Thứ Sáu, 21 tháng 10, 2011

GS HÀ MINH ĐỨC SẮP ẴM CÚ ĐÚP GIẢI THƯỞNG HỒ CHÍ MINH

Nhớ lại thời đi học phổ thông, phải đọc thêm bao nhiêu tài liệu tham khảo về thơ văn Hồ Chí Minh, Tố Hữu..., trong đó nhiều bài viết của các GS Hà Minh Đức, Phan Cự Đệ (hồi đó nước mình chưa có chức danh GS)... Đọc mà thấy sao các ông ấy tán giỏi thế, chả bù cho thầy giáo dạy văn của mình, chẳng biết cách ca tụng như mấy GS trên nên thầy phải vung chân vung tay diễn giải hoặc nói kiểu "cả vú lấp miệng em" để làm cho học trò tin. (tất nhiên, tôi cũng thích thơ văn Hồ Chí Minh, Tố Hữu nhưng...). Rồi 1 hôm tình cờ nói chuyện với một nhà toán học, ông cười bảo toàn đám "đại đại bồi bút ấy mà". Nhà toán học này còn liệt kê một danh sách các "đại đại bồi bút đương đại"; chẳng biết đúng hay sai nhưng cũng thú. Sau này mỗi khi đọc một bài báo, bài văn ca ngợi nhân vật nào đó, mình tự nhiên nghĩ ngay đến tác giả báo báo, bài văn đó thuộc dạng gì: Bồi bút hay đại đại bồi bút.
GS HÀ MINH ĐỨC SẮP ẴM CÚ ĐÚP GIẢI THƯỞNG HỒ CHÍ MINH 
GS. Hà Minh Đức sắp được hai giải thưởng Hồ Chí Minh
 về một công trình không phải khoa học, cũng không phải văn học
Trần Mạnh Hảo

Trong danh sách các tác giả được giải thưởng văn học Hồ Chí Minh năm 2011 (HCM), do http://lethieunhon.com đưa, thấy giới thiệu về GS. Hà Minh Đức như sau: “Cụm tác phẩm thơ văn báo chí Hà Minh Đức, cụm tác phẩm văn hóa nghệ thuật”. Như vậy, G.S. Hà Minh Đức sẽ được giải thưởng văn học Hồ Chí Minh toàn bộ tác phẩm của mình.
Nếu thơ của GS. Hà Minh Đức được giải thưởng văn học HCM thì đấy là một cách tốt nhất để hạ bệ các nhà thơ từng được giải này như: Tố Hữu, Huy Cận, Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Nguyễn Bính… Vả, nếu thơ của GS. Hà Minh Đức được giải văn học HCM, chắc chắn sẽ tạo tiền đề cho thơ của các ông Hồng Vinh, Trần Gia Thái giật giải văn học HCM đợt sau (vì thơ hai ông Vinh và Thái đều đã được ông Hữu Thỉnh bốc thơm).

Trong bài viết này, chúng tôi xin phê bình cuốn giáo trình của GS. Hà Minh Đức: “Một nền văn hóa văn nghệ đậm đà bản sắc dân tộc với nhiều loại hình phong phú” để chứng minh nó không phải là tác phẩm văn học, cũng không phải là tác phẩm mang tính khoa học, sao lại được hai giải thưởng văn học HCM, khoa học công nghệ HCM ?

Trước khi vào bài viết, xin quý bạn đọc tham khảo tin GS. Hà Minh Đức sẽ được hai giải thưởng HCM trong năm 2011 này: giải văn học và giải khoa học công nghệ cho cùng một công trình (cùng những cuốn sách). Đây là thông tin của báo Văn hóa online:

Về thông tin: “Một tác giả được đề nghị xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh ở cả hai lĩnh vực VHNT và KHCN” (17/10/2011) 

VH- Sau khi Báo Văn Hoá số 2063 ra ngày 7.10.2011 đăng tin: “Một tác giả được đề nghị xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh ở cả hai lĩnh vực VHNT và KHCN”, nhiều bạn đọc đã gọi điện về toà soạn đề nghị cho biết rõ hơn về trường hợp của GS Hà Minh Đức như tin đã đưa. 

Đa số các câu hỏi xoay quanh vấn đề: “Cùng một tác giả có 3 công trình trùng nhau trong đề cử giải thưởng ở 2 lĩnh vực khác nhau như vậy có đúng với quy định hay không?...”. 

Để có cơ sở trả lời bạn đọc, phóng viên Văn Hoá đã liên lạc với đại diện Bộ KHCN - cơ quan thường trực của Hội đồng cấp Nhà nước xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về Khoa học và Công nghệ năm 2010. Trả lời về vấn đề này, ngày 15.10.2011, đại diện Vụ Khoa học Xã hội và Tự nhiên- Bộ KHCN cho biết đã báo cáo về trường hợp của GS Hà Minh Đức lên Chủ tịch Hội đồng cấp Nhà nước xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về Khoa học và Công nghệ năm 2010 là TS Nguyễn Quân- Bộ trưởng Bộ KHCN.
.
Ảnh - Những công trình của GS Hà Minh Đức được đề cử ở cả hai lĩnh vực 

Vị đại diện này cho biết, sau khi đối chiếu, so sánh danh mục các công trình được đề cử Giải thưởng Hồ Chí Minh ở 2 lĩnh vực công bố công khai theo quy định, đúng là có một số công trình của GS Hà Minh Đức được đề cử ở cả 2 lĩnh vực (đó là các công trình Sự nghiệp văn thơ Hồ Chí Minh; Báo chí Hồ Chí Minh, chuyên luận và tuyển chọn; Một nền văn hóa, văn nghệ đậm đà bản sắc dân tộc với nhiều loại hình nghệ thuật phong phú-P.V). 

Dự kiến, tuần này Hội đồng sẽ có cuộc họp xem xét về trường hợp này- vị đại diện này cho biết. 

P.V 
Cùng những cuốn sách (công trình), sao tác giả Hà Minh Đức lại xin xét giải thưởng ở hai nơi, ở hai hội đồng: khoa học công nghệ và văn học để xin được giải thưởng HCM ?

Một tác phẩm mang tính khoa học công nghệ, hầu như không phải là tác phẩm văn học và ngược lại. Trừ những công trình, những cuốn sách có tính cắm mốc về giáo khoa văn học, về lý luận và phê bình văn học không chỉ thuần mang tính phổ biến kiến thức mà còn hấp dẫn với tính thẩm mỹ cao, đưa ra những phát hiện mới mẻ mang tính sáng tạo mới, khái quát cao có thể vừa là khoa học vừa là văn học. Những cuốn sách như vậy ở nước ta hơi bị hiếm, trừ một số công trình của GS. Dương Quảng Hàm, Hoài Thanh, Nguyễn Hiến Lê…

Xin quý bạn đọc cùng chúng tôi khảo sát cuốn giáo trình “Một nền văn hóa văn nghệ đậm đà bản sắc dân tộc với nhiều loại hình nghệ thuật phong phú” (NXB Khoa học xã hội -2005)
Tiêu đề cuốn sách này của GS. Hà Minh Đức là một mệnh đề của nghị quyết, được lặp đi lặp lại trong các nghị quyết của đảng cộng sản Việt Nam: “Xây dựng một nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc”:

“16. NGHỊ QUYẾT HỘI NGHỊ LẦN THỨ NĂM BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG ĐẢNG (KHÓA VIII) VỀ XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN NỀN VĂN HOÁ VIỆT NAM TIÊN TIẾN, ĐẬM ĐÀ BẢN SẮC DÂN TỘC - Số 03/NQ-TW ngày 16/7/1998” 

Cuốn sách 277 trang, gồm năm chương và một số bài báo lẻ của GS. Hà Minh Đức này nhằm triển khai tinh thần nghị quyết đảng trong văn hóa văn nghệ, chứng minh cho nghị quyết đảng về văn hóa là hết sức đúng đắn và sáng suốt vô cùng. Hầu như trong toàn bộ cuốn sách, GS. Hà Minh Đức chưa có một sự sáng tạo cá nhân, phát hiện những yếu tố mới mang tầm khái quát mới về văn hóa văn nghệ, mà toàn lặp lại những ý có sẵn trong nghị quyết, hoặc nhắc lại ý kiến những tác giả khác. Lối hành văn là lối viết giáo trình, khô khan, buồn tẻ, thậm chí nhạt nhẽo, viết ra cốt chỉ nhằm minh họa nghị quyết; ví dụ:

“Điều quan trọng nhất đối với một nền văn hóa là hai yếu tố TIÊN TIẾN và ĐẬM DÀ BẢN SẮC DÂN TỘC (chữ in hoa là chữ của nghị quyết đảng-TMH nhấn mạnh).Tiên tiến nói lên trình độ cập nhật, tiêu biểu, định hướng đúng đắn về tương lai, chất lượng hoàn thiện và cao đẹp của một nền văn hóa, cái thế chiếm lĩnh, vươn tới của văn hóa. Đậm đà bản sắc dân tộc nói lên đặc điểm bản chất của một nền văn hóa dân tộc, cái tương đồng và khác biệt đối với một nền văn hóa khác, tinh hoa và sự quy tụ của văn hóa dân tộc, sự tồn tại bền vững những giá trị riêng, không thể pha trộn, hòa lẫn với các cộng đồng khác. Nền văn hóa Việt Nam được xem là nền văn hóa có bản sắc. Ở một tiểu vùng mà văn hóa của một vài nước lớn dễ chi phối, o ép ảnh hưởng, và có xu thế đồng hóa bộc lộ rõ các quan hệ giao lưu ở các thời kỳ lịch sử, nhưng văn hóa Việt Nam vẫn tồn tại bền vững và có bản sắc”…(trang 11)…” Từ sau cách mạng tháng tám, khi nhân dân đã có ý thức sâu sắc về quyền làm chủ vận mệnh của mình và từng năm tháng thoát dần khỏi cảnh đói nghèo, thì cái tâm , cái thiện, cái mỹ ngày càng nảy nở trong cuộc sống. Người tốt việc tốt trở thành quen thuộc, phổ biến. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhạy cảm và sớm chỉ ra hướng động viên và giáo dục mọi người bằng những tấm gương người tốt việc tốt là có cơ sở xã hội và có căn cứ thuyết phục về đạo lý” (trang 63)….” Đường lối văn nghệ của đảng đã chỉ rõ phương hướng khai thác và tiếp nhận di sản văn hóa văn nghệ. Từ sau cách mạng, chúng ta bước đầu luận bàn vấn đề này. Hòa bình lập lại, những hình thái khai thác , phục hồi, cải biên vốn cổ được tiến hành với tinh thần nghiêm túc, khoa học. Tuy nhiên, nhiều vấn đề vẫn đang còn ở phía trước. Khôi phục truyền thống, nhưng khôi phục xong rồi sẽ phát triển chúng theo hướng nào, phát huy những giá trị truyền thống với thời hiện đại như thế nào ? Không tránh khỏi nhiều giá trị văn hóa truyền thống như bị đóng băng không phát huy được vào việc nâng cao nhận thức và cảm hóa người đọc hôm nay” (trang 215)… 
(hết trích)

Có thể nói, lối hành văn trong cuốn sách này của GS. Hà Minh Đức là lối hành văn báo chí, văn nghị quyết…không phải lối viết mỹ cảm đầy chất văn của một nhà lý luận phê bình văn học đúng nghĩa.

Nếu “công trình” “Một nền văn hóa văn nghệ đậm đà bản sắc dân tộc với nhiều loại hình nghệ thuật phong phú” mà được giải HCM về văn học, thì tất cả các nghị quyết đảng đều xứng đáng nhận giải văn học HCM.

Chúng ta thử tìm coi, nếu cuốn sách này của GS.Hà Minh Đức được giải HCM về khoa học công nghệ, liệu có xứng đáng không ?

Xét về khía cạnh khoa học nghĩa là ta cần xem xét những kết luận của tác giả có đúng không, có logic không?
Ở trang 17 và 18, tác giả viết: “Trên thế giới có những dân tộc hình thành từ nhiều ngàn năm lịch sử như Hi Lạp, La Mã, Ấn Độ, Trung Quốc, Việt Nam. Có dân tộc lịch sử chỉ mới hình thành vài trăm năm như Mỹ, Canada”.

Kiến thức sơ đẳng của GS. Hà Minh Đức ở chỗ này không ổn, khi GS. cho dân tộc Mỹ và Canada mới có lịch sử vài trăm năm nay. Nước Mỹ lập quốc vào ngày 4-7-1776 và nước Canada tuy lập quốc vào ngày 01-7-1867 nhưng người châu Âu: Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Anh, Ý…đã di dân từ châu Âu qua châu Mỹ từ đầu thế kỷ thứ 17. Như vậy là văn hóa châu Âu đã theo những người dân châu Âu đổ bộ qua lục địa mới này tới ngót 400 năm. Nói “lịch sử dân tộc Mỹ, Canada mới có 200 năm” là sai; vì rằng hai nước này là hai nước di dân, đa sắc tộc, lịch sử, văn hóa của họ phải tính từ thời Hi Lạp, La Mã mới đúng.

Trang 30, sách của GS. Hà Minh Đức nêu ra một mệnh đề theo chúng tôi là rất thiếu tính khoa học, khi ông viết: “Văn hóa phải có ích, phục vụ cho đất nước, cho nhân dân. Văn hóa văn nghệ không thể ở ngoài chính trị” 

Chính những quan niệm ấu trĩ này đã phần nào làm hỏng nền văn hóa văn nghệ Việt Nam đương đại.

Về những quan niệm Mao-ít sai lầm: “Chính trị là thống soái”…”“Súng đẻ ra chính quyền”, “mâu thuẫn luận”, “Trí thức không bằng cục phân”…“Văn nghệ phục vụ chính trị” của Mao Trạch Đông thời “văn nghệ Diên An” đã từng du nhập vào nước ta sau chiến dịch biên giới thu đông 1949-1950 … đã dần dần làm tha hóa nền văn hóa văn nghệ nước nhà.

Trước hết, theo quan điểm Mác-xít, quan niệm “văn nghệ phục vụ chính trị” của Mao Trạch Đông là một quan điểm phản động. Theo triết học Mác, văn hóa, văn nghệ, triết học, sử học, chính trị, khoa học, tôn giáo, đạo đức… đều là những hình thái ý thức xã hội, cùng nằm trên một mặt bằng có tên là thượng tầng kiến trúc. Những hình thái ý thức xã hội trên tuy có tương tác, tương hỗ với nhau, nhưng không phủ nhận nhau, không nuốt chửng hay bắt cóc nhau làm nô lệ. Bản thân văn học đã là một hình thái ý thức xã hội độc lập, sao lại bắt nó làm tôi đòi cho một hình thái ý thức xã hội khác là chính trị ?

Việc một số nhà cầm quyền bắt cóc hình thái ý thức xã hội có tên văn học nghệ thuật về làm tôi tớ cho nền chính trị chuyên chế của mình là một hành vi phản phản Mác-xít.

Cuốn sách này của GS. Hà Minh Đức in năm 2005, sau nền văn nghệ được ông tổng bí thứ Nguyễn Văn Linh cởi trói (1986) mười chín năm, mà sao giáo sư vẫn giữ quan niệm phi khoa học xưa cũ ? Thiết tưởng, chỉ cần quan điểm này làm tư tưởng chi phối cuốn sách của GS. Hà Minh Đức, thì việc người ta sắp trao cho giáo sư giải thưởng HCM về khoa học công nghệ sẽ càng chứng tỏ sự phản tác dụng của giải thưởng này.

Chính ra nên trao giải thưởng khoa học công nghệ Mao Trạch Đông cho GS. Hà Minh Đức vì giáo sư đã có công tôn vinh những luận điểm rất phản Mác-xít của Mao là khẩu hiệu trong Mao tuyển: “Chính trị là thống soái”…Văn nghệ phục vụ chính trị”. Ngay cả ở Trung Quốc lục địa, người ta đã dùng thực tế bác bỏ các tư tưởng Mao như vừa nêu trên. Chỉ còn mình GS. Hà Minh Đức và một vài vị khác “bảo hoàng hơn vua” ở Việt Nam, ở Bắc Triều Tiên là vẫn còn tôn sùng tư tưởng Mao Trạch Đông mà thôi.

Khi GS.Hà Minh Đức viết: “Văn hóa văn nghệ không thể ở ngoài chính trị”… là một mệnh đề phi khoa học, sao lại được trao giải thưởng HCM về khoa học công nghệ. Chúng tôi xin chứng minh.

Văn hóa là toàn bộ giá trị vật chất và tinh thần của con người sáng tạo ra trong hành trình lịch sử. Chính trị hóa toàn bộ sản phẩm vật chất và tinh thần của nhân loại, của dân tộc là một sự phỉ báng văn hóa. Nếu chính trị thò bàn tay cơ hội vào tôn giáo ngay từ thời khai sinh ra mỗi tôn giáo, thì nó đã đưa vua La Mã lên thờ chứ không phải thờ một người thợ mộc nghèo khổ, ít học đòi giải phóng nô lệ bằng tình thương là Chúa Jesus như bây giờ ; thì nó đã đưa vua Ấn Độ lên thờ, chứ không phải đưa một người hành khất đi tìm chân lý là Đức Phật lên thờ như hôm nay; thì nó đã đưa vua nước Sở lên thờ chứ không phải đưa Lão tử cưỡi trâu ngao du thiên hạ lên thờ như Đạo giáo… bên Trung Hoa…

Nếu triết học bị chính trị hóa từ thời cổ đại thì nhân loại không còn triết học nữa. 
Nếu nhân loại bị chính trị hóa đạo đức từ thời cổ đại thì không còn đạo đức nữa. 
Nếu sử học bị chính trị hóa thì không còn lịch sử nữa. 
Nếu tôn giáo bị chính trị hóa thì không còn tôn giáo nữa. 
Nếu các tập tục, thuần phong mỹ tục của dân tộc bị chính trị hóa thì không còn tập tục, không còn thuần phong mỹ tục nữa. 
Nếu nền giáo dục bị chính trị hóa thì không còn giáo dục nữa. 
Nếu pháp luật (hiến pháp) bị chính trị hóa thì không còn pháp luật (hiến pháp) nữa. 
Nếu tòa án bị chính trị hóa thì không còn tòa án nữa. 
Nếu nền báo chí bị chính trị hóa thì không còn nền báo chí chân chính nữa. 
Nếu luật sư bị chính trị hóa thì không còn luật sư nữa. 
Nếu đêm tân hôn bị chính trị hóa thì không còn đêm tân hôn nữa. 
Nếu đám ma bị chính trị hóa thì không còn đám ma nữa. 
Nếu đám giỗ bị chính trị hóa thì không còn đám giỗ nữa. 
Nếu thi ca bị chính trị hóa thì không còn thi ca nữa. 
Nếu đám cưới bị chính trị hóa thì không còn đám cưới nữa. 
Nếu tình yêu bị chính trị hóa thì không còn tình yêu nữa. 
Nếu một tâm hồn bị chính trị hóa thì không còn tâm hồn nữa. 
Nếu hành vi chăn gối bị chính trị hóa thì không còn chuyện chăn gối nữa…
Nói tóm lại, theo mỹ học Mác-xít, nếu CÁI ĐẸP bị chính trị hóa thì đó là CÁI ĐẸP VONG THÂN, tức không còn CÁI ĐẸP nữa.

Điều quan trọng nhất cho nước ta hiện nay là: 
NẾU CHÍNH TRỊ HÓA KINH TẾ THÌ KHÔNG CÒN KINH TẾ NỮA…

Thưa GS. Hà Minh Đức, chính nền kinh tế bị chính trị hóa toàn phần thời bao cấp đã đưa nước ta, dân tộc ta vào thời kỳ sắp chết đói. Từ năm 1986, đảng cộng sản Việt Nam phần nào cởi trói cho kinh tế, xóa bỏ dần khái niệm chính trị hóa kinh tế để cho nhân dân tự do làm kinh tế theo mô hình kinh tế thị trường (kinh tế tư nhân, kinh tế tư bản) nên dân ta mới thoát chết đói mà có tí cơm ăn, tí áo mặc, tí ô tôi đi, tí du lịch nước ngoài, tí cao ốc, tí ngân hàng, tí chứng khoán… đó thưa giáo sư…

Công cuộc giải phóng con người của chúng ta hôm nay chính là công cuộc giải phóng các giá trị tinh thần & vật chất thoát ra khỏi dây lòi tói chính trị mà học thuyết Mao-ít đã trói buộc bao năm. 

Khái niệm “Văn hóa… không thể ở ngoài chính trị” của giáo sư quả là đang chống lại con người đó thưa giáo sư. Chúng tôi chỉ xin dẫn ra một thí dụ: sinh hoạt đi tắm, đi toilet của con người vốn là một hành vi văn hóa. Thế thì thưa GS. Hà Minh Đức, xin giáo sư thử giải thích dùm thế nào là kiểu đi tắm, đi toilet chính trị và kiểu đi tắm, đi toilet phi chính trị ạ ?

Chao ôi, viết đến đây, chúng tôi mới nhớ đến và thương cho nhà thơ Tế Hanh thời Nhân văn giai phẩm; ông chỉ nói rằng thưa các đồng chí kính mến, theo Tế Hanh tôi thì cái bông hoa đẹp kia, ánh trăng rằm đẹp kia nằm ngoài chính trị ạ; rằng ai ngắm hoa, ngắm trăng cũng thấy thoải mái và nhẹ cả mình vì được cái đẹp làm sảng khoái ạ. Lập tức nhà thơ Tế Hanh bị đấu tố trong chi bộ toàn những trí thức lớn, nhà văn lớn như Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Công Hoan, Chế Lan Viên, Xuân Diệu… Đấu tố rằng, đồng chí Tế Hanh phát ngôn như vậy mà phi chính trị, phi giai cấp. Chỉ có bọn nhà giàu, bọn tư sản địa chủ bóc lột, bọn rửng mỡ như đám giòi bọ nhân văn giai phẩm kiểu Phan Khôi, Trần Dần, Nguyễn Hữu Đang, Hoàng Cầm, Lê Đạt, Thụy An, Phùng Quán, Sĩ Ngọc, Trần Duy… mới thấy hoa kia đẹp, trăng kia đẹp. Còn bần cố nông, còn giai cấp vô sản đang đói khổ thì căm thù hoa, căm thù ánh trăng vì nó không thể ăn cho đỡ đói được. Các đồng chí phải lên án bọn duy mỹ, bọn Nhân tính chung chung (tính người chung chung)… đều là bọn phản động…

Việc tuyệt đối hóa tính hữu ích của văn hóa văn nghệ như giáo sư đã viết: Văn hóa phải có ích…” là một nhận định chưa thể tất, nếu như giáo sư nghiên cứ kỹ mỹ học và mỹ học Mác-xít. Nói chung, trong phạm trù CÁI ĐẸP, thường hàm chứa cái có ích. Nhưng thái độ thực dụng quá mức trước cái đẹp là một thái độ làm tổn thương chính CÁI ĐẸP BẤT VỤ LỢI. Con người không phải khi nào thưởng thức cái đẹp cũng chỉ nhăm nhăm tìm cái có lợi. Người ta đọc một cuốn sách văn học không nhằm tìm một chân lý, tìm một nhận thức mới hay để được dạy bảo, được giáo dục mà cốt để giải trí. Một lối sống vu lợi, vị lợi là một lối sống khó tìm ra CÁI ĐẸP trong đời. 

Trang 70, sách của GS. Hà Minh Đức có đoạn viết: “Cái đẹp cũng phù hợp với lợi ích của dân tộc, lợi ích của cộng đồng và những người thân thuộc. Cái đẹp thoát ly, viển vông, mang tính chất nghệ thuật vị nghệ thuật cũng là xa lạ với tâm lý thưởng thức quen thuộc”

Thưa GS. Hà Minh Đức, khái niệm “nghệ thuật vị nghệ thuật” và khái niệm “nghệ thuật vị nhân sinh” là những khái niệm phi khoa học, xa lạ với mỹ học Mác-xít. Văn học nghệ thuật vốn là một hình thái ý thức xã hội do con người sáng tạo ra để phục vụ chính nó; nên nghệ thuật từ trong bản chất chẳng vị nghệ thuật, cũng chẳng vị nhân sinh. Việc dùng những nội hàm ảo tạo ra những khái niệm không có thật “nghệ thuật vị nghệ thuật”, “nghệ thuật vị nhân sinh” chính là phương cách hữu hiệu nhất đuổi nghệ thuật ra khỏi hiện tồn con người vậy. 

Trang 94, sách của GS. Hà Minh Đức, có đoạn viết: “Những tác giả văn xuôi tiêu biểu như Tô Hoài, Nguyên Hồng, Nguyễn Đình Thi vẫn tỏ ra sung sức, dồi dào bút lực khi trở về với mảng đề tài trước cách mạng tháng tám. Với cách suy nghĩ và nhận thức mới về cuộc sống của một thời kỳ lịch sử đã qua nhiều tiểu thuyết với kích cỡ lớn đã được xây dựng. Nguyên Hồng với bộ Cửa Biển, Nguyễn Đình Thi với Vỡ Bờ, Tô Hoài với Mười Năm đã đóng góp vào sự phát triển của tiểu thuyết những giá trị mới” 

Phải nghiêm túc mà nói với nhau rằng, ba cuốn sách của ba tác giả Nguyên Hồng, Nguyễn Đình Thi, Tô Hoài được GS. Hà Minh Đức ca ngợi trên đều là những cuốn sách minh họa chính trị thô thiển, thiếu hẳn tính hấp dẫn tức tính nghệ thuật. Những sáng tác của ba nhà văn lớn kể trên ra đời trước và sau năm sáu mươi thế kỷ trước, tức sau vụ “đánh” nhân văn giai phẩm. Quan niệm văn nghệ chính thống lúc đó được ông Hà Huy Giáp, Hà Xuân Trường, Hồng Chương, Phan Cự Đệ, Hà Minh Đức… cổ xúy là quan niệm nền văn học ta phải tuyệt đối mang tính đảng, tính giai cấp, tính nhân dân nên VĂN NGHỆ TA PHẢI TUYỆT ĐỐI KHÔNG CÓ TÍNH BI KỊCH. 

Khi xóa sổ bi kịch, xóa sổ nỗi buồn niềm đau, những quan niệm văn nghệ tả khuynh, ấu trĩ thời đó đã giết chết chính văn học nghệ thuật. Cho nên, khi những tác phẩm có nội dung bi kịch tí ti, có tố chất văn học hồi đầu những năm sáu mươi như “Sắp cưới” của Vũ Bão, “Vào Đời” của Hà Minh Tuân, “Mùa hoa dẻ” của Văn Linh, “Cái gốc” của Nguyễn Thành Long, “Mái nhà ấm” & “Con nhện vàng” của Châu Diên, “Trăng Sáng” & “Đôi Bạn” của Nguyễn Ngọc Tấn (Nguyễn Thi)… bị phê bình là tàn dư của nhân văn giai phẩm, bị tịch thu không cho phát hành… chính là cách để goodbye văn học đi chơi chỗ khác. 

Việc GS. Hà Minh Đức đến thế kỷ 21 rồi mà vẫn còn giữ nguyên xi quan niệm “văn nghệ phi bi kịch Mao-ít Hà Huy Giáp” để ca ngợi những cuốn sách thiếu tính nghệ thuật trên là một quan niệm vừa phi khoa học vừa phi văn học vậy. 

Nói tóm lại, cuốn sách “Một nền văn hóa văn nghệ đậm đà bản sắc dân tộc với nhiều loại hình nghệ thuật phong phú” của GS. Hà Minh Đức là một tác phẩm vừa thiếu tính khoa học vừa thiếu tính văn học. Trao giải thưởng văn học HCM, giải thường khoa học công nghệ HCM cho cuốn sách này thì giải thưởng danh giá kia sẽ không còn mang tính chính danh nữa.,.
Sài Gòn ngày 20-10-2011 
Trần Manh Hảo 

*Bài viết do Nhà thơ Trần Mạnh Hảo gửi trực tiếp cho NXD-Blog. Xin cảm ơn tác giả!
-----------

(Toquoc)- Trong nửa thế kỷ dạy đại học kết hợp với nghiên cứu văn học, báo chí, cả về mặt lý luận cũng như khảo sát thực tiễn lịch sử văn học và báo chí Việt Nam, Hà Minh Đức nổi bật lên với tư cách là một trong những chuyên gia hàng đầu của chuyên ngành lý thuyết và lịch sử văn học Việt Nam hiện đại.

GS. Hà Minh Đức
Hà Minh Đức sinh năm Ất Hợi, nhằm ngày 03/5/1935, tại quê nhà xã Vĩnh An, Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa, trong một gia đình khá giả, có truyền thống Nho học. Hòa bình lập lại, từ tháng 10/1954, Hà Minh Đức rời quê hương ra Hà Nội thụ học tại khoa Văn - Đại học Sư phạm Hà Nội. Tốt nghiệp Đại học (1957), ông được giữ lại Trường làm cán bộ giảng dạy tại khoa Văn, sau chuyển qua Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, từng giữ các cương vị Phó Chủ nhiệm khoa Ngữ văn rồi Chủ nhiệm khoa Báo chí của trường này (nay là Đại học khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội). Từ tháng 6/1995 đến tháng 2/2003, ông kiêm nhiệm trọng trách Viện trưởng Viện Văn học, Tổng biên tập Tạp chí Văn học.

Là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam (từ năm 1967), hội viên Hội Nhà báo Việt Nam, ông từng là Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn khóa III, Ủy viên Hội đồng Lý luận - Phê bình Hội Nhà văn Việt Nam (khóa V,VI), Ủy viên Ủy ban Giáo dục toàn quốc (từ năm 1998), Ủy viên Hội đồng Lý luận - Phê bình Văn học Nghệ thuật Trung ương (từ tháng 9/2003).
Trong nửa thế kỷ dạy Đại học kết hợp với nghiên cứu văn học, báo chí, cả về mặt lý luận cũng như khảo sát thực tiễn lịch sử văn học và báo chí Việt Nam, Hà Minh Đức nổi bật lên với tư cách là một trong những chuyên gia hàng đầu của chuyên ngành lý thuyết và lịch sử văn học Việt Nam hiện đại.
Với hơn 40 công trình nghiên cứu, biên soạn đứng tên riêng hoặc chủ biên đã xuất bản trong 50 năm qua (cuối năm 2004 đã được nhà xuất bản Giáo dục tuyển chọn vào bộ sách Hà Minh Đức tuyển tập gồm 3 tập, hơn 3.000 trang khổ lớn), Hà Minh Đức đã bao quát triển khai trên một diện rộng và tập trung đi sâu nghiên cứu nhận diện những đặc điểm cơ bản, các quy luật đặc thù, khuynh hướng chủ yếu chi phối quá trình hình thành, phát triển của văn học và báo chí Việt Nam trải dài suốt cả thế kỷ XX. Những công trình chuyên luận, các tập tiểu luận - phê bình, chân dung văn học... của Hà Minh Đức đã bộc lộ sự điềm đạm và niềm trân trọng khi ông khám phá các giá trị nơi tác phẩm tiêu biểu, những cách tân và đóng góp của các phong cách nghệ thuật văn chương đặc sắc, đa dạng thuộc các trào lưu, khuynh hướng, qua các thể loại viết bằng chữ Quốc ngữ: thơ trữ tình, truyện và ký, văn học kịch, văn lý luận phê bình.
Theo sự chín chắn của tư duy văn học, sự sung mãn của bút lực, trên lộ trình từng trải nghiên cứu khoa học của mình, Hà Minh Đức đã có được những công trình tâm huyết để đời, hàm chứa một logic khoa học văn chương bao dung mà chắc chắn, năng khiếu cảm thụ cái Đẹp sâu sắc, tinh tế với những tìm tòi phát hiện mới mẻ, lý thú. Có thể kể: Thơ và mấy vấn đề trong thơ Việt Nam hiện đại (1974); C.Mác, Ph.Ăngghen, V.I.Lênin và một số vấn đề lý luận văn nghệ (1982); Nam Cao - đời văn và tác phẩm (1986); Một thời đại trong thi ca (1996); Khảo luận văn chương (1997); Đi tìm chân lý nghệ thuật (1998); Sự nghiệp báo chí và văn thơ Hồ Chí Minh (2000); Văn chương, tài năng và phong cách (2001); Một nền văn hóa, văn nghệ đậm bản sắc dân tộc với nhiều loại hình nghệ thuật phong phú (2005); Văn chương và thời cuộc (2009).
Ngoài công việc giảng dạy, đào tạo, nghiên cứu, lý luận - phê bình văn học, Hà Minh Đức còn cho xuất bản 5 tập ký, 5 tập thơ trữ tình, hé lộ một phương diện khác của tài năng ông - một người cầm bút đa năng, giỏi quan sát kỹ lưỡng và hóm hỉnh, lịch lãm mà lãng mạn, tình tứ.
Hà Minh Đức được phong chức danh Giáo sư Ngữ văn (1991), danh hiệu nhà giáo Nhân dân, tặng thưởng Huân chương lao động hạng Nhất, Giải thưởng Nhà nước về nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn (2000), Giải thưởng Nhà nước về văn học - nghệ thuật (2001).
Nguyễn Ngọc Thiện

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét