Đối với các bà nội trợ, vấn đề kinh tế đáng quan tâm nhất là lạm phát. Theo cách nhìn nhận của họ, lạm phát đồng nghĩa với giá cả hàng hóa tăng cao. Họ không biết lạm phát thông thường hay lạm phát cơ bản khác nhau như thế nào, cũng không quan tâm đến cách giải thích của các chuyên gia về lạm phát.
Lạm phát thông thường, lạm phát cơ bản
Trong kinh tế học, thuật ngữ “lạm phát” được dùng để chỉ tình trạng giá cả hàng hóa, dịch vụ tăng so với cùng kỳ một năm trước đó, với giả thiết chất lượng hàng hóa, dịch vụ không thay đổi. Đây là lạm phát thông thường. Về thực chất, lạm phát đồng nghĩa với đồng tiền xuống giá mà nguyên nhân là cung lệch cầu (tiền nhiều hơn hàng). Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) hay được sử dụng để đo lạm phát, tức đo giá cả một số lượng lớn các loại hàng hóa, dịch vụ khác nhau bao gồm thực phẩm, lương thực, dịch vụ y tế... Việt Nam hiện chỉ đo giá của khoảng 400 mặt hàng, nhưng Mỹ thì tới 80.000 loại hàng hóa, dịch vụ. Lạm phát cũng là sự giảm giá của một đồng tiền so với các loại tiền tệ khác như USD so với euro hoặc yen.
Gần đây có một số người đề nghị áp dụng cách tính lạm phát cơ bản, tức chỉ số đo mức lạm phát không bao gồm một số mặt hàng dễ thay đổi giá như lương thực và năng lượng.
Nếu tính như thế, lạm phát cơ bản của Việt Nam chỉ từ 13-14% và lãi suất tiền gửi ngân hàng ở mức trên 14% đã có thể xem cao hơn mức lạm phát. Nếu ngân hàng áp dụng mức lãi suất này, người gửi tiết kiệm sẽ bị thiệt hại vì mức lạm phát thực tế họ phải gánh chịu cao hơn 14% rất nhiều, có thể đến trên 22% (tính theo năm).
Và có khả năng họ sẽ rút tiền khỏi ngân hàng để đầu tư vào các loại tài sản khác như vàng. Do đó, mục tiêu hút bớt tiền ra khỏi lưu thông để kiềm chế lạm phát của Chính phủ sẽ không đạt được.
Khái niệm lạm phát cơ bản ra đời từ những năm 1980. Ngân hàng trung ương một số nước như Mỹ, Canada, Nhật, Úc, New Zealand đã nghiên cứu và tính toán lạm phát cơ bản nhằm phục vụ cho việc đánh giá tác động của chính sách tiền tệ đối với nền kinh tế. Tuy nhiên, việc loại bỏ một số thành phần ra khỏi cách tính lạm phát thông thường không loại bỏ được ảnh hưởng của chúng đối với các hàng hóa khác.
Việc này còn vi phạm nguyên tắc thống kê vì không đảm bảo sự trung thực, khách quan. Tỉ lệ hàng hóa được loại bỏ ở Nhật, chẳng hạn, chỉ có 8% (loại bỏ thực phẩm không chế biến), trong khi Úc lại đến 49% (loại bỏ vay mua nhà, các loại hàng hóa, dịch vụ do Chính phủ kiểm soát như điện, khí đốt). Việc làm này mang tính chủ quan khá cao.
Hơn nữa, cách tính lạm phát theo kiểu cơ bản sẽ không phản ánh được sự ổn định của lạm phát, tức mức tăng giá người dân phải gánh chịu. Việt Nam đang sử dụng cách tính lạm phát thông thường. Như thế là đúng đắn vì phản ánh được thực chất của lạm phát.
Lạm phát xấu, lạm phát tốt
Trên thế giới từng xảy ra những trường hợp siêu lạm phát và điển hình là Đức trong đầu những năm 1920 với mức … 1.000.000.000.000%. Nếu đầu năm 1922, nắm giữ trái phiếu Đức trị giá 300 triệu Mác thì 2 năm sau, với số tiền đó, người sở hữu không mua nổi một viên kẹo.
Khi ấy, từng có người đem tiền bỏ trên xe đẩy đến cửa hàng và để quên ở ngoài nhưng kẻ cắp chỉ lấy xe, không lấy tiền. Nguyên nhân lạm phát ở Đức trong thời kỳ này là Chính phủ cho in quá nhiều tiền, trong khi sản xuất ngày càng giảm sút, hàng hóa khan hiếm.
Gần đây, quốc gia có mức lạm phát khủng khiếp nhất là Zimbabwe với tỉ lệ 231.000.000% (thống kê năm 2008). Nhân viên bán hàng hưởng lương 15 tỉ đô la Zimbabwe/tháng nhưng chỉ đủ để mua 20 quả trứng. Và nguyên nhân không khác gì trường hợp của Đức vào đầu những năm 1920.
Một số quốc gia đã thành công trong cuộc chiến chống lạm phát nhờ áp dụng các chính sách phù hợp. Vào những năm 1990, lạm phát tại Brazil, Peru, Argentina lên đến trên 500%. Chính phủ các nước Nam Mỹ này đã thực hiện cải cách ngân hàng trung ương để thể chế tài chính được tự chủ về chính sách tiền tệ. Mặt khác, chính phủ các nước đó còn cố gắng khắc phục tình trạng đô la hóa, ngăn ngừa khủng hoảng ngân hàng. Nhờ thế, lạm phát giảm xuống và kinh tế được phục hồi.
Một số quốc gia như New Zealand, Thụy Điển, Mexico, Colombia lại đối phó với lạm phát bằng chính sách lạm phát mục tiêu, tức ngân hàng trung ương công bố mục tiêu định lượng cho tỉ lệ lạm phát trong một hay vài thời kỳ, nhằm ổn định giá cả. Đây là kiểu chính sách tiền tệ được cụ thể và lượng hóa.
Hiện nay, lạm phát của Việt Nam lên cao hơn nhiều so với các quốc gia khác trong khu vực như Thái Lan, Singapore hoặc Malaysia. Để đối phó, Chính phủ đã thực hiện một số biện pháp, trong đó có tăng lãi suất ngân hàng, nhưng vẫn chưa thực sự phát huy hiệu quả. Lãi suất cao chỉ giúp giảm lạm phát được một phần. Cần phải tính đến các giải pháp trước mắt lẫn lâu dài, kết hợp chính sách tiền tệ với chính sách tài khóa. Muốn giảm mạnh hơn nữa thì phải thực sự cắt giảm đầu tư công, các khoản chi thường xuyên, giảm bội chi ngân sách và sử dụng vốn đầu tư hiệu quả hơn. Đồng thời cũng cần nâng cao năng lực sản xuất nhằm tạo ra nhiều hàng hóa hơn cho thị trường. Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan từng nhận xét: “Chi tiêu công của Việt Nam trong những năm vừa qua ở một tỉ lệ khá cao và là một trong những nguyên nhân gây ra lạm phát”.
Lạm phát cao quả là mối bận tâm hàng đầu của mọi chính phủ bởi nó đẩy lùi mọi nỗ lực tăng trưởng của nền kinh tế và khoét sâu thêm tình trạng đói nghèo.
Tuy nhiên, lạm phát ở mức độ vừa phải có thể mang lại một số lợi ích. Theo James Tobin, nhà kinh tế Mỹ đoạt giải Nobel, lạm phát ở mức độ vừa phải có thể làm tăng đầu tư cho nền kinh tế, nhờ vậy tăng trưởng sẽ cao hơn hoặc đạt được thu nhập ổn định hơn. Nó còn làm cho tiền lương giảm, khuyến khích giới doanh nhân mở rộng sản xuất, qua đó tạo thêm công ăn việc làm, kéo tỉ lệ thất nghiệp giảm xuống.
Đối với Việt Nam, một nước có nền kinh tế đang tăng trưởng, theo thiển ý, mức lạm phát thông thường khoảng 7-8% là phù hợp. Có thể xem lạm phát như huyết áp. Huyết áp cao quá thì không tốt mà thấp quá cũng không hay.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét