LTS: Kinh tế khó khăn, giá cả lạm phát, lương thấp, tỷ lệ người thất nghiệp gia tăng là bối cảnh chung của các nước phát triển hiện nay. Nhưng những tập đoàn tư bản và các ngân hàng thương mại, những người trực tiếp gây ra tình trạng tồi tệ của nền kinh tế và gián tiếp bần cùng hóa người lao động thì không phải trả giá cho những việc làm của họ. Chỉ có người lao động đang trực tiếp nếm trải những khó khăn của nền kinh tế. Người lao động từ Mỹ cho đến các nước EU như Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Ý… đã đứng lên biểu tình phản đối sự bất công trong xã hội, trong đó nổi bật nhất và bất ngờ nhất là phong trào “Chiếm lấy phố Wall” diễn ra đã hơn một tháng qua ngay trên đất Mỹ. Nhiều nhà nghiên cứu thực tiễn khẳng định những yêu sách người lao động đặt lên bàn các nhà lãnh đạo như: yêu cầu phân phối của cải xã hội một cách công bằng, xây dựng một xã hội vì con người không phải vì lợi nhuận, thiết lập một xã hội do giai cấp công nhân và nhân dân lao động kiểm soát… chính là nguyện vọng xây dựng một xã hội xã hội chủ nghĩa. Để giúp bạn đọc có cái nhìn toàn diện về cuộc đấu tranh của nhân dân lao động Mỹ và các nước khác hiện nay trên toàn thế giới, Báo Sài Gòn Giải Phóng trân trọng giới thiệu loạt bài “Bản chất CNTB nhìn từ phong trào Chiếm lấy phố Wall: Vì lợi nhuận hay vì con người?”.
Bài 1: Người lao động phản đối bất công
Cuộc biểu tình của người lao động ở thành phố New York với tên gọi: “Hãy chiếm phố Wall” nhằm mục đích chấm dứt sự thao túng của các thể chế tài chính và các tập đoàn tư bản đối với nền chính trị đất nước, không chỉ là phản ứng của lực lượng lao động trước thất bại của chính quyền trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng kinh tế mà còn là sự vùng lên của nhân dân lao động chống lại những bất công trong xã hội tư bản, dù giới lãnh đạo và truyền thông Mỹ chưa thừa nhận sự thật này. Phản ứng của người lao động Mỹ lần này khác với với cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Vào thời điểm đó, họ nhẫn nại chờ đợi các giải pháp của chính phủ. Đa số những người bị tịch biên nhà cửa vì không còn tiền để trả nợ ngân hàng, đã lặng lẽ ôm đồ đạc ra đường, chỉ một số ít phản kháng nên mới có bức ảnh đoạt giải bức ảnh thế giới 2008, miêu tả một cảnh sát với súng lăm lăm trong tay đi vào ngôi nhà vừa bị tịch biên. Một số ít quá thất vọng đã tự kết liễu cuộc đời mình.
Họ cũng rải rác biểu tình phản đối kế hoạch cứu trợ của chính phủ dành cho các ngân hàng vỡ nợ và các tập đoàn kinh tế lớn với khẩu hiệu: Hãy cứu lấy người lao động chứ không phải cứu các nhà tư bản giàu sụ. Tại Anh, Pháp, người lao động âm thầm xếp hàng rồng rắn xin việc làm ở các trung tâm giới thiệu việc làm, nhẫn nại tiết kiệm chi tiêu với hy vọng các chính phủ sớm có giải pháp khôi phục kinh tế.
|
Người biểu tình với khẩu hiệu: “Chiếm lấy phố Wall” vì một thế giới tốt hơn. |
Giờ đây, người lao động Mỹ không còn âm thầm chịu đựng nữa. Cuộc biểu tình của người lao động ở New York, và hiện đã lan ra toàn nước Mỹ, cho thấy họ đã vùng lên, đối đầu trực tiếp với chính quyền. Người biểu tình phẫn nộ, không chỉ vì 1% người giàu chiếm giữ 99% số tiền ở phố Wall, mà còn vì cơ chế đã tạo ra sự bất công đó.
Trong bài viết đăng trên số đầu tiên của “Tạp chí Wall Street bị chiếm đóng” của những người biểu tình “Hãy chiếm phố Wall” thực hiện, nhà báo Chris Hedges, viết: “Hoặc bạn đứng lên theo cách duy nhất mà chúng ta có thể làm, cách được xem là bất tuân dân sự, để ngăn cản sự cướp bóc của tầng lớp tội phạm ở phố Wall và sự phá hủy nhanh chóng hệ sinh thái đang nuôi dưỡng con người, hoặc trở thành người thụ động trước những tội ác khủng khiếp. Hoặc là bạn nếm trải, cảm nhận và hít thở bầu không khí tự do và nổi loạn, hoặc là bạn chìm trong sự tuyệt vọng và sự thờ ơ. Hoặc bạn là kẻ nổi dậy hoặc là một nô lệ”.
“Aristotle đã dạy dân chủ là khi người nghèo khổ chứ không phải những người sở hữu nhiều tài sản trở thành những người cai trị. Đó là cái nhìn cổ xưa nhưng rất sâu sắc, có thể không có nhiều người biểu tình biết, nhưng khái niệm chiếm phố Wall đã tiềm ẩn một cuộc đấu tranh hướng tới thay đổi nước Mỹ, từ một nền chính trị bị kiểm soát bởi các trùm tư bản trở thành một nền dân chủ đại diện David C. Johnston, nhà báo đoạt giải Pulitzer” |
Báo New York Times của Mỹ phỏng vấn rất nhiều người biểu tình và đa số họ khẳng định: chúng tôi cần một thế giới khác, không phải thế giới mà ở đó các tập đoàn tư bản có tất cả và thâu tóm cả chính phủ. Đạo diễn điện ảnh nổi tiếng Michael Moore, người đã làm bộ phim Chủ nghĩa tư bản: Câu chuyện tình, khẳng định tại Đại học Georgetown ở thủ đô Washington rằng, nguồn gốc của cuộc khủng hoảng hiện nay chính là chủ nghĩa tư bản thế kỷ 21. Và ông là một trong những người tham gia tích cực vào cuộc biểu tình.
Lúc đầu cuộc biểu tình của họ không gây được chú ý của công luận, nhưng sau hai tuần, với những khẩu hiệu: “Chúng tôi là nhân dân”, “Chúng tôi là 99%” (nhấn mạnh tỷ lệ 99% nắm giữ 1% tài sản và 1% dân số nắm giữ 99% tài sản), cùng với công cụ mạng xã hội, họ đã thu hút được sự chú ý của cả nước, đặc biệt là giới trí thức. Họ cũng hy vọng cuộc biểu tình sẽ lan rộng ra toàn quốc. Theo báo chí Mỹ, đây là cuộc biểu tình có tổ chức với quy mô lớn. Và quan trọng, dư luận thế giới đang nhìn vào sự vụ này để xem thái độ của Chính phủ Mỹ như thế nào.
Nhà báo đoạt giải Pulitzer David Cat Johnston viết trên trang web Truthdig, cho rằng cuộc biểu tình hãy “Chiếm lấy phố Wall” không giống bất cứ cuộc biểu tình nào ông từng chứng kiến ở Mỹ trong suốt 40 năm qua và lý do của nó cũng khác rất nhiều. Điểm khác biệt là cuộc biểu tình ở phố Wall tập hợp lực lượng lao động, đặc biệt là tầng lớp thanh niên trí thức, dưới khẩu hiệu: “Các ngân hàng đã phá hủy nước Mỹ, hãy chấm dứt sự thao túng của giới tài phiệt đối với nền chính trị của Mỹ”. Nhà báo Mỹ Nicholas Kristof, người từng đưa tin về các cuộc nổi dậy từ Cairo cho đến Morocco, đã so sánh phong trào biểu tình ở Mỹ mà chính ông cũng gọi là “cuộc nổi dậy mới nhất” với các cuộc nổi dậy ở các nước Arập và khẳng định: điểm giống nhau chính là chỗ, có một làn sóng thất vọng của giới trẻ đối với hệ thống chính trị và kinh tế mà người biểu tình coi như đang đổ vỡ, tham nhũng, vô trách nhiệm và không đáp ứng nguyện vọng nhân dân, không bảo vệ quyền lợi của người lao động. Những người biểu tình ở New York và khắp nơi trên nước Mỹ, đặc biệt khi họ chấp nhận trải qua những tháng giá lạnh cho đến mùa xuân của năm bầu cử hoặc nếu cảnh sát được ra lệnh chấm dứt cuộc biểu tình trong bạo lực, thì những điều đó sẽ bảo đảm rằng, cuộc biểu tình sẽ còn lan rộng hơn nữa. Cuộc biểu tình cho thấy dấu hiệu một sự thay đổi lớn trong nền chính trị nước Mỹ bằng việc tạo một điểm chung giữa các tầng lớp nhân dân khác nhau.
Những nhận định trên của Johnston thật sự là lời kêu gọi người dân Mỹ đứng lên chấm dứt hệ thống chính trị phục vụ giới tư bản và thiết lập hệ thống chính trị phục vụ cho nhân dân. Nhiều nhà nghiên cứu thực tiễn khẳng định, đó chính là bản chất cơ bản của chế độ XHCN. Nhưng đối với người Mỹ, hàng chục năm sống trong sự tuyên truyền của truyền thông tư bản rằng, chế độ XHCN là bức màn sắt, không dân chủ, đàn áp, họ không có cơ hội hiểu hết bản chất của chế độ XHCN.
Nhà báo Jack Hood của World Socialist Web Site đã phỏng vấn rất nhiều thanh niên Mỹ tham gia biểu tình ở Sacramento, nơi từng nổi tiếng là thành phố lều bạt trong năm 2009, khi hàng chục ngàn người bị các ngân hàng đuổi khỏi nhà và phải sống trong các lều bạt. Đa số họ đều khẳng định mình đã đặt nhiều hy vọng vào đảng Dân chủ và ông Obama nhưng giờ đây họ biết rằng phép màu của “Ông già Noel” không có thật. Họ cho rằng trong thực tế, chính ông Obama và hai đảng Cộng hòa cùng Dân chủ đang tấn công vào tầng lớp lao động, nên dù đảng nào vào Nhà Trắng trong cuộc bầu cử năm tới cũng không thay đổi được gì. Jack Hood kết luận trong bài viết của mình: Ảo tưởng về đảng Dân chủ sẽ dẫn đến sự thất bại và sụp đổ của cuộc biểu tình “Chiếm lấy phố Wall”, chỉ có phong trào XHCN của quần chúng được tổ chức chặt chẽ chống lại CNTB mới có khả năng chấm dứt những bất công đã đưa đến phong trào biểu tình “Chiếm lấy phố Wall”.
Bài 2: Quốc sách chỉ dành cho giới chủ tư bản. VIỆT TRUNG |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét