Giấc mơ đẹp cho những năm tới:
Nâng giá trị đồng tiền Việt Nam
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhấn mạnh quyết sách này trong báo cáo trình bày tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa 13, sáng 20/10.
Thủ tướng khẳng định Chính phủ phấn đấu quản lý có hiệu quả thị trường bất động sản, thị trường chứng khoán, thị trường vàng và ngoại hối. Từng bước giảm tỷ lệ cấp vốn cho đầu tư phát triển từ hệ thống ngân hàng thương mại, tăng tỷ trọng huy động vốn từ thị trường chứng khoán và trái phiếu doanh nghiệp.
Đồng thời, Chính phủ cũng sẽ có nhiều cơ chế chính sách để những ngân hàng có điều kiện phát triển, mở rộng phạm vi hoạt động, đủ sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế; kiểm soát chặt chẽ nợ xấu, đảm bảo thanh khoản và an toàn cho hệ thống ngân hàng thương mại.
Thủ tướng nhấn mạnh, về chỉ tiêu lạm phát, Chính phủ phấn đấu kiềm chế lạm phát dưới 10% trong năm 2012, các năm sau thấp hơn và đến năm 2015 lạm phát chỉ còn khoảng 5 -7%.
Đối với chỉ tiêu tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP), Chính phủ phấn đấu năm 2012 tăng 6 - 6,5%. Trong đó, để chủ động ứng phó với diễn biến phức tạp của tình hình và tập trung cho nhiệm vụ ổn định kinh tế vĩ mô, Chính phủ đề nghị điều hành theo phương án tăng trưởng khoảng 6%, khi có điều kiện thuận lợi sẽ phấn đấu để đạt 6,5%.
Trong giai đoạn 5 năm 2011 – 2015, tăng trưởng GDP bình quân khoảng 6,5 - 7%. Thủ tướng nhấn mạnh: phấn đấu đạt 7%.
Các chỉ tiêu về bội chi ngân sách, nợ công, xuất nhập khẩu... cũng được người đứng đầu Chính phủ đưa ra trước Quốc hội.
Cụ thể, về bội chi ngân sách, Chính phủ phấn đấu trong năm 2012, bội chi ngân sách bằng 4,8% GDP, các năm sau giảm dần để đến năm 2015 giảm xuống còn 4,5%. Đặc biệt, Chính phủ phấn đấu đến năm 2015, nợ công chỉ vào khoảng 60- 65% GDP.
Tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2012 dự kiến tăng khoảng 12 -13% so với năm 2011, nhập siêu 11,5 - 12% tổng kim ngạch xuất khẩu. Phấn đấu đến năm 2015, nhập siêu khoảng 10%.
Thủ tướng cũng khẳng định, ngoài những chỉ tiêu cụ thể, trong thời gian tới sẽ chỉ đạo các bộ, ngành tập trung quyết liệt vào ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế.
Chính phủ cũng ưu tiên nguồn lực thực hiện ba đột phá chiến lược và tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh và mở rộng thị trường.
Mục tiêu tổng quát của năm 2012 là ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng ở mức hợp lý gắn với mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế...
Trao đổi về các chỉ tiêu kinh tế- xã hội năm 2012, đại biểu QH, TS Cao Sỹ Kiêm cho rằng giải pháp ưu tiên trong điều hành kinh tế- xã hội năm 2012 là tiếp tục thắt chặt tiền tệ và tài khóa, tìm cách nâng hiệu quả của nền kinh tế, tăng cường quản lý, giám sát để hạn chế rủi ro, thất thoát. Đầu tư cho vùng nghèo, khó khăn để đảm bảo ổn định xã hội. Điều quan trọng là phải tạo lập được lòng tin trong điều hành. Tiếp theo là chuẩn bị những yếu tố cơ bản để giải quyết những vấn đề vững chắc, lâu dài.
Do vậy, nhiệm vụ trọng tâm là phải ép lạm phát xuống. Ổn định kinh tế vĩ mô, giữ mức tăng trưởng hợp lý vẫn là nhiệm vụ hàng đầu. Sau đó, mới tính đến tái cấu trúc nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng trong lâu dài.
Theo TS Cao Sỹ Kiêm, thị trường chứng khoán và bất động sản ảm đạm nhất trong năm 2011. Chắc chắn lối thoát để giải quyết sự ảm đạm này là phải nghiêm túc xử lý và làm cho lành mạnh. Chứ không thể bơm “thuốc” vào.
Bản thân thị trường đã có yếu tố rủi ro, mà chúng ta không “phẫu thuật” lại cứ xoa thuốc từ bên ngoài thì sẽ tăng nguy cơ bất ổn. Chúng ta phải chấp nhận đau đớn, hy sinh để giải quyết nếu thị trường mang tính đầu cơ cao, rủi ro lớn. Chắc chắn hai thị trường này chưa khởi sắc được ngay.
Để giải quyết khó khăn của doanh nghiệp, TS Cao Sỹ Kiêm cho rằng, đây là lĩnh vực cần cơ cấu lại, tập trung vào các tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Phải giải quyết những yếu tố rủi ro và nâng hiệu quả sử dụng đồng vốn lên. Những doanh nghiệp khác nếu yếu kém cũng phải cho phá sản. Đây là cơ hội để cơ cấu tại hệ thống doanh nghiệp.
Ngoài ra, cần cơ cấu lại việc phân bổ nguồn vốn. Đưa nguồn vốn vào những nơi có hiệu quả, tạo ra nhiều việc làm, thu nhập, tạo ra nhiều hàng để cân đối lại tiền.
Theo TS Cao Sỹ Kiêm, Hội nghị T.Ư 3 vừa kết thúc đã bấm đúng nút lỗ hổng là tư duy nhiệm kỳ, nhóm lợi ích. Mối quan hệ chằng chịt làm cho đồng vốn dàn trải, hiệu quả của nền kinh tế thấp.
Dư địa để thực hiện các chính sách cụ thể đã hạn chế lắm rồi. Về tài chính, không thể tăng nợ công và bội chi ngân sách được nữa. Ngân hàng cũng không thể tăng dự trữ bắt buộc được nữa. Nếu nhập siêu tiếp tục tăng thì nền kinh tế ngày càng bị phụ thuộc, cán cân thanh toán, thương mại bị ảnh hưởng. Do vậy, dư địa để chuẩn bị đã gần cạn kiệt, cần hành động để thoát ra.
Thanh Anh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét