết rằng Giang Trạch Dân không có quan hệ gì đặc biệt với Bạc Hy Lai, hơn nữa trên thực tế cũng không thích Bạc Hy Lai, lại càng không quan tâm gì đặc biệt đến tiền đồ chính trị của Bạc Hy Lai mà ngược lại còn cảm thấy Bạc Hy Lai cao ngạo, nên Giang không thể hậu thuẫn cho Bạc Hy Lai vào thường vụ Bộ chính trị.
Đối với Tập Cận Bình, nhân sĩ nói trên cho biết Giang Trạch Dân luôn ra sức ủng hộ nhưng cũng không phải là ủng hộ theo cách gọi là đấu tranh phe phái trong đảng, mà chỉ cảm thấy Tập Cận Bình thuộc phái chính tông, thiết thực, thêm vào đó Tập Cận Bình luôn tôn trọng thế hệ lão thành nên rất dễ được Giang ủng hộ.
2/ Những nhận định trong dư luận xã hội
* Mạng http://cbdh.blog.china.com đã dẫn bài viết của báo chí Hồng Công cho biết năm 2010 bố cục nhân sự Đại hội 18 đã bắt đầu, “thế hệ từ thời thành lập Nước cộng hoà sẽ đi vào cơ cấu quyền lực của Đảng Cộng sản Trung Quốc”. Bài viết nhận xét, đặc điểm điều chỉnh nhân sự lần này là các cán bộ lãnh đạo cấp cao ra đời thuộc thế hệ những năm 1940 thưa dần trên chính trường, thế hệ mới ra đời sau những năm 1950 đi vào tầng lớp quyết sách quyền lực một cách toàn diện. Đợt điều chỉnh nhân sự giai đoạn giữa Đại hội 17 và Đại hội 18 rõ ràng cho thấy bố cục nhân sự được tiến hành là để chuẩn bị cho Đại hội 18 sẽ diễn ra vào năm 2012.
Vào cuối năm ngoái sau khi điều chỉnh nhân sự, trong số các bí thư tỉnh uỷ hàng đầu ở Trung Quốc (không bao gồm Uỷ viên Bộ chính trị), có 12 người ra đời trong thập niên 40 thế kỷ trước, 11 người trong thập niên 1950, Bí thư khu uỷ Khu tự trị Nội Mông Hồ Xuân Hoa và Bí thư tỉnh uỷ tỉnh Cát Lâm Tôn Chính Tài cùng tuổi 46, là các Bí thư “sau năm 1960” xuất hiện lần đầu tiên. Trước Đại hội 18, trong số 12 Bí thư thế hệ “sau 1940” sẽ có 11 người ở độ tuổi 65 đến tuổi nghỉ hưu; “thế hệ Nước Cộng hoà” ra đời vào những năm 1950, 1960 trở thành những thành phần chủ lực nắm quyền trong đảng ở các địa phương.
Số liệu thống kê cho thấy các bí thư tỉnh uỷ đương nhiệm hiện nay bắt đầu đảm nhận chức vụ Tỉnh uỷ bình quân tuổi đời là 57 tuổi, từ lúc bắt đầu công tác cho đến khi giữ chức Bí thư tỉnh uỷ bình quân 35 năm. Trong 9 Uỷ viên thường vụ Bộ Chính trị là ban lãnh đạo hạt nhân ở Trung Quốc có 8 Uỷ viên đã từng đảm nhận và đang đảm nhận chưc Bí thư tỉnh uỷ. Trong số 5 Bí thư tỉnh uỷ mới đảm nhận chức vụ gần đây có 3 người thuộc thế hệ “những năm 1950”, hai người thuộc “những năm 1960”. sau Đại hội 18 nếu có điều kiện tiếp tục đảm nhận trọng trách ở địa phương thì con đường phát triển sẽ được dư luận bên ngoài đánh giá tốt. Đặc biệt hai Bí thư Hồ Xuân Hoa và Tôn Chính Tài ở thế hệ “những năm 1960” được cho là những nhân vật nổi trội trong số các cán bộ ở tuổi trung niên-thanh niên trong đảng, có hy vọng tiến vào ban lãnh đạo trung tâm trong tương lai.
Từ khi cải cach mở cửa đến nay, kỷ lục về Bí thư tỉnh uỷ trẻ nhất do Hồ Cẩm Đào lập được từ năm 1985, lúc đó Hồ Cẩm Đào là Bí thư tỉnh uỷ tỉnh Quý Châu khi mới 43 tuổi. Hiện nay cán bộ chức trưởng ở cấp tỉnh có Tỉnh trưởng tỉnh Hồ Nam Chu Cường, Bí thư thứ nhất Trung ương đoàn thanh niên Lục Hạo, Chủ tịch Khu tự trị Tân Cương Nur Bekri, những cán bộ này cũng được coi là những ngôi sao chính trị mới lên ở Trung Quốc giống như Hồ Xuân Hoa và Tôn Chính Tài.
* Mạng BBS.chinanews.com ngày 3/8/2011 có bài của tác giả có tên Chu Bồng Bồng (người họ Chu nhiệt huyết) cho rằng “luận bàn anh tài tuất kiệt cần xem công việc đang làm hiện nay”, nhận định về tình hình nhân sự Đại hội 18 tới đây của Đảng Cộng sản Trung Quốc như sau:
Hơn một năm nay, từ khi Uỷ viên Bộ Chính trị Bạc Hy Lai, người “nhảy dù” xuống Trùng Khánh làm Bí thư thành uỷ phát động phong trào đề cao đạo đức đẩy lùi tiêu cực, đã tạo ra cách tư duy mới ngày càng nổi rõ, trở thành tiêu điểm được cả nước, thậm chí cả thế giới quan tâm. Người viết bài này xem trên mạng có người muốn Bí thư Bạc Hy Lai đến tỉnh của người đó làm “bí thư” mấy ngày, cũng phát động đề cao đạo đức đẩy lùi tiêu cực như vậy. Gần đây Bộ Đường sắt mới có thể giải quyết tốt vấn đề của bộ này. Có người đề nghị Bạc Hy Lai tốt nhất đảm nhiệm chức Thủ tướng, có thể sáng suốt điều chỉnh công tác của các bộ. Lại càng có tin đồn rằng Bạc Hy Lai tốt nhất là làm Chủ tịch Chính hiệp… Nói tóm lại, mọi người trong nước nói chung nếu gửi hy vọng vào Bạc Hy Lai, vì Bạc Hy Lai từ Đại Liên đến Bộ Thương mại, rồi lại đến Trùng Khánh làm Bí thư thành uỷ của thành phố trực thuộc trung ương, nơi nào cũng thể hiện được thực lực của một cán bộ lãnh đạo, thực sự là một kỳ tài trong đảng của chúng ta.
Quan sát tình hình chính trị ở Trung Quốc một số năm gần đây, đồng thời quan sát nhiều đề cương đúng đắn của Tổng bí thư Hồ Cẩm Đào đưa ra từ Đại hội lần thứ 17 thì công cuộc cải cách năm thứ 30 ở Trung Quốc sẽ càng thể hiện rõ hơn thành tựu trên con đường xã hội mang đặc sắc Trung Quốc. Trên Mạng Nhân dân ngày 21/6/2011 tác giả bài viết này đã từng công bố chủ trương mở đợt “Thảo luận rộng rãi đánh giá công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội 18”.
Có thể nói cuộc “thảo luận rộng rãi” nói trên là rất khó thực hiện, vì Trung ương đảng có truyền thống nghiên cứu tập thể, thở luận tập thể theo chế độ tập trung dân chủ. Đối với Đại hội 18, trong không khí phát huy dân chủ trong đảng như hiện nay lẽ đương nhiên là đã làm đầy đủ các công việc chuẩn bị nên không cần đến người dân thường phải nhiều lời.
Tuy nhiên, từ khi Tổng bí thư Hồ Cẩm Đào đề xuất quan niệm “lập đảng vì công, cầm quyền vì dân”, đối với những bàn luận về cách “sử dụng quyền lực vì dân, tình cảm đặt ở nơi dân, lợi ích mưu cầu cho dân” thì quần chúng nhân dân, từ trong đảng ra đến ngoài đảng, tư tưởng tình cảm mọi người nhẹ nhõm, tình thần phấn chấn, thực tế mỗi người đều bày tỏ chính kiến lãi những nội dung viết hôm 21/6, nay xin trích lược lại một số nội dung chính để bổ sung như sau:
Đây dường như là một vấn đề nhạy cảm, nhưng trung ương không hề cấm nhân dân bàn luận việc này, hơn nữa trên thực tế, dù sĩ nông công thương, bộ đội, học sinh, cán bộ, trí thức hay công nhân, ở mọi giai tầng đều đang bàn luận rộng khắp ở mọi chỗ riêng tư. Bởi vì, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 18 của Đảng Cộng sản Trung Quốc họp vào tháng 10/2012 tới đây sẽ tổ chức lại bộ máy quyền lực tối cao – Uỷ ban thường vụ Bộ Chính trị Trung ương đảng. Ban lãnh đạo thế hệ thứ năm trong đó Tập Cận Bình là trung tâm sẽ ra nhậm chức.
Trong dịp kỷ niệm 90 năm thành lập đảng, nhân dân cả nước chào đón, quần chúng quan tâm đại sự quốc gia, chính là biểu hiện của xu hướng nhân dân ngày càng bắt kịp, theo sát nền dân chủ chính trị xã hội chủ nghĩa hơn. Kỳ thực, không chỉ các giai tầng ở Trung Quốc mà đến cả nguyên thủ, các chính trị gia, nhà doanh nghiệp, tài chính, nhà kinh tế, nhân viên tình báo… ở các nước ai cũng đều theo dõi, bàn tán thảo luận, đánh giá phân tích kết cục nhân sự Đại hội 18 sắp sửa diễn ra vào năm tới sẽ thế nào?
Lời nói thành thực của tác giả là dù có cấm kỵ hay không, tác giả đều đã thường xuyên nghe được tiếng nói từ các thành phần trong xã hội nói ra như một lẽ tự nhiên rằng Tập Cận Bình là người trung thực, đáng tin cậy… Vương Kỳ Sơn có tài, đến người Mỹ cũng đều khâm phục. Bạc Hy Lai là một nhân tài, có bản lĩnh về công tác quần chúng, có thể hô phong hoán vũ, điều hoà tập hợp, quy tụ ý đảng lòng dân. Uông Dương cũng được, tư tưởng đi trước, luôn có cách nghĩ độc đáo. Lại càng có nhiều người hơn hy vọng thực hiện tách bạch giữa đảng và chính quyền, trị nước theo luật… Nói tóm lại, phạm vi bàn luận rộng trước nay chưa từng thấy.
Cũng có thể nói dù vấn đề có cấm kỵ hay không thì bàn luận trong quần chúng nhân dân là không tránh khỏi, trên thực tế đặc biệt phải quan tâm theo dõi sát.
Việc bàn luận rộng rãi đã phản ánh tâm lý và cách nghĩ của quần chúng, truyền lên để trung ương nắm được. Các quan chức địa phương cùng nhau nắm bắt mức độ ủng hộ của nhân dân đến đâu xem còn có gì chưa được. Hơn nữa, các chuyên gia giới khoa học xã hội hoàn toàn có thể có kế hoạch làm một số cuộc điều tra điểm rộng hơn đối với các giai tầng theo các khu vực, thậm chí sau khi bầu cử đại biểu nhân dân ở cấp xã huyện, trung ương cũng có thể lắng nghe nguyện vọng của quần chúng cơ sở đối với người lãnh đạo.
Hiện nay ai cũng biết điều được quan tâm nhất là ý tưởng cầm quyền của Bạc Hy Lai và mô hình Trùng Khánh được hình thành, đối với cả nước Bạc Hy Lai đều có vai trò đi đầu, như chiếc chong chóng để định hướng.
Trong lịch sử Trung Quốc đã từng có những kiểu mẫu tách biệt giữa đảng và chính quyền như các đời chủ tịch nước Trung Quốc đã được ghi chép, đó là:
Lưu Thiếu Kỳ (từ 27/4/1959 – 30/10/1968)
Tống Khánh Linh, Đổng Tất Vũ (từ 31/10/0968 – 24/12/1972), Phó chủ tịch thay quyền Chủ tịch.
Đổng Tất Vũ (24/12/1972 – 17/1/1975), danh nghĩa thay Chủ tịch nước.
Tống Khánh Linh (Chủ tịch danh dự Nước CHND Trung Hoa từ ngày 16/5/1981).
Lý Tiên Niệm (18/6/1983 – 8/4/1988).
Dương Thượng Côn (8/4/1988 -27/3/1993).
Có thể nói không ít người như Bạc Hy Lai đều là nhân tài hạng một trong đảng, nhưng nếu phân theo Hiếp pháp và Điều lệ đảng thì Bạc Hy Lai có thể là ứng cử viên số một chức Chủ tịch nước./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét