Thứ Bảy, 22 tháng 10, 2011

Một bước tiến để làm phá sản tuyên truyền của Trung Quốc về đường lưỡi bò

Một bước tiến để làm phá sản tuyên truyền
của Trung Quốc về đường lưỡi bò

Tập san khoa học “Nature” khẳng định lập trường:
Ban biên tập sẽ dành quyền đặt vấn đề đối với đường lưởi bò,
không cho phép đem tuyên truyền chính trị vào báo cáo khoa học.
Nguyễn Đăng Hưng

 

Ngày 19/10/2011 tờ báo khoa học danh giá vào bật nhất thế giới “Nature” trong một bài xã luận chính thức đã khẳn định lập trường : Về các tranh chấp các quốc tế khác, lập trường của tập san Nature là các nhà khoa học nên dựa vào khoa học. Các tác giả nên cố gắng phi chính trị hóa những bài báo cànhnhiều càng tốt, bằng cách tránh những nhận xét mang tích kích động, những phát biểu gây hấn, và những bản đồ còn trong vòng tranh cãi. Trong trường hợp không loại bỏ được những điều đó (chẳng hạn như một nghiên cứu về tài nguyên quốc gia cần xem xét đến một hải đảo nào đó) thì bản đồ đó nên được ghi chú rằng “còn trong vòng tranh cãi” hoặc ghi rõ một ý nghĩa như vậy. Trong các bài báo trên tập san Nature, nếu tác giả không tự ý làm, ban biên tập dành cái quyền chèn vào những ghi chú như thế. Tránh tranh cãi, các nhà nghiên cứu có thể giữ cho khoa học khỏi bị lây nhiễm bởi chính trị, giữ cánh cửa hợp tác khoa học rộng mở, có lợi cho những nghiên cứu của họ”.
Sau đây là nguyên văn tiếng Anh
“With regard to this and other international disputes, Nature takes the position that scientists should stick to the science. Authors should try to depoliticize their articles as much as possible by avoiding inflammatory remarks, contentious statements and controversial map designations. If such things can’t be avoided, for example if a study of a country’s resources requires taking account of whether a certain island belongs to it, the map should be marked as ‘under dispute’ or something to that effect. In papers in Nature, editors reserve the right to insert such a label if authors fail to do so. By avoiding controversy, researchers who keep politics from contaminating their science will keep the doors of collaboration open, and their studies will benefit”.
Bài xã luận còn thẳng thừng chỉ trích chính quyền Trung Quốc như sau:

“Một xu hướng đáng ngại đang xuất hiện, đó là các nhà khoa học Trung Quốc lồng bản đồ đường lưỡi bò vào những bài báo khoa học của họ, với hàm ý nói rằng vùng biển bao bọc bởi 9 đường đứt đoạn là lãnh hải của Trung Quốc. Các nhà khoa học và công dân của các nước lân cận cảm thấy họ bị chọc tức bởi bản đồ đó. Có thể hiểu được sự tức giận của họ, bởi vì những bản đồ đó phần lớn chẳng có liên quan gì đến chủ đề bài báo mà các nhà khoa học Trung Quốc công bố. Việc lồng bản đồ đường lưỡi bò vào bài báo không phải là một phát biểu khoa học – đó là một phát biểu chính trị, và hình như các nhà khoa học Trung Quốc làm việc này theo chỉ thị của Chính phủ Trung Quốc. Đó là một yêu sách về chủ quyền lãnh thổ, và yêu sách này xuất hiện không đúng chỗ”.
Một tờ báo khoa học danh giá vào bậc nhất trên thế gới đã khẳng định quản điểm một cách đanh thép như vậy thì chúng ta có thể nói ra hôm nay là chiến dịch phản đối đường lưởi bò của trí thức chuyên gia trong và ngoài nước khởi độn từ đâu năm đã đem lại thắng lợi có tính quyết định. Ít ra trên bình diện khoa học, trên báo chí khoa học quốc tế âm mưu đen tối chiếm biển Đông Nam Á của Trung Quốc đang ở trên đường phá sản.
Trong một bài báo cùng ngày, biên tập viên David Cyranoski, đã nhắc đến việc đã nhận thư của “…Một nhóm gồm 57 nhà khoa học, kỹ sư và chuyên gia gốc Việt… phàn nàn về sự việc Nature in bản đồ đó. Lá thư than phiền rằng Chính phủ Trung Quốc đã dùng thủ đoạn cửa sau, và biện luận rằng Chính phủ Trung Quốc đã dùng các tập san khoa học như là phương tiện để hợp thức hóa bản đồ một chiều và thiếu khách quan”, nhắc đến các phản ứng của các chuyên gia trí thức Việt Nam từ Việt Nam, Canada, Phần Lan và nhiều nước khác… cho đồng chủ biên tập san Climatic Change với nội dung phản đối tương tự.
Bài báo cũng công khai cho quốc tế biết rõ ý kiến khách quan của các trí thức Việt Vam khi trực tiếp tiếp xúc với họ:
Họ vẽ một đường chung quanh biển Nam Trung Hoa và những hòn đảo trong vùng biển đó, mặc dù vùng biển này không có liên quan gì đến chủ đề của bài báo” (Phạm Quang Tuấn, một giáo sư hóa học thuộc Đại học New South Wales)
“Việc công bố bản đồ [đường lưỡi bò] thể hiện một sự lạm dụng khoa học” (Nguyễn Văn Tuấn, giáo sư y khoa của Viện Nghiên cứu Y khoa Garvan).
So với phản ứng của tạp chí Science gần đây, sau khi nhận thư phản đối của chuyên gia trí thức người Việt, chỉ ra “ghi chú” của ban biên tập với nội dung khá bàn quan:
“Độc giả có thể đã hiểu sai, Science không đứng về bên nào trong tranh chấp chủ quyền, tạp chí sẽ kiểm tra lại quy trình nhận bài liên quan bản đồ để tránh dính các vụ tranh chấp”,
tạp chí Nature, tiếng tăm và uy tín hơn nhiều, đã đứng hẳn về phía lẻ phải, tính trung thực và tinh thần tôn trọng luật pháp.
Phải nói đây là điểm son của tạp chí khoa học xuất bản tại Anh.
Phải nói đây là thành quả đáng khích lệ, niềm vui xứng đáng của người Việt Nam, của trí thức chuyên gia Việt Nam, đã chung vai sát cánh, đấu tranh không ngừng nghĩ vì tiền đồ của dân tộc.
Khi chúng ta có chính nghĩa, khi chúng ta nắm vững luật pháp quốc tế, tính khách quan vô tư của khoa học, chúng ta sẽ đi đến chiến thắng dù kẻ tham lam bá quyền có thế lực đến đâu chăng nữa.
Xin chúc mừng các nhân sỹ, các đồng nghiệp, các bằng hữu đã quen lâu rồi, hay mới bước vào trận tuyến, từ nhiều nơi trên quả địa cầu, đã góp sức cho thắng lợi ban đầu này.
Sài Gòn ngày 20/10/2011
Nguyễn Đăng Hưng

Phụ lục: Hai bài báo mới nhất trên NATURE

Những câu chữ tức giận trên biển Đông Nam Á

(Angry words over East Asian seas)

Tác giả: David Cyranoski
Người dịch: Nguyễn Văn Tuấn
Nature 20/10/2011
Xung đột trên biển. Tranh chấp biên giới. Đó không phải là những địa hạt thông thường của khoa học. Nhưng các nhà nghiên cứu và tập san khoa học đang bị giật kéo vào những tranh cãi nẩy lửa giữa Trung Quốc và các nước láng giềng. Những cuộc đối đầu liên quan đến những con tàu nghiên cứu đang làm tình hình căng thẳng hơn trong vùng, trong khi Chính phủ Trung Quốc bị tố cáo là đã sử dụng các ấn phẩm khoa học để đẩy mạnh những yêu sách đầy tham vọng của họ về lãnh thổ.
Tham vọng tăng cường khai thác biển của Trung Quốc không phải là điều bí mật. Kế hoạch ngũ niên lần thứ 12 (dự trù trong thời gian 2011 đến 2015) của Trung Quốc đã được thông qua vào tháng Ba năm nay. Kế hoạch này đề cập đến tầm quan trọng của kinh tế biển. Báo cáo Phát triển Biển của Trung Quốc ước lượng rằng kĩ nghệ biển, tính luôn cả khai thác dầu khí ngoài khơi, hải sản và kĩ nghệ đóng tàu, sẽ đem về cho Trung Quốc 830 tỉ USD vào năm 2020. Mới tháng trước, Zhang Jixian, người đứng đầu của Viện Điền thổ và Bản đồ của Trung Quốc, tuyên bố rằng Trung Quốc sẽ dốc nỗ lực để vẽ cái mà y gọi là “ba triệu kílômét vuông lãnh hải”, một khu vực rộng hơn những gì các nước láng giềng trước đây xem là lãnh thổ của Trung Quốc. Dự án bản đồ được sự hỗ trợ bởi vệ tinh đồ (sẽ được khởi động vào tháng 12) và tàu ngầm Jiaolong (dự kiến có khả năng lặn sâu 7,000 m dưới biển vào năm tới) [1]. Nếu tàu lặn này thành công như dự kiến, Trung Quốc sẽ tạo nên kỉ lục về độ sâu tàu ngầm có thể lặn, vượt qua một cường quốc biển hiện nay là Nhật.
Trung Quốc còn ngày càng tỏ ra quyết đoán trong vấn đề biên giới. Trung Quốc xem Đài Loan là một phần của lãnh thổ Trung Quốc, nhưng Đài Loan thì tự xem mình là độc lập với Trung Quốc. Nhật, Trung Quốc và Đài Loan tất cả đều xem quần đảo Điếu Ngư (không có người cư trú) là của họ. Những xung đột dữ dội nhất xảy ra ở Biển Đông (Trung Quốc gọi là Nam Hải), nơi mà Trung Quốc đòi chủ quyền trên các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa (là nơi cư trú của rùa, hải âu, và vài người lính Trung Quốc), một quần đảo với hơn 700 đảo nhỏ, cùng với vùng biển rộng lớn bao trùm chung quanh. Việt Nam, Malaysia, Đài Loan, Brunei và Philippines tất cả đều lí giải rằng đó là những đảo nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của họ, và vùng này được Liên hiệp quốc công nhận. Những tranh chấp này kéo dài trong nhiều thập niên, nhưng báo cáo về trữ lượng dầu hỏa ước tính từ 1.6 đến 21.3 tỉ thùng và nguồn khoáng sản đáng kể đang làm gia tăng sự tranh chấp.
Bởi vì thăm dò tài nguyên thường đi song song với nghiên cứu, các nhà khoa học cảm thấy mình là những người đứng hàng đầu trong những cuộc tranh chấp. Tháng Sáu vừa qua, Việt Nam tố cáo tàu cá Trung Quốc đã cắt dây cáp tàu của PetroVietnam đang thăm dò dầu khí. Ngày 26/9, Nhật ra lệnh một tàu khảo sát của Trung Quốc phải rời khỏi đặc vùng kinh tế chung quanh hòn đảo Điếu Ngư mà Nhật xem là lãnh thổ của họ.
Cuộc chiến còn lan tràn sang những trang giấy của các tập san khoa học. Các nhà phê bình cho rằng các nhà khoa học Trung Quốc cố ý gửi một thông điệp ra thế giới là việc Trung Quốc làm chủ vùng biển Đông Nam Á như là một việc đã rồi, bằng cách dùng các bản đồ phục vụ cho chủ trương bành trướng hải phận. Chẳng hạn như trong một bài tổng quan về tác động của thay đổi khí hậu đến nguồn nước và nông nghiệp (công bố trên Nature vào năm 2010 [2]) có in một bản đồ với một bản đồ biển kèm theo, hàm ý nói rằng phần lớn vùng biển Đông Nam Á là của Trung Quốc.
Tháng rồi, một nhóm gồm 57 nhà khoa học, kĩ sư và chuyên gia gốc Việt gửi một lá thư đến tập san Nature phàn nàn về sự việc Nature in bản đồ đó. Lá thư than phiền rằng Chính phủ Trung Quốc đã dùng “thủ đoạn cửa sau”, và biện luận rằng Chính phủ Trung Quốc đã dùng các tập san khoa học như là phương tiện để hợp thức hóa bản đồ một chiều và thiếu khách quan. Một bản đồ tương tự xuất hiện trong một bài tổng quan trên Science [3] cũng nhận được những phê bình như thế. Science hồi đáp bằng một Ghi chú của Chủ bút (Editor’s Note) [4], cho rằng tập san không có lập trường liên quan đến những tranh chấp về chủ quyền, nhưng tập san cũng đang kiểm tra lại qui trình công bố bản đồ để đảm bảo rằng trong tương lai Science không muốn hiểu lầm là ủng hộ hay không ủng hộ một quan điểm nào trong những tranh chấp liên quan đến pháp lí.
Trong khi đó, Michael Oppenheimer thuộc Đại học Princeton (đồng chủ biên tập san Climatic Change) đã nhận được cả đống điện thư kể từ tháng Sáu khi tập san này công bố một bài báo khoa học với đường lưỡi bò hơn 4 năm trước đây [5]. Tác giả các điện thư này là các nhà khoa học từ Việt Nam, Phần Lan, Canada, và nhiều nước khác. Họ yêu cầu tập san phải chỉnh sửa bản đồ. Tuy nhiên, Oppenheimer cho biết những tranh luận về lãnh thổ như thế này, thường mang tính chính trị cao độ, không phải là câu hỏi mà tập san của ông muốn đương đầu với.
Một số nhà khoa học Việt Nam khác mà Nature liên lạc phần lớn đều tức giận bởi những trường hợp mà họ xem là sử dụng bản đồ đường lưỡi bò một cách vô lí. Phạm Quang Tuấn, một giáo sư hóa học thuộc Đại học New South Wales, nói “Họ vẽ một đường chung quanh biển Nam Trung Hoa và những hòn đảo trong vùng biển đó, mặc dù vùng biển này không có liên quan gì đến chủ đề của bài báo“.
Không ai rõ lí do tại sao các nhà khoa học Trung Quốc lồng cái bản đồ còn trong vòng tranh cãi đó vào những bài báo khoa học của họ. Nhưng qua trao đổi email với tác giả, Oppenheimer quyết định rằng những bản đồ đó quả thật không có liên quan gì đến kết luận của bài báo, và đề nghị tác giả chính là Xuemei Shao của Viện Nghiên cứu Địa lí và Tài nguyên thiên nhiên ở Bắc Kinh chỉnh sửa. Shao từ chối, và giải thích trong một email rằng ông ta lồng bản đồ đó vào bài báo là do yêu cầu của Chính phủ Trung Quốc.
Jingyun Fang, một chuyên gia về biến đổi khí hậu thuộc Đại học Bắc Kinh, và cũng là đồng tác giả bài tổng quan trên Nature, cho biết ông ta lồng bản đồ đó vào bởi vì ông ta phải tuân theo luật pháp của Trung Quốc (tức phải in bản đồ đường lưỡi bò). Khi chúng tôi (Nature) liên lạc Fang, Shao và 4 tác giả của những bài báo khác có in bản đồ đường lưỡi bò, tất cả đều không trả lời.
Cuối cùng thì Science, Nature và Climatic Change quyết định không xóa bỏ những bản đồ mang tính xúc phạm đó. Nhưng Nguyễn Văn Tuấn, một giáo sư y khoa của Viện Nghiên cứu Y khoa Garvan ở Sydney, người đã gửi thư phàn nàn đến các tổng biên tập về bản đồ đường lưỡi bò, nói rằng việc xuất hiện của những bản đồ đó trên các tập san khoa học nên được xem là dữ liệu khoa học trước khi công bố. Ông nói: “việc công bố bản đồ [đường lưỡi bò] thể hiện một sự lạm dụng khoa học“.
Tham khảo:
[1] Nature 476, 10-11 (2011).
[2] Piao, S. et al. Nature 467, 43-51 (2010).
[3] Peng, X. Science 333, 581-587 (2011).
[4] Bradford, M. Science 333, 1824 (2011).
[5] Liang, E. et al. Climatic Change 79, 403-432 (2006).
*****

Vùng hoang (Uncharted territory)

Tác giả: David Cyranoski

Người dịch: Nguyễn Văn Tuấn
Nature 20/10/2011
Các bản đồ chính trị có mục đích mưu cầu lãnh thổ không có vị trí trong các bài báo khoa học. Các nhà nghiên cứu nên giữ mối liên hệ thân mật với nhau bằng cách phi chính trị hóa các công trình của họ.
Muhammad Ali quan sát rằng những cuộc chiến giữa các quốc gia là để thay đổi bản đồ. Và, ông ta là người biết chiến đấu như thế nào. Ấy thế mà có nhiều cách tinh vi khác để thay đổi bản đồ. Hãy lấy trường hợp biển Nam Hải (tức biển Đông theo cách gọi của chúng ta – chú thích NVT) làm ví dụ: các quan chức Trung Quốc khăng khăng cho rằng phần lớn lãnh hải vùng biển này thuộc về Trung Quốc, và các bản đồ của Trung Quốc có xu hướng lồng những đường đứt đoạn để thể hiện quan điểm đó. Thế nhưng quan điểm của Trung Quốc không được bất cứ một tổ chức quốc tế nào công nhận. Tất cả các nước láng giềng cũng đều không công nhận bản đồ 9 đường đứt đoạn đó của Trung Quốc.
Sự việc đó có liên quan gì đến khoa học và tập san Nature? Không liên quan gì cả – ngoại trừ những tranh chấp về lãnh thổ, kể cả tranh chấp trên vùng biển Nam Hải, đang lan tràn trên những trang giấy của các tập san khoa học như Nature. Một xu hướng đáng ngại đang xuất hiện, đó là các nhà khoa học Trung Quốc lồng bản đồ đường lưỡi bò vào những bài báo khoa học của họ, với hàm ý nói rằng vùng biển bao bọc bởi 9 đường đứt đoạn là lãnh hải của Trung Quốc (Xem bài “Những câu chữ tức giận trên biển Đông“). Các nhà khoa học và công dân của các nước lân cận cảm thấy họ bị chọc tức bởi bản đồ đó. Có thể hiểu được sự tức giận của họ, bởi vì những bản đồ đó phần lớn chẳng có liên quan gì đến chủ đề bài báo mà các nhà khoa học Trung Quốc công bố. Việc lồng bản đồ đường lưỡi bò vào bài báo không phải là một phát biểu khoa học – đó là một phát biểu chính trị, và hình như các nhà khoa học Trung Quốc làm việc này theo chỉ thị của Chính phủ Trung Quốc. Đó là một yêu sách về chủ quyền lãnh thổ, và yêu sách này xuất hiện không đúng chỗ.
Khi nghiên cứu khoa học và chính trị pha trộn nhau, khoa học nên là một công cụ ngoại giao, chứ không phải công cụ cho xâm lấn lãnh thổ. Hợp tác khoa học vẫn có thể nẩy nở ngay cả trong môi trường chính trị thiếu thân thiện. Càng ngày càng có nhiều nhà khoa học Đài Loan hợp tác với các đồng nghiệp trong lục địa Trung Quốc, cho dù Bắc Kinh và Đài Bắc vẫn tiếp tục có những bất đồng ý kiến cơ bản về mối liên hệ đôi bên. Theo số liệu của Lou-Chuang Lee, người đứng đầu Hội đồng Khoa học Đài Loan, số bài báo khoa học hợp tác giữa các nhà khoa học Đài Loan và lục địa Trung Quốc tăng từ 521 bài vào năm 2005 lên 1,207 trong năm qua.
Những hợp tác như thế có hiệu quả xây dựng nền tảng cho việc nhận thức về những lợi ích chung giữa đôi bên, và hi vọng rằng sẽ hóa giải những khác biệt về chính trị. Ít ra, những hợp tác như thế giúp kiềm chế những gây hấn.
Vậy mà chính trị vẫn thường tìm ngõ ngách để xâm nhập vào khoa học. Một ví dụ là tháng Tám vừa qua, Ann-Shyn Chiang, giám đốc Trung tâm nghiên cứu thần kinh của Đại học Quốc gia Tsing Hua (National Tsing Hua University) ở Hsinchu, Đài Loan, ngạc nhiên khi nhận được thư của vị đồng nghiệp Yi Rao, một nhà khoa học thần kinh thuộc Đại học Bắc Kinh, đề nghị Chiang ghi tên quốc gia là “Taiwan, Trung Quốc” (thay vì Taiwan). Chiang cho Rao biết rằng hoặc là dùng “Taiwan” hay “Taiwan ROC” (tức Republic of Trung Quốc), hoặc Rao không đứng tên tác giả của bài báo. Cuối cùng thì hai người cũng đi đến một thỏa thuận. Họ đồng ý dùng chữ “Taiwan, Republic of Trung Quốc”. Những tranh chấp trên vùng biển Nam Hải, với tiềm năng tài nguyên và ý nghĩa địa chính trị của nó, sẽ khó mà giải quyết một cách dễ dàng.
Liên quan đến vấn này và các tranh chấp các quốc tế khác, quan điểm của tập san Nature là các nhà khoa học nên dựa vào khoa học. Các tác giả nên cố gắng phi chính trị hóa những bài báo, bằng cách tránh những nhận xét mang tích kích động, những phát biểu gây gỗ, và những bản đồ còn trong vòng tranh cãi. Trong trường hợp không loại bỏ được những điều đó (chẳng hạn như một nghiên cứu về tài nguyên quốc gia cần xem xét đến một hải đảo nào đó) thì bản đồ đó nên được ghi chú rằng “under dispute” ( tức “còn trong vòng tranh cãi”) hoặc một mô tả có ý nghĩa tương tự. Trong các bài báo trên tập san Nature, các biên tập có quyền lồng vào những ghi chú như thế, nếu tác giả không ghi chú. Tránh tranh cãi, các nhà nghiên cứu có thể giữ cho khoa học khỏi bị lây nhiễm bởi chính trị, và giữ cánh cửa hợp tác khoa học rộng mở, và những nghiên cứu của họ có ích. Hơn thế nữa, các nhà nghiên cứu cũng có thể giúp xoa dịu những căng thẳng chính trị, chỉ ra con đường đôi bên cùng có lợi và làm một công việc ngoại giao có ý nghĩa.
Các nhà khoa học, dù xuất phát từ phía nào, cũng có nhiều lợi ích chung. Nhiều nhà khoa học trên thế giới bị làm cho bất ổn có thể hiểu sâu sắc phát biểu đó. Thật là vô duyên nếu tình đoàn kết này bị làm xói mòn qua những động thái chính trị và tranh chấp lãnh thổ chẳng có liên quan gì đến khoa học.
Xem thêm bài viết về sự kiện này trên trang của TS Lê Văn Út tại đây
Chú thích: Nature là một tạp chí tổng quát, có thể nhận đăng bài trong tất cả các lĩnh vực. Và tạp chí này chỉ nhận đăng những kết quả mang tính khám phá, những phát minh lớn. Những người có bài đăng trên tạp chí này, cũng như Science, thường có cơ hội nhận được giải thưởng cao trong khoa học (ngày hôm qua tôi được biết Viện Hàn Lâm Phần Lan đã yêu trong hội đồng khoa học của họ làm một so sánh về số lượng bài đăng của Phần Lan trên hai tạp chí Science và Nature với các nước trong khu vực Bắc Âu). Chỉ số trích dẫn, impact factor, của Nature hiện tại là 36.104, xếp thứ 6 trong 7170 tạp chí của ISI (cao hơn Science 5 bậc).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét